|
THÁNH LỄ VÀ DIỄN TIẾN
47. Tại sao gọi Thánh Lễ là trọng tâm đời sống Kitô hữu ?
Vì Thánh Lễ là trung tâm, “nguồn mạch và chóp đỉnh đời sống Kitô hữu”. Trong thánh lễ, chúng ta tiếp nhận Lời Chúa, đón nhận Bánh Thánh ban sự sống là chính Đức Kitô và là nơi hiệp nhất cộng đoàn Dân Chúa.
48. Thánh Lễ Chúa Nhật nhắc chúng ta điều gì ?
Thánh Lễ Chúa Nhật nhắc chúng ta nhớ lại “ngày thứ nhất trong tuần”, ngày Chúa Phục Sinh, ngày dành riêng để thờ phượng Chúa và làm các việc bác ái.
49. Ta phải sống tâm tình ngày Chúa Nhật thế nào ?
Ta phải mang tâm tình đạo đức và vui tươi vì được kết hợp mật thiết với Đức Kitô và anh chị em mình hơn mọi ngày khác.
50. Lễ sinh làm gì trước khi giúp lễ ?
Trước khi giúp lễ, em đọc lời nguyện này : “Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa đã muốn dùng con để phục vụ bàn thánh. Xin Chúa mở tai con để lắng nghe Lời Chúa, mở miệng con để ca tụng danh thánh Chúa. Xin giúp con mãi mãi là tôi tớ trung thành phục vụ Chúa ở nơi đây cũng như ở khắp mọi nơi mà con hiện diện. Amen”.
51. Lễ sinh làm gì ở phòng thánh ?
Tại phòng thánh em cùng các bạn giúp nhau mặc áo, giữ thinh lặng để chuẩn bị tâm hồn và thể xác tham dự thánh lễ. Tuyệt đối không nô đùa, không lớn tiếng ở phòng thánh.
52. Lễ sinh có phải giúp chủ tế ở phòng thánh không ?
Có, lễ sinh phải giúp chủ tế mặc phẩm phục : áo trắng dài, dây thắt lưng, kéo cổ áo lễ và sửa lại ngay ngắn, v.v…
I. NGHI THỨC ĐẦU LỄ :
53. Thánh Lễ gồm mấy phần ?
Thánh Lễ gồm hai phần chính là : phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Ngoài ra còn hai phần phụ là : Nghi thức đầu lễ và nghi thức kết thúc.
54. Nghi thức đầu lễ gồm những gì ?
Nghi thức đầu lễ gồm cuộc rước đầu lễ với bài “Ca nhập lễ”, dấu Thánh Giá, lời chào khai mạc, nghi thức sám hối, kinh “Vinh danh”, lời kêu mời cầu nguyện và lời nguyện nhập lễ.
55. Vì sao chủ tế và giúp lễ phải bái chào bàn thờ ?
Vì bàn thờ đã được thánh hiến là dấu chỉ chính Đức Kitô, là nơi cử hành lễ hiến tế, vì thế sau khi bái chào thì chủ tế còn hôn kính bàn thờ nữa.
56. Lời chào đầu lễ của chủ tế : “Chúa ở cùng anh chị em” có ý nghĩa gì ?
Lời chào này báo cho cộng đoàn ý thức có Chúa đang hiện diện giữa họ và qui tụ họ lại để tôn vinh Thiên Chúa.
57. Trong thánh lễ, Chúa Giêsu hiện diện cách nào ?
Chúa Giêsu hiện diện trong Lời Chúa, trong cộng đoàn cầu nguyện và thực hành bác ái, trong con người thừa tác viên thánh, và nhất là trong hình bánh rượu đã được truyền phép.
58. Nghi thức sám hối đầu lễ có thay bí tích Hòa Giải không ?
Thưa không, vì nghi thức sám hối đầu thánh lễ là biểu lộ tâm tình sám hối vì thấy mình bất xứng nên xin Chúa thứ tha lỗi lầm để được xứng đáng cử hành mầu nhiệm cao cả. Vì thế, đây chưa phải là bí tích Hòa Giải, vì chưa có lời Xá giải bí tích cho từng hối nhân.
59. Kinh Vinh Danh có giá trị như thế nào ?
Đây là thánh thi mượn lời các thiên thần ca ngợi Thiên Chúa trong đêm Giáng Sinh. Kinh này giúp chúng ta chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa, bày tỏ niềm vui, nên không đọc trong mùa sám hối (Mùa Vọng, Mùa Chay và các lễ an táng, cầu hồn).
60. Vì sao chủ tế lại kêu mời “Chúng ta dâng lời cầu nguyện” ?
Để nhắc mỗi người hãy hiệp thông với lời nguyện của ngài. Riêng trong lời nguyện nhập lễ, chủ tế mời gọi mỗi người thầm thĩ trong lòng dâng ý nguyện riêng mà ngài sẽ tổng kết trong lời nguyện được gọi là “lời tổng nguyện”.
www.simonhoadalat.com |
|