Một vị Phát-ngôn Cả : ISAIA 1. Isaia, xuất hiện ở nước Do-thái, thời vua Osias (740). Thời đó nước nhà rất thịnh vượng, nên đời sống nhà vua xa hoa, lễ lạc linh đình, đang khi dân chúng phải khổ cực. Nhưng bên ngoài Assyria đã hăm dọa, và mấy năm sau sẽ bắt thần phục. Rất đạo đức, rất ái quốc, rất yêu chuộng quá khứ huy hoàng của nước Do-thái, Isaia đã mạnh dạn tố cáo các tội lỗi của Vua và dân chúng, ngăm đe những tai họa kinh khủng, nhưng cũng tin tưởng ở lòng Chúa nhân từ sẽ cứu vớt. 2. Một hôm, trong Đền thờ, ông thấy Chúa oai nghi ngự giữa, có các Kêrubim vây quanh cúi đầu chúc tụng: “Thánh, Thánh, Thánh Chúa Yavê vạn quân ! Cả mặt đất đầy dẫy sự oai linh Chúa”; Ông run sợ. Nhưng một Thiên Thần lấy than lửa, đốt môi miệng ông, sai ông đi truyền lệnh Chúa: “Chúa sẽ trị phạt dân, cho đến lúc Đền thờ hoang vu, dân đi phu tù phương xa. Chúa sẽ giữ lại một nhóm nhỏ để gầy dựng một dân mới. 3. Isaia rao truyền sự thánh thiện của Chúa. Thánh thiện đầy là quyền phép, oai linh, vừa đáng sợ, đáng xa tránh nhưng cũng vì đó lại hấp dẫn, lôi kéo ta. Yavê là Đấng Siêu việt, trước mặt Ngài, mọi người phải nhận mình bé nhỏ, hư không. Ngài là Đấng Thánh, Đấng Rất Thánh của Israel. Nghĩa là Đấng cúi xuống lo lắng cho dân và hướng dẫn đời sống dân. Vì mọi người thất trung với Chúa, nên những tai họa sẽ xảy ra đến cho nước Do-thái, và cho các nước lận cận. 4. Sau cuộc lưu đày, sẽ có một nhóm nhỏ sót lại về lập nước. Việc cứu vớt mới này là hình bóng của một việc Chúa sẽ thực hiện lúc Đấng Messia đến. Ông báo tin cho vua Achaz biết: “Này một người nữ đồng trinh sẽ sinh một con trai, và sẽ đặt tên con là Emmanuel” (VII.14) “ Các dân đi trong bóng tối sẽ thấy một vừng sáng – vì một con trẻ đã sinh ra, một con trai đã ban cho chúng ta, áo cẩm bào phủ trên vai người. Nước Người trị sẽ rộng lớn, và hòa bình sẽ vô tận trên ngai Đavít và trong nước Người (IX, 1-5-6). 5. Trong sách Isaia, còn nhiều điều nói về ngày của Yavê, về thời gian của Đấng Messia, tả rõ thân thế và những sự đau khổ của đầy tớ Chúa. Nhưng chắc là của một tiên tri khác, chép sau ngày lưu đày và giải phóng của dân Do-thái, nên gọi là sách thứ hai, và thứ ba, sẽ trình bày sau. Lm. Trần Hữu Thanh (Dòng Chúa Cứu Thế)