|
THẾ KỶ 21
NIỀM VUI, LO ÂU VÀ HY VỌNG
“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của môn đệ Chúa Kitô.”( Gaudim et Spes)[1]
Vui vì chúng ta đã sống … thọ đến năm 2000 để nhìn thấy những thay đổi, biến chuyển trên điạ cầu thế kỷ 21 ; vui là vì “chúng ta sống thọ được 2 thế kỷ” và chúng ta sẽ tận mắt nhìn thấy ánh bình minh của ngàn năm thứ ba ló dạng, không phải ở phương đông, mà là ở ngay trong cuộc sống của chúng ta.
Hy vọng của chúng ta, thì cũng như hy vọng của những người khác mà thôi, đó là mong cho mọi người được hạnh phúc và thế giới có hoà bình thật sự.
Năm nay (1999) có thể nói là muà vọng của thiên niên kỷ thứ ba, cũng như người Do Thái ngày xưa trông đợi Đấng cưú thế như thế nào thì hôm nay nhân loại cung đang khát khao hoà bình như thế. Nhưng hoà bình lâu dài không phải là kí kết cấm thử bom hạt nhân, không phải là tiêu diệt những tên độc tài, diệt chủng, cũng chẳng phải là làm cho nền kinh tế phát triển, nhưng một nền hoà bình lâu dài, trường cữu phải được bắt nguồn từ Thiên Chúa, từ trong tâm hồn của những con người thiện chí tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa. Giáo hội đang nỗ lực tìm mọi phương thế, mọi phương tiện có thể để làm cho nhân loại nhích lại gần với nhau hơn, và gần 2000 năm nay đã có biết bao nhiêu vị sứ giả hoà bình do giáo hội sai đi loan báo tin mừng cho moị dân tộc, họ đã ra đi và gặp rất nhiều thử thách, thử thách bởi người bản xứ, thử thách bởi phong thổ, bởi phong tục tập quán, và những thử thách do các anh chị em trong cộng đoàn mang lại… nhưng họ đã vượt qua, và đã thành công. Giáo hội chúa đã và đang sai phái những con cái của mình theo mọi thời đại ra đi để tiếp tục làm công việc rao giảng tin mừng cho mọi dân tộc.
Giáo hội là men giưã trần thế, cho nên, giáo hội đã mau mắn nhạy cảm từng nhu cầu của các dân tộc trên thế giới, để làm cho thế giới nhận ra hoà bình chân chính chính là phải bắt nguồn từ Đức Giêsu Kitô, đấng cưú chuộc nhân loại.
Và hôm nay, thời điểm “muà vọng của thiên niên kỷ thứ ba”, giáo hội cũng đã sai phái các nữ tu Việt Nam lên đường truyền giáo, trong mọi lãnh vực chuyên môn của hội dòng (dạy học, bệnh viện, nhà hưu dưỡng). Các chị em ra đi mang tâm trạng của một cô dâu về nhà chồng, không biết mình có được hạnh phúc không, nhưng đó không phải là bi quan, mà là một lo âu thường tình của con người, nhưng trong những lo âu ấy chính Thiên Chúa là Đấng đã mời gọi và sai phái các chị em đã lo liệu tất cả, Ngài chỉ yêu cầu các nữ tu của Ngài một điều: phó thác mọi sự cho Ngài.
Vì vậy, các chị em phải tâm niệm trong lòng rằng : “Tôi là một nữ tu truyền giáo, nghĩa là một chiến sĩ của phúc âm, mà là chiến sĩ phúc âm của thế kỷ 21 đầy cám dỗ và thử thách, những cám dỗ và thử thách này ở ngay trong cuộc sống hằng ngày của mỗi chị em: vật chất, tình cảm, thú vui…
Xã hội càng văn minh, nhân loại càng hưởng thụ, càng hưởng thụ thì càng xa dần tôn giáo, một điển hình trong đất nước Việt Nam của chúng ta: càng cấm đạo, càng khó dễ với đạo, thì người ta càng đến với đạo, người công giáo giữ đạo tốt hơn, ngày lễ giáng sinh của những năm 1980 tại Sài Gòn, mọi nhà thờ đều chật cứng người là người, nhưng đến những năm 1990 về sau, thì nhà thờ càng ít người, vì các thanh niên nam nữ bận đi nhảy đầm, đi ăn réveilon, bận đi coi phim, bận đi đến những câu lạc bộ vui chơi náo nhiệt hơn đến nhà thờ… cũng vậy, đi truyền giáo ở những nơi có nền kinh tế cao, giàu có sung túc, có lúc vì muốn hội nhập văn hoá, cùng hoà đồng với họ, mà các chị em đi dần vào những cạm bẫy của vật chất, của tình cảm mà không biết.
Thế kỷ 21,
Hoà bình hay chiến tranh,
Lo âu hay vui mừng,
Không ai biết được, nhưng nhân loại vẫn hân hoan đón chào nó, như đón nàng tiên của hoà bình.
Thế kỷ 21,
Hoà bình hay chiến tranh, không ai biết cả.
Nhưng giáo hội Chúa vẫn tồn tại, dù chiến tranh hạt nhân
Dù chiến tranh huỷ diệt,
Giáo hội Chúa vẫn phát triển, Lời Chúa vẫn bay cao, chạy nhanh
Đến với các dân tộc, các quốc gia.
Bởi vì,
Qua moị thời đại, moị thế kỷ
Đều có những tâm hồn thiết tha với ơn gọi truyền giáo,
Với sứ mệnh “ra đi” theo “kiểu Phaolô” :
Như thánh Phanxicô Xavier, như linh mục Vincent Lebbe, như mẹ Têrêsa Cacutta…
Và như,
Các nữ tu Việt nam
Với ơn goị truyền giáo của mình.
Hãnh diện thay, tốt đẹp thay,
Giống nòi của các thánh tử đạo Việt nam
Đã anh dũng ra đi, và trở nên những tông đồ nhiệt thành của thế kỷ 21 này.
Giữ trọn niềm tin, yêu và hy vọng, đó là tâm trạng của những người đang yêu và được yêu.
Các nữ tu truyền giáo, là những người đang yêu và được yêu, các chị em đã vì tình yêu của Thiên Chúa thúc đẩy mà yêu thương mảnh đất truyền giáo này, và lòng chân thành của các chị em sẽ được họ đáp trả.
Niềm tin làm cho các chị em trở nên trưởng thành hơn trong mọi công việc, các chị em sẽ không còn cảm thấy tự ti vì mảnh đất này quá mới lạ với mình, nhưng các chị em sẽ tự tin (mà không tự kiêu) mình hơn, chủ động hơn và năng nổ trong các công tác, trong học hành hơn.
Yêu thì làm cho các nữ tu có nhiều sáng kiến hơn, thúc đẩy chị em phát huy những ý kiến, những cách làm mới lạ đã làm cho công việc truyền giáo ngày càng cải tiến, ngày có bộ mặt yêu thương huynh đệ, tỉ muội hơn. Cũng giống như một chàng trai yêu một cô gái, anh ta tự nhiên biết làm thơ để tặng nàng, tự nhiên nghĩ ra những điều mới lạ để tặng người yêu… mà thường ngày anh ta chẳng biết gì cả. Tất cả những phát huy sáng kiến của chị em đều bắt nguồn từ Thiên Chúa là tình yêu.
Hy vọng là hiệu quả của tin và yêu, hay nói cách khác, tin và yêu làm cho người ta có hy vọng. Là ánh sáng loé lên trong bóng tối cuộc đời, đối với các nữ tu truyền giáo, hy vọng chính là con đường, là cái cầu (cầu khỉ, cầu gỗ,cầu xi măng cốt sắt…) để đưa chị em đến với tâm hồn trong niềm tin và yêu thương, dù cho con đường có nhiều sỏi đá, dù cho con đường có nhiều gập ghềnh khó đi, nhưng vì các chị đã tin và yêu nên các hị có hy vọng.
Tin + yêu= hy vọng.
Hy vọng= tin + yêu
Cuộc đời truyền giáo là cuộc đời tin, yêu, hy vọng, cho nên khi nhìn một nữ tu truyền giáo, thì người ta cũng nhìn thấy tin, yêu, hy vọng trên con người của các chị em.
Và đây chính là những sứ giả hoà bình của thế kỷ 21 và cũng là của thiên niên kỷ thứ 3. |
|