|
Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ (tư tưởng Thánh Maximillian Kolbe)
Đàng khác, Thánh Kolbe còn viết rằng Chúa Thánh Thần “sản sinh [tượng thai] một cách vô nhiễm chính sự sống thần linh ngay trong thẩm cung linh hồn Đức Mẹ, qua đó biến Đức Mẹ thành sự Tượng Thai Vô Nhiễm nhân bản”. Như thế, đối với Thánh Kolbe, sự Tượng Thai Vô Nhiễm (nơi Đức Mẹ) có ý nói tới cả hành vi yêu thương thần thánh của Chúa Thánh Thần, hành vi vốn “tượng thai” ơn thánh đặc thù trong linh hồn Đức Mẹ để kết hợp Đức Mẹ với Người; lẫn chính ơn thánh đặc thù, ơn thánh mà Đức Mẹ đã minh nhiên đồng hóa với chính con người của ngài đến nỗi đã có thể định nghĩa đúng về mình mà cho rằng “Ta là Đấng Vô Nhiễm Thai”. Và vì Chúa Thánh Thần vốn phát sinh, hay được “tượng thai” một cách vô nhiễm, từ tình yêu phát sinh từ thuở đời đời giữa Chúa Cha và Chúa Con, nên ta có thể gọi Người bằng tên riêng là Đấng Vô Nhiễm Thai Không Được Dựng Nên Nhưng Đã Có Từ Đời Đời.
Thánh Maximillian Kolbe dùng chính lời Đức Mẹ nói tại Lộ Đức không với mục đích để khai triển ra một nền thần học Ba Ngôi về Chúa Thánh Thần. Đây chỉ là một phương tiện nhằm tới một mục đích. Mục đích tối hậu của thánh nhân là để hiểu Đức Mẹ rõ hơn dưới ánh sáng những lời đẹp đẽ Đức Mẹ phán với Thánh Nữ Bernadette, và để cố gắng giải đáp câu hỏi từng khiến thánh nhân cầu nguyện và suy niệm lâu ngày: “Ôi lạy Đấng Vô Nhiễm Thai, vậy Mẹ là ai?”.
Các suy niệm của Thánh Kolbe giúp ta hiểu rõ hơn việc Đức Mẹ đứng làm trung gian phổ quát các ơn thánh. Như chính thánh nhân đã khẳng định: “Việc Đức Mẹ làm trung gian là hệ luận từ tín điều Vô Nhiễm Thai của ngài” (21). Ơn thánh đặc thù ban cho Đức Mẹ lúc ngài được tượng thai gìn giữ ngài khỏi mọi tì vết của Nguyên Tội và kết hợp ngài một cách kín nhiệm với Chúa Thánh Thần, Đấng, theo vị thánh người Ba Lan này, đã làm Đức Mẹ “mang hoa trái từ giây phút hiện hữu đầu tiên, trong suốt đời ngài và mãi mãi thiên thu vạn đại”. Những lời này vang vọng lại lời của Thánh Louis de Montfort, là người từng nói rằng Chúa Thánh Thần “đã quyết định dùng Rất Thánh Đức Mẹ, dù Người tuyệt đối không cần tới Đức Mẹ, ngõ hầu có thể trở nên đấng mang nhiều hoa trái tích cực trong việc sản sinh ra Chúa Giêsu Kitô và các chi thể của Người trong Đức Mẹ và qua Đức Mẹ” (22). Thánh de Montfort cũng là người từng nói rằng cũng một Chúa Thánh Thần ấy đã chọn Đức Mẹ làm “đấng ban phát mọi sự Người có, đến độ Đức Mẹ muốn phân phát các hồng ơn và ơn thánh của Người cho ai, bao nhiêu, cách nào và khi nào tùy thích” (23). Hai vị đại thánh của Đức Mẹ này nhất trí rằng Đức Mẹ là Đấng Trung Gian (Mediatrix) mọi ơn thánh Chúa Kitô tạo lập được nhờ công nghiệp của Người. Hai vị, trong yếu tính, cũng nhất trí về các lý do khiến Đức Mẹ có vị trí đặc biệt trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa: Ngài là Mẹ Chúa Giêsu Kitô và là hiền thê hay dụng cụ của Chúa Thánh Thần. Hai vị chỉ khác nhau đôi chút trong nhấn mạnh mà thôi. Thánh de Montfort (và đa số các nhà văn trong Thánh Truyền) thì nhấn mạnh tới chức làm mẹ của Đức Mẹ, trong khi Thánh Kolbe nhấn mạnh tới mối liên hệ thân mật của Đức Mẹ với Chúa Thánh Thần, một liên hệ phát sinh từ việc Tượng Thai Vô Nhiễm của ngài.
Ta có thể thử đưa ra một tổng hợp cho cả hai cách nhấn mạnh trên: ơn thánh và đặc ơn đặc biệt ban cho Đức Mẹ, từng kết hợp ngài một cách khôn tả với Chúa Thánh Thần và có được là do công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, đã được sắp xếp cho mục đích kép sau đây: thứ nhất, Đức Mẹ sẽ là Mẹ Thiên Chúa, và qua ngài, Chúa Giêsu Kitô sẽ đến, Đấng vốn là Suối Nguồn mọi ơn thánh; và thứ hai, Đức Mẹ sẽ là dụng cụ nhân bản sống động của Chúa Thánh Thần qua đó Chúa Thánh Thần sẽ phân phát mọi ơn thánh mà Chúa Kitô đã tạo lập được bằng công nghiệp của Người. Dĩ nhiên, mục đích sau được thực hiện trong và nhờ mục đích trước.
Ta có thể phát biểu chân lý trên một cách khác: Sự Tượng Thai Vô Nhiễm của Đức Thánh Nữ Trinh Maria được sắp xếp hướng về việc Nhập Thể của Thiên Chúa làm người là Chúa Giêsu Kitô thế nào, thì sự kết hợp huyền nhiệm giữa Đức Mẹ và Chúa Thánh Thần, khởi từ lúc ngài được Tượng Thai Vô Nhiễm, cũng tìm được ý nghĩa và mục đích tối hậu như thế khi Chúa Thánh Thần tạo thịt xương cho Ngôi Lời Vĩnh Hằng trong dạ tinh sạch của Đức Mẹ. Nhưng vì Chức Làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Mẹ và sự kết hợp huyền nhiệm với Chúa Thánh Thần của ngài, vai trò của Đức Mẹ trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa không chấm dứt với việc Nhập Thể mà còn đi xa hơn thế, để bao hàm cả việc ngài hợp tác một cách có ý thức và đầy ý chí tự do với Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần trong công trình cứu chuộc và cứu rỗi dưới chân Thánh Giá, trong những ngày ngài còn sống trên dương thế và nay ở trên trời.
Đức Mẹ: Hiền Thê của Chúa Thánh Thần
Trong hai lối giải thích việc Đức Mẹ làm trung gian các ơn (chức làm Mẹ Chúa Kitô hay việc kết hợp huyền nhiệm với Chúa Thánh Thần), xem ra các suy tư của Thánh Maximillian Kolbe có vẻ có sức thuyết phục hơn. Vì, nếu việc phân phát các ơn thánh do cái chết cứu chuộc của Chúa Kitô đem lại là công trình đặc thù của Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa, thì vai trò làm Đấng Trung Gian mọi ơn thánh của Đức Mẹ phải là hiển nhiên, xét vì tình kết hợp của ngài với Chúa Thánh Thần (thực hiện trong và qua sự Tượng Thai Vô Nhiễm của ngài). Thánh Kolbe tóm tắt điều ấy khi ngài viết: “Trong tư cách Mẹ Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế của chúng ta, Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc của nhân loại; trong tư cách hiền thê của Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ tham dự vào việc phân phát mọi ơn thánh” (24). Như thế, ta có thể thấy rằng việc Thánh Kolbe nhấn mạnh tới mối liên hệ của Đức Mẹ với Chúa Thánh Thần để giải thích việc ngài làm trung gian phổ quát các ơn thánh của Chúa Kitô vừa bổ túc vừa cung cấp một cái hiểu trọn vẹn hơn đối với phương thức của Thánh Truyền Giáo Hội, như đã được Thánh de Montfort và các vị khác đề xướng.
Hiểu đúng đắn vai trò của Đức Mẹ trong việc phân phát mọi ơn thánh, đặc biệt, theo quan điểm mối liên hệ của ngài với Chúa Thánh Thần, sẽ giúp rất nhiều cho cuộc đối thoại đại kết với anh chị em không Công Giáo, liên quan tới giáo huấn của Giáo Hội về Đức Mẹ. Truyền Thống Công Giáo vốn dạy rằng ta đến “với Chúa Giêsu qua Đức Mẹ”. Dù câu đó hoàn toàn đúng, nhưng ta cần phải giải thích nó cách đúng đắn để mọi người hiểu nó cách chính xác.
Thánh Kolbe rất đúng khi nhấn mạnh rằng mọi ơn thánh, xét cho cùng, đều từ Chúa Cha mà có, nhờ công nghiệp của Chúa Kitô, và được Chúa Thánh Thần phân phát. Đáp trả của chúng ta đối với tình yêu và ơn thánh tự ý ban phát của Chúa hệ ở tình yêu; và việc chúng ta trở về với Chúa cũng đi theo cùng một thứ tự ấy, tuy có đảo ngược: Qua Chúa Thánh Thần, ta đến với Chúa Giêsu, và qua Chúa Giêsu ta đến với Chúa Cha. Trong trình tự (Ordo) do Chúa thiết lập, Chúa Giêsu đến với ta và tiếp tục đến với ta qua sự hợp tác đầy ý chí tự do của Rất Thánh Nữ Trinh Maria; đàng khác, khi phân phát ơn thánh của Chúa Kitô, Chúa Thánh Thần sử dụng Đức Mẹ làm “dụng cụ nhân bản sống động” của mình vì các lý do đã trình bày trên đây. Theo nghĩa hướng này, thật là đúng khi nói rằng mọi ơn thánh do Chúa Kitô tạo lập được đều đến với chúng ta qua Đức Mẹ, qua sự giúp đỡ và cầu bầu đầy tình mẫu tử của ngài.
Cũng thế, ta đáp trả tình yêu và ơn thánh của Chúa và đến với Chúa Cha bằng cách đi theo cùng một trình tự thần linh kia: đến với Chúa Giêsu qua Chúa Thánh Thần; và vì, trong kế hoạch của Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần đã chọn hành động qua hiền thê của Người, nên ta đúng là đến với Chúa Giêsu qua Đức Mẹ.
Cho nên, khi người ta (cả Công Giáo lẫn không Công Giáo) phản đối giáo huấn cho rằng ta đến với “Chúa Giêsu qua Đức Mẹ”, xét theo một nghĩa nào đó, lời phản đối của họ có giá trị. Chỉ có điều nó không đúng chỗ. Thực vậy, lời phản đối của họ thường dựa trên ý niệm sai lầm này là giáo huấn trên làm giảm đi sự trung gian của Chúa Kitô. Đúng ra, lời phản đối của họ nên như thế này: câu “[đến] với Chúa Giêsu qua Đức Mẹ” có xu hướng bỏ qua hay làm tối tăm vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc phân phát các ơn do Chúa Kitô tạo lập được. Tuy nhiên, trên thực tế, khi đã hiểu rõ sự kết hợp khôn tả giữa Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ, thì cả câu “[đến] với Chúa Giêsu qua Đức Mẹ” lẫn giáo huấn chứa đựng trong câu ấy đều không có vấn đề gì cả. Bởi vì, như Thánh Maximillian Kolbe đã viết, khi ta nói “[đến] với Chúa Giêsu qua Đức Mẹ”, trong yếu tính, ta muốn nói cùng một điều này là “[đến] với Chúa Giêsu qua Chúa Thánh Thần”. Tại sao thế? Vì Chúa Thánh Thần chỉ hành động trong và qua hiền thê yêu qúy của mình, một hiền thê được Người kết hợp một cách hết sức mật thiết nhờ sự Tượng Thai Vô Nhiễm của Đức Mẹ. Như Thánh Maximillian đã chính xác nhấn mạnh, Chúa Thánh Thần biểu lộ sự đóng góp của Người vào công trình Cứu Chuộc qua Nữ Trinh Vô Nhiễm, Đấng, dù là một nhân vật hoàn toàn khác với Người, nhưng đã liên kết với Người một cách mật thiết đến độ trí khôn ta không thể hiểu thấu. Như thế, dù sự kết hợp của hai vị không cùng một bình diện như cuộc kết hợp nhị tính (hypostatic union) từng kết hợp hai bản tính nhân loại và Thiên Chúa nơi Chúa Kitô, ta vẫn có thể nói một cách đúng sự thật là hành động của Đức Mẹ cũng chính là hành động của Chúa Thánh Thần. Vì, trong tư cách hiền thê của Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ được nâng lên một cao độ hoàn hảo trên hết mọi thụ tạo đến độ ngài có thể thể hiện trong mọi sự chính ý muốn của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn ngự trong Đức Mẹ ngay từ giây phút đầu tiên lúc ngài được tượng thai (25).
Hiểu đúng đắn mối liên hệ của Đức Mẹ với Chúa Giêsu trong kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa, và mối liên hệ của ngài với Chúa Thánh Thần trong “kế hoạch áp dụng sự cứu chuộc” của Thiên Chúa (nghĩa là trong việc phân phát các ơn thánh do Chúa Kitô tạo lập được) sẽ giúp cả người Công Giáo lẫn người không Công Giáo thấy rằng ta không cầu xin Đức Mẹ để đến với Chúa Giêsu, nhưng cầu xin qua Đức Mẹ mà đến với Chúa Giêsu, và qua Chúa Giêsu mà đến với Chúa Cha. Và dưới ánh sáng những điều đã nói trên đây về việc Đức Mẹ là “dụng cụ nhân bản sống động” của Chúa Thánh Thần, ta hiểu ra rằng khi ta cầu xin qua Đức Mẹ mà đến với Chúa Giêsu thì thực ra ta đang cầu xin qua Chúa Thánh Thần (và Đức Mẹ) mà đến với Chúa Giêsu vậy. Hơn nữa, với cái khung và việc nhấn mạnh thần học của Thánh Kolbe đối với mối liên hệ của Đức Mẹ với Chúa Thánh Thần như lý do giải thích việc ngài là Đấng Trung Gian mọi ơn thánh, thì sự cần thiết giả thiết phải đi qua Đức Mẹ đã trở nên rõ ràng rất nhiều: nếu ta biết rằng ơn thánh của Chúa Kitô đến với chúng ta qua Chúa Thánh Thần và ta phải đáp trả ơn thánh của Chúa bằng cách qua Chúa Thánh Thần mà đến với Chúa Giêsu, và nếu ta đồng thời biết rằng Chúa Thánh Thần chỉ hành động trong và qua Đức Mẹ, hiền thê yêu qúy của Người, thì ta sẽ nhận ra sự cần thiết giả thiết phải chạy đến với Rất Thánh Nữ Trinh.
Điều ấy khiến ta đặt câu hỏi: Tại sao Thiên Chúa lại hành xử theo lối trên? Thiên Chúa của ta vốn là Thiên Chúa của lý lẽ, và các hành động của Người đều có một nền tảng trong lý lẽ. Vậy tại sao Thiên Chúa lại truyền dạy rằng Chúa Thánh Thần chỉ hành động qua Rất Thánh Nữ Trinh trong việc phân phát mọi ơn thánh? Thánh Kolbe đưa ra lời giải thích như sau: như Chúa Con đã trở nên người phàm ra sao để chứng tỏ cho ta thấy tình yêu của Người vĩ đại như thế nào, Ngôi Ba, Thiên Chúa Tình Yêu (God-who-is-Love), cũng vậy, Người cũng muốn biểu lộ sự trung gian của Người trong tương quan với Chúa Cha và Chúa Con bằng một dấu chỉ cụ thể như thế. Dấu chỉ ấy chính là trái tim của Trinh Nữ Vô Nhiễm, theo điều các thánh vốn nói với ta, nhất là các vị thích coi Đức Mẹ là hiền thê của Chúa Thánh Thần. Đó là kết luận đã được Thánh Louis de Montfort rút ra, phù hợp với lời dạy của Chúa Cha… Kể từ cái chết của Chúa Kitô, Chúa Thánh Thần chỉ hành động trong ta qua Đức Mẹ (26).
Theo Dwight P. Campbell, 1993 Catholic Polls, Inc.
Vũ Văn An - VietCatholic News (20 May 2009 09:11)
(còn 1 phần nữa)
|
|