|
ÂM NHẠC VÀ TẤM LÒNG
Sau bài viết "Cảm nghĩ về Giáo Sư Nhạc Sĩ Phạm Đức Huyến, người có hai nhạc phẩm: Liberty và When Can I Be Reunied With My Mother? vừa được hãng đĩa HillTop Records phát hành trong Album AMERICA".
Ít lâu sau, tôi lại đọc bài viết của tác giả Trần Hiếu với tựa đề: "Nhạc Sư Phạm Đức Huyến và Nghệ Thuật Điều Khiển Hợp Ca" trên tờ Người Việt phát hành tại Orange County, miền Nam California. Trong bài viết này, tác giả Trần Hiếu đã phát hoạ khá rõ nét về cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của Nhạc Sư Phạm Đức Huyến. Do đó, Linh Mục Vũ Liễu, linh hướng cho các ca đoàn trong Giáo Xứ Viiệt Nam tại St. Patrick đã phải thốt lên: "Tài năng của Thầy Huyến về phương diện âm nhạc thật quá dồi dào, đặc biệt trong lãnh vực Thánh Nhạc. Ông lại hào phóng, không cất giữ cho mình mà sẵn sàng san sẻ với người khác. Thật sự, ông đã dùng tài năng Chúa ban để làm lợi cho Chúa".
Ngày 25/11/2001, lễ tốt nghiệp Ca Trưởng Cấp 3 diễn ra tại hội trường Diên Hồng, San Jose, tôi lại có dịp tiếp xúc với giáo Sư Phạm Đức Huyến và một số học viên vừa tốt nghiệp lớp Ca Trưởng Cấp 3. Với giọng nói nhỏ nhẹ, chậm rãi trên khuôn mặt còn ưu tư, mệt mỏi sau hai tuần lễ làm việc 14 giờ một ngày cho lớp Ca Trưởng Cấp 3. Tôi cùng một số anh chị em Văn,Thi, Nhạc Sĩ cùng quý vị đồng hương và thân hữu đến tham dự. Dịp này, tôi có trao đổi với Giáo Sư Nhạc Sĩ Phạm Đức Huyến và một số học viên tốt nghiệp lớp Ca Trưởng Cấp 3 để hiểu thêm tầm quan trọng, sự khác việt giữa các lớp Ca Trưởng Cấp 1, 2 và 3, đồng thời có thêm tư liệu liên quan đến vấn đề giảng dạy của Giáo Sư Phạm Đức Huyến. Sau đây là cuộc trao đổi giữa tôi và Giáo Sư Phạm Đức Huến:
Song Linh: Xin Giáo Sư Nhạc Sĩ cho biết tổng quát về nội dung chương trình giảng dạy của các lớp Ca Trưởng cấp 1, 2 và 3?
Phạm Đức Huyến: Mục đích của lớp Ca Trưởng là đào tạo những người điều khiển ca đoàn và dàn nhạc hoà tấu.
Nói đến hợp ca là nói đến những bài hát nhiều bè với những kỹ thuật sáng tác phức tạp, vì thế, đòi hỏi người Ca Trưởng phải trang bị cho mình một kiến thức sâu rộng về âm nhạc, hiểu thấu đáo những yếu tố cần tạo nên bản nhạc hợp ca, có như thế mới đủ bản lãnh để tập hát cho ca đoàn huấn luyện ca đoàn và điều khiển ca đoàn.
I. LỚP CA TRƯỞNG CẤP 1
Nội dung có 2 phần chính
Phần lý thuyết đề cập đến:
Kỹ thuật luyện giọng
Kỹ thuật huấn luyện ca đoàn
Kỹ thuật tập hát
Phần thực tập đề cập đến
Thực hành đánh các loại nhịp căn bản như nhịp 2/4, 3/4, 4/4, 6/8 và các biến thể của từng loại nhịp này
Các kiểu đánh của các loại nhịp trên được diễn tả chi tiết. Trong 15 bài thực tập từ dễ tới khó, từ các bài hát đơn giản một, hai bè đến các bài hợp ca phức tạp 4, 5 bè
II. LỚP CA TRƯỞNG CẤP 2
Nội dung có 2 phần chính
Phần lý thuyết đề cập đến:
Tiết tấu nhạc bình ca và cách phác hoạ tiết tấu
Nhạc ngũ âm với các hệ thống âm thanh, chuyển hệ và chuển vị
Phần thực tập đề cập đến
Dựa trên 15 bài mẫu, thực tập và rèn luyện tay nhịp trên các loại nhịp và các biến thể của từng loại nhịp và thể hiện sắc bén các nhạc sắc như sau: Staccato, Marcato, Sostenuto, Sforzando v.v...
Thực tập lối phác hoạ tiết tấu trên từng bè hợp ca một cách hợp lý
Phối hợp lối đánh nhịp thông thường và cách phác hoạ tiết tấu một cách nhuần nhuyễn để đi từ Kỷ Thuật Đánh Nhịp tiến lên trên một trình độ cao hơn là Nghệ Thuật Điều Khiển Hợp Ca
III. LỚP CA TRƯỞNG CẤP 3
Nội dung có 2 phần chính
Phần lý thuyết đề cập đến:
Phân tích Hoà Âm
Dàn nhạc và cách phối khí cho dàn nhạc
Nhạc ngư Nhạc Đa Điệu Việt Nam với lối sáng tác Thoáng Mỏng
Phần thực tập đề cập đến
Dựa trên 12 bài hợp ca thực tập về Nghệ Thuật Điều Khiển với những đường nét sáng tạo
Rèn luyện và gạn lọc để đạt được tay nhịp với các yếu tố:
Sắc bén
Hiệu quả cao
Ngoạn mục
Thực tập điều khiển ban hợp ca và dàn nhạc hoà tấu phụ hoạ
Cuối cùng là rèn luyện, gạn lọc và sáng toạ để đạt tới một Nghệ Thuật Điều Khiển sống động
Song Linh: Cám ơn Giáo Sư đã dành chút thời giờ quý báu để trình bày cặn kẽ và sâu sắc về hiệu quả trong việc đào tạo từng lớp Ca Trưởng, ngõ hầu làm phong phú và thăng hoa nền âm nhạc Việt Nam hải ngoại, đặc biệt trong lãnh vực Thánh Nhạc đang được phát triển và rất cần thiết từ mọi tấm lòng người Việt lưu vong như Nhạc Sư Phạm Đức Huyến đã và đang làm công việc đó.
Cũng trong buổi Lễ Tốt Nghiệp Lớp Ca Trưởng Cấp 3, tôi có dịp tiếp xúc với hai học viên sau đây:
Song Linh:Xin cho biết anh học nhạc từ lúc nào, thời gian bao lâu? Nguyên do nào anh đã theo học lớp Ca Trưởng Cấp 1, 2 và 3?
Đỗ Vy Hạ: Thưa anh Song Linh, tôi bắt đầu học nhạc và làm quen với Thánh Nhạc từ khi bước vào ngưỡng cửa Trung Học (1965). Trong khoảng 3 năm, từ 1969 đến 1972, tôi học Xướng Âm với Giáo Sư người Pháp là Linh Mục René Gantier. Sau đó, tự học Hoà Âm và Sáng Tác, mãi cho đến năm 1979 mới có cơ hội tham dự lớp Hoà Âm do Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà hướng dẫn.
Việc tôi đến với các lớp Ca Trưởng 1, 2 và 3 có thể nói là một cơ duyên! Tôi sinh hoạt với các Ca Đoàn Công Giáo từ năm 1971 đến nay trong vai trò Ca Trưởng, mặc dù trong những năm đầu đứng trên bục điều khiển, tôi chưa từng có may mắn học qua lớp huấn luyện Ca Trưởng nào! Mãi cho đến năm 1978, nhân dịp Linh Mục Nhạc Sĩ Xuân Thảo đến Nha Trang tổ chức các lớp huyến luyện Ca Trưởng cho các Thầy Dòng Phanxicô, do sự quen biết với Nhà Dòng, tôi được học chung với các Thầy liên tiếp hai cấp 1 và 2. Đến cuối tháng 5 năm 1998, tôi học lại một lớp cầp 2 nữa do Giáo Sư Phạm Đức Huyến hướng dẫn tại Dallas, Texas. Rồi hôm nay, trong số trăm các học viên cấp 2 của Giáo Sư Phạm Đức Huyến, tôi rất hân hạnh được Giáo sư tuển chọn làm một trong số 13 học viên tham dự lớp Ca Trưởng Cấp 3 được tổ chức tại San Jose, California từ ngày 16 đến hết ngày 25/11/2001.
Song Linh:Anh có suy nghĩ gì về nền Âm Nhạc Việt Nam tại hải ngoại, và anh đã đóng góp những gì trong lãnh vực âm nhạc Thánh Ca?
Đỗ Vy Hạ: Thưa anh, mặc dù vẫn thường đi "show" chung với Ban Nhạc Angel Heart (Dallas, Texas) trong vai trò vừa là ông bầu, vừa là MC, vừa là ca sĩ nhưng tôi lại không chuyên tâm nghiên cứu hoặc tìm hiểu về nền âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại, vì thế, thật tình tôi không dám đưa ra một nhận định nào. Sở trường của tôi là sáng tác Thánh Ca và sinh hoạt Ca Đoàn. Những đóng góp nhỏ nhoi của tôi trong hai lãnh vực này, có chăng chỉ là sáng tác một số ca khúc Thánh Ca và đào tạo, huấn lu yện một số ca viên cho các Ca Đoàn Công Giáo trong nước ra đến hải ngoại.
Song Linh: Anh đã sáng tác được bao nhiêu nhạc phẩm Thánh Ca hoặc nhạc tình cảm, quê hương và dân ca?
Đỗ Vy Hạ: Thưa anh Song Linh, về Thánh Ca, tôi viết hơn hai trăm ca khúc dùng trong Phụng Vụ, thêm vào đó, tôi cũng đã dệt nhạc theo lối Bình Ca cho tất cả cac Thánh Vịnh Đáp Ca và Allelluia dùng cho chu kỳ Phụng Vụ 3 năm ABC. Phần lớn các tác phẩm này đã đươc giới thiệu trên trang nhà của tôi ở www.dovyha.catruong.com. Về tình ca, tôi chỉ viết được hai bài trong những ngày đầu sáng tác (1975) và chỉ phổ biến trong giới bạn bè. Về nhạc quê hương, vào năm 1980, tôi có viết thử mấy bài về thành phố biển Nha Trang (dưới bút hiệu Hồng Phương) nhân cuộc thi Sáng Tác Ca Khúc của các Nhạc Sĩ Không Chuyên Nghiệp. Mặc dù có ca khúc "Mùa Xuân Nha Trang" là một trong 10 ca khúc được trúng tuyển, sau đó, tôi vẫn quyết định lựa chọn con đường sáng tác cho riêng mình là chỉ hoàn toàn chú tâm vào lãnh cực sáng tác mà thôi.
Song Linh: Xin cho biết sơ lược tiểu sử về bản thân liên quan đến nền âm nhạc Việt Nam, ngoại quốc?
Huy Khanh: Em bắt đầu học dương cầm năm lên bảy do chính ông ngoại là Giáo Sư Vũ Ngọc Lan chỉ dẫn, bao gồm nhạc cổ d0iển Tây Phương và nhạc Việt Nam. Khi được 14 tuổi, em có học thêm với cô Nguyễn Ngọc Lan để rút tỉa thêm kiến thức mới về nhạc cổ điển Tây Phương.
Sang Hao Kỳ năm 15 tuổi, em tự ôn luyện trong 3 năm đầu vì Anh Ngữ còn yếu. Sau đó, em theo học với Giáo Sư Stephen Nielson trước lúc vào Đại Học. Nạm 1992, em tốt nghiệp Cử Nhân Âm Nhạc tại University of North Texas dưới sự hướng dẫn của Dr. Pamela Paul. Năm 1996, em tốt nghiệp Cao Học Âm Nhạc tại University of Texas tại Austin, thầy giáo là Dr. Betty Mallard. Hiện nay, em dạy dương cầm tại tư gia về nhạc cổ điển Tây Phương và Thánh Ca Công Giáo Việt Nam.
Song Linh: Đã đóng góp những gì trong sự nghiệp âm nhạc Thánh Ca?
Huy Khanh: Năm 11 tuổi, em băt đầu đệm đàn cho ca đoàn Thiếu Nhi tại nhà thờ Tân Định, sài Gòn. Sau đó, em có đệm đàn cho ca đoàn Gloria vào các lễ chiều, cũng tại nhà thờ Tân Định. Em hiện đang giúp cho ca đoàn Phục Sinh tại Carrollton, Texas. Ngoài việc đệm đàn, em còn giúp về phần phối khí, hoà âm và tập dượt cho dàn nhạc của Giáo Xứ trong những dịp lệ. Thêm vào đó, em rất chú tâm vào việc đào tạo những tài năng mới để có thêm người giúp sức và tiếp tực công việc phục vụ cho Thánh Ca Việt Nam.
Song Linh: Sau khi tham dự lớp Ca Trưởng Cấp 3, anh đã tiếp thu được gì mới lạ?
Huy Khanh: Qua lớp Ca Trưởng Cấp 3, dưới sự hướng dẫn của Nhạc Sư Phạm Đức Huyến và Nhạc Trưởng Thiên Quang, em đã tiếp thu được rất nhiều kiến thức mới và nhờ đó, em thông suốt, thấu hiểu chu đáo những kiến thức cũ đã học trong lớp Ca Trưởng Cấp 1 và 2. Một trong những học hỏi đầu là kinh nghiệm về kỹ thuật tập hát cho ca đoàn của Thầy Huyến và các anh chị em trong lớp. Thêm vào đó, en nghĩ mình đã tiến được một bước dài trong việc nâng "Kỹ Thuật Đánh Nhịp" thành "Nghệ Thuật Điều Khiển Ca Đoàn". Một ví dụ cụ thể là cách điều khiển bằng ánh mắt, nét mặt, và cả con ngưởi thay vì chỉ điều khiển bằng hai tay. Ngoài ra, em còn thu thập thêm về kinh nghiệm sáng tác, hoà âm, thanh nhạc, cách phát âm rõ chữ và tròn tiếng, bình ca, và dân ca Việt Nam.
Nói tóm lại, những kiến thức và kinh nghiệm mà em thu nhập được trong 10 ngày học hỏi lớp Ca Trưởng Cấp 3 không thể viết gọn lại trong vài hàng chữ được.
Em cũng nhận thấy rằng mình vẫn còn phải học hỏi liên tục, học để phục vụ Giáo Hội và dìu dắt thế hệ mai sau.
Sau phần trình bày của Giáo sư Nhạc Sĩ Phạm Đức Huyến và hai học viên Đỗ Vy Hạ - Huy Khanh đã giúp tôi hiểu thêm về âm nhạc Thánh Ca Việt Nam hải ngoại đang từng bước mang mầu sắc mới. Tuy nhiên, nó còn tuỳ thuộc vào một số yếu tố khác, nếu chúng ta không có một tấm lòng ...ở đây, tôi muốn nói đến tấm lòng của Giáo Sư Nhạc Sĩ Phạm Đức Huyến đã bỏ ra biết bao công sức để đào tạo, truyền đạt sự hiểu biết về âm nhạc của mình đến với hàng ngàn học viên từ quốc nội cũng như hải ngoại mà không hề nghĩ đến vật chất hay bản thân ông...
Thật quý hiếm một tấm lòng. Một tấm lòng của Thượng Đế đã ban cho chúng ta.
-- Song Linh --
http://phamduchuyen.com/main.html |
|