|
Kiểu thứ ba : vợ là như bà chủ, bà chằng.
Gã không phải là một nhà sử học, cũng không phải là một nhà nhân chủng học, nên chẳng thể nào biết rõ được chế độ mẫu hệ đã xuất hiện ở đâu và vào thời nào trên mặt đất này. Có lẽ từ rất xa xưa, trước khi nông nghiệp phát triển. Gã chỉ nắm một cách qua quít và hiểu một cách lơ tơ mơ rằng : trong chế độ mẫu hệ, người đờn bà làm chủ gia đình và nắm quyền sinh sát trên chồng con. Chỉ có một cái khoái duy nhất trong chế độ mẫu hệ là chị con gái sẽ đi cưới anh con giai làm chồng, chứ không phải anh con giai đi cưới chị con gái làm vợ như ngày hôm nay.
Phải, nếu như ngày hôm nay, chế độ mẫu hệ mà tái xuất giang hồ, hẳn thế giới này sẽ bị đảo lộn tùng phèo, như bài thơ “Thí dụ như” của một tác giả nào đó mà gã đã quên béng mất tên rồi. Xin thành thực cáo lỗi và sẵn sàng nhận một thẻ vàng của trọng tài Fifa.
- Bây giờ thí dụ như là :
Chồng thì làm bếp vợ ra quán hè,
Vợ nhậu đến bữa quên về,
Chồng sang hàng xóm, ngồi lê cả ngày.
Vợ đi bia bọt gác tay,
Chồng mua mỹ phẩm mất bay triệu đồng.
Vợ mê em út lung tung,
Chồng diện áo váy hở mông hở đùi.
Vợ thời phóng khoáng ham vui,
Chồng thì bủn xỉn ví như ngân hàng.
Vợ quen cái thói làm tàng,
Chồng thì mê tín thắp nhang đêm ngày.
Lên xe vợ phóng như bay,
Chồng thì tỷ mỉ vá may thêu thùa.
Vợ lo điện nước búa xua,
Chồng lo giữ trẻ sớm trưa ru hời.
Vợ thèm thuốc lá chờ mời,
Chồng ham tứ sắc mê chơi quên ngày.
Vợ thời ở bẩn một cây,
Chồng thì sạch sẽ đêm ngày soi gương.
Vợ thời phải nộp sạch lương,
Chồng thì tính toán đủ đường, đủ đôi.
Vợ thời đi biển có đôi,
Chồng thì đi biển mồ côi một mình.
Mới nghĩ mà đã phát kinh.
Tạm gác lại chuyện thế giới này bị đảo lộn tùng phèo khi những “thí dụ như là” xảy ra, để được trở về với kiểu vợ làm bà chủ. Dòng máu “mẫu hệ” lưu thông ào ào trong huyết quản, nên họ bèn vùng lên, không những đòi quyền...sướng và bình đẳng với giới mày râu, mà còn giành lấy mọi quyền hành, quyết định tất tật mọi chuyện to nhỏ trong gia đình. Lúc bấy giờ thân phận ông chồng thật là hãi hùng và bi đát :
- Làm trai rửa bát quét nhà,
Vợ gọi thì dạ, bẩm bà con đây.
Và một khi quyền hành rơi vào tay người vợ, thì tình hình sẽ trở nên não nề, bởi vì từ cái ghế bà chủ, người vợ không ngần ngại nhảy phóc lên ngô...…bà chằng. Bởi vì chữ chằng chẳng gần với chữ chủ lắm ru ?
Từ cổ chí kim, những khuôn mặt bà chằng thì quả là ê hề và đầy rẫy. Gã chỉ xin đan cử hai khuôn mặt “điển hình tiên tiến”. Một bên đông và một bên tây.
Bên đông thì đó là khuôn mặt bà vợ Trần Quí Thường, vốn được mang biệt danh “sư tử Hà Đông”. Điển xưa tích cũ kể lại rằng : Thi hào Tô Đông Pha có người bạn tên là Trần Quí Thường. Quí Thường lại có người vợ nổi tiếng hung dữ. Mỗi lần Tô Đông Pha đến chơi, thì đều nghe tiếng bà vợ của Quí Thường quát tháo, la hét ầm ỉ. Thấy vậy, họ Tô mới làm thơ chế diễu ông bạn hiền có cô vợ dữ như sau :
- Thùy tự Long Khâu cư sĩ hiền,
Đàm không thuyết pháp dạ bất miên.
Hốt văn Hà Đông sư tử hống,
Trụ trượng lạc thủ tâm mang mang.
Có nghĩa là :
- Ai hiền hơn cữ sĩ Long Khâu,
Đọc kinh, giảng đạo suốt canh thâu.
Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống,
Tay run gậy rớt lòng kinh hãi.
Từ đó, biệt danh “Sư tử Hà Đông” vốn được dùng để ám chỉ người vợ có tính hung dữ. Nếu ở các rừng châu Á, cọp là vua của loài thú, thì ở châu Âu, sư tử là chúa sơn lâm. Các loài thú khác khi nghe sư tử rống, đều cúp đuôi hoảng sợ, vắt giò lên cổ mà chạy trốn.
Còn bên tây thì đó là khuôn mặt bà vợ Socrate. Ông là một triết gia lừng danh của Hy Lạp cổ xưa. Lý thuyết của ông ngày nay vẫn còn giá trị. Nhưng ác thay, đang khi ông là một bậc thày đáng kính của đông đảo các môn đệ và sau này muôn thế hệ vẫn coi ông như một bậc tôn sư, thì ông lại là nạn nhân của một bà vợ. Bà đã chanh chua, khinh rẻ ông là hạng trói gà không chặt, dài lưng tốn vải ăn no lại nằm. Lần kia, sau khi đã chửi ông một trận kịch liệt, bà đã tặng cho ông nguyên cả một chậu nước dơ lên người, nhưng ông vẫn thản nhiên và nói :
- Tôi biết mà, sau khi đã có sấm chớp thì tất nhiên trời sẽ đổ mưa.
Lần khác ông mời bè bạn đến nhà dùng bữa, bà hầm hầm nét mặt, bưng cả mâm cơm hắt ra ngoài sân. Ông vẫn bình tĩnh lượm lên, tái phối trí rồi cùng với bè bạn ngồi ăn ngoài sân. Trời không chịu đất, thì đất đành phải chịu trời chứ còn sao nữa |
|