PHỤNG VỤ LỜI CHÚA 61. Phần phụng vụ Lời Chúa bắt đầu và kết thúc khi nào ? Phụng vụ Lời Chúa bắt đầu từ bài đọc Kinh Thánh thứ nhất, sau lời nguyện nhập lễ của chủ tế, và kết thúc khi đọc xong lời nguyện chung, tức là trước khi dâng lễ vật.
62. Bài đọc I thường được trích từ đâu ? Bài đọc I thường được trích từ Kinh Thánh Cựu Ước để loan báo hành động của Thiên Chúa là Đấng từ khi tạo thành thế giới, đã chuẩn bị cho dân Ngài đón tiếp Chúa Giêsu. Ngày Chúa Nhật, Bài đọc I giúp ta hiểu bài Tin Mừng rõ hơn.
63. Bài đọc II thường được trích từ nguồn nào ? Bài đọc II thường được trích từ một trong các thư tông đồ. Bài đọc này liên kết chúng ta với các Kitô hữu đầu tiên, bởi vì các Tông Đồ đã rao giảng cho các cộng đoàn tiên khởi hoặc là đã viết thư cho họ.
64. Ý nghĩa của Thánh Vịnh đáp ca là gì ? Thánh vịnh đáp ca là lời đáp trả của con người sau khi nghe Chúa nói qua các bài đọc Kinh Thánh. Do đó, Thánh vịnh đáp ca phải là bản văn Kinh Thánh có liên quan trực tiếp với bài đọc vừa được nghe.
65. Ai là người được phép công bố Tin Mừng trong Thánh lễ ? Khi cử hành Thánh lễ, chỉ có những người có chức thánh mới được phép công bố Tin Mừng.
66. Bài Tin Mừng có chỗ đứng như thế nào trong Thánh lễ ? Đó là trọng tâm của phần phụng vụ Lời Chúa : Chính Chúa Kitô Phục Sinh đang nói với chúng ta. Vì thế việc công bố Tin Mừng phải thật long trọng và mọi người đứng, quay mặt về phía người đọc để tỏ lòng kính trọng và chăm chú lắng nghe.
67. Ai được phép giảng lễ và dựa vào đâu để diễn giảng ? Chỉ người có chức thánh mới được giảng trong Thánh lễ. Ngài dựa vào những gì Lời Chúa vừa nói với cộng đoàn để giúp chúng ta đón nhận giáo huấn, như xưa Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ làng Emmau.
68. Ý nghĩa của lời tuyên xưng đức tin là gì ? Lời tuyên xưng đức tin trong Kinh Tin Kính là lời cộng đoàn đáp lại Lời Chúa. Người Kitô hữu tuyên xưng lớn tiếng Đấng họ tin, qua việc đón nhận và đáp lại Lời Ngài mà họ vừa được nghe trong các bài Kinh Thánh và bài diễn giảng.
69. Lời tuyên xưng đức tin của cộng đoàn hiện diện có liên hệ đến những ai ? Lời tuyên xưng đđức tin của cộng đoàn có liên hệ đến cả Hội Thánh, bao gồm những người hiện diện, những người vắng mặt và cả những người đã qua đời. Vì đây là đức tin của cả Hội Thánh, là dấu để nhận biết người thuộc về Hội Thánh.
70. Khi đọc Kinh Tin Kính, vì sao mọi người lại cúi mình khi tới câu : “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người” ? Chúng ta cúi mình để tỏ lòng tôn kính mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể để cứu chuộc loài người. Đặc biệt mọi người còn quì trong ngày lễ Truyền Tin và Giáng Sinh.
71. Vị trí của “Lời nguyện chung” trong Thánh lễ là gì ? “Lời nguyện chung” (“lời nguyện cho mọi người”, “lời nguyện tínhữu”) kết thúc phần Phụng vụ Lời Chúa. Đây là lúc cộng đoàn dâng lên Chúa lời cầu nguyện cho hết mọi người, bởi lẽ Chúa Giêsu đã ban sự sống và kêu gọi hết mọi người nhận biết Thiên Chúa. www.simonhoadalat.com