|
Lược Sử Thánh Địa Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, viết và dịch theo tin tức liên tục của CNN và Zenit, cách riêng tài liệu The Land of Conflict của CNN

1000 BC - Vương Quốc Do Thái: Vào cuối thiên kỷ thứ hai trước Chúa Kitô Giáng Sinh, Moisen dẫn dân Do Thái ra khỏi nước Ai Cập để đến “Đất Hứa” là Canaan. Vào đầu thế kỷ 12 BC, miền này đã bị dân du mục Philistines chiếm cứ khoảng 150 năm. Có những lúc người Hy Lạp và Rôma đã gọi miền này là “Đất của Người Philistines” và tên gọi Palestine được phát xuất từ đó. Dân Do Thái đã thành lập vương quốc của mình dưới thời vua Saolê vào khoảng năm 1020 BC. Đền thờ Giêrusalem được xây cất và hoàn thành vào đời vua thứ ba của vương quốc Do Thái là Solomon. Đến độ năm 950, tức sau đời vua Solomon, thì vương quốc Do Thái trở thành hai nước: nước Israel có thủ đô là Samaria, và nước Giuđa có thủ đô là Giêrusalem.

312 AD - Kitô Giáo và Thánh Địa: Qua các thế kỷ, Palestine bị các đế quốc cai trị, như đế quốc Ba Tư, Babylon, Assyria, Hy Lạp và Rôma; đế quốc cuối cùng kéo dài tới cả thời của Chúa Giêsu. Vào năm 312 sau Chúa Kitô Giáng Sinh, Hoàng Đế Rôma Constantine trở lại Kitô giáo, và Giêrusalem trở thành mục tiêu hành hương của Kitô hữu. Truyền thống cho rằng Chúa Giêsu bị đóng đanh và chôn táng ở địa điểm Ngôi Thánh Đường Mồ Thánh ở Giêrusalem bây giờ.

691 – Ngôi Đền Hồi Giáo ở Giêrusalem: Những người Ả Rập Hồi Giáo, dưới quyền lãnh đạo của Umar đã chiếm Palestine vào năm 640, và vào năm 691 đã xây cất một trong những đền thờ linh thánh nhất của Hồi Giáo ở đó là Ngôi Vòm Đá, ngay ở vị trí của Ngôi Đền Do Thái đã được vua Solomon xây cất ở Giêrusalem trước kia. Di95a điểm này được chọn để xây đền thờ Hồi Giáo vì chỗ ấy được tin rằng là nơi tiên tri Mohammed về trời.

1516 – Đế Quốc Ottomans: Mảnh đất Thánh Địa tranh chấp giữa Do Thái và Palestine này được chấm dứt vào năm 1291 khi đám nô lệ hiếu chiến Mamluks nổi dậy lất đổ những nhà cầm quyền Ai Cập và thiết lập triều đại trong vòng 260 năm ở Trung Đông. Sau đó, họ bị những người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman lật đổ và chiếm Palestine gần 300 năm.

1882 – 1897 – Phong Trào Quốc Gia: Để phản ứng trước tình trạng càng ngày càng tăng về việc chống lại giống dân Semitism (cả Do Thái lẫn Ả Rập) ở Âu Châu vào cuối thế kỷ 19, một số người Do Thái Âu Châu có uy thế đã thành lập một phong trào gọi là Zionism (Do Thái Phục Quốc) với mục đích để tái thiết quê hương Do Thái ở Palestine. Trong những năm trước Thế Chiến I (1914-1918), những nhà Phục Quốc Do Thái thiết lập được 12 thuộc địa ở Palestine giữa một thành phần dân chúng hầu hết là Ả Rập và Hồi Giáo. Nhiều cuộc định cư của người Do Thái đã xẩy ra ở phần đất mua được từ những người Ả Rập. Phong trào quốc gia bấy giờ cũng bắt đầu nổi lên để chống lại việc thống trị của người Thổ Nhĩ Kỳ.

1917 – Arhtur J. Balfour: Sau Thế Chiến I, Hiệp Vương Quốc (United Kingdom of Great Britain) kiểm soát Palestine và chấp nhận tư tưởng của Bộ Trưởng Ngoại Giao Arthur J. Balfour về “một ngôi nhà quốc gia” cho những người Do Thái. Hiệp Vương Quốc cũng hứa tôn trọng quyền lợi của những người không phải là Do Thái ở miền ấy, và cho phép các vị lãnh đạo Ả Rập được quyền tự trị. Tuy nhiên, chính vì thế mới có chuyện hiểu lầm tai hại là những người Ả Rập tưởng Palestine là một quốc gia độc lập của người Ả Rập là những gì không đúng với ý định của Hiệp Vương Quốc.

1920 – Đụng độ vũ khí: Hiệp Vương Quốc Anh bắt đầu cai trị Palestine năm 1920. Họ tuyên bố sẽ thiết lập một quê hương cho người Do Thái ở vùng này, thế nhưng quê hương này sẽ hiện diện ở Palestine và không bao gồm toàn xứ sở ấy. Bởi thế đã xẩy ra ngay trong năm nay những cuộc nổi loạn của người Ả Rập chống lại phong trào Phục Quốc Do Thái, và năm 1929, một cuộc tranh chấp về Bức Tường Than Khóc đã châm mồi cho cuộc nổi loạn nữa của người Ả Rập và gây nên một cuộc triệu tập Thánh Chiến Hồi Giáo. Kết quả là những người Do Thái bắt đầu tự vệ và cả hai bên gây ra những cuộc khủng bố tấn công nhau.

1937 – Đức Quốc Xã Nazi: Cuộc nổi dậy của Đức Quốc Xã ở Âu Châu đã tăng sức cho phong trào Phục Quốc Do Thái, và Hiệp Vương Quốc đã tăng con số di dân Do Thái về Palestine từ 5 ngàn vào năm 1932 lên 62 ngàn vào 3 năm sau đó. Sợ rằng những người Do Thái sẽ nắm quyền kiểm soát, những người Ả Rập đã bắt đấu thực hiện một loạt tấn công và tẩy chay. Một ủy ban của Hiệp Vương Quốc dự định là Palestine phải được phân chia thành nước Do Thái, Ả Rập và Hiệp Vương Quốc, một điều đã được thành phần Phục Quốc Do Thái ưng thuận không cần suy nghĩ. Thế nhưng những người Ả Rập bác bỏ tư tưởng này, cương quyết chống lại dự án thành lập một quốc gia Do Thái. Trong vòng 12 năm, từ 1933 đến 1945, thời gian tế thần (Holocaust) dân Do Thái, Adolf Hitler của Đức Quốc đã bách hại những người Do Thái và các đám dân thiểu số. Đức Quốc Xã đã sát hại khoảng 6 triệu người Do Thái trong khoảng thời gian ấy.

1939-1947 - Thế Chiến Thứ Hai: Các người Do Thái tị nạn từ cuộc bách hại để Tế Thần ở Âu Châu đã đổ về Palestine vào thời Thế Chiến Thứ II (1939-1945), khiến cho việc thành lập một quốc gia Do Thái lại càng trở nên khẩn trương. Những người Ả Rập thành lập Hiệp Hội Ả Rập như là một lực lượng chống lại phong trào Phục Quốc Do Thái. Vào năm 1947, Hiệp Chủng Quốc đã bỏ phiếu để phân chia Palestine thành hai quốc gia Ả Rập và Do Thái, trong đó nước Do Thái chiếm 55% lãnh thổ bên phía tây sông Dược-Đăng, còn Giêrusalem được ấn định là một khu vực quốc tế.

1948-1949 – Độc lập, chiến tranh và đình chiến: Bản tuyên ngôn của nhà lãnh đạo phong trào Phục Quốc Do Thái David Ben-Gurion ở Tel Aviv ngày 14/5/1948 công nhận Do Thái là một quốc gia độc lập đã châm mồi cho lực lượng đồng minh Ai Cập, Syria, Transjordan, Lebanon và Iraq thực hiện việc tấn công xâm chiếm nước Do Thái. Thế mà, sau 15 tháng, những người Do Thái chẳng những không bị thua mà còn nới rộng quyền lực của mình tới miền bắc Galilê và miền nam Negev. Việc đình chiến bảo đảm đã chia cắt Giêrusalem giữa Do Thái và Jordan, nhưng còn số mệnh của 400 ngàn người Ả Rập Palestine chạy loạn trong thời gian chiến tranh đang ở những lều trại gần biên giới không được giải quyết.

1956 – Cuộc chiến ở Sinai: Những cuộc săn bắt và nổi dậy giữa những người Ả Rập và Do Thái, cùng với việc Ai Cập chiếm Kinh Đào Suez đã khiến Do Thái xâm chiếm Đảo Sinai. Trong khi Pháp và Hiệp Vương Quốc kiểm soát kinh đào Suez thì Do Thái chiếm giải Gaza và Sharm el Sheikh ở mũi nhọn Đảo Sinai là chỗ kiểm soát ngõ ra vào Vịnh Aqaba và Ấn Độ Dương. Do Thái đã rút quân vào năm 1957 khi vịnh này được Liên Hiệp Quốc bảo toàn.

1959 – Al Fatah và PLO: Yasser Arafat và Abu Jihad (Khalil al-Wazir) thành lập Al Fatah, một từ ngữ viết tắt của Phong Trào Quốc Gia Giải Phóng Palestine (Palestine National Liberation Movement). Phong trào này phát triển nhanh chóng vào thập niên 1960 và trở thành một lực lượng lớn nhất và giầu nhất của phe Palestine. Vào năm 1969, Arafat trở thành chủ tịch của phong trào này PLO (Palestine Liberation Organization), một nhóm được thành lập từ năm 1964 như là một cái dù che chở cho những khối khác nhau đang tham chiến chống đánh Do Thái. Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu ban cho PLO vị thế làm quan sát viên ở Liên Hiệp Quốc vào tháng 11/1974.

1967 – Cuộc chiến 6 ngày: Vào Tháng 5/1967, Ai Cập đóng Vịnh Aqaba không cho tầu bè của Do Thái đi lại, và bắt đầu vận động lực lượng tấn công Do Thái. Syria và Jordan cũng tiến đến chỗ tấn công Do Thái. Để đối đầu, Do Thái đã tấn công họ. Từ ngày 5/6, không quân Do Thái đã phá hủy các máy bay của Ai Cập còn ở trên mặt đất. Được yểm trợ bởi không lực trên trời, các đoàn xe tăng và bộ binh của Do Thái đã chiếm đảo Sinai 3 ngày. Ngoài ra, Do Thái cũng làm chủ cả vùng Cao Nguyên Golan, miền Tây Ngạn Sông Dược-Đăng, bao gồm cả Cổ Thành Giêrusalem (là nơi sau này Do Thái chiếm cứ), và giải Gaza. Cuộc chiến này đã được chấm dứt vào ngày 10/6, nhờ Liên Hiệp Quốc can thiệp.

1970 – PLO bị đẩy lui: Những cuộc đụng độ bằng những loại súng cối giữa Do Thái và Palestine ở Jordan, cùng với những cuộc không tặc do các tay hiếu chiến Palestine gây ra, đã khiến cho người ta sợ rằng Jordan có thể sẽ bị PLO chiếm cứ. Quân đội Jordan đã đẩy lui PLO ra khỏi xứ sở của họ vào năm 1971, và PLO tái định quân tại Lebanon. Vào Tháng 9/1972, một nhóm hiếu chiến được gọi là Tháng Chín Đen đã giết chết 11 lực sĩ Do Thái tại Thế Vận Hội ở Munich Đức Quốc.

1973 – Cuộc chiến tranh Yom Kippur: Ai Cập và Syria cùng nhau tấn công Do Thái vào ngày 6/10 năm này, ngày lễ Yom Kippur của Do Thái. Iraq cũng tham gia cuộc tấn công ấy, và các quốc gia Ả Rập khác ra tay hỗ trợ cuộc tấn công. Bị đánh bất ngờ, Do Thái đã mất mấy ngày để lấy lại thăng bằng, với số tử thương nặng nề, nhưng đã đẩy lui được lực lượng tấn công. Thậm chí Do Thái đã đẩy lực lượng Ai Cập sang bên kia Kinh Đào Suez và chiếm vùng tây ngạn kinh đào này. Do Thái cũng chiếm những vùng lớn của lãnh thổ Syria trước khi các lực lượng Ả Rập đồng ý ngừng chiến do Liên Hiệp Quốc sắp xếp. Qua một loạt hiệp ước năm 1974, Do Thái đã đồng ý rút lực lượng của họ khỏi kinh đào Suez về lại Sinai và tiến đến chỗ ngừng chiến với Syria. Thế nhưng, cuộc chiến này đã làm cho Do Thái trở thành một quyền lực chủ chốt trong vùng.

1979 – Những hiệp ước Camp David: Ai Cập và Do Thái đã ký một hiệp ước hòa bình vào ngày 26/3 chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh xẩy ra giữa họ trong 30 năm qua. Để đáp lại việc Ai Cập nhìn nhận Do Thái có quyền hiện hữu, Do Thái đã trả lại cho Ai Cập Đảo Sinai. Hai nước này còn chính thức thiết lập ngoại giao với nhau nữa.

1982 – Cuộc chiến ở Lebanon: Chỉ sau ít tuần rút khỏi Sinai, những chiếc phản lực của Do Thái đã dội bom các thành trì của PLO ở Beirut và miền nam Lebanon bằng những cuộc săn đuổi trả đũa. Sau đó ít lâu, quân đội Do Thái đã xâm chiếm Lebanon và bao vây Beirut đang lưỡng lự thương thảo với PLO. Sau 10 tuần lễ hết sức trốn tránh, PLO đồng ý rời Beirut dưới sự bảo vệ của một lực lượng đa quốc và tại định quân ở các quốc gia Ả Rập khác. Giai đoạn này đã làm lũng đoạn vai trò lãnh đạo của PLO. Do Thái đã rút quân khỏi hầu hết ở Lebanon vào năm 1985, nhưng tiếp tục giữ một giải đất dọc theo lãnh thổ của mình do họ chiếm cứ vào năm 1978. Do Thái đã rút quân khỏi miền nam Lebanon vào tháng 5/2000.

1987 – Cách mạng Intifada: Sau 20 năm bị chiếm cứ, những người Palestine ở giải Gaza, vùng Tây Ngạn và Giêrusalem nổi loạn chống lại những người Do Thái. Những cuộc cách mạng này tiếp tục xẩy ra nhiều năm, và Yasser Arafat đã tuyên bố rằng PLO là chính phủ lưu vong của “Quốc Gia Palestine”. PLO chính thức công nhận quyền hiện hữu của Do Thái vào năm 1988. Tuy nhiên, trong những cuộc điều đình về hòa bình không có PLO.
(còn tiếp) |
|