|
Sự đau đớn trong tâm hồn đã làm cho con thành người ngớ ngẩn. Con đã khóc khi người ta cho con món ăn. Thế mà lại nhe răng cười khi người ta vừa bớp cho một cái chúi đầu.
Tuy nhiên, gặp những trường hợp khó khăn, con vẫn tỏ ra tinh khôn, không hề bị lừa dối, lại còn biết đối phó một cách tinh nghịch.
Hai lần con đã gặp người quen.
Lần thứ nhất, hôm con còn ở giúp việc cho bác hàng phở. Con gặp một cậu sinh viên trường kẻ giảng cùng ở một nhà xứ với con.
Vô tình, tối hôm ấy bác hàng phở đẩy xe hàng phở đến trước sân nhà thờ để bán, và tiện thể bác ta cho con đi đọc kinh, rồi ra giúp bác cho tiện.
Khách khứa ăn mãi cho đến gần mười một giờ khuya mới vãn, hai chúng con định sửa soạn về. Thì đột nhiên, năm cậu công tử bột ở đầu phố tiến lại và đòi ăn.
Vừa thấy họ con đã nhận ngay được ba anh đã quen biết con lắm. Nhưng chỉ có anh cùng ở một nhà xứ Hữu Bằng với con là gần gụi con hơn cả. Anh ta mới xa cách con chừng ba tháng.
Thấy họ, và sợ họ biết, con định tìm cách tránh. Con nói bác chủ:
- Thôi bác, khuya rồi còn gì, vả chúng mình đã thu dọn cả rồi.
Nhưng thấy có mối, bác không chịu thôi, bác bảo con nhóm thêm lửa lên cho nóng nồi nước dùng, và dọn lại bát đĩa ra để làm cho các quan cậu một bữa "tầm bổ".
Ðang lúc đợi ăn, họ cười nói như pháo rang. Nghe câu truyện con đủ hiểu họ vừa mới đi xem tuồng cải lương về. Thế mà luật kẻ giảng vẫn cấm họ đi chơi đêm.
Từ nãy, con vẫn cắm cổ làm, không dám ngẩng lên, và cũng không nói một câu, chỉ sợ anh cậu cùng ở một nhà xứ nhận ra được thì nguy. Thỉnh thoảng bác chủ có căn dặn làm món nọ món kia, con chỉ gật đầu tỏ ý hiểu và làm một cách chớp nhoáng. Cũng may là chỗ xe đậu, cách cây cột đèn cũng khá xa, nên ánh điện lờ mờ không thể làm lộ hẳn nét mặt của từng người. Trong xe cũng có chiếc đèn dầu nam treo lủng lẳng mãi gần chóp. Nhưng con lại đứng khuất mặt sau những miếng thịt treo bên sườn xe. Thành thử con cũng có thể che đậy sự sợ hãi của con được đôi phần.
Sau lúc đã dọn cho họ ăn, con đi hơi xa một tí và ngồi gõ nhịp chân bên lề đường. Bác chủ cũng đi quanh quẩn nói truyện chơi với mấy bạn hàng.
Ðột nhiên, anh cậu cùng ở Hữu Bằng với con lên tiếng hỏi:
- Anh bé nào kia coi như Văn ấy nhỉ?
Con giật nẩy mình, nhưng còn tảng lờ như không biết.
Ngay lúc ấy một anh ở Tử-nê, cháu Cha Cương hỏi lại:
- Văn em Lê chứ gì?
- Ừ, Lê Ngăm Giáo ấy mà.
Anh này tục tĩu, chỉ nghĩ đến Lê thôi.
- .Láo! tao trả lời cho lại còn.
Họ hích vai nhau và cười một cách khoái trá. Nửa phút sau, anh Ðông lại hỏi:
- Thật đấy mà, anh bé kia coi giống Văn quá đi. Này, Văn ngồi đấy có phải không?
Con tảng lờ thưa vào việc khác:
- Dạ, thưa cậu muốn gì ạ?
- Anh có phải là Văn không?
Anh hỏi với một vẻ mặt như là đã chắc chắn con là Văn.
Trống ngực con mỗi lần một đập mạnh, nhưng con cố chấn tĩnh, và làm ra bộ ngớ ngẩn:
- Thưa ông. Văn? Văn gì ạ?
Quái! Tớ coi mình giống Văn ở Hữu Bằng quá.
Hưng Tử-nê buột miệng nói trách Ðông:
- Anh rõ thật lẩn thẩn. chắc anh lại trông gà hóa cáo chứ gì?
- Anh chỉ phá bứa, kệ người ta mà.
Kệ? Anh chỉ nghĩ đến Lê., rồi thì trông thằng bé nào cũng cho là Văn em Lê.
Họ lại hích nhau và cười thật lực.
Ở vỉa hè bên kia, bác chủ thấy khách hỏi đi hỏi lại mãi, mà xem chừng con không hiểu bác ta chạy laị hỏi:
- Bẫm quan cậu thiếu gì ạ?
- Chú bé nào đây mà mọi hôm không thấy nhỉ?
Bác chủ liền thoắng một thôi như thể là người thông thạo thời thế lắm:
- A. dạ, bẩm chú ấy đâu quê ở Lạng Sơn, hồi Nhật tấn công vào, chú ta trốn chạy thế nào chả biết, rồi lạc cả cha lẫn mẹ. Mấy hôm nay nhà cháu thấy vớ vẩn ở chợ, mới đem về nuôi để tập nghề làm ăn cho đấy ạ.
Ngã người về phía sau, anh cười như để chữa thẹn và nói:
- Thế à, thảo nào., tôi trông hắn giống cậu em tôi ở trên kia quá, nên hỏi vớ vẩn thế. may ra thì phải, vì mấy hôm nay tôi được tin nó trốn. Tôi cứ ngờ ngợ mãi.
Hà, phải rồi, ngờ ngợ mà thôi?. Con cảm thấy nhẹ bẫng người đi như trút được trái tạ đang đè nặng trên con tim.
Từ lúc ấy anh ta không chú ý đến con nữa. Tám tháng sau, gặp con ở Hữu Bằng, anh đem câu truyện ấy ra kể laị cho con nghe, và hỏi con cho biết có phải thật là Văn ở đấy không? Tỏ ra anh ta cũng có cái tài nhớ dai. Nhưng chỉ vì anh hơi ngờ ngợ, chứ giá anh đừng ngợ thì hôm đó tóm được Văn ở tại xe bán phở rồi.
Phần con, nghe câu truyện đến lý thú, nhưng đời nào con lại chịu nhận với anh ta về việc con đã đi làm thuê cho anh hàng phở? |
|