V. XIN CHA CHO CHÚNG CON HÔM NAY LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY

Lạy CHA chúng con ở trên Trời
Chúng con nguyện danh CHA cả sáng
Nước CHA trị đến
Ý CHA thể hiện dưới đất cũng như trên Trời.
Xin CHA cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày
Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ
Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

1. XIN CHA CHO CHÚNG CON HÔM NAY LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY.

... Hơn bao giờ hết, các tín hữu Kitô ý thức tầm quan trọng và ý nghĩa tuyệt đỉnh của lời nguyện Nước Cha trị đến. Vâng, mỗi người tha thiết cầu cho Nước Cha được thiết lập, Danh Cha được cả sáng và Ý CHA được thể hiện dưới đất cũng như trên Trời. Như thế, toàn thể nhân loại được sống trong an bình và tình thương ..

Sau khi khấn xin những điều thuộc về lãnh vực tinh thần, bây giờ, tín hữu bước sang lãnh vực vật chất. Đây là phần thứ hai của Kinh LẠY CHA. Xin Cha lương thực. Xin Cha ơn tha thứ. Xin Cha lòng trung tín. Và xin Cha giải thoát khỏi sự dữ.

Trước tiên, xin CHA cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Xin lương thực với CHA là Đấng “vẫn hằng nuôi dưỡng chim trời và mặc áo cho hoa huệ ngoài đồng”. Trong lời nguyện CHÚA GIÊSU dạy loài người đọc, không có lời nào dư thừa vô ích. Mỗi lời đều có nhiệm vụ và ý nghĩa riêng. CHÚA GIÊSU nhấn mạnh: hôm nay - lương thực hằng ngày.

*HÔM NAY*.
Mỗi ngày, từng ngày, ngày qua ngày. Con người khẩn khoản nài xin sự trợ giúp của Thiên Chúa Cha cho ngày hôm nay. Cầu xin cho từng ngày biểu lộ ba đức tính chủ yếu: thận trọng - công bình - khiêm tốn.

- Thận trọng. Con người mãi mãi muôn thưở là một đứa bé và là một đứa bé ương ngạnh! Vì thế, nếu nhận được tất cả cùng một lúc, đứa trẻ sẽ phung phí. Nhưng ơn lành Thiên Chúa ban là để con người sử dụng đúng chỗ, đúng lúc, chứ không phải để phung phí. Hơn nữa, nếu có ngay được mọi thứ, con người sẽ no thỏa và quên đi Thiên Chúa. Con người sẽ sống bất cần Thiên Chúa, sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu!

- Công bình. Nếu Chúa GIÊSU KITÔ là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, nhưng Ngài vẫn xin Thiên Chúa Cha trợ giúp mỗi ngày, thì con người là gì, mà lại không muốn kêu xin Thiên Chúa từng ngày? Vã lại, nếu xin tất cả cùng một lúc, há chẳng phải con người lo sợ rằng: biết đâu ngày mai, Thiên Chúa sẽ không cho nữa, nên xin hết một lần cho chắc ăn! Đây là sự ngờ vực, thiếu tín thác nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Và “ngờ vực Thiên Chúa” là trọng tội. Con người không cần phải nghi ngờ Thiên Chúa. Con người cũng không được phép hồ nghi Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương con người cách hoàn hảo vì Ngài là Người Cha Hoàn Thiện. Vì thế, nếu xin tất cả cùng một lúc, tức là làm thương tổn lòng tin cậy và xúc phạm đến Thiên Chúa là CHA.

- Khiêm tốn. Sự kiện phải kêu xin Thiên Chúa trợ giúp từng ngày, từng ngày, làm khơi động nơi con người ý thức mình hư không, là kẻ nghèo khó, sống tùy thuộc hoàn toàn nơi Thiên Chúa, nơi sự Giàu Có khôn lường của Thiên Chúa.

*LƯƠNG THỰC*. Trong nguyên bản, lời kinh được hiểu là BÁNH tương đương với CƠM, tức là thức ăn chính, tuyệt đối cần thiết cho con người. Trong tiếng BÁNH-CƠM bao gồm mọi nhu cầu cho cuộc sống nơi trần gian này. Thế nhưng, con người gồm cả xác lẫn hồn. Vì thế, lương thực phải được hiểu là nhu cầu cho hai lãnh vực thể xác và tinh thần.

- Lương thực - Cơm bánh. Đây là lời xin ở bậc thấp nhất. Ít ra con người biết khẩn cầu Thiên Chúa ban cho cơm-bánh hằng ngày, không phải chết đói. Và mỗi người dùng phần của mình, chứ không được tước đoạt cơm-bánh của người khác, đặc biệt của những người bé nhỏ, yếu đuối và nghèo khổ hơn mình. (Không được sống trên xương máu của đồng loại!). Kẻ nào làm vậy, tức là xúc phạm đến Thiên Chúa và nguyền rủa anh chị em mình. Kẻ ấy sẽ bị Thiên Chúa nghiêm nghị quở trách, bởi vì đã lỗi lề luật do chính Thiên Chúa truyền dạy: “Con hãy yêu mến Thiên Chúa con hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn và yêu thương người thân cận con như chính mình con vậy” (Lc 10,27).

- Lương thực - Lao công. Lao công đi đôi với cơm-bánh. Công ăn việc làm, kế sinh nhai là thế! Cầu xin Thiên Chúa ban lương thực mỗi ngày đồng nghĩa với việc xin Chúa cho tìm ra việc làm, hầu có tiền nuôi sống bản thân và gia đình.

- Lương thực - sự trợ giúp. Con người không chỉ sống bằng CƠM BÁNH nhưng còn sống vì tư tưởng nữa. Do đó con người cũng phải kêu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa mỗi ngày. Xin trích dẫn đoản văn tựa đề: “Bắt đầu ngày sống”:

.. Một buổi sáng, tôi thức dậy thật sớm và vội vã tra tay vào việc. Tôi có quá nhiều việc phải làm, nên không có giờ để cầu nguyện. Thế rồi, các vấn đề dồn dập xảy đến và công việc như mỗi lúc một nặng nề hơn. Tôi liền băn khoăn tự hỏi: “Sao Chúa không giúp mình nhỉ?”. Tức khắc, tôi nghe tiếng Chúa trả lời: “Con đâu có xin Cha trợ giúp!” .. Tôi muốn gặp toàn niềm vui và vẻ đẹp, nhưng rồi một ngày trôi qua với toàn u ám và bế tắc. Tôi trầm tư chất vấn: “Sao Chúa không chỉ cho mình nhỉ?”. Chúa đáp: “Nhưng con đâu có kiếm!” .. Tôi tìm cách vào nơi Chúa ngự. Tôi thử đút hết mọi chìa khóa vào ổ khóa, nhưng vô hiệu. Cánh cửa vẫn đóng kín. Thiên Chúa liền dịu dàng và trìu mến trêu chọc tôi: “Con à, sao con không gõ cửa?” .. Sáng nay, tôi thức dậy thật sớm và dừng lại suy nghĩ trước khi bắt đầu một ngày mới. Tôi có rất nhiều việc phải làm, vì thế, tôi phải dành thời giờ để cầu nguyện ..

Mỗi ngày, người tín hữu đạo đức, không bao giờ quên đọc kinh: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành, đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

- Lương thực - tôn giáo. Con người không phải chỉ tìm thỏa mãn giác quan và tình cảm nhưng còn khao khát Chân-Thiện-Mỹ. Paul Claudel (1868-1955) là văn thi sĩ kiêm nhà ngoại giao và là tín hữu công giáo người Pháp. Ông viết: “Ai có thể cất khỏi lòng con cừu cái, sự khát vọng cỏ xanh tươi? Ai có thể cất khỏi lòng người già nua, khát vọng hướng về Thiên Chúa? Và ai có thể cất khỏi lòng người trai tráng, một khát vọng không phải là tiền bạc? Khát vọng nào? Thưa, khát vọng tiến tới chân trời .. ”

- Lương thực - tinh thần / Lương thực - hy sinh. Đây là lời xin của con người đã đạt mức trưởng thành, biết đặt tinh thần trước vật chất, biết tìm kiếm chân lý và hy sinh. Mỗi ngày, hàng ngày, từng ngày, con người kêu xin Thiên Chúa cho mình được tìm ra sự thật, sống trong sự thật và chấp nhận hy sinh. Félicité de Lamennais (1782-1854) văn sĩ người Pháp viết: “Chân lý đòi hỏi chúng ta phải hy sinh. Chúng ta hãy sẵn sàng từ bỏ lạc thú để sống trong ánh sáng trật tự. Thiên Chúa đã dựng nên hai chị em không bao giờ ly tán nhau. Đó là chân lý và hy sinh. Nhưng tôi thiết tưởng không nên vì sợ hy sinh mà bóp chết chân lý”. Triết gia người Mỹ, ông William James (1842-1910) viết: “Mỗi ngày một lần, bạn hãy làm một cái gì, chỉ vì một lý do: là vì việc ấy vốn bạn không ưa. Làm thế, để giờ phút nguy ngập đột nhiên xảy tới, bạn có đủ nghị lực đối phó”.

- Lương thực - Bánh Hằng Sống - Bánh Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là của ăn thiêng liêng, Bánh Hằng Sống nuôi dưỡng linh hồn. Mỗi ngày, hãy sốt sắng tham dự Thánh Lễ, rước Mình Thánh Chúa để có sức mạnh và ơn thánh, giúp sống xứng đáng cuộc đời tín hữu Công Giáo.

2. XIN CHA CHO CHÚNG CON HÔM NAY LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY.


Cho đến khi nào xuôi tay nhắm mắt, con người mới hết cần đến lương thực. Khi về Trời, con người chỉ còn no thoả Thiên Chúa. Mối Phúc Trời Cao chính là lương thực cho triều thần thiên quốc. Thế nhưng, bao lâu còn sống nơi trần gian này, bấy lâu con người còn cần đến cơm bánh. Và loài người là con cái Thiên Chúa. Cho nên, cứ lẽ tự nhiên, con người có thể thân thưa cùng Thiên Chúa: “Xin CHA cho chúng con lương thực”. Nếu kêu cầu cùng Thiên Chúa, chắc chắn Ngài sẽ nghe lời con cái nài van.

... Ai trong các con có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả”, mà người kia từ trong nhà lại đáp: “Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được”. Thầy nói cho các con biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh cần, vì thể diện, (hoặc để khỏi bị quấy rầy) (Lc 11,5-8).

Đó là dụ ngôn. Về phần con người, khi cầu xin cùng Thiên Chúa, con người không xin với một người bạn trần gian, nhưng quy hướng về Người Bạn Hoàn Hảo là CHA trên Trời. Thế nên Thầy bảo các con: “các con cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong các con là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó? Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bọ cạp? Vậy nếu các con là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha các con trên Trời, là Đấng Nhân Hậu Vô Biên, lại không cho các con điều các con xin sao?” (Lc 11,9-13). Vậy thì, hãy khiêm tốn khẩn nài với trọn tình con thảo, xin Cha trên Trời ban cho chúng ta cơm bánh - lương thực hằng ngày.

... Bà Maria là một phụ nữ Công Giáo trẻ tuổi người Pháp, sống tại thủ đô Paris. Bà đang trở về với việc giữ đạo đàng hoàng. Ông Anrê, người giúp bà trên con đường hoán cải, là một tín hữu nhiệt thành, rất yêu thích việc cầu nguyện. Một hôm, ông nói với bà: “Thiên Chúa ban mọi điều chúng ta cầu xin, kể cả những điều nhỏ mọn trong cuộc sống thường ngày. Điều quan trọng là chúng ta phải có đức tin và có lòng tín nhiệm”.

Nghe ông Anrê quả quyết như thế, bà Maria tỏ dấu nghi ngờ. Bà muốn kiểm chứng xem lời ông nói có đúng không. Vào cùng ngày đó, bà cần lá cây nguyệt-quế để nấu thịt, bà liền thưa cùng Chúa: “Lạy CHÚA GIÊSU, xin gởi cho con một ít lá nguyệt-quế đi, vì con đang cần!”. Suốt ngày hôm ấy, trong khi dạy học, bà Maria chỉ lẩm nhẩm, lập đi lập lại lời nguyện ấy. Cầu xin, nhưng lòng bà hơi nghi ngờ. Bà thầm nghĩ: “Hẳn CHÚA GIÊSU chả thèm đáp lại một lời xin quá nhỏ mọn của mình: xin lá nguyệt-quế để nấu thịt!”.

Thế nhưng .. vào lúc 8 giờ tối, khi bà Maria trở về chung cư, vừa bước vào cổng, người gác-dan liền gọi bà và hỏi: “Bà Maria ơi, bà có thường dùng các thứ lá cây, lá rau đủ loại để làm bếp không? Chúng tôi vừa từ quê lên, và có mang theo nhiều lá nguyệt-quế, bà có muốn một ít không?”. Vừa nghe hai tiếng nguyệt-quế, bà Maria như bủn rủn tay chân. Bà lẩm nhẩm: nguyệt-quế .. nguyệt-quế, và nước mắt tràn trụa! Người gác-dan vui vẻ trao cho bà Maria - không phải chỉ một nhánh lá nguyệt-quế - nhưng là ba bó lá nguyệt-quế thơm phức!

Vừa ôm ba bó lá vừa bước lên cầu thang, lòng bà Maria vô cùng xúc động. Bà chỉ biết lấp bấp lời tạ ơn Thiên Chúa Nhân Lành và một phép lạ xảy ra: đức tin yếu ớt của bà được củng cố!

Quả đúng như lời CHÚA GIÊSU phán: Thầy bảo các con: “các con cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho (Lc 11,9).

3. XIN CHA CHO CHÚNG CON HÔM NAY LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY: BÁNH THÁNH THỂ.

... Câu chuyện sau đây xảy ra tại một làng nhỏ bên nước Hung-gia-lợi. Năm đó Hung-gia-lợi còn nằm dưới ách thống trị của chính quyền cộng sản Liên Xô. Chính cha Norbert, cha sở họ đạo kể lại.

Nơi một lớp tiểu học có 32 trẻ nữ. Cô giáo tên là Gertrude. Cô ta là một nữ cán bộ cộng sản cuồng tín và vô cùng thâm độc. Cô biến lớp học thành nơi đào tạo những đứa trẻ vô thần. Các trẻ này là con em của các gia đình Công Giáo. Nhưng vì sợ hãi trước giọng nói chanh chua của cô giáo, không một trẻ nào dám hé môi cãi lại. Trong tư cách là cha sở họ đạo - với ý thức sâu xa về hiểm họa cộng sản vô thần - tôi thường quy tụ các trẻ em nơi nhà thờ vào mỗi ngày Chúa nhật để dạy giáo lý cho chúng. Tôi đặc biệt chuẩn bị cho chúng xưng tội và rước lễ lần đầu. Sau đó tôi luôn nhắc nhở và hướng dẫn chúng thường xuyên lãnh nhận hai Bí Tích này.

Điều đáng nói ở đây là cô giáo Gertrude như được quỷ thần trợ lực, khiến cô có thể nhận ra tức khắc, đứa học trò nào sáng hôm đó đã rước Mình Thánh Chúa! Cô lăng mạ, chửi rủa và không để các trẻ đó một phút yên thân! Trong số các trẻ nữ nổi bật bé Angèle, 10 tuổi. Angèle rất thông minh, luôn dẫn đầu lớp. Nhưng bé không bị bạn bè ghen tương vì bé ngoan hiền và luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ các bạn.

Một ngày, Angèle đến xin tôi cho phép cô bé được rước lễ hàng ngày. Tôi nói: “Con có biết rõ điều con xin đưa đến hậu quả nào không”. Bé trả lời: “Con nghĩ là cô ấy khó lòng bắt lỗi con được. Trái lại, con sẽ học hành chăm chỉ hơn nữa. Ngày nào con được rước CHÚA GIÊSU, ngày đó con cảm thấy mình có sức mạnh hơn. Rồi cha bảo con phải làm gương sáng. Mà để làm gương sáng, con cần được CHÚA GIÊSU ban cho con sức mạnh”!

Tôi chấp nhận lời xin của bé Angèle nhưng trong lòng mang nhiều lo lắng.

Kể từ ngày đó, lớp học trở thành hỏa ngục đối với cô bé mảnh khảnh ngoan hiền Angèle. Dầu có thuộc bài, làm bài giỏi giang thế nào đi nữa, bé vẫn bị cô giáo hết lời nguyền rủa. Angèle trở thành đích điểm lăng mạ của cô giáo. Ngày nào cô bé cũng bị cô giáo gọi lên hạch hỏi đủ mọi chuyện, với thâm ý bắt bí cô bé, khiến bé luôn câm miệng! Thật ra đây chỉ là một trò chơi vừa ác độc vừa bần tiện. Bởi lẽ, trong trận chiến, người thắng trận vẫn luôn luôn là cô giáo!

May mắn thay, bé Angèle vẫn can đảm đứng vững, ngày ngày đương đầu với sức tấn công vũ bão của cô giáo .. Bỗng nhiên một sớm một chiều, bé Angèle trở thành trẻ nữ nổi tiếng trong làng. Bé là biểu tượng cho sức mạnh tinh thần, cho kho tàng đức tin mà hết mọi tín hữu Công Giáo Hung-gia-lợi cố gắng bảo tồn.

Đúng ngày 17 tháng 12 năm đó, cô giáo Gertrude bèn nghĩ ra một trò chơi ác độc, với dụng ý tiêu diệt hoàn toàn các tâm tình tôn giáo của các trẻ nữ đối với Ngày lễ Giáng Sinh linh thiêng và trọng đại. Sáng hôm đó, như thường lệ, cô gọi bé Angèle lên đứng trên bục. Sau đó cô lần lượt chất vấn bé: “Nếu mẹ em gọi em thì em làm gì?”. Angèle trả lời: “Nếu mẹ gọi thì em đến”. – “Em đến vì em hiện hữu. Nhưng nếu mẹ gọi ông già râu xanh hay cô bé quàng khăn đỏ thì những người này có đến không?”, cô giáo hỏi tiếp. Angèle rụt rè trả lời: ”Những người này không đến vì họ chỉ là những nhân vật trong chuyện thần thoại”. Cô giáo đắc chí nói: “Em trả lời thật thông minh. Vậy thì, nếu bây giờ em gọi CHÚA GIÊSU Hài Đồng, Chúa có nghe tiếng em không?”. Như được sức mạnh thiêng liêng trợ giúp, Angèle bỗng mạnh dạn nói: “Có, em tin là CHÚA GIÊSU Hài Đồng nghe tiếng em gọi”.

Cô giáo Gertrude hí hửng vì thấy bé Angèle rơi vào tròng thâm hiểm của cô. Cô trịnh trọng nói với cả lớp: “Bây giờ chúng ta làm thử. Mọi người cùng kêu to: Xin CHÚA GIÊSU Hài Đồng đến. Một, hai, ba ... ”. Cả lớp cúi đầu im lặng như tờ. Cô giáo cười đắc thắng nói: “Thấy chưa? Không ai dám gọi vì các em biết rằng CHÚA GIÊSU Hài Đồng không đến. Chúa không đến vì Chúa không hiện hữu, giống như không có ông già râu xanh hay cô bé quàng khăn đỏ!”

Bỗng chốc, như được thông truyền sức mạnh, bé Angèle phóng nhanh đến đứng giữa lớp và nói: “Nào, chúng mình cùng mời Chúa đến. Tất cả cùng nói: Xin CHÚA GIÊSU Hài Đồng hãy đến!”. Trong nháy mắt, cả 31 trẻ nữ đồng loạt đứng lên, chắp tay trước ngực và cùng kêu lên: “Xin CHÚA GIÊSU Hài Đồng hãy đến!”

Và phép lạ đã xảy ra. Mọi ánh sáng trong phòng như được dồn về chỗ cửa ra vào. Cánh cửa từ từ mở ra. Ánh sáng lan rộng rực rỡ và trở thành bầu lửa. Rồi trong bầu lửa xuất hiện một Hài Nhi mặc áo trắng tinh. Hài Nhi chỉ mĩm cười khoan dung với các trẻ nữ, nhưng không nói lời nào. Sau đó, Hài Nhi biến đi cùng với bầu lửa. Cánh cửa từ từ khép lại.

Bỗng một tiếng thét kinh hãi vang lên. Cô giáo Gertrude, - đôi mắt lộn trồng, gương mặt thất thần - hét lớn: “Chúa đã đến! Chúa đã đến thật!”. Thét xong, cô đâm đầu chạy ra khỏi lớp và đóng sập cửa lại!

Câu chuyện đến tai tôi và trong tư cách là linh mục chính xứ, tôi có thể quả quyết rằng: “Chuyện đã xảy ra thật đúng theo lời các trẻ nữ kể lại”.

Về phần cô giáo Gertrude, cô bị mất trí và được đưa vào nhà thương điên.


4. XIN CHA CHO CHÚNG CON HÔM NAY LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY: BÁNH THÁNH THỂ.

... Câu chuyện xảy ra tại một vùng đất mang tên Trung Hoa Lục Địa, ngay sau khi đảng cộng sản lên nắm chính quyền. Nhà nước ra lệnh càn quét bách hại các tín hữu Kitô, đặc biệt là tín hữu Công Giáo.

N
ơi trường tiểu học của một họ đạo, chị Euphrasie, nữ tu thừa sai người Pháp, dạy giáo lý cho một nhóm trẻ người Hoa, chuẩn bị xưng tội và rước lễ lần đầu.

Trước khi bắt đầu buổi học giáo lý, tất cả các trẻ cùng đứng nghiêm trang, khoanh tay lại và đọc Kinh LẠY CHA. Trong nhóm trẻ, có một bé gái tên Li. Bé thầm nghĩ: “Có lẽ đây là lần cuối cùng mình còn được tự do đọc kinh to tiếng như thế này! Đâu có ai biết trước được tương lai rồi sẽ ra sao .. Đây đó nghe xầm xì những cuộc bách hại khủng khiếp! Chúa ơi!”. Nghĩ thế nên bé Li chú tâm đọc rõ từng tiếng: “Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nguyện danh Cha cả sáng .. Xin Cha cho chúng con hôm nay bánh ăn hằng ngày.”

Bé Li ít khi ăn bánh mì. Thức ăn hằng ngày là cơm. Vì thế, có lần trong giờ giáo lý, cô bé thắc mắc hỏi chị Euphrasie: “Thưa Dì, sao CHÚA GIÊSU không dạy chúng ta đọc: Xin Cha cho chúng con hôm nay cơm ăn hàng ngày?”. Bị hỏi bất ngờ, chị nữ tu hơi lúng túng. May mắn thay, mặc dầu không phải là nhà thần học giỏi giang, nhưng với tấm lòng vàng, chị Euphrasie tìm lời giải thích: “Bởi vì .. bởi vì .. bánh mì cũng có nghĩa là Bánh Thánh Thể! Con nhớ xin CHÚA GIÊSU cho con được rước lễ hàng ngày. Để nuôi xác, con cần cơm ăn. Nhưng để nuôi linh hồn - có giá trị gấp ngàn lần thân xác - con cần có Bánh Hằng Sống, tức là Bánh Thánh Thể Chúa Giêsu!”. Bé Li ghi khắc trong con tim ngây thơ trong trắng lời giải thích của chị Euphrasie.

Tháng 5 năm đó, bé Li được hồng phúc rước lễ lần đầu. Bé thì thầm với CHÚA GIÊSU Bé Nhỏ đang ngự trong lòng: “Xin Chúa luôn luôn ban cho con bánh ăn hằng ngày, để linh hồn con được sống và sống mạnh khoẻ”. Từ sau khi rước lễ lần đầu, mỗi buổi sáng, bé Li đều thức dậy đi lễ để được rước CHÚA GIÊSU Bé Nhỏ vào lòng. Mỗi ngày, bé tha thiết cầu xin Chúa đừng để những người hung ác ngăn cấm bé rước CHÚA GIÊSU, bởi vì, bé nói: “Con đâu làm được gì, nếu không có Chúa?”

Một buổi sáng, đang giờ học, bỗng cánh cửa ra vào bị mở tung, rồi năm người đàn ông mặc đồng phục hùng hổ bước vào. Một người ra lệnh: “Mọi người phải giao nộp tất cả các ảnh thờ quấy. Nhà nước không dung thứ cho ai tôn thờ ngẫu tượng, tà thần!”

Các học sinh sợ hãi, hết lấm lét nhìn 5 người mặc đồng phục lại nhìn nữ tu Euphrasie, đang đứng im bất động như bước tượng gỗ! Nhưng rồi các em hiểu rõ lệnh truyền, đành phải thi hành. Tất cả lần lượt giao nộp các ảnh thánh Chúa và Đức Mẹ. Bé Li cũng miễn cưỡng từ từ rút ra các ảnh thánh. Nhưng riêng bức ảnh CHÚA GIÊSU, Đấng Chăn Chiên Nhân Lành, ẵm một chiên con trên vai, là bé Li yêu thích nhất. Đây là bức ảnh kỷ niệm ngày bé rước lễ lần đầu. Bé muốn dấu bức ảnh, thay vì giao nộp. Bé vội kín đáo gấp bức ảnh làm đôi và nhét vào chiếc áo trong. Nhưng hành động này không qua mặt viên công an trưởng. Ông tức giận hét lớn: “Đồ nhãi con! Bé tí xíu mà đã dám lường gạt đại quốc Trung Hoa! Hãy truy lùng tức khắc người cha của đứa bé phản động này!”

.. Chỉ vỏn vẹn một khắc đồng hồ sau, bé Li và cha bé bị còng tay và bị dẫn vào nhà thờ, đông nghẹt dân làng. Trước đôi mắt kinh hãi của mọi người, viên công an chửi rủa, rồi ra lệnh mở tung Nhà Tạm, ném Chén Thánh xuống đất, khiến Mình Thánh Chúa rơi vung vãi trên mặt nhà thờ. Xong, ông trịnh trọng ra lệnh: “Từ nay, không ai được bén mãng tới nhà thờ này. Nếu bất tuân, sẽ bị tuyệt mạng!”
Mọi người lặng lẽ ra về. Các tín hữu Công Giáo lòng đau như cắt, thì thầm đọc kinh phạt tạ, đền bù hành động phạm thánh .. Ngôi nhà thờ trở nên vắng lặng như sa mạc. Người ta tưởng không còn một bóng người nào. Nhưng thực tế không phải như vậy. Trên trần nhà thờ, một vị thừa sai người Pháp đang ẩn núp. Đó là cha Luca. Chính cha kể lại những gì xảy ra sau đó.

Sáng tinh sương ngày hôm sau, cửa nhà thờ nhẹ nhàng mở ra và một bé gái 10 tuổi, len lén đi vào. Đến nơi có Mình Thánh Chúa bị tung rớt, bé quỳ xuống, lấy lưỡi rước một bánh lễ. Bé quỳ yên lặng cầu nguyện một lúc rồi rón rén ra về. Trông thấy cảnh tượng đó, cha Luca đau thót trong lòng. Cha thầm thì cầu xin đừng ai trông thấy bé Li.

Cảnh tượng trên đây tái diễn mỗi buổi sáng, cho đến Bánh Thánh cuối cùng. Sáng hôm đó, như thường lệ, bé Li rón rén đi thẳng lên cung thánh. Nhưng một tiếng súng chát chúa vang lên. Một người lính núp nơi cánh cửa, giơ súng bắn thẳng vào người bé. Bé gục xuống trên vũng máu. Cha Luca tưởng bé đã tắt thở, nào ngờ cha trông thấy bé cố gắng trườn lên chỗ có Bánh Thánh rồi giơ lưỡi rước Bánh Thánh cuối cùng. Rước xong, bé uốn mình một cái, rồi thân thể giãn ra. Bé Li đã trút hơi thở cuối cùng. Bé đã cứu tất cả các Bánh Thánh.


5. XIN CHA CHO CHÚNG CON HÔM NAY LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY.


... “Các con đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ ấy, dân ngoại vẫn tìm kiếm. CHA các con trên trời thừa biết các con cần tất cả những thứ đó. Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ ban thêm cho các con” (Mt 6,31-33).