|
Ăn nhanh, đi chậm, đái đường, hôn bụi dậm
Đây là câu ca dao hiện đại của người Việt, không chỉ nói đến hiện tượng xấu, mà còn lột tả tư duy, cách sống ngược đời của người Việt.
1. Ăn thì cần chậm! Vì “ăn chậm nhai kỹ, no lâu”, thì người Việt lại ăn nhanh. Bởi lẽ, mùa hè nóng nực, ăn mà còn toát cả mồ hôi, lại thêm cơm nóng canh nóng, nên ăn cũng ngại. Hơn nữa thức ăn nghèo nên ăn quấy quả cho xong bữa. Còn một lý do nữa khi đi làm chung với nhau, “lính tráng có suất”, không ăn nhanh sợ mất phần.
2. Đi thì cần nhanh! Vì đi là biểu hiện của hoạt động và mục đích, cần tới chỗ này, cần đến chỗ kia. Nhưng như ở phần trên đã nói, tư chất “lãn công” làm lãi của người Việt rất phổ biến, vì thế muốn đi chậm dề để dưỡng sức. Thêm nữa người có tư duy thế nào bước đi thế ấy. Người nghĩ xa, nhìn xa, bước đi tự nhiên khoan thai, sải dài. Người nghĩ ngắn, nhìn gần, loay hoay tủn mủn, thì bước chân không thể nào quảng khoát được. Đi cũng là nhịp điệu thể hiện trình độ về tốc độ của một thời đại. Người có tư duy thuộc nền công nghiệp máy móc đi nhanh, hoạt động nhanh. Trái lại, xã hội ta mới đang ở mức xấp xỉ 80% là nông dân sống kiểu “nông nhàn”, vì vậy tốc độ đi còn rất chậm, tốc độ sống còn rất dề dà. Người Việt có một câu nói đùa bằng lòng với tốc độ sống của mình rằng: đi chậm cũng nhanh hơn xe bò, đi nhanh cũng chẳng thể kịp ô tô, vậy thì đường ta, ta cứ yên chí mà đi. Nói đến tốc độ, chúng ta đừng nên hiểu lầm, một số kẻ phóng xe bạt mạng ngoài đường là đã vượt qua tốc độ của xã hội công nghiệp. Đó chỉ là những kẻ mắc mặc cảm tự ti, muốn ta đây, phóng xe để trộ người... Đa số họ, đi nhanh nhưng chẳng biết đi đâu, nên phóng bạt mạng đến nơi nào đó, nhìn ngó một tẹo, không biết làm gì lại phóng đi. Người Trung Hoa cho rằng: “Kẻ không ngồi ấm chỗ chỉ là hạng lăng xăng, thằng hầu, con ở”. Phần lớn số này, tài cán chẳng có gì nhiều hơn ngoài đi xe, nên cứ ra oai hết phóng đi rồi lại phóng về.
3. Đái đường, thì khỏi bàn nó xấu thế nào, đó là cách tuỳ tiện, thấy khát thì uống, thấy buồn thì tè chỗ nào cũng được. Cái cảnh người Việt đái đường thì thật hết chỗ tả. Có khi xe đổ ở ngã tư, đèn xanh, đèn đỏ, giữa ban ngày ban mặt, một anh dừng xe máy phía sau, chạy lên chiếc xe tải đổ phía trước, ưỡn người vào lốp xe, tè một bãi cứ như không. Anh ta làm việc đó hiển nhiên như thể là, đã có uống ở đầu vào thì phải có xả tất yếu ở đầu ra.
Người làm việc ấy, do trình độ thấp đã đành, cách đây ít năm, tôi và mấy người học cùng trường đi dạo ra hồ Thuyền Quang, mấy chàng đã tốt nghiệp đại học hẳn hoi, cơ quan gần đó, nghĩa là không thể bí chỗ đi tiểu, vậy mà họ hồn nhiên đứng dàn hàng ngang tè ngay xuống hồ, vô tư như những chú bé con, còn chưa được mẹ dặn dò chỉ bảo.
Đái bậy, thực ra là một vấn đề tồn đọng rất quan trọng của văn hoá, không những thế nó còn mang một tầm vóc lý thuyết rất lớn. Có nhiều lần, tôi gặp mặt cả những kiến trúc sư, các nhà xây dựng, và các nhà văn hoá, mọi người đều cho rằng: Lối sống của người Việt đã và còn đang mang nặng sự chú tâm cho Đầu vào, như ăn gì, uống gì, mà chưa chú tâm vào Đầu ra. ở nhiều nơi công cộng, chúng ta ghi “cấm phóng uế bừa bãi”, nhưng lại không có chỗ để người ta phóng uế. ở Tây chẳng hạn, người ta thường kiểm tra chế độ vệ sinh “đầu ra” của một nhà hàng, nếu chủ quán định mở bao nhiêu bàn ăn, thì nhà vệ sinh (toa - lét) phải đáp ứng ngang bằng. Đằng này, ở ta có khi các quán bia đông cả vài trăm người uống, vậy mà chỗ đi vệ sinh có khi chỉ giành riêng cho một vài người. Có nhiều quán bia, mời người ta ăn thùng uống vại, nhưng cái khoản đầu ra, thì mặc kệ, ông muốn giải quyết kiều nào cũng được.
Tệ nạn này, thể hiện cả trình độ sống từ trong căn rễ của người Việt. Trước đây người Việt vẫn quan niệm “ăn hết nhiều, ở hết mấy”. Nghĩa là, người ta chỉ coi trọng ăn - uống, còn điều kiện ở thì chỉ lo chỗ nằm, chỗ ngồi, chỗ hóng mát, mà ít khi lo đến cái khoản đầu ra. ở các thành phố, thì ôi thôi, nhiều khu nhà cả chục hộ, cả dăm chục người chung nhau cái nhà vệ sinh tối tăm bẩn thỉu “có đường vào, mà đường ra thì quần áo sặc mùi hôi thối”. Còn ở các vùng quê, nhiều nơi vẫn còn “hát” bài “Nhất quận công, nhì ỉa đồng”. Có những làng mạc dọc theo bãi biển, có khi cả xóm, không nhà nào làm chỗ vệ sinh tất cả đều “tình tang” đi ra bãi biển biểu diễn màn “ngồi xổm, vừa thả bom, vừa ném tờ rơi, nước lên đến đâu, “nhảy” lên đến đấy.
Hiện nay, tình hình và tâm lý cũng đã cải thiện nhiều. Rất nhiều người đã nghĩ, đầu ra có thể ít vật chất hơn đầu vào, nhưng lại nhiều “khả thi” văn hoá hơn. Người ta có thể ăn ở chỗ đông người, uống ở chỗ đông người, nhưng không thể bạ đâu tè đấy, hay phóng uế ở chỗ đông người. Vả lại, thành phố bây giờ đã phát triển nuốt mất nhiều cánh đồng của miền quê, không thể còn khư khư nghĩ cách “nhất quận công, nhì ỉa đồng” nữa.
Như vậy, “đái bậy” vừa là vấn đề văn hoá, vừa là tồn đọng văn hoá, cũng là trình độ “văn hoá đầu ra”. Xin tất cả chúng ta hãy lưu ý cho, từ người kiến thiết xây dựng thành phố, đến người xây chợ búa, cửa hàng, và cả những khu nhà ở.
4. Hôn bụi rậm. Nụ hôn thì ở đâu cũng đẹp, dù giữa ban ngày hay trong đêm tối. Nhưng điều quan trọng là ở chỗ nó phản ánh, cái xấu như “đái bậy”mà người Việt vẫn làm thản nhiên như không - sự thản nhiên đó cũng là tự nhiên - và cũng là bản năng. Người có giáo dục cũng như văn hoá là phải thoát xa bản năng, nhưng tâm lý của nhiều người Việt vẫn là “làm theo bản năng” thì thấy tự nhiên, tiện lợi. Chẳng cần đặt câu hỏi việc đó có hợp văn hoá không. Trái lại, hôn là biểu hiện tình cảm cao quý của con người, nghĩa là từ tự nhiên đã bước lên “nhân tạo”, thì người ta lại phải vừa gượng gạo, vừa kín đáo. Như vậy chúng ta chưa quen tạo ra những “văn hoá nhân tạo” - cũng là giá trị nhân văn, mà còn đang loay hoay sống rất gần với bản năng tự nhiên.
Nguyễn Hoàng Đức |
|