|
"HÃY CẦM ĐÈN CHÁY SÁNG…"
Anh chị em thân yêu,
Chuyện xưa kể rằng:
Một buổi chiều mùa đông lạnh giá, có một cặp vợ chồng trẻ tới gõ cửa các quán trọ tại Belem. Giữa lúc mà hầu hết khách hồi hương từ viễn xứ trở về Belem đều là những người giàu có, những vương, hầu, khanh tướng, hay ít ra cũng có "máu mặt", vì tất cả đều là tôn thất của vua David trở về quê cha đất tổ mà ghi danh sổ bộ... Cặp vợ chồng trẻ này coi thảm hại và lạc lõng. Chàng trai dáng điệu oai phong, đầu cao mắt sáng, ánh lên nét hiền hòa nhẫn nhục, nhưng quần áo thì tầm thường nói lên thân phận dân giả, chẳng có mùi vị màu sắc gì là hoàng tộc cả. Còn nàng, nét mặt kiều diễm, ánh mắt dịu hiền thăm thẳm như đang chìm vào một thế giới nào khác, không để ý tới cái nhìn tò mò, dò xét, rồi những cái lắc đầu, với đôi tay xua đuổi phũ phàng.
Dân Belem không thể có được một ý niệm gì rằng người thiếu phụ trẻ đang mang thai đó lại là chính bậc mẫu nghi của vũ trụ và ngài đang trịnh trọng ôm ấp một kho tàng tuyệt đối cần thiết cho hạnh phúc của cả nhân loại...
Họ chối từ không đón nhận một vị Thiên Chúa ẩn thân trong dạng thức phàm nhân Chính vị Thiên Chúa làm người đó có lần kể cho nhân loại một câu chuyện rằng:
"Nước Trời giống như 10 nàng trinh nữ cầm đèn để đón chàng rể, theo phong tục Do Thái. Dĩ nhiên các cô phải lo chuẩn bị dầu đèn cho cẩn thận. Năm cô khôn ngoan đã dự trù và mang thêm dầu phòng khi bất trắc, còn năm cô khác ỷ y chỉ cần có đẻn là đủ. Rốt cuộc chàng rể lại đến trễ. Thế là có 5 cây đèn thiếu dầu và lúc đó các cô khờ khạo này chạy đi kiếm dầu giữa đêm, thì chàng rể không thể chờ và đành khởi đầu cuộc rước với 5 cô khôn ngoan. Cửa đóng lại đằng sau họ, cắt đứt liên hệ với những kẻ lơ đễnh bổn phận của mình...".
Chính Ngài đã kết luận bằng một lời khuyên răn: "Chúng con hãy thắt lưng và chong đèn sáng. Hãy làm như người đợi chủ nhà đi dự tiệc cưới về và mở cửa ngay..." (Luca 12.35). Dĩ nhiên Chúa không cần nói lại điều này cho dân Belem hay dân Do Thái để bảo họ chờ đón Ngài, một Đức Giêsu lịch sử. Cơ hội ngàn năm của họ đã đi qua và không bao giờ trở lại nữa.
Nhưng con cháu họ và tất cả nhân loại cần nghe lời nhắn nhủ này, vì sẽ còn những lần Chúa sẽ đến gặp họ. Lần gặp gỡ quan trọng nhất là lần Tái Lâm cuối cùng. Mỗi Thánh lễ, chúng ta thường nói lớn: "Chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho đến khi Chúa lại đến".
Chính ra việc Chúa đến trong vinh quang để khen thưởng kẻ lành và xét tội kẻ dữ cách long trọng và công khai này là một niềm an ủi, hãnh diện cho mọi kẻ lành. Nhưng phần lớn tâm tình tôn giáo từ trước tới nay vẫn có vẻ e dè sợ sệt. Mỗi lần hát kinh "Libera me..." sau lễ mồ, là mỗi lần ta thấy xốn xang theo dòng nhạc bình ca như nức nở "...Trong ngày kinh khủng ấy, lúc Chúa đến lấy lửa hồng xét xử gian trần...". Ngày đó còn được gọi là ngày tận thế, với một viễn ảnh ghê gớm trong biến cố khủng khiếp làm tiêu tan trái đất và tiêu diệt mọi người. Ai cũng ngán nên cũng hay có kẻ lợi dụng.
Đêm 28/10/92 vừa qua, từ Đại Hàn đến Mỹ và Úc một số tín đồ của một giáo phái đã tin theo lời của một nhà giảng thuyết, theo đó Chúa Giêsu sẽ đến vào lúc 1 giờ sáng hôm đó để rước những kẻ sẵn sàng chờ đợi Ngài. Thế là hàng trăm tín đồ đã bán nhà cửa bỏ tiền vào một chương mục... đặc biệt và tụ tập một nơi, để rồi phải bẽ bàng thất vọng và mất luôn niềm tin vốn đã quá lơ mơ.
Chính Chúa đã nói rồi. Ngài không đến với chiêng trống cờ biểu đón tiếp râm ran như vậy đâu. Ngài sẽ đến, vừa bất ngờ như sự chết, vừa âm thầm và ẩn dấu như cuộc sống cá nhân hàng ngày. Như vậy muốn gặp Ngài trong ngày vinh quang thì phải chuẩn bị gặp Ngài thường xuyên trong cuộc sống thường nhật. Theo kiểu của Ngài thì "hãy cầm đèn cháy sáng trong tay và sẵn sàng như đầy tớ giữ nhà chờ chủ đi ăn cỗ về".
Một ngày kia, trong khi xếp dọn hồ sơ, giấy má trên bàn, viên thư ký của tổng thống Kennedy tìm thấy một mảnh giấy có ghi mấy dòng chữ của chính tổng thống như sau: "Tôi biết có một vị Thiên Chúa và tôi nhìn thấy một cơn giông bão đang tới. Nếu Ngài dành cho tôi một chỗ, tôi tin rằng tôi đang sẵn sàng".
Sẵn sàng làm nhiệm vụ trong cơn giông bão của cuộc sống là một đức tính cao cả. Vậy chờ đón Chúa trước hết là một thái độ sẵn sàng dấn thân.
Tôi đã nghe Chúa nói: "Ta sẽ sai ai đây?". Và tôi đã đáp lời: "Xin Ngài cứ sai con, con sẽ ra đi". (Isaia 6:8). Sẵn sàng đón Chúa cũng là mở rộng cõi lòng sống tám mối phúc thật, nhất là thể hiện 14 mối thương người. Bởi vì trong ngày tính sổ, Chúa sẽ đánh giá những hành động bác ái của ta cho bất cứ kẻ đói, khát, nghèo, khổ nào, đều là cho chính Ngài. Ngài cũng lên án mọi sự vô tâm không thực hiện những hành vi bác ái như một trọng tội bất trung bất nghĩa với chính Ngài.
Cách nay ít chục năm, có một người đọc báo và rất khích động vì có một bài điếu văn dành cho mình, do một sự lầm lẫn, khích động vì bài điếu văn đã tả ông ta như một người từng tận tụy suốt đời sản xuất các vũ khí giết người. Ngay sáng hôm đó ông quyết định sẽ chuyển hướng cuộc đời và từ nay sẽ dồn mọi nỗ lực cho Hòa Bình và sự tốt đẹp của thế giới. Người đó là Alfred Nobel, người sáng lập ra giải Nobel Hòa Bình, một phần thưởng cao quý nhất hiện nay trên thế giới.
Có thể chúng ta không biết người ta sẽ nói gì về ta sau khi ta chết. Có lẽ nên tạo điều kiện theo chiều hướng nào ta muốn. Nhưng quan trọng hơn vẫn là Chúa sẽ nói gì với ta khi gặp ta? Cả kẻ lành và dữ đều ngạc nhiên và hỏi lại Chúa một câu: "Có bao giờ con thấy Chúa đói, khát, trần truồng hay tù đầy mà không giúp Chúa đâu?".
Nhưng câu trả lời thì khác hẳn cho hai hạng người tùy họ có "SẴN SÀNG ĐỂ GẶP CHÚA" trong cuộc sống này không? Ngài đang ở chung quanh chúng ta và đang chờ đợi và chờ đợi.
Thân ái. |
|