CHIA SẺ VỚI EM: LINH MỤC CHÚA KI-TÔ THỨ HAI
(ALTER CHRISTUS)
(tt)


Có lẽ vì chức linh mục quá cao sang và cao trọng, mà có một vài linh mục cảm thấy mình phải sống xa cách giáo dân kẻo họ làm hư mất chức linh mục của mình, hoặc phải sống cao cao sang sang bên trên để giáo dân phải kính trọng mình và phục vụ mình ! Cả hai loại suy nghĩ trên đều không đúng với giá trị của thiên chức linh mục, bởi vì Chúa Giê-su vẫn “lăn lộn” với dân chúng mà họ đâu có làm cho Ngài phải quên mất sứ mạng cứu chuộc của mình; bởi vì chức linh mục được lập ra là để phục vụ, như Chúa Giê-su đã phục vụ và phục vụ cho đến chết trên Thập Giá. Cứ nhìn xem Chúa Giê-su thi hành chức vụ linh mục thế nào, thì làm theo thế ấy, nhứt định là sẽ đạt đến thành công, vì Chúa Giê-su là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống...


Bí tích Hôn Phối.

Hiện nay, ở nước ngoài, cụ thể là ở Taiwan, có những đôi tân hôn không phải là Công Giáo, nhưng họ vẫn đến xin phép được cử hành nghi thức hôn phối tại nhà thờ, tức là xin được linh mục chúc lành cho họ. Không phải là họ muốn đến nhà thờ để quay phim chụp hình cho đám cưới thêm xôm trò, nhưng thật sự họ muốn được linh mục công giáo chúc lành cho họ trong ngày cưới của mình, vì họ tin rằng, linh mục chúc lành chính là ơn trên chúc lành cho họ.

Bí tích Hôn Phối là do Chúa Giê-su lập ra để kết hợp hai người nam và nữ đã lãnh nhận phép Rửa Tội làm thành một cộng đoàn cho cả cuộc đời52, và qua bí tích này mà Chúa Giê-su chúc lành cách đặc biệt cho họ.

Thông thường tất cả những người Công Giáo đều đến nhà thờ để cử hành thánh lễ hôn phối (nếu họ không bị ngăn trở), và linh mục người đại diện cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội, cho cộng đoàn Dân Chúa và cho cá nhân, chứng kiến và chúc lành cho đôi tân hôn để họ trở nên một cộng đoàn hợp pháp sống trong ân sủng của Thiên Chúa, và đây chính là điều kỳ diệu của bí tích Hôn Phối mà linh mục –mặc dù là người chứng kiến- nhưng có vai trò rất quan trọng trong thánh lễ Hôn Phối: quan trọng trước tiên là ngài cử hành thánh lễ, và trong thánh lễ ngài cầu xin Thiên Chúa đổ ơn lành xuống trên đôi tân hôn, để họ được chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình; quan trọng thứ hai là trong bái giảng, chính ngài giáo huấn, nhắc nhở động viên đôi tân hôn sống làm sao để trở thành một gia đình Nazaret thứ hai, nghĩa là sống yêu thương, hòa thuận và biết kiên nhẫn chịu đựng những khuyết điểm của nhau.

Có một vài linh mục khi giảng lễ hôn phối thì kể những chuyện cười cho vui, hoặc đọc lên những bài thơ tình để ca ngợi tình yêu, chẳng có gì là sai cả, nhưng không đi vào trọng tâm mục đích của thánh lễ hôn phối, là đem Lời Chúa áp dụng trong đời sống hôn nhân, để không những chỉ giảng cho đôi tân hôn mà thôi, nhưng còn là nhắc nhở, khuyến khích và giảng dạy cho những người đang hiện diện trong thánh lễ hôn phối ấy.

Là một Chúa Ki-tô thứ hai đang hiện trong thánh lễ hôn phối, cũng với đôi tay ấy -đôi tay đã được xức dầu thánh hiến- ngài làm phép đôi nhẫn cưới và chúc lành cho đôi tân hôn, để họ được tràn đầy ơn phúc của Chúa, sống hạnh phúc bên nhau cho đến bách niên giai lão.