Love Telling ThanhCaVN nhắn với ACE: Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, xin cho Linh hồn Cha cố Phêrô (Ns. Kim Long) được lên chốn nghỉ ngơi. Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen! Loan Pham nhắn với ACE: Giêsu Maria Giuse, con mến yêu xin thương cứu rỗi linh hồn Phê-rô Lm. Kim Long sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa. Amen Loan Pham nhắn với ACE: Hòa cùng với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam với sự ra đi của Lm. Kim Long là Nhạc sĩ quý mến của chúng ta...đó là sự thương xót mất mát rất lớn của Thánh Nhạc Việt Nam... chúng ta hãy cùng dâng lời nguy Loan Pham nhắn với Gia đình TCVN: Hòa cùng Giáo Hội Công giáo Việt Nam với sự ra đi vô cùng thương tiếc của Lm. Kim Long là nhạc sĩ Thánh Ca thân yêu của chúng ta... Chúng ta cùng dâng lời nguyện xin: Giesu Matia Giuse xin thương cứu rỗi linh ThanhCaVN nhắn với ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 18 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN THIÊN CHÚA. ThanhCaVN nhắn với ACE: Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, xin cho Linh hồn ĐTC Phanxicô được lên chốn nghỉ ngơi. Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen!

kết quả từ 1 tới 8 trên 8

Chủ đề: NỮ TU VIỆT NAM VÀ ƠN GỌI TRUYỀN GIÁO CỦA THẾ KỈ 21

Threaded View

  1. #3
    Rocky's Avatar

    Tham gia ngày: Apr 2008
    Tên Thánh: Phêrô
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Nơi tôi ờ là nhà
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 1,446
    Cám ơn
    630
    Được cám ơn 6,180 lần trong 1,245 bài viết

    Default

    Trích Nguyên văn bởi mattheudangdinhquyet
    THIÊN CHÚA, ĐẤNG CHUẨN BỊ CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO


    Trên các tấm thiệp báo tin mình sẽ chịu chức linh mục, các thầy phó tế thường dùng câu Lời Chúa:
    “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em…” (Ga 15,16).

    Bởi vì các vị ấy thấy rằng, câu Lời Chúa này thật quá thích hợp với mình, cũng đúng thôi, không phải chúng ta chọn Chúa, mà chính Thiên Chúa đã chọn chúng ta.

    Nhưng còn các nữ tu thì sao? Tôi cũng đã nhận nhiều tấm thiệp báo tin chị em sẽ khấn trọn đời (hoặc khấn lần đầu), nhưng thú thực, tôi chưa hề thấy qua câu Lời Chúa như trên nới các tấm thiệp báo tin vui của các nữ tu.
    Tại sao vậy?

    Có phải các nữ tu tự mình thấy không hợp với câu Lời Chúa đó hay sao? Hay tại các chị em quá khiêm tốn, hay tại câu Lời Chúa ấy không hay?

    Dù cho là lý do nào đi chăng nữa, thì tôi cũng đã chẳng thấy câu Lời Chúa trên nơi các tấm thiệp mời khấn dòng của các nữ tu, mà chỉ thấy thông dụng một vài câu, mà nơi các tấm thiệp báo tin khấn trọn (khấn lần đầu) của các nữ tu: “Này tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1,38) hoặc là câu: “Lạy Chúa nầy con đây” (Dt 10,7)...

    Đúng là các nữ tu Việt Nam của chúng ta khiêm tốn thật. Nhưng tại sao lại không dám viết câu Lời Chúa hay ho như vậy chứ, các nữ tu không phải là đã được Thiên Chúa tuyển chọn sao? Hay là chính các nữ tu đã chọn Chúa trước, rồi Chúa mới chọn các chị em sau?

    Làm nữ tu, khoác trên mình một bộ tu phục khác hẳn người đời, không phải là lập dị, nhưng là một dấu hiệu của một ơn gọi đặc biệt, ơn gọi nầy, cũng như ơn gọi làm linh mục đều giống nhau, chỉ khác công việc, nữ tu thì có bổn phận của nữ tu, nhưng dù khác bổn phận, khác chức vụ thì ơn gọi này vẫn giống nhau ở một điểm: thánh hóa bản thân và loan truyền Lời Chúa cho mọi người.

    Đất nước Việt Nam, sau 1975 vai trò của nữ tu ngày càng nổi bật hơn trong các lĩnh vực giáo dục, dạy giáo lý, công tác từ thiện, và đặc biệt trong công tác truyền giáo…

    Chính Thiên Chúa đã chuẩn bị cho các nữ tu Việt Nam một công việc to lớn vĩ đại hơn, trọng trách hơn và nguy hiểm hơn: đi ra khỏi chính môi trường quen thuộc của mình, như tổ phụ Abraham đã từ bỏ tất cả để ra đi đến nơi vùng đất mới, vùng đất hứa chảy đầy sữa và mật ong. Vùng đất mới của các nữ tu đây, không những đầy sữa và mật ong (kinh tế) mà còn là một cánh đồng đang cần những thợ gặt nhiệt tâm (truyền giáo) đến để thu hoạch cho đúng mùa, đúng vụ.

    Thiên Chúa, từ muôn thuở, Ngài đã chuẩn bị cho công việc truyền giáo hôm nay của các nữ tu Việt Nam; cũng như, từ muôn thuở, Ngài đã chuẩn bị, và đã chọn Đức Maria làm mẹ Đấng cứu thế, để đem ơn cứu độ cho nhân loại. Thiên Chúa đã chuẩn bị như thế nào, chẳng ai biết cả, ngay cả Đức Maria là người “trong cuộc” cũng chẳng hay biết gì, nhưng cho dù không biết, Đức Maria cũng đã biết vâng theo thánh ý của Thiên Chúa, khi Ngài mời gọi Mẹ cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài. Cũng vậy, chẳng một nữ tu Việt Nam nào nghĩ rằng, mình sẽ trở nên người truyền giáo cho các dân tộc, nghĩa là sẽ từ bỏ “quê cha đất tổ” để ra đi, đến một nơi hoàn toàn xa lạ đem tin mừng cho một dân tộc đã có ngàn năm văn hiến, và hơn ngàn năm khắc sâu “Tam tự kinh”, và “Tứ thư”[1] như một loại kinh thánh của họ. Vậy mà Thiên Chúa – nói theo cách của con người – đã âm thầm chuẩn bị nơi mỗi nữ tu những gì là cần thiết cho chương trình “lên đường”, đem ánh sáng tin mừng chiếu dọi vào nơi một xã hội mà ánh sáng điện “che lấp cả mặt trăng”, vật chất thì quá dư thừa, nhưng hết 98,5% dân số vẫn cứ “đói” lương thực hằng sống và đi trong “tối tăm”, vì không ai đem ánh sáng huy hoàng của Lời Chúa cho họ.
    Vậy Thiên Chúa đã chuẩn bị cho công việc truyền giáo như thế nào nơi mỗi một nữ tu Việt Nam, trong những tháng ngày cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai này.

    ******
    ƠN GỌI

    Hai ngàn năm trước, Maria, một cô gái làng quê Nadarét, đã thắc mắc với sứ mệnh mà Thiên Chúa –qua lời của sứ thần Gabriel- nói cho cô biết: sứ mệnh làm mẹ của Đấng Messia, vị cứu tinh nhân loại: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết việc vợ chồng!” (Lc 1, 35-37). Và sau khi nghe lời giải thích rõ ràng của sứ thần (Lc 1, 35-37) thì cô Maria mới thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38). Thế là hình thành một ơn gọi, ơn gọi làm mẹ, cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Và mùa vọng thứ nhất của thiên niên kỷ thứ nhất bắt đầu từ tiếng “xin vâng” ấy của Đức Maria, “Đấng đầy ân sủng” (Lc 1,28) của Thiên Chúa.

    Cũng vậy, “Thuở xưa, nhiều lần, nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã dạy chúng ta qua Thánh tử” (Dt 1, 1-2). Và thế là chấm dứt thời Cựu ước, để mở đầu cho thời đại của ân sủng, thời đại của Đức Kitô. Thời đại mà không còn những vị ngôn sứ lừng danh bởi làm nhiều phép lạ, thời đại mà những lời loan báo về cơn thịnh nộ, giận dữ của Thiên Chúa không còn nữa…Nhưng là thời đại của tình thương, của hòa bình, mà những vị tiên tri ấy không ai khác hơn, đó chính là những Kitô hữu, những người đã đón nhận bí tích Rửa Tội, họ là những ngôn sứ “tuyên xưng Đức Kitô đã chết, đã sống lại, và loan truyền việc Ngài lại đến trong vinh quang”.

    Các Kitô hữu nam nữ nầy, họ, có một số người cũng đã được Thiên Chúa tuyển chọn, không phải như Đức Maria được chọn làm mẹ Đấng cứu thế, mẹ Thiên Chúa; nhưng được chọn để dấn thân, để ra đi và phục vụ trong ơn gọi linh mục, tu sĩ. Những người mà tôi muốn nói đây, chính là các nữ tu Việt Nam và ơn gọi truyền giáo của họ.

    Thiên Chúa là Đấng toàn năng, vì thế, cách gọi mỗi người của Ngài cũng …toàn năng, ai cũng được mời gọi vào làm trong vườn nho của Ngài, nhưng cách gọi mỗi người thì không ai giống ai: có người được gọi vì muốn yêu Chúa cách trọn vẹn hơn, có người được gọi vì thích là..bà xơ cho oai, có người được gọi chỉ vì…thất vọng trong tình yêu...

    Đúng là…Thiên Chúa, và chỉ có Thiên Chúa mới có thể biến đổi những cái thích tầm thường ấy của con người, mà thánh hóa, ban ơn sủng để làm cho họ trở nên những con người loan báo Phúc Âm tuyệt vời của Ngài.
    Đức Maria, trước khi đáp lời “xin vâng” với vị đại diện của Thiên Chúa –sứ thần Gabriel- thì đòi phải có sự giải thích rõ ràng sứ mệnh mà mình sắp lãnh nhận, và suốt đời Mẹ đã suy tư, cầu nguyện và chu toàn bổn phận của mình cách tuyệt hảo. Mặc dù trong cuộc đời của Đức Maria, xét cho cùng –theo cách nhìn của con người- toàn là những chuỗi ngày đau khổ nhiều hơn là sung sướng, từ khi mang thai Đấng cứu thế, cho đến khi con mình chết trên thập giá. Thế nhưng, Đức Maria đã bảo vệ thành công hai chữ “xin vâng” cho đến…tận thế, nói đến tận thế là vì chữ “xin vâng” của Đức Maria, cho đến ngày hôm nay, vẫn có người thực hiện và nối tiếp mãi mãi cho đến…tận thế.

    Ơn gọi làm nữ tu cũng như thế, không phải đợi khi khấn (khấn lần đầu hay trọn đời) mới nói tiếng “xin vâng”, nhưng ngay từ khi “thích” làm nữ tu (bởi nhiều lý do) thì Thiên Chúa cũng đã thôi thúc, “nói to nói nhỏ” trong hoàn cảnh của cuộc sống, để chúng ta tự mình giải thích, tự mình chọn lựa và tự mình hình thành hai chữ “xin vâng” nho nhỏ trong tâm hồn, và chữ “xin vâng” này ngày càng lớn lên trong chúng ta, theo chúng ta qua những thăng trầm của cuộc sống, và cứ qua mỗi giai đoạn thử thách của hoàn cảnh bên ngoài (bị bề trên hiểu lầm, bị chị em chế nhạo, bệnh tật…) và những thử thách bên trong (bị cám dỗ vì những so sánh với cuộc sống ngoài đời, lạnh nhạt khi nguyện ngắm…) thì hai chữ “xin vâng” càng lớn gấp bội, lớn nhanh lớn mạnh, và những cái “thích” tầm thường ban đầu không còn nữa, nhường lại cho ơn gọi một vị trí xứng đáng hơn : vị trí làm một nữ tu truyền giáo.

    Ơn gọi truyền giáo này, chính Thiên Chúa đã chuẩn bị từ trước, mặc dù khi chúng ta thưa với Ngài: “Lạy Chúa, xin vâng”, nhưng Ngài chẳng nói năng gì cho công việc truyền giáo, Ngài cũng chẳng bàn hỏi gì với chúng ta cả, Ngài cũng chẳng nói con phải đi đây đi đó để truyền giáo…Ngài chỉ im lặng và chuẩn bị một chương trình truyền giáo cho cô nữ tu nhỏ bé đã can đảm nói tiếng “xin vâng” này.

    Thiên Chúa đã tạo dựng nên người phụ nữ, là để họ làm mẹ, vì thế, Ngài đã chuẩn bị tất cả từ tâm lý, sinh lý, tính tình và cả thân xác, để họ chu toàn chức phận làm mẹ, đây là việc tự nhiên của con người, hay nói cách khác, của Đấng tạo hóa, nói tự nhiên là vì hết thảy mọi phụ nữ trên mặt đất đều như thế. Cho nên cũng như tất cả các phụ nữ khác, các nữ tu cũng không ra ngoài sự tự nhiên ấy, cũng có những “năng khiếu” làm mẹ và đã được Thiên Chúa “đặt sẵn” trong họ. Và nếu cứ theo tính tự nhiên mà nói, thì…chẳng có gì để nói, nhưng các cô gái nầy đã không theo lẽ tự nhiên thường tình ấy của nhân loại, các cô đã vượt ra khỏi cái tự nhiên ấy để đi làm một công việc “ngược đời”, công việc của một “tôi tới hèn mọn” của Thiên Chúa. Nghĩa là, các cô đã đi theo tiếng gọi của tình yêu, không phải tình yêu nam nữ thường tình, mà là tình yêu của Thiên Chúa.

    Người ta thường nói, lấy vợ lấy chồng cũng là một ơn gọi –ơn gọi sống trong bậc hôn nhân- nhưng theo tôi –ngoài Đức Maria được gọi làm mẹ của Đấng cứu thế, không những là một ơn gọi, mà còn là một thiên chức- thì đời sống hôn nhân không phải là một ơn gọi, mà là một chức phận đã được Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người phụ nữ trên địa cầu là lẽ tự nhiên, người phụ nữ nào cũng như thế cả.

    Nhưng làm một nữ tu, nói đúng là ơn gọi, một ơn gọi đặc biệt mà trong trăm, ngàn người mới có một. Vậy, thế nào là ơn gọi đặc biệt?

    Khi tôi cùng các bạn đang trên đường đi về nhà sau buổi tan học (lẽ tự nhiên), tình cờ có người bạn gọi tôi theo họ (được gọi) để đi tham dự một buổi dạ hội, vì tính tò mò tôi đi theo (xin vâng nho nhỏ) và từ trên đường đi tôi luôn nghĩ đến nơi mà mình sẽ đến (suy tư, bàn hỏi) đến nơi tôi thấy mọi sự quá đẹp, quá hay và thích ở lại tham dự (xin vâng lớn dần), và thế là hình thành một ơn gọi trong tôi.

    Thiên Chúa đã “đặt sẵn” những cái cần thiết trong con người phụ nữ để họ làm mẹ, như tính tình khả ái, dịu dàng, bao dung, thích trẻ em, cần mẫn, dung nhan đẹp đẽ… Thế nhưng, Thiên Chúa không “đặt sẵn” những thứ cần thiết để làm nữ tu cho một phụ nữ, bởi vì –như đã nói- ơn gọi làm một nữ tu là một sự “ngược đời”, vì nó ngược đời, cho nên “không cần làm sẵn”, nhưng cái quan trọng hơn đó chính là sự đáp trả lời mời gọi ấy của Thiên Chúa cách tự do thong dong nơi các cô gái mạnh dạn nói tiếng “xin vâng”, thì chính Thiên Chúa sẽ đem những cái đã “đặt sẵn” để làm mẹ nơi cô gái ấy, biến thành những khí cụ, hổ trợ cho đời sống tu trì dâng hiến của một nữ tu, và còn ban thêm ơn sủng, để họ trở thành những nữ tu theo ý của Ngài muốn.

    Làm nữ tu, đó là một ơn gọi, một ơn riêng mà chỉ có Thiên Chúa “độc quyền” xử dụng ban cho ai, gọi ai, đó là ý muốn của Ngài, thế nhưng, có bao giờ chúng ta suy nghĩ đến cái đặc ân qúy báu mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta đó không?

    Cứ mỗi lần nhìn một nữ tu trẻ, tôi liền thắc mắc: tại sao cô ta lại đi tu? Trong lúc ấy có biết bao cô gái khác lại đi theo lẽ thường tình: lấy chồng. Mặc dù tôi cũng biết đi tu là một ơn gọi, và các cô nữ tu trẻ này đang đi theo con đường mà Thiên Chúa đã chọn cho họ! Có một lần, sau khi tham dự một thánh lễ khấn trọn đời của một tu sĩ dòng Tiểu Đệ thánh Giaon Tẩy Giả, lúc chuyện trò vui vẻ với các nữ tu của dòng Thánh Tâm Đức Mẹ tại Đài Trung[1] tôi hỏi một tập sinh, người Đài Loan, cô nữ tu trẻ này rất ngạc nhiên vì câu hỏi của tôi, cười và trả lời: “Em cũng không biết”. Không phãi là không biết, nhưng có lẽ trong cuộc sống các cô nữ tu trẻ này rất ít khi suy tư về ơn gọi của mình: tôi đi tu để làm gì?

    Đi tu để làm gì? Hay tại sao tôi đi tu? Là câu hỏi mà mỗi giây, mỗi phút, mỗi ngày các nữ tu cần phải luôn luôn nhớ đên để suy tư, để cầu nguyện và để kiên trì bền đổ đến cùng trong ơn gọi cao qúy mà chính Thiên Chúa đã chọn và gọi đích danh mình. Và cứ mỗi lần tự đặt cho mình câu hỏi như thế, thì chính họ (nữ tu) đã tự mình xác định lại ơn gọi mà Thiên Chúa, vì lòng quảng đại và yêu thương vô bờ bến đã chọn họ, do đó, họ càng xác tín hơn, mạnh dạn hơn và quyết tâm hơn trong đời sống tận hiến.

    Ơn gọi là như thế, là thoát ra khỏi sự ràng buộc của thế gian, để giữ cho thế gian được thăng bằng trong sức chảy cuồn cuộn của đam mê danh vọng, đam mê xác thịt, và đam mê tiền tài mà theo ngôn ngữ của tu đức, chúng ta gọi tắt là “ba thù”. Chính các nữ tu, những người được gọi để làm những công việc ấy, họ sẽ sử dụng những gì mà Thiên Chúa đã “đặt sẵn” nơi họ, thay vì làm mẹ, họ đem tính dịu dàng khả ái để an ủi những người bất hạnh, đem những lời nói dễ thương ấy để khuyên bảo những người “bất trị”, đem hành vi bác ái của Đức Kitô đế “nói” Tin Mừng cho mọi người mà họ tiếp xúc và công tác trong cuộc sống…

    Ơn gọi làm nữ tu thì ai cũng biết cũng nghe, nhưng ơn gọi làm nữ tu truyền giáo thì ít người nghe qua, bởi vì chúng ta có quan niệm đi tu là đi làm công tác dạy học, là đi làm trong bệnh viện, là đi làm các công tác từ thiện…đó cũng là công việc truyền giáo, nhưng chưa quy mô, chưa cụ thể, hay nói rõ ràng hơn, các nữ tu chỉ mới truyền giáo trong phạm vi nhỏ bé của địa phương, chữ truyền giáo mới phát huy có một nửa. Truyền giáo có nghĩa là đem cái đạo mà mình biết, mình tin, mình sống cho người chưa biết, tức là những người ngoại giáo, đơn giản thế thôi. Các nữ tu Việt Nam cũng chưa thoát khỏi “cái lệ” ấy, có lẽ vì quy luật và tôn chỉ của dòng không cho phép họ vượt khỏi phạm vi địa phương mà mình phục vụ, hay nói theo đức tin: giờ của Thiên Chúa chưa đến.

    Nhưng đến những ngày tháng cuối cùng của thế kỷ 20 này, các nữ tu Việt Nam, những con người vẫn còn e ấp khi tiếp xúc với mọi người, vẫn còn đỏ mặt tía tai –vì xã giao- mà bắt tay với một người đàn ông, con trai; vẫn không dám tranh luận về giới tình khi lên lớp môn luân lý sự sống[1]…đã khăn gói lên đường ra đi theo ơn gọi làm nữ tu truyền giáo của mình.

    Giờ của Thiên Chúa đã điểm. Tạ ơn Chúa! Alleluia!

    *****
    PHÓ THÁC

    “Yave phán với Abram: “ Hãy đi khỏi xứ sở ngươi, khỏi quê quán ngươi, khỏi nhà cha ngươi. Ta sẽ cho ngươi thành một dân lớn. Ta sẽ chúc lành cho ngươi…”(Kn 12, 1-2). Và ông Abram đã ra đi, đi mà không biết nơi mình sẽ đến nó như thế nào? Nhưng ông vẫn cùng “bầu đoàn thê tử” ra đi, bởi vì ông tin vào Thiên Chúa, tin vào Đấng chẳng bao giờ lừa dối ai, thế là ông đã phó thác, đã đem tất cả những gì mình có (vợ, cháu, tôi trai tớ gái, của cải súc vật…) đặt vào trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Tin là phó thác.

    Đức Maria cũng là một mẫu gương tuyệt vời của sự phó thác, từ lúc mẹ nói hai chữ “xin vâng” thì chính bản thân Mẹ cũng đã sẵn sàng chấp nhận những gì mà Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời của Mẹ. Mẹ đã tin và Mẹ đã phó thác cho Thiên Chúa.

    Cũng như tổ phụ Abraham đã tin và phó thác, cũng như Đức Maria đã tin và phó thác. Ơn gọi làm nữ tu cũng là một sự phó thác cho Thiên Chúa, nhưng sự phó thác của người nữ tu không giống như ông Abraham, cũng chẳng giống như Đức Maria đã trực tiếp phó thác cho Thiên Chúa, mà các nữ tu hôm nay phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa qua hội dòng, qua bề trên của mình. Sự phó thác nầy đòi hỏi nười nữ tu phải có tâm tình “xin vâng” triệt để, hay nói theo chữ nghĩa của…nhà tu, là đòi hỏi để các nữ tu phải trưởng thành trong đức tin của mình. Bởi vì, khi vâng lời hay phó thác cho bề trên của mình, thì không phải là mình vâng lời hay phó thác cho cá nhân vị bề trên ấy, mà là vâng lời và phó thác cho hội dòng trong con người của vị bề trên ấy , vì bề trên đã được Thiên Chúa ủy nhiệm “quyền” qua sự đồng ý hợp pháp của toàn thể hội dòng. Do đó, người nữ tu hôm nay khi đặt mình trong sự vâng phục, phó thác nơi bề trên, thì đó chính là vâng phục và phó thác nơi Thiên Chúa, và nhìn thấy ý muốn của Thiên Chúa qua sự phán quyết của bề trên vậy.

    Phó thác, cũng có nghĩa là nói với Thiên Chúa: con giao cho Chúa mọi thứ của con có, tâm hồn, thể xác, sức lực, trí óc… để Chúa toàn quyền sử dụng như ý muốn của Chúa. Mà xét cho cùng, những thứ mà chúng ta có chính là hồng ân mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, bây giờ đem dâng lại cho Ngài thì cũng là điều hợp lý, nhưng Thiên Chúa sẽ không nhận lại những gì mà chúng ta dâng cho Ngài với sự miễn cưỡng, gượng ép.

    Phó thác cũng không có nghĩa là ù lì, bề trên “sai đâu đánh đó”, nhưng là chủ động trong công tác được giao phó, là như người đầy tớ trung thành khôn ngoan biết làm lợi thêm năm nén bạc cho ông chủ (Mt 25, 16), cũng có nghĩa là đem hết tài năng để chu toàn bổn phận, bởi vì khi giao phó trách nhiệm cho chúng ta, bề trên (và hội dòng) đã nhìn thấy khả năng của chúng ta có thể làm tới đâu, và sẽ trợ giúp khi chúng ta làm hết sức mình. Và khi chúng ta đã làm được như thế, là chúng ta đã được chuẩn bị để đi xa hơn, gánh vác trách nhiệm lớn hơn. Một tổ phụ Abraham đã được chúc phúc làm tổ phụ một dân tộc của Thiên Chúa chọn, dân tộc Israel, bởi vì ông đã không ù lì khi phó thác tất cả cho Yavê Thiên Chúa, ông đã hành động, đã nổ lực trong lao động trong tin yêu và phó thác. Một Đức Trinh Nữ Maria đã được chúc phúc, bởi vì Mẹ đã không ỷ lại vào lời hứa của Thiên Chúa, nhưng Mẹ đã nổ lực cộng tác vào trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa, Mẹ đã làm hết sức mình trong thiên chức làm mẹ của Đức Kitô, Đấng Thiên Chúa làm người.

    Các nữ tu là những con người được chọn để sống phó thác, để làm mẫu mực cho người đời noi theo trong cuộc sống phó thác vào Thiên Chúa. Vì thế, không ai có thể chối cãi được khi nghe nói: họ (các nữ tu) là những con người sống có lý tưởng, có mục đích, vì họ đã phó thác đời mình trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Lý tưởng và mục đích của các nữ tu chính là làm sáng danh Thiên Chúa, và mưu ích lợi cho tha nhân, thì việc các nữ tu sống phó thác là chuyện phải trở nên bình thường đối với các nữ tu, bình thường như em bé hồn nhiên, đơn sơ chạy tung tăng trước mặt mẹ nó mà không sợ lạc đường.

    Vậy, khi các nữ tu biết phó thác vào Thiên Chúa như tổ phụ Abraham, như Đức Maria và như các thánh, thì các chị em đã được Thiên Chúa chuẩn bị để làm một nữ tu truyền giáo rồi vậy.

    *****
    KHIÊM TỐN

    “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và học hỏi với tôi, vì tôi có lòng hiền lành và khiêm nhường…”(Mt 11, 29).
    Khiêm tốn, hay khiêm nhường cũng thế thôi, là một nhân đức nền tảng của mọi nhân đức, là nền móng của một ngôi nhà cao tầng hay nhà trệt (tùy theo túi tiền của người xây nhà, có nghĩa là tuỳ theo sự… khiêm tốn của mỗi người), có nghĩa là xây nhà cao tầng thì nền móng phải vững vàng, chắc chắn gấp trăm lần ngôi nhà trệt. Cũng vậy, người có nhân đức khiêm tốn càng cao, thì việc làm của họ càng trở nên vĩ đại, bởi vì khi có nhân đức khiêm tốn thì tất cả mọi nhân đức khác sẽ theo đó mà phát triển, và ngược lại, nếu không có nhân đức khiêm tốn, thì mọi tài năng, mọi nhân đức khác đều sẽ sụp đổ, tan thành mây khói (mặc dù cũng có một thời nổi tiếng). Một Luther đã lìa bỏ Giáo hội, hay một vua HenryVIII (nứơc Anh) đã được Đức thánh cha Leo X tặng tước hiệu là “ Người bảo vệ đức tin”, cũng đã trở thành người bách hại đức tin của dân Chúa ngay trong đất nước mình…Tất cả chỉ vì sự kiêu căng mà ra.[1]

    Các nữ tu truyền giáo cũng vậy, không thể thiếu nhân đức khiêm tốn trong ơn gọi làm nữ tu truyền giáo của mình, bởi vì:

    Chính Đức Kitô là con người truyền giáo đầu tiên trên thế giới, chính Ngài, như lời thánh Phaolô trong thư gửi cho giáo đoàn Philipphê đã nói: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như nười trần thế…”(Pt 2,6-7) Ngài đã khiêm tốn đến tận cùng, nghĩa là không còn gì để khiêm tốn nữa, và như thế, Ngài đã hoàn toàn trở nên như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, để cho chúng ta, mỗi người trờ nên con cái của Thiên Chúa và là anh chị em của nhau trong Đức Kitô.

    Các chị em, trước khi trở thành một nữ tu của một hội dòng, có người đã là bác sĩ, có người đã trở nên cô giáo, có người vừa trở thành “cô tú”, có người vừa từ giã giảng đường đại học, và cũng có người đã lăn lộn với đời…Tóm lại là trong quá trình của ơn gọi, các hị em đã có tính cách và sự giáo dục không giống nhau, cho nên trong đời sống cộng đoàn khó tránh những xích mích dáng tiếc, đến nỗi có người phải lìa bỏ cộng đoàn. Cho nên, đức khiêm tốn của mỗi thành viên đối với đời sống cộng đoàn rất cần thiết, cần thiết như một nền móng vững chắc để xây dựng một tòa nhà cao tầng.

    Khiêm tốn là quên đi chính mình, quên đi những học vị tiến sĩ, quên đi mảnh bằng bác sĩ, quên đi những nghề nghiệp chuyên môn của mình và quên đi thân phận trước đây của mình, để chỉ còn lại trong mình một cái tôi trống không được hướng dẫn bởi Lời Chúa và hiến chương của hội dòng.

    Quên đi, không có nghĩa là vứt bỏ, là đoạn tuyệt, nhưng là đem nó biến thành những công cụ giúp cho ơn gọi chúng ta trưởng thành hơn, đem sự vâng phục để thánh hóa nó, để nó giúp ích cho mình và cho cộng đoàn, để chỉ biết có cuộc sống hiện tại cùng với chị em, cùng với cộng đoàn tiến lên phía trước trong ơn sủng, trong thánh đức, mà chính chúng ta đã chọn ở trong cộng đoàn ấy. Chẳng hạn như, khi chúng ta cùng với các chị em nghiên cứu hiến chương của hội dòng, thì chúng ta có thể đem những tri thức, những hiểu biết về chuyên môn của mình để giúp ích, để làm cho “những chữ vô tri trong bản hiến chương trở thành sống động hơn” nơi mỗi một thành viên của cộng đoàn chúng ta.

    Khiêm tốn cũng có nghĩa là không tranh cãi hơn thua với chị em trong cộng đoàn, nhưng biết lắng nghe và quan tâm đến họ, biết trở thành cái cầu nối để chị em bước qua, thông cảm nhau và cùng nhau tương thân tương ái mà không sợ vấp té.

    Khiêm tốn không có nghĩa là nhút nhát, sợ hãi mà không dám đối diện với những bất công trong cộng đoàn. Thánh Gioan Tẩy Giả đang lúc được mọi người ủng hộ khen ngợi như là vị đại tiên tri ở giữa họ, thì ngài đã khiêm tốn trả lời cho các người thuộc phái Pharisiêu: “…Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết, Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1, 26-27), nhưng sau đó, chính ngài đã can đảm, cương quyết can ngăn vua Herode không được lấy vợ của anh mình (Mt 14, 3-12), và ngài đã bị chém đầu.
    Khiêm nhường cũng chính là ở trong một đức tính can đảm, can đảm để nhận ra cái sai trái của mình, can đảm để nhìn thấy sự trỗi vượt của chị em mà hoan hô, mà bắt chước, can đảm để nhìn thấy được giới hạn khả năng của mình mà cảm tạ Thiên Chúa, vì khi chúng ta khiêm nhường như thế, không những chúng ta kéo ơn sủng của Chúa xuống trên chúng ta, mà chị em cũng được vui tươi, vì chúng ta đã tặng cho họ một bông hoa đẹp nhất: bông hoa của lòng khiêm tốn.

    Giáo hội của Chúa Kitô được xây dựng trên đả tảng Phêrô, và tồn tại mãi cho đến ngày tận thế, ngoài sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần mà không ai có thể phủ nhận được, thì nguyên nhân khách quan của sự tồn tại của một Giáo hội công giáo có tính duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, có bề dày lịch sử nhất, nhất quán nhất, thông suốt nhất của nhân loại, chính là nhân đức khiêm nhường của những phần tử trong Giáo hội.
    Cũng vậy, để trở thành một nữ tu truyền giáo, nhân đức căn bản để thành công trong đời hoạt động tông đồ truyền giáo, và đem lại ích lợi cho cộng đoàn, chính là khiêm tốn, không khiêm tốn đủ, chúng ta đừng hòng đem Lời Chúa đến cho mọi người. Linh mục Vincent Lebbe (1877-1940) [1], người Bỉ, thuộc dòng thánh Vincent de Paul, trong thời gian truyền giáo tại Trung quốc, ngài đã bị biết bao nhiêu là chống đối của hàng giáo sĩ ngoại quốc[1] vì cách nhìn thấy xa, thấy rộng của ngài: ngài thành lập hàng Giám mục Trung quốc (Giáo hội địa phương), ngài bị chống đối, bị đi đày, bị bề trên hiểu lầm, bị các bạn đồng môn chỉ trích…nhưng ngài vẫn cứ vâng lời và khiêm tốn nghe theo bề trên, dù trong lòng rất đau khổ, nhưng vẫn cứ từ bỏ những thành quả đã đạt được trong việc truyền giáo ở Thiên Tân (Trung quốc). Và phần thường dành cho sự khiêm tốn của đức vâng lời ấy, đã được Đức Giáo hoàng Piô XI đền bù xứng đáng: 6 vị giám mục tiên khởi của Trung quốc do cha Vincent Lebbe tự tay viết danh sách đưa cho ĐGH, đã được tấn phong trọng thể tại Rôma vào ngày 28.10.1926.
    Để trở nên một vị thánh cần phải có đức khiêm tốn, và để trở thành một nữ tu truyền giáo, đức khiêm tốn phải được đặt làm nền tảng của mọi hoạt động tông đồ, nhất là truyền giáo trong một xã hội mà dân chủ, dân sinh, dân trí đã phát triển rất cao, nhưng “dân đạo” thì xuống dốc trầm trọng, chủ nghĩa hưởng thụ và tự do quá độ đã làm cho người ta không còn nhìn hấy đâu là nhân, đâu là ái…Người ta không còn nhìn thấy nhân và ái, vì chẳng có ai “sống” cho họ coi, vì vậy, sống và thực hành nhân và ái thì chỉ có các nữ tu với ơn gọi truyền giáo của mình, nói cho họ nghe, làm cho họ thấy, đó là đem cuộc sống khiêm tốn của Đức Kitô, thực hành trên con người của mình, để “Lời Chúa được xuôi chạy tiến bước” đến với mọi tâm hồn.

    Khi các nữ tu đã thành tâm thực hành đức khiêm tốn, thì chính Thiên Chúa đã chuẩn bị cho các chị em trở thành một nữ tu của ơn gọi truyền giáo rồi vậy.
    Chữ ký của Rocky


    Trong lòng bàn tay Cha, con bình an.... yên nghỉ

    Thắp lên hy vọng ngay cả khi tưởng chừng đụng đến cực điểm của tuyệt vọng




  2. Có 4 người cám ơn Rocky vì bài này:


Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com