Đời sống dân Do thái (Các Thánh Vịnh) 1. Dân Do-thái, như các dân phương Đông khác, thích diễn tả tâm tình mình ra bằng những bài ca hát. Lúc qua khỏi Biển Đỏ, lúc thắng một trận, lúc khánh thành Đền thờ, lúc Đavít ăn năn tội, hay bị bắt bớ, và bất cứ một biến cố nào lớn lao xẩy đến trong dân, họ thường ca hát lên tâm tình của mình. Về sau, các người khác chép lại các bài ca, bài hát đó để diễn tả tình cảm của mình mỗi lúc gặp trường hợp tương tự, đôi khi thay đổi vài chi tiết. Người ta còn dùng để ca hát trong Đền thờ, các dịp đại lễ, hay lúc cầu nguyện trong gia đình. Trong thời đi đày, thiếu sách vở, dân chúng đã nhờ các lời ca hát thuộc lòng đó để nuôi tâm hồn mình. Và lúc đi đày về, trong mọi nghi lễ ở các nhà nhóm, người ta thường dùng các bài hát đó. Đến lúc Chúa ra đời, tất cả các bài ca hát ấy, đã góp thành 150 Thánh vịnh, chính Đức Chúa Giêsu cũng dùng đến trong các dịp lễ, và các Tông đồ, các bổn đạo tiên khởi đã dùng rất nhiều, đó là thủ bản chính thức. 2. Ai đã đặt các Thánh vịnh? Lâu nay người ta thường nói : 150 Thánh vịnh của Đavít. Thực ra vua Đavít đã đặt một số lớn, có lẽ 40,50 bài. Còn là do những văn sĩ vô danh đã được Chúa soi sáng đặt ra suốt cả lịch sử Do-thái cho đến lúc đi lưu đày và sau ngày được trở về. 3. Các Thánh vịnh gồm có mấy loại? Về hình thức : Có những Thánh vịnh cá nhân, khi một người diễn tả tâm tình. Có những Thánh vịnh đoàn thể, khi cả cộng đoàn ca ngợi Chúa. Về nội dung : a) Có các ca vịnh (hymnus) ca ngợi Chúa. b) Các Thánh vịnh cầu khẩn : kêu xin Chúa trong lúc gian nan. c) Thánh vịnh tạ ơn : tạ ơn Chúa sau các cuộc thắng trận, hay được những ơn đặc biệt. d) Thánh vịnh vương đế : ca ngợi vương quyền các vua Israel là hình bóng vương quyền Chúa Kitô. e) Các Thánh vịnh tiên tri : Nói trước về Đấng Cứu Thế, và công việc Ngài. d) Thánh vịnh giáo huấn : để dạy cách ăn ở. Lm. Trần Hữu Thanh (Dòng Chúa Cứu Thế)