|
Năm Sửu Nói Chuyện Trâu
 Sau khi năm Mậu Tý chấm dứt, thì đến năm Kỷ Sửu được bàn giao từ giờ giao thừa bắt đầu giữa đêm chủ nhựt , 25-01-2009 để cầm tinh đến 24 giờ đêmthứ bảy13-02-2010.
Năm Kỷ Sửu này cũng thuộc hành Hỏa và mạng Tích Lịch Hỏa tức Lửa Sấm Sét, năm này thuộc Âm, có can Kỷ thuộc mạng Thổ và có chi Sửu thuộc mạng Thổ. Căn cứ theo luật thuận hạp hay khắc kỵ của Ngũ Hành, thì năm này "Can tương hòa Chi" Bởi vì, Can = Thổ và Chi = Thổ.
Trường hợp này, giống như các năm Kỷ Mùi (1919-1979-2039-2099) có Can Chi tương hòa lại có cùng mạng Thổ giống như năm Kỷ Sửu này hoặc là các năm Nhâm Tý (1912-1972-2032-2092) có Can Chi tương hòa đều có cùng mạng Thủy. Vì vậy, người hay năm Kỷ Sửu này xem như tổng quát rất thuận lợi, bởi vì Trời Đất được giao hòa nhau, không khác trong nhà có đôi vợ chồng sống rất hạnh phúc vậy, cho nên có thể nói là năm được thăng tiến từ vật chất đến tinh thần được vững chắc trong sự nghiệp tương lai. Được biết năm Sửu vừa qua là năm Đinh Sửu thuộc hành Thủy, nhằm ngày thứ sáu, 07-02-1997 đến 27-01-1998.
Căn cứ theo Niên Lịch Cổ Truyền Á Đông xuất hiện được minh định quảng bá từ năm thứ 61 của đời Hoàng Đế bên Tàu, bắt đầu năm 2637 trước Công Nguyên, cho nên chúng ta lấy 2637 + 2009 = 4646, rồi đem chia cho 60 thì có kết quả Vận Niên Lục Giáp thứ 77 và số dư 26 năm bắt buộc rơi vào Vận Niên Lục Giáp thứ 78 bắt đầu từ năm 1984 cho đến năm 2043. Do vậy, năm Kỷ Sửu 2009 này là năm thứ 26 của Vận Niên Lục Giáp 78.
Năm Sửu tức Trâu cũng là Ngưu, cho nên trong bàn dân thiên hạ cũng thường nhắc nhở luôn trong sinh hoạt xả hội hằng ngày, từ đó mới có những từ ngữ liên quan, xin trích dẫn như sau :
Sửu là con Trâu đứng hạng thứ 2 của 12 con vật trong Thập Nhị Địa Chi, vì lớn con kình càng, lại còn mang cặp sừng trên đầu nên không thể sánh bằng con Chuột lanh lợi nhỏ con đến trước.
Giờ Sửu = là giờ từ 01 giờ đến đúng 03 giờ sáng hôm sau.
Tháng Sửu = là tháng Chạp của năm âm lịch.
Hoàng Ngưu = Hỏa Ngưu = con Bò.
Thủy Ngưu = Con Trâu.
Ngưu Dương = Trâu Dê.
Ngoài ra, chúng ta còn thấy cây cỏ mang tên Ngưu, xin trích dẫn như sau :
Ngưu hoàng = Vật vàng vàng mà cứng ở trong cái mật con Bò, người ta dùng để làm thuốc trị phong đàm.
Hắc Sửu = là loại cây bìm bìm lông, hột nó đen, dùng để làm thuốc trị hạ nhiệt.
Ngưu bàng tử = Hột cây muồng hoè để làm thuốc trị ghẻ.
Ngưu tất = Rễ cỏ xước dùng để làm thuốc trị chứng bịnh đau gân cốt.
Khiên Ngưu = Loại dây hắc sửu, dùng để làm thuốc trị hạ nhiệt.v.v.
Đặc biệt, có những Ca Dao, Tục Ngữ và Thành Ngữ, xin trích dẫn như sau:
Trâu Bò ở với nhau, quen chuồng quen chỏi ( cây chắn ngang ở cửa chuồng)
Người ở với nhau lâu, inh ỏi đủ điều
Trâu kia kén cỏ bờ ao,
Anh kia, không vợ đời nào có con.
Người ta con trước con sau,
Thân anh không vợ như cau không buồng.
Cau không buồng như tuồng cau đực,
Trai không vợ cực lắm anh ơi!
Người ta đi đón về đôi,
Thân anh đi lẻ về loi một mình.
Mất Trâu thì lại mua Trâu,
Những quân cướp nó có giàu hơn ai.
Trâu Bò được ngày phá đổ,
Con cháu được ngày giổ ông.
Nhịn thuốc mua Trâu,
Nhịn trầu mua ruộng.
Muốn giàu, nuôi Trâu cái,
Muôn lụn bại, nuôi Bồ Câu... (Ca Dao).
Trâu chậm uống nước đục.
Trâu ngơ ăn cỏ héo.
Trâu lành không ai mặc cả (trả giá để mua).
Trâu ngả lắm kẻ cầm dao.
Trâu đạp cũng chết, Voi đạp cũng chết.
Trâu hay ác thì Trâu vạt sừng.
Trâu bịnh cũng bằng Bò khoẻ.
Trâu toi thì Bò ngả.
Trâu lấm vẩy quàng.
Trâu trắng đi đâu mất mùa đến đấy.
Trai mười bảy, bẻ gãy sừng Trâu.
Thân Trâu lo, thân Bò liệu.
Có ăn có chọi mới gọi là Trâu.
Thở hơn Trâu hạ địa (Trâu bịnh lâu ngày).
Mua Trâu vẽ bóng.
Máu đâu, Trâu đó.
Không có Trâu, bắt Bò thế, (đi đẩm).
Thà chết vũng chân Trâu, hơn chết khi dĩa đèn.
Tham bong bóng bỏ bọng Trâu.
Thật thà lái Trâu.
Thở như Trâu Bò mới vực (tập kéo xe hay cày bừa)
Trâu Bò húc nhau Ruồi Muổi chết.
Trâu cày, Ngựa cởi.
Trâu chết chẳng khỏi rơm.
Trâu chết mặc Trâu, Bò chết mặc Bò.
Trâu cột ghét Trâu ăn.
Trâu đồng nào ăn cỏ đồng ấy.
Trâu già đâu nệ dao phay.
Trâu nghiến hàm, Bò bạch thiệt (lưỡi trắng).
Trâu tìm cột, cột chẳng tìm Trâu.
Dắt Trâu chui qua ống.
Ngưu tầm Ngưu, Mã tầm Mã.
Thọ hóa thanh Ngưu.
(Cây lâu năm hoá thành Trâu xanh)... v.v. (Thành Ngữ).
Con Trâu là đầu cơ nghiệp... v.v (Tục Ngữ).
Xuyên qua Ca Dao, Tục Ngữ và Thành Ngữ có liên quan đến Trâu đã dẫn ở trên kia, chúng ta không thể ngừng ở đây, mà còn thấy rất nhiều sách viết về những huyền thoại Trâu, xin trích dẫn để quý bà con đồng hương nhàn lãm như sau :
Trâu là gia súc, loài nhai lại, trên đầu có cặp sừng hình vòng cung, nó chính là người bạn chân thành của những nhà nông từ xa xưa, đã từng đổ mồ hôi, sót con mắt trên luống cày hay bừa trên thửa ruộng, để cho có những hạt lúa, nương khoai nuôi dưỡng gia đình tộc Việt chúng ta. Ngày nay, nhờ cơ giới hóa có máy cày thay Trâu, nên Trâu bớt cơ cực hơn ngày xưa. Đối với thời xưa, dân tộc mình xem Trâu là một trong ba việc hàng đầu căn bản cho gia đình và xã hội cần phải sắm, cho nên trong dân gian thường nhắc nhở như sau :
Tậu Trâu, lấy vợ, làm nhà
Trong ba việc ấy lọ là khó thay!
Ngoài ra, đất nước chúng ta là nông nghiệp, cho nên trong dân gian cũng thường nhắc đến Chồng cày, Vợ cấy, con Trâu đi bừa trên đồng ruộng. Đó chính là hình ảnh thân quen của những nông gia, có đời sống rất chất phát, cần cù lại êm đềm và hạnh phúc trong sự phân công giữa người và Trâu, xin trích dẫn như sau đây:
Rủ nhau đi cấy, đi cày,
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu,
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày, vợ cấy, con Trâu đi bừa.
hoặc là :>
Trâu ơi, ta bảo Trâu cày,
Trâu ra ngoài ruộng, Trâu cày với ta,
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây, Trâu đấy ai mà quản công,
Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng Trâu ăn.
Khi viết về cái Cày và con Trâu, tôi lại nhớ trong ngạn ngữ (Proverbe) Pháp cũng có câu như sau : Mettre la charrue devant les bœufs (Đặt cái cày trước con Trâu). Ý nói, bất cứ việc gì chúng ta đừng bao giờ làm việc trái đời, ví như đặt cày cái trước con Trâu, thì không thể thực hiện để thành công được.
|
|