|
Hãy Nhìn, Hãy Nghe và Hãy Tin
Chuyển ngữ : Giuse Mai Văn Tuyến op
(Theo tạp chí Word among us)
Chúng ta cảm nghiệm thế nào về Chúa Phục sinh hôm nay ?
Tin mừng theo thánh Gioan cho chúng ta biết một số chuyện chuyện đáng nhớ nhất trong biến cố phục sinh của Đức Giêsu, đặc biệt về việc Chúa chỗi dậy từ cõi chết đã tác động thế nào đến những người thân tín của Ngài : Ngày thứ nhất trong tuần, Maria Mađalêna đến mồ và thấy mồ trống. Bà chạy đi báo cho Phêrô và Gioan, họ cùng chạy đến mồ. Rồi khi Phê rô và Gioan trở về nhà, Maria vẫn ở lại. Đức Giêsu hiện ra với bà và gọi tên bà. Tiếp đến Người hiện ra với các môn đệ, và cuối cùng hiện ra với Tôma (x. Ga 20, 1-29).
Phân tích kỹ lưỡng hơn những sự kiện trên, chúng ta có thể khám phá ra những kiểu mẫu đức tin lý thú và gợi hứng giúp chúng ta “tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa” (x. Ga 20, 31). Mời bạn cùng chúng tôi chiêm ngưỡng những biến cố, nguyện xin Thánh Thần cho bạn được thấy sự kỳ diệu của niềm tin trong câu chuyện Phục sinh đã được tỏ bày cho chúng ta. Nguyện xin Thánh Thần giúp bạn có thêm đức tin.
Suy niệm về biến cố Phục Sinh
Vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, Maria Mađalêna đến mồ để xức dầu thơm cho Chúa. Không hiểu bà có cách nào để đẩy phiến đá ra khỏi cửa mồ, hành động của bà nói lên bà yêu Chúa Giêsu dường bao. Và bà rất ngạc nhiên, cửa mồ đã được mở, nhưng không thấy xác Đức Giêsu đâu cả. Tưởng rằng ai đó đã di chuyển xác Thầy, bà vội về báo tin cho các tông đồ Phêrô và Gioan.
Hai vị Tông đồ liền bỏ lại mọi thứ và chạy tới mồ để xem chuyện gì đã xảy ra. Gioan tới trước, nhưng trong khi ông đứng ngoài để chờ Phêrô, ông nhìn vào thấy khăn liệm mà không thấy xác Chúa đâu. Ông Phêrô cũng tới, Gioan vào theo ông và cả hai nhìn thấy ngoài khăn liệm còn có cả khăn che đầu Đức Giêsu, khăn này cuộn lại và xếp riêng ra một chỗ.
Lúc này đây, dù không thấy Đức Giêsu sống lại, nhưng Gioan tin ngay tức khắc rằng lời hứa đã được thực hiện. Có thể Gioan không đếm xỉa đến kết luận của Maria Mađalêna rằng xác Đức Giêsu bị đánh cắp bởi vì ông nhìn thấy các khăn liệm xác nằm dưới đất. Có lẽ chính vì ông nhìn thấy chiếc khăn che đầu. Và có thể ông lập luận rằng, chẳng ai mang xác chết đi, mà không lấy vải liệm lót tay cho sạch sẽ. Bất kể với chứng cứ nào, ông đi đến kết luận đặt nền trên đức tin và dựa vào chính sự quan sát của mình.
Gioan chưa hiểu hết mọi điều vì : “trước đây, họ không hiểu rằng theo Kinh Thánh, Người phải chỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,9). Như vậy, rõ ràng là Gioan đã biết kết hợp quan điểm đức tin với những sự kiện hiển nhiên trước mắt, để nâng cao đức tin lên tầm mức mới và sâu xa hơn.
Vậy chúng ta là những người chưa bao giờ nhìn thấy Chúa sống lại, học được gì nơi Gioan ? Trước hết, ta hãy noi gương Gioan. Ông chẳng nhìn thấy Chúa sống lại, nhưng ông đã tin. Ông tin bởi vào lời hứa của Đức Giêsu về sự phục sinh nay được thực hiện. Cũng thế, nếu chúng ta nhìn thấy các chứng cứ cách đây hai ngàn năm, chúng ta cũng tin tưởng chắc chắn vào lời hứa của Chúa với Giáo hội sẽ được thực hiện. Nếu chúng ta nhớ lại tất cả các phép lạ, tất cả những trải nghiệm thiêng liêng của các thánh, và tất cả những cuộc đối thoại với Đức Giêsu, trải qua suốt hai mươi thế kỷ qua, chúng ta cũng sẽ có một đức tin mạnh mẽ. Vì thế, nếu chúng ta dành thời gian như Gioan, để suy niệm về Đức Giêsu và lời hứa của Ngài, Chúa thánh Thần sẽ mạc khải cho chúng ta thấy Đức Kitô và đức tin của chúng ta sẽ mang một chiều kích mới và sâu xa hơn.
Hãy lắng nghe Đấng Phục sinh
Sự chiêm ngắm và suy gẫm cá nhân về sự phục sinh luôn dẫn dắt chúng ta đến với Đức Giêsu. Câu chuyện bà Maria Mađalêna gặp Đức Giêsu trong chốc lát, chỉ cho chúng ta một cách khác để gặp Chúa là hãy lắng nghe Người.
Trong khi Gioan và Phêrô trở về nhà, Maria ở lại mồ than khóc. Người Thầy yêu dấu của bà đã bị giết cách tàn nhẫn, và bây giờ xác Người đã bị lấy đi. Nhưng rồi, Maria quay lại và nhìn thấy Đức Giêsu. Ngay lúc đó, Maria không nhận ra vì còn hoài nghi. Bà vẫn nghĩ rằng, xác Người đã bị đánh cắp (Ga 20, 13-14). Nên khi Đức Giêsu hỏi : “Tại sao con khóc”, Maria đã đáp lại : "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về." (Ga 20,15). Cuối cùng Đức Giêsu gọi tên bà, và bà đã nhận ra Người.
Cách Đức Giêsu hiện ra với Maria gợi cho ta nhớ về Giuse đã cải trang trước anh em ông (x. St 42). Nó cũng gợi cho ta nhớ đến hai môn đệ trên đường Emmaus đã không nhận ra Chúa (x. Lc 24). Những chuyện đó nói với chúng ta rằng, đôi khi chúng ta cảm thấy Đức Giêsu ở rất xa nhưng thực tế Ngài ở ngay bên chúng ta. Thỉnh thoảng Ngài muốn chia sẻ tình yêu Ngài cho ta, nhưng đức tin yếu kém đã ngăn cản chúng ta nhận ra Ngài. Maria không thể tin rằng Đức Giêsu sống lại dù bà đã thấy tấm khăn liệm, tấm khăn đã giúp cho Gioan tin.
Điều may mắn là mặc dù yếu tin, tình yêu của bà đã làm Đức Giêsu xúc động và tỏ lộ chính mình. Vào sáng ngày Phục sinh đầu tiên ấy, Đức Giêsu đã làm đức tin của Maria trở nên sâu xa, và Ngài đã truyền sức sống thiêng liêng cách bất ngờ cho mỗi người. Hết lần này đến lần khác, Kinh Thánh khích lệ chúng ta lắng nghe Đức Giêsu, hoặc mở lòng đón nhận mạc khải của Ngài trong tâm hồn (Ep 1, 17-19; 1Cr 2,9-10; 1Pr 1,13). Đức Giêsu muốn nói với ta rằng Người rất gần với chúng ta. Người muốn mạc khải chính mình cho mỗi chúng ta. Người muốn nói riêng tư và trực tiếp với chúng ta, những lời khôn ngoan, khích lệ, tình yêu và hạnh phúc.
Thánh Thần và Sự Phục Sinh
Khi nhận ra Đức Giêsu, đức tin của Maria trở nên mạnh mẽ, đến nỗi bà trở thành người đầu tiên loan báo tin mừng Phục sinh. Bà loan báo cho các tông đồ tin mừng phục sinh, dù họ xem ra có lúc như chưa tin vào bà. Lời loan báo của bà chỉ thực sự được đón nhận sau khi Đức Giêsu hiện ra với các tông đồ. Chỉ khi Người thổi hơi ban Thánh Thần trên họ và trao quyền cho họ đi xây dựng Hội thánh.
Điều đó cũng xảy ra với chúng ta ngày hôm nay : Thánh Thần muốn hành động trong thế giới khổ đau, khởi sự bằng tin mừng phục sinh. Ngài khởi sự bằng niềm tin của chúng ta vào Đức Giêsu là con đường duy nhất đem lại tự do, thoát ách tội lỗi. Bắt đầu với niềm tin rằng chúng ta có thể sống lại với Đức Giêsu và nhờ quyền năng của Người chúng ta sống đời sống mới. Bắt đầu với niềm tin Đức Giêsu muốn tìm mọi con chiên lạc, mang về nhà và Người trao trách nhiệm đó cho chúng ta.
Đấng Phục sinh và Giáo hội
Câu chuyện phục sinh có thể được giải thích thế nào nếu không có câu chuyện của Tôma ? Ở trên chúng ta đã nói rằng một trong những chân lý căn bản của đức tin vào biến cố phục sinh là lời tuyên tín của tất cả các tín hữu rằng Đức Giêsu là Chúa (Pl 2, 10-11). Đúng, mọi người đều đón nhận lời tuyên tín của Tôma, ông là người đầu tiên tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, là Thiên Chúa của ông. (Ga 20,28).
Vâng, Tôma đã đòi cho được bằng chứng rõ rệt rằng Đức Giêsu đã sống lại, và Chúa đã cho ông bằng chứng đó. Câu chuyện của Tôma chứng tỏ rằng chúng ta có một Thiên Chúa tình yêu, Đấng hiểu rõ sự khác biệt giữa đức tin yếu kém và sự kiêu căng vô tín. Tôma đơn giản là người yếu đức tin. Ông không thể tin Đức Giêsu đã sống lại, ngay cả khi những người bạn thân nhất nói với ông. Tất cả chúng ta, khi này khi khác cũng hành xử như Tôma. Nhưng Đức Giêsu biết đức tin yếu kém của chúng ta và người tuôn đổ tình thương xuống trên chúng ta.
Tôma phải cậy dựa vào lời chứng của các tông đồ khác, và ông thấy điều đó thật là khó. Dù ông ở với các vị suốt thời gian dài, vẫn có cái gì đó trong lòng khiến ông không tin vào họ. Đôi khi, đức tin chung của nhiệm thể Đức Kitô mạnh mẽ hơn đức tin yếu kém của cá nhân. Và đó là lúc chúng ta cần dựa vào niềm tin của cộng đoàn Giáo hội. Thực tế là, chúng ta cần đến nhau. Chúng ta giúp đỡ nhau, khuyến khích và hướng dẫn nhau đi đến đức tin sâu sắc hơn. Chúng ta không thể kiến tạo đức tin cho người khác nhưng chúng ta có thể chia sẻ những gì chúng ta biết và đã thấy. Đó là lời chứng của chúng ta về Chúa phục sinh cho ai đó cần nghe, ngay cả khi họ phản ứng lại như Tôma, bằng thái độ nghi ngờ, kém tin hoặc không tin.
Người đã Phục Sinh !
Nhiều người giống như Maria Mađalêna, Tôma và Gioan, có kinh nghiệm đặc biệt về Chúa Phục Sinh, và những trải nghiệm đó được kéo dài tới chúng ta ngày nay. Họ không thể mang chúng ta, đặt toàn thể con người chúng ta trong niềm hy vọng phục sinh. Nhưng họ có thể giúp chúng ta chiêm niệm Đức Giêsu, xin Người lời mạc khải và chọn người làm Chúa của ta.
Hiệp với tất cả những vị thánh vĩ đại ấy, chúng ta hãy cầu xin với Đức Giêsu Phục sinh, Đấng ban sức mạnh và chúc lành cho chúng ta, những người không thấy mà tin, để chúng ta có thể trao phó cuộc đời mình cho Ngài và cho sứ vụ truyền giáo của Hội thánh Ngài. Cầu mong mỗi người chúng ta dâng trọn cuộc đời cho Đấng Phục sinh, tới khi mọi đầu gối phải bái quỳ và mọi miệng lưỡi tuyên xưng rằng “Đức Giêsu là Chúa” (Pl 2,11)
(Theo tạp chí Word among us, tháng 4. 2007, từ trang 10-14) |
|