Ra đi với một lời thề nguyền không trở lại - Quay về nhà xứ


Trưa ấy con lại lập kế trốn đi. Khó nhất là làm sao đánh lừa được tụi cậu bé, vì chúng cứ bám chặt lấy con, chẳng chịu ngơi ra lúc nào. Cũng may, với năm hào tiền kẹo, con đã tụ tập được họ trên buồng cha xứ. Con mời họ vừa xơi kẹo vừa xem báo. Còn con thì tán phét với họ một hồi theo xã giao, rồi con xin kiếu đi viết một bức thư cần.

Con lại đằng bàn giấy cha xứ, viết một bức thư thật dài để từ giã mấy anh bé quí mến của con, và cho họ biết lẽ gì mà con từ chối không muốn ở đây nữa.

Ðằng kia, mấy anh bé xem báo chán rồi lăn ra ngủ khì cả. Con đi ra ngoài một tí, lại bắt gặp anh canh giờ đang ngồi ngủ gật dưới gốc sấu, con bảo anh ta:
- Thôi cậu đi ngủ đi để tôi canh giờ cho, cậu để tôi đem nước cho thày già một thể.
Anh ta cám ơn con rồi đi ngủ. Con trở lại phòng cha xứ, mở ngăn bàn giấy có ý lấy một bao thư để đựng số tiền đi đường của con, và dó cũng là một mưu phòng ngừa của con, con nghĩ, nếu lúc đi đường, chẳng hạn có gặp người quen, và nếu họ có nghi con trốn, con sẽ giơ cho họ thấy chiếc bì thơ gửi đi, để họ yên trí cho con rằng con đi đưa thư.

Khi rút ngăn kéo để lấy chiếc bì thư, con thấy ở trong đó có 2 đồng 90 xu, con nghĩ một tí rồi cho vào số tiền của con. Thật là một dịp may hiếm có để con lấy nợ của cha xứ. Nhưng với bằng ấy, nó cũng chẳng thấm vào đâu với những ngày còng lưng hầu hạ cụ xứ.

Công việc tươm tất. Con cũng đã làm xong chu đáo mọi việc cho cậu canh giờ rồi. Hai giờ hơn, con lững thững ra đi. Trước khi đi con mặc một bộ đồ thật bảnh. Nhưng không tài nào đem hết áo xống đi được, vì như thế gặp ai, con sẽ bị nghi ngay là đi trốn. Con ra từ giã người bạn thân quí mến nhất trong đời tu chú bé của con là anh bạn Tân, rồi đi thẳng ra ga cho kip chuyến tàu xuôi.

Một lần nữa, con lại phải hết sức nín cười vì gặp ông lái đò tinh ý. Thấy con xin sang sông ông ta không những không nhúc nhích, lại còn tỏ vẻ hăm dọa con như thể là ông ta đã biết con đi trốn vậy. Con đã hơi lo lo, nhưng con chắc rằng ông không có thể mà tinh ý đến thế được. Con cố sức định thần và bình tĩnh nói với ông ta bằng một giọng hơi xẳng:
- Cụ có thể cho tôi qua ngay, để tôi kịp chuyến tàu xuôi bây giờ.

Vừa nói con vừa giơ chiếc bì thơ cho ông thấy.
Thế là chả cần phải nói thêm. Ông lái đò tinh ý ấy đã vội vã đứng dậy chống phà cho con sang sông, ông vừa nói:
- À cậu đi bỏ thư phỏng?

Con móc túi thưởng cho cái tinh ý của ông hai hào, và dặn ông:
- Này cụ, tôi sẽ đi về lối Ngọc Bảo đấy nhé. Cụ đừng ngóng tôi làm gì, và nếu có ai hỏi cụ cứ nói giúp tôi thế.
Thật ra con không nói dối, vì chuyến tàu xuôi cũng đi qua làng Ngọc Bảo. Con ra ga được một chặp thì gặp tàu xuôi. Lần này con vào nhà ga lấy vé cẩn thận, chứ không phải lẩn lút như mấy lần trước.

Ngày hôm sau con về đến nhà Bá Khánh ở Bắc Ninh con chỉ để dư đủ số tiền lấy vé xe hơi về Từ Phong, còn bao nhiêu con vào hiệu mua đồ chơi về làm quà cho em Tế.

Ngày nay cha còn thấy một bình tăm bằng sứ, trong những món quà con mua để tặng cho em. May mà nó còn sót lại bằng ấy, để ghi nhớ chút tình thân mật của con đối với em. Vì ít lâu sau khi con đã về nhà, con bị mang tiếng là ăn cắp một số tiền lớn của cha Nhã.

Khi nghe tin ấy, Tế đoạn tuyệt ngay với con, và có bao nhiêu những món đồ chơi con mua tặng em, em đã đem đập bẹp hết, để tỏ ra lòng em minh chính, không thèm nhận những của do bởi sự ăn cắp mà có.