|
Noel 2007
Thoáng cảm nhận
từ một lá thư gửi Chúa Hài Đồng
Ts. Lục Vĩnh Phố, OP.
Lá Thư của Em Quỳnh Như, giáo xứ Minh Đức
Khi đọc các thư của các em thiếu nhi viết gửi Chúa Hài Đồng, trong số đó có thư của em Quỳnh Như, thật sự tôi hết sức cảm động và ngạc nhiên đến lạ thường trong từng câu chữ của các em. Cảm động vì lời thư chất chứa một tâm hồn đơn sơ, đơn sơ đến mức ai cũng có thể nghĩ đến được, và một tình cảm hết sức thấm đượm tình người, vì sống đâu chỉ riêng ta, nhưng sống là sống cùng, sống với người khác.
Sau khi kể về cô bé bán diêm trong câu chuyện cùng tên của văn sĩ An-đec-xan, em Quỳnh Như viết :
“….Cô bé đó là cô bé nào trong cuộc sống ngày nay ? Đó có phải chăng là cô bé bán báo, bán vé số, bán hàng rong… Có lẽ nhà văn muốn nói đến tất cả những cô bé và cả cậu bé nữa, những mảnh đời còn thơ dại không được hưởng những giây phút vui tươi bên gia đình, không được hưởng những giây phút ấm êm bên gia đình có ông có bà, có cha có mẹ, và anh chị em … Vì cuộc sống mưu sinh, các bạn nhỏ đã sớm bước vào đời để tìm miếng cơm manh áo mà lẽ ra các bạn được hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc của lứa tuổi chúng con. Vẫn còn đó biết bao mảnh đời như cô bé bán diêm trong câu chuyện trên. Cô đã ra đi mãi mãi nhưng trên khuôn mặt cô vẫn nở một nụ cười đầy vô tư và hồn nhiên của tuổi thơ dại. Phải chăng đó là nụ cười để mong ước, để chào đón một tương lai tươi sáng hơn, nụ cười của niềm tin và hy vọng.”
Quan tâm đến người khác là một cử chỉ đẹp, cử chỉ của tình yêu thương. Và Chúa xuống thế làm người chẳng phải vì yêu thương con người đó sao ! Còn chúng ta, chúng ta có yêu thương và quan tâm đến nhau chưa ?
Càng đọc đi đọc lại lá thư trong niềm cảm xúc về tấm lòng cao quý của tác giả bức thư, tôi càng thấy ngạc nhiên đến lạ thường. Một cô bé có tấm lòng nhân hậu với bà cụ cho dù thoáng qua trong suy nghĩ phòng vệ của em về những người ăn xin bên đường, nhưng lòng em vẫn mở rộng để đón nhận bà cụ, sẵn sàng chia sẻ qua sự ít ỏi của mình để giúp bà có được chút lót dạ. Em viết :
“… Một đêm nọ, anh con đón con đi học thêm về ghé ngang qua tiệm bánh mình để mua bánh cho Bà Ngoại. Bản thân con cũng cảm nhận được cái lạnh của trời về đêm. Bỗng nhiên hiện ra trước mắt con một cụ bà cũng đã ngoài bảy mươi khoát tấm áo mỏng manh trong cơn gió lạnh, tay bà lại bó bột. Bà lê từng bước chân mệt mỏi ngang qua tiệm bánh với ánh mắt như tìm một sự cảm thông, chia sẻ, cứu giúp… Một ý nghĩ thoát qua trong con, có nên cho cụ tiền hay không vì sợ bà giả bộ thì sao, vì đã có không ít người lợi dụng lòng nhân ái của người khác để làm lợi cho mình. Nhưng trực giác đã giúp con nhận ra rằng bà cụ này rất đáng thương. Không ngần ngại gì nữa, con lấy từ trong túi áo một ít tiền mẹ cho tháng trước mà con dành dụm được trao cho bà cụ ấy. Bà lúng túng không biết phải nói thế nào, nhưng ánh mắt của bà nói lên tất cả, nói lên lòng biết ơn một cháu bé đã thương đến bà cụ già.”
Một việc làm xem ra cũng bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường, nhưng thể hiện một tấm lòng và một tâm hồn của một em bé, thì chẳng tầm thương chút nào. Vì trong hoàn cảnh giáo dục ngày nay, con người dường như đánh mất đi sự nhạy cảm của tình người mà thay vào đó là sự bàng quan hời hợt, một sự vô cảm đến rùng mình.
Những gì em viết, tôi tin rằng nơi em không thiếu sự đồng cảm với con người, không thiếu những cảm nhận chân thành, đơn sơ về cuộc sống đang diễn ra chung quanh mình. Và đó là hành trang để em biến ước mơ, ước mơ về lòng nhân ái, về tình thương con người thành hiện thực trong cuộc sống của mình.
Vâng, những lời mộc mạc, đơn sơ và chân thành của lá thư như một thông điệp gửi đến trước hết các bậc làm cha mẹ trong việc giáo dục con cái hướng đến con người, hướng đến lòng nhân ái, biết trân trọng và yêu thương mọi người và đó cũng là lời kêu gọi mà Hội Đồng Giám mục Việt Nam ngỏ với từng gia đình Công giáo Việt Nam quan tâm và thực hiện trong năm “Giáo dục đức tin Kitô giáo” này.
|
|