|
1. Herode cai trị nước Do-thái gồm có Giuđêa, Samaria và Galilêa, và các miền Idumêa, Pêrê, Tracôtritêđê, Dicapôli. Tuy ông rất tham lam và tàn bạo, giết hết nhà Maccabê, giết cả vợ con ông, nhưng muốn lấy lòng dân chúng, ông xây dựng lại một Đền thờ rực rỡ, là chính Đền thờ còn lại đền đời Đức Chúa Giêsu.
Herode cai trị từ năm 34 đến năm 4 trước Chúa sinh ra, lúc Herode chết rồi. La-mã đặt một quan toàn quyền Tổng trấn cai trị dân. Và cho ba con ông là Archelaô, Herođe Antipas và Philipphê làm tiểu vương.
2. Thế là vương quyền ra khỏi tay Giuđa, nên mọi người tin Đấng Messia sắp đến, như lời tiên tri Giacob xưa (STK.XLIX.10). Tâm hồn người Do-thái lúc ấy phân chia làm nhiều nhóm :
a) Nhóm Herođe : Là những người không tin tưởng gì đến tương lai của dân Chúa, chỉ lo phục vụ dòng Herođe, để hưởng quyền lợi vật chất.
b) Nhóm Pharisiêu : Là nhóm người thường dân, tự tách mình ra khỏi quần chúng, cương quyết trung tín giữ luật Moisen, và chỉ trông Chúa đến cứu vớt dân. Về sau, họ sinh ra kiêu hãnh, cho mình nhân đức thánh thiện, nhưng họ chỉ vụ hình thức bên ngoài, không lo tu sửa tâm hồn. Nên Chúa, không chê trách lý thuyết họ, nhưng nặng nề quở trách tập quán đời sống của họ.
c) Nhóm Sađucêô : Là một nhóm thầy cả, thuộc dòng Sađốc, muốn trung tín với truyền thống dòng tộc tư tế, dần dần thành ra một nhóm chính trị. Họ ít ảnh hưởng trên dân chúng, nên lúc đầu ít phản đối Đức Chúa Giêsu. Về sau họ theo Pharisiêu phản Chúa, và thầy cả Anna đã lên án Chúa là một người Saducêô.
Họ chối sự sống lại, sự thưởng phạt về sau, nên giáo lý có vẻ duy vật, theo văn hóa Hy-lạp và La-mã.
d) Nhóm Essêniô : Không thấy nói đến trong Phúc-âm, nhưng vẫn có ảnh hưởng. Đời sống của Gioan Baptista giống đời sống của họ. Họ là một thứ dòng tu, sống độc thân, khó khăn, không dính bén cuộc đời.
e) Nhóm nghèo của Giavê : Là những người không muốn dựa thân thế người đời để trông cứu dân Chúa, và cũng không trông mong sự rực rỡ huy hoàng vật chất cho dân Chúa. Họ hiểu rõ ý nghĩa tinh thần các lời Chúa hứa, nên trông đợi ơn cứu Chúa do Chúa đến. Ông Simêon, bà Anna, nhất là Đức Mẹ, Thánh Giuse, là những người tiêu biểu cho nhóm này. Đó là nhóm nhỏ được chọn giữa số nhiều để bước vào Tân ước.
3. Hội đồng Công tọa :
Thời kỳ Maccabê, các thầy cả cao cấp, đã họp nhau thành một hội đồng tối cao. Đời vua Herođe, họ không có quyền gì, nhưng dưới đời Tổng trấn La-mã, họ toàn quyền trong việc đạo, có cả quyền lên án tử hình. Nên chính họ xử Đức Chúa Giêsu.
4. Các Thầy ký lục, Luật sĩ :
Hết thời các Tiên tri, họ đảm nhận việc hướng dẫn dân chúng. Nhiều người vào trong Hội đồng Công tọa. Họ giải thích lề luật rất sâu sắc, nhưng quá tỉ mỉ, nô lệ, làm cho luật Chúa hóa thành ách nặng nề.
5. Các nhà nhóm :
Lúc lưu đày, không có Đền thờ. Trong các ngày lễ, dân chúng họp nhau trong một nhà tư, cầu nguyện, nghe đọc sách lề luật, và nghe giảng dạy. Lúc về lập quốc lại, họ vẫn giữ thói quen đó, nên mỗi làng, mỗi thành đều có nhà nhóm, để họp nhau các ngày Sabbatô, các ngày lễ, các ngày chay. Chính nhà nhóm đã nuôi dưỡng tinh thần dân chúng suốt ba bốn trăm năm.
6. Những nhóm Kiều dân Do-thái (Diaspora) :
Từ ngày lưu đày, trong các nơi đến định cư, các Kiều dân Do-thái họp nhau từng nhóm. Các thời sau cứ thêm cuộc di cư, nên có những Kiều dân khắp nơi, từ Ai-cập đến La-mã. Họ vẫn giữ kiên lạc với Giêrusalem, nhưng đón nhận văn hóa ngoại quốc, nên tinh thần rộng rãi hơn dân ở quê hương. Chính nhóm Kiều dân ở Alexandria bên Ai-cập đã tổ chức 70 người dịch sách Cựu ước ra tiếng Hy-lạp, nên gọi là bản 70 (LXX). Chính nhờ tinh thần rộng rãi, nên họ đã đón nhận Tin mừng do Phaolô và các Tông đồ rao giảng lập ra các Hội thánh địa phương ở Galata, Corinthô, Ephêsô, Rôma.
Lm. Trần Hữu Thanh (Dòng Chúa Cứu Thế) |
|