VI. VÀ THA NỢ CHÚNG CON NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON

1. VÀ THA NỢ CHÚNG CON NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON.


... Một hôm, bác nông dân cùng làng đến gặp tôi và than thở: “Tôi đang xây chuồng cho súc vật. Khi xây bức tường bên này lên tới một chiều cao nào đó, thì bức tường bên kia bỗng sụp xuống. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng địa thế mà không tìm ra nguyên nhân. Hẳn có một bàn tay vô hình quấy phá chúng tôi! Tôi phải làm gì bây giờ?”

Tôi hỏi lại: “Có lẽ một người quá cố nào đó, có điều gì bất bình với bác và vẫn còn nuôi mối hận thù với bác chăng?”. Bác liền kêu lên: “Phải rồi! Đúng thế! Tôi cũng ngờ ngợ như bà vậy. Đích thị ông ấy rồi! Giờ này đã nằm sâu trong lòng đất, mà ông ta vẫn không để cho tôi yên!”. Tôi ôn tồn nói: “Hẳn là, ông ta chỉ muốn xin bác một điều: tha thứ cho ông ta. Có vậy thôi!”. Nghe tôi nói thế, bác nông dân quắc mắt nhìn tôi, giọng thét ra lửa: “Bà bảo sao? Tôi phải tha thứ cho ông ấy à? Tha thứ cho tất cả những điều khốn khổ ông ta gây ra cho tôi ư? Tha thứ để ông ta được bay thẳng về Trời sao? Không! Không! Ngàn lần không! Giờ thì ông ấy phải ráng mà đền bù mọi tội lỗi mình!”.

Tôi trấn an bác: “Không dễ dầu gì mà ông ấy bay về Trời ngay đâu! Ông ấy phải đền bù tất cả những lầm lỗi và thiệt hại ông ấy gây cho bác. Nhưng, nếu bác thật lòng tha thứ cho ông ta, ông ta sẽ chấp nhận hình phạt cách dễ dàng hơn. Vã lại, bao lâu bác chưa tha thứ cho ông ta, thì ông ta cũng sẽ không để yên cho bác làm ăn đâu!”

Dầu tôi lý luận cách nào, vẫn không làm cho bác nông dân nguôi giận. Sau cùng, tôi nói: “Thế tại sao hàng ngày bác lại đọc kinh LẠY CHA, trong đó có câu: Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con?. Đúng ra bác phải thưa với Chúa:

”Đừng tha nợ cho con, như con cũng không tha kẻ có nợ con!”

Bác nông dân tỏ ra tư lự .. Một hồi lâu, bác lúng túng thú nhận: “Thật ra, bây giờ, tôi mới hiểu rõ ý nghĩa của lời kinh LẠY CHA tôi đọc hàng ngày!”

Tôi tiếp tục thuyết phục bác. Sau cùng, thu hết can đảm, bác dõng dạc tuyên bố: “Vâng, nhân danh Thiên Chúa, tôi muốn tha thứ hầu Thiên Chúa cũng tha thứ cho tôi!”
(Theo lời kể của bà Maria Agatha Simma, sống tại Sonntag, Áo quốc).

2. VÀ THA NỢ CHÚNG CON NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON.

... Ngày 5-10-1984, Frédéric bị đưa ra xử tại tòa án thủ đô Paris, nước Pháp, vì tội sát nhân. Án mạng xảy ra trước đó hai năm, ngày 9.11.1982. Frédéric - 21 tuổi - đã tàn nhẫn giết chết Chantal, cô bạn gái đoan trang. Lý do: Chantal đã cương quyết không chìu theo những ước muốn đê hèn của Frédéric.

Hôm ấy, cả cha mẹ của Frédéric lẫn cha mẹ của Chantal đều có mặt nơi phòng xử. Lên tiếng trước tòa, ông Vincent, thân phụ của Chantal, nói: “Tôi muốn tuyên bố với quý vị là tôi đã tha thứ cho Frédéric lâu lắm rồi, kể từ sau khi xảy ra án mạng. Giờ đây, chính Frédéric là người cần được giúp đỡ hơn ai hết, bởi vì, chính Frédéric mới là người mang thương tích nặng nề nhất!”

Khi tuyên bố như thế, ông bà thân sinh của Chantal không muốn kết án hay kiện tụng Frédéric. Quyết định của cha mẹ nạn nhân khiến cho các thẩm phán, luật sư và toàn cử tọa ngỡ ngàng xúc động. Ông Vincent nói tiếp: “Tôi xin miễn nói lên nổi buồn sâu xa của chúng tôi vì bị cướp mất đứa con gái thân yêu. Tôi chỉ muốn nói rằng: giờ đây con gái chúng tôi đang sống trong niềm vui và trong ánh sáng. Hoàn cảnh của chúng tôi không giống hoàn cảnh của cha mẹ Frédéric. Tôi đã cầu nguyện thật nhiều để cuộc đời còn lại của Frédéric không bị uổng phí và hư hỏng thêm.

Tiếp lời chồng, bà Catherine - mẹ của Chantal - nói: “Khi nhận hung tin con gái bị giết, tôi thật sự xúc động. Ý tưởng đầu tiên của tôi khi nghĩ về Frédéric: “thật đáng thương!”. 10 tháng sau vụ thảm sát, Frédéric đã viết thư xin tôi tha thứ cho Frédéric. Dĩ nhiên là chúng tôi đã tha thứ cho Frédéric rồi!”..

Ngồi nơi chỗ bị cáo, Frédéric lặng lẽ khóc. Tất cả mọi người có mặt nơi tòa đều xúc động. Thẩm phán đoàn cũng xúc động. Vị trưởng đoàn thẩm phán ra lệnh ngưng phiên tòa.. Khi phiên tòa tái nhóm, bà Catherine lên tiếng gợi lại hình ảnh cô thiếu nữ quá cố: “Chantal rất nhiệt tình và quảng đại. Con gái tôi ước muốn giúp đỡ người thanh niên mà nó cảm thấy là bị mất quân bình, không có hướng đi.. Nhìn từ bên ngoài, ai cũng thấy rằng Frédéric đã si tình con gái tôi. Frédéric có cái nhìn không bình thường, của một kẻ sống khép kín trong thế giới riêng tư của mình”..

Sau khi ông bà thân sinh nạn nhân bày tỏ, đến lượt cha mẹ của bị cáo lên tiếng. Cha ghẻ của Frédéric đau đớn thú nhận: ‘Tôi rất tiếc không sớm nhận ra nổi đau buồn của Frédéric”. Bà mẹ Frédéric đấm ngực ăn năn: “Tôi là người chịu trách nhiệm nặng nề trong vụ án mạng này. Một hôm, Chantal gọi điện thoại cho tôi và nói: “Xin bác hãy để ý chăm sóc Frédéric cách riêng!”. Nhưng tôi đã không hiểu rõ ý Chantal muốn nói gì. Giờ đây tôi hiểu rằng, làm cha mẹ thật là khó khăn. Đây là nghề duy nhất mà chúng tôi không được học hỏi”.
Frédéric bị kết án 5 năm cấm cố. Chiếu theo luật, Frédéric là người lên tiếng sau cùng. Bằng giọng run run, Frédéric trình bày: “Con ý thức rõ điều con đã làm không thể cứu vãn được nữa. Niềm ao ước sâu xa của con trong lúc này đây, là được sống xứng đáng với sự tha thứ của cha mẹ Chantal, người bạn gái đầu đời của con” ..


3. VÀ THA NỢ CHÚNG CON NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON.

... Câu chuyện xảy ra tại thành Bologna, Trung Bắc nước Ý. Một phụ nữ quý tộc trong thành, - tạm gọi tên bà Claudia -, góa bụa và chỉ có đứa con trai duy nhất. Không cần nói cũng hiểu bà yêu thương chìu chuộng con biết chừng nào. Thiếu niên tên Andrea. Andrea thường thích nô đùa với các bạn cùng tuổi nơi công viên thành phố.

Ngày kia, một người lạ mặt đi ngang qua đó và quấy phá cuộc chơi của lũ trẻ. Andrea thét lên phản đối: “Ông không được xen vào trò chơi của chúng tôi!”. Người lạ mặt bỗng dưng nổi giận. Ông tuốt gươm đâm chết cậu tại chỗ. Nhìn cái xác bất động và lưỡi gươm vấy máu, người đàn ông đâm hoảng sợ. Ông cho gươm vào vỏ và tìm đường tẩu thoát. Ông chạy như bay qua các đường phố. Trông thấy cánh cửa một căn nhà mở rộng, ông nhanh chân lách mình vào để ẩn trốn.

Đó là căn nhà của bà Claudia, mẹ cậu Andrea. Kẻ sát nhân chạy nhanh lên cầu thang, vào đúng căn phòng của người phụ nữ quý tộc. Bất thình lình đối diện với người lạ, trên tay cầm gươm vấy máu, bà Claudia hoảng sợ chết điếng. Người lạ vội vàng khẩn khoản: “Nhân danh Thiên Chúa, xin bà thương chỉ cho tôi một chỗ ẩn núp, tránh khỏi những người đang lùng bắt tôi. Xin bà đừng giao nộp tôi cho họ”. Động lòng trắc ẩn, bà Claudia chấp thuận chỉ cho người lạ một nơi trú ẩn an toàn và hứa sẽ không phản bội lòng nhân từ.

Cảnh sát biết tên sát nhân đã chạy vào nhà bà Claudia nên họ xông vào nhà xin lục soát. Họ tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn không trông thấy dấu vết gì .. Trước khi rời nhà, cảnh sát nói với bà Claudia: “Bà có biết người chạy vào đây ẩn trốn, chính là tên sát nhân đã giết chết Andrea, quý tử duy nhất của bà không?”. Nghe mấy lời này, bà Claudia xúc động, ngã xuống bất tỉnh.

Khi bà hồi tỉnh, người ta tưởng chừng bà không thể nào sống được, vì tin dữ quá mạnh! Nhưng bà Claudia là một phụ nữ quý tộc đạo đức. Bà phó thác mọi sự nơi Bàn Tay Quan Phòng của Thiên Chúa Chí Công. Nhờ thế, bà tìm được một nguồn sức mạnh vô biên, giúp bà thắng vượt được thử thách. Bà Claudia lặng lẽ đến chỗ trú ẩn của kẻ sát nhân, trao cho ông một số tiền. Bà chỉ cho ông ta một lối thoát kín, nơi có sẵn con ngựa, ông có thể dùng để cao bay xa chạy..

Xong xuôi đâu đó, bà Claudia trở lại phòng riêng, quỳ gối trước tượng ảnh Thánh Giá, đọc kinh cầu cho linh hồn đứa trai yêu dấu. Bỗng chốc, bà Claudia trông thấy Andrea xuất hiện, mặt mũi sáng rực, chiếu tỏa một niềm hạnh phúc bao la. Cậu Andrea nói như reo vui với mẹ:

“Mẹ ơi, con báo cho mẹ tin vui! Xin mẹ đừng khóc nữa. Xin mẹ đừng thương tiếc cho số phận hẩm hiu của con. Trái lại, xin mẹ hãy vui mừng. Bởi vì, nhờ đức bác ái mẹ thực thi với kẻ giết con, mà con đã được giải thoát ngay khỏi Lửa Luyện Ngục. Đáng lý con bị Thiên Chúa Chí Công phạt đền trong Lửa Luyện Tội lâu năm. Nhưng vừa khi mẹ thi hành xong hành động bác ái, tức khắc, con được xóa bỏ mọi tội lỗi và không phải đền bù. Hiện tại con đang được diễm phúc ở bên tòa Chúa trên Thiên Đàng và con sẽ ở lại đây mãi mãi!”

Tin vui của quý tử quá cố gieo vào lòng bà Claudia một niềm vui khôn tả. Bà quên hết mọi nổi niềm đau khổ vì mất con. Bà dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã tha thứ cho con và đưa con vào hưởng vinh phúc muôn đời.


4. VÀ THA NỢ CHÚNG CON NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON.

.. Ông Francis Bullay, một tín hữu Công Giáo Hoa Kỳ. Ông gợi lại kinh nghiệm khổ đau trong thời chiến và tâm tình tha thứ của một cựu tù nhân. Ông nói:

Trong thế chiến thứ hai, tôi đã trải qua những trại tù lao động và trại tập trung khủng khiếp nhất. Khi chiến tranh chấm dứt và được phóng thích, tôi vội tìm đến sứ quán Mỹ ở thành phố Hannover, thuộc Cộng Hòa liên bang Đức. Vừa nhìn thấy lá cờ Hợp Chủng Quốc, tôi đứng bất động như bị trời tròng. Tôi đứng im như thế không biết trong bao lâu. Tôi chiêm ngắm lá cờ đang bay phất phới, tượng trưng cho tự do và nhân phẩm.. Lòng tôi xúc động bồi hồi, nhưng tuyệt nhiên, tôi không nhỏ một giọt nước mắt! Suốt trong bốn trại tù khổ sai tôi đã sống, không một tù nhân nào khóc. Tù nhân chúng tôi không bao giờ khóc! Đau khổ quá độ làm cho chúng tôi mất hết nhạy cảm. Chúng tôi giống như những con thú. Mà thú vật đâu có khóc bao giờ! Trong khi chiêm ngắm lá quốc kỳ, tôi không khóc, nhưng thầm nhủ: “Giá mà lá cờ không treo quá cao, hẳn là tôi sẽ âm yếm cầm lấy nó mà hôn, hôn, hôn”. Tôi hết lòng ghi ơn Thiên Chúa đã cho tôi được sống sót, để giờ đây trông thấy lại lá cờ Hợp Chủng Quốc thân yêu!.. Trong thời gian bị quân Đức giam cầm, nếu trông thấy lá cờ Hoa Kỳ, chắc chắn tôi sẽ thu hết can đảm để cầm lấy nó mà hôn! Cho dù có sự hiện diện của mấy tên công an đức quốc xã đi nữa, tôi vẫn âu yếm hôn, trìu mến hôn lá cờ!

Khi trở lại Hoa Kỳ, tôi sung sướng cảm thấy mình là một người được tự do, hoàn toàn tự do. Lòng tôi bỗng dâng lên Thiên Chúa niềm tri ân sâu xa. Tôi thầm nghĩ: “Hết mọi công dân Mỹ phải bày tỏ lòng ghi ơn Thiên Chúa, vì đã làm cho Hoa Kỳ trở thành một nước tự do”! Trong vòng mấy năm trời, tôi vui hưởng bầu khí tự do nơi quê hương.

Nhưng rồi thất vọng xảy đến. Khi trở về Hoa Kỳ sau thời gian bị giam cầm nơi các trại tập trung của quân đức quốc xã, người ta nói cho tôi biết là nước Đức sẽ bồi thường thiệt hại cho các cựu tù nhân. Tôi liên lạc với các văn phòng có liên hệ tới thế chiến thứ hai tại thủ đô Washington. Nhưng liên lạc này tiếp nối liên lạc khác mà vẫn hoàn toàn vô ích. Tôi không nhận được ngân khoản bồi thường nào về phía chính phủ Đức cũng như về phía chính quyền Hoa Kỳ.. Tôi hoàn toàn thất vọng và bỏ rơi cuộc chạy theo các ngân khoản bồi thường.

Tôi ra sức lao động để có tiền sinh sống. Nhưng một buổi tối kia, tôi bị một tên côn đồ chặn đường đánh tôi trọng thương. Tôi bị mù một con mắt. Tai nạn xảy ra làm tôi đau đớn và khóc ròng, khóc như một đứa con nít! Tôi cay đắng thầm nghĩ: “Tên côn đồ này phải bị trừng phạt! Tôi là một tín hữu Công Giáo. Tôi có thể tha thứ. Nhưng tôi cũng biết rằng, chúng ta phải tôn trọng công lý”. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo 2 đã sẵn sàng tha thứ cho tên ám sát ngài. Nhưng Đức Thánh Cha đã để cho công lý trừng phạt tên sát nhân!

Nếu ngày hôm nay, một tên cai tù sát khí đức quốc xã của trại lao động khổ sai, hay một tên mật vụ đức quốc xã đến gặp tôi và nói: Francis à, xin anh hãy tha thứ cho những điều tàn ác tôi đã làm cho anh, thì tôi sẽ trả lời như thế này: Tận trong thâm tâm, tôi đã tha thứ cho anh từ lâu lắm rồi, bởi vì tôi là một tín hữu Công Giáo. Chính đức tin và Giáo Hội Công Giáo đã dạy tôi phải tha thứ. Nhưng nếu một tòa án chiến tranh đòi tôi phải đến làm chứng, thì tôi sẽ kể lại tất cả những điều tàn ác mà các ông đã làm cho bọn tù nhân chúng tôi..

Trên đây tôi đã thành thật nói lên tất cả những điều tôi cảm nghĩ. Đồng thời, tôi dâng lên Thiên Chúa niềm tri ân vô bờ của tôi, niềm tri ân của một người con nhận được muôn vàn ơn lành từ Người Cha nhân từ dấu yêu là Thiên Chúa.


5. VÀ THA NỢ CHÚNG CON NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON.

.. Đêm thứ sáu rạng ngày thứ bảy 11-5-1991, cha Jean-Luc Cabes từ Lộ Đức lái xe về nhà xứ Tarbes, Tây Nam nước Pháp. Khi xe vào sân, chiếc đèn pha bỗng vô tình rọi sáng cảnh tượng hai thiếu niên đang ăn cắp một chiếc xe đậu trong sân. Cha Jean-Luc liền tìm cách ngăn cản. Nhưng một trong hai thiếu niên - 17 tuổi - rút dao và đâm vào người cha. Cha gục ngã trên vũng máu. Cha được đưa vào nhà thương và trút hơi thở vài giờ sau đó, hưởng dương 35 tuổi.

8 năm sau biến cố đau thương này, thân mẫu cha Jean-Luc gợi lại câu chuyện và bày tỏ lòng tha thứ đối với thiếu niên sát nhân. Kẻ sát nhân giờ đây là thanh niên 25 tuổi. Anh ra khỏi tù hồi tháng 9 năm 1998, sau 7 năm đền bù tội lỗi.

Thân mẫu cha Jean-Luc Cabes nói: Lúc 3 giờ sáng hôm ấy, khi bước vào bệnh viện, nhà tôi và tôi hiểu ngay tình hình nghiêm trọng. Tôi liền xin mọi người đang có mặt trong phòng đợi hãy giữ thinh lặng. Tôi nhớ là mình cảm nhận một sự hiện diện mạnh mẽ trong tôi. Ngay khi ấy, có một điều gì đó nhắc nhở tôi rằng: phải tỏ ra can cường để làm chứng cho đức tin của tôi. Chính lúc cầu nguyện trong thinh lặng đó mà tôi nhớ lại bài ca ALLELUIA, hát trong thánh lễ truyền chức linh mục cho Jean-Luc. Bài hát có câu: “Đấng Bị Đóng Đinh đã sống lại và sai con đi làm chứng cho niềm vui Phục Sinh của Ngài”. Câu hát cứ trở đi trở lại trong đầu óc tôi, nhưng phần sau được đổi thành: ”để làm chứng cho niềm tin của con”.

Vừa khi chúng tôi được bước vào phòng của cha Jean-Luc, tôi xin mọi người cùng lần hạt Mân Côi, suy niệm Mầu Nhiệm Mừng. Giờ đây, khi nhớ lại diễn tiến của biến cố, tôi nhận thấy rằng: chính giây phút cầu nguyện sốt sắng ấy đã gây một ảnh hưởng tích cực cho những gì xảy ra sau đó. Theo một nghĩa nào đó, chính sự cầu nguyện đã chuẩn bị tâm lòng chúng tôi sẵn sàng tha thứ cho kẻ sát nhân. Tôi thầm nhủ: “Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng tôi. Đến phiên mình, chúng tôi cũng phải tha thứ cho người khác”. Tôi không ngừng nhớ lại các câu Phúc Âm như: Tôi tớ không trọng hơn chủ hoặc Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm.

Tôi không bao giờ than trách về sự ra đi đột ngột và thảm thương của con mình. Tôi tự nhủ: kẻ giết chết cha Jean-Luc là một thiếu niên đáng thương. Nó đã giết chết cha, nhưng tôi không thể tin rằng đó là ý muốn của Thiên Chúa. Tôi sẽ không bao giờ có thể hiểu được tại sao con tôi lại bị giết chết như thế. Tôi không thể hiểu và cũng không tìm kiếm lý do tại sao. Chuyện đã xảy ra rồi. Điều tôi biết, chính là Thiên Chúa cũng đau khổ với chúng tôi trong biến cố sầu thảm này. Tôi đã không bao giờ phản loạn chống lại Thiên Chúa nên cũng không hề chống lại con người. Tôi không thể nào trách cứ Chúa, sau khi đã nhận lãnh không biết bao nhiêu tình thương và ơn lành từ Bàn Tay Quan Phòng của Ngài. Ngay cả cái chết thê thảm của cha Jean-Luc cũng không tách lìa tôi khỏi tình thương Thiên Chúa. Tôi không thể phản loạn chống Thiên Chúa, bởi vì tôi tin nơi Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng đã chết vì chúng ta. Có nhiều người không hiểu tại sao chúng tôi đã có thể tha thứ cho kẻ sát nhân. Phần tôi, tôi cũng không thể giải thích tại sao. Tôi chỉ biết rằng, tôi tha thứ vì tôi có đức tin. Ngay từ thời thơ ấu, tôi đã thấm nhuần các câu Phúc Âm. Tuổi thơ tôi đã trải qua nhiều giai đoạn bi thảm. Tôi mồ côi cha năm lên 7 tuổi. Sau đó, một người anh qua đời vào năm 15 tuổi. Mẹ tôi, một người đàn bà nhà quê, đã bị thử thách nhiều với các biến cố đau thương ấy. Nhưng tôi như còn trông thấy trước mắt cảnh mẹ tôi cầm chuỗi, lần hạt Mân Côi, mỗi ngày trên đường từ đồng trở về nhà. Hình ảnh đó in đậm trong suốt cuộc đời tôi.

Đối với tôi, thiếu niên giết chết cha Jean-Luc chỉ là một người kém may mắn, không được giáo dục đàng hoàng. Vì thế, anh ta không đáng bị kết án tù chung thân. Nếu chúng ta được Chúa tha thứ thì đến phiên mình, chúng ta cũng phải tha thứ cho người khác.


6. VÀ THA NỢ CHÚNG CON NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON.

... Yannick, một tín hữu Công Giáo người Pháp. Anh là nạn nhân của vụ mưu sát bằng chất nổ nơi một xe điện ngầm ở thủ đô Paris, vào ngày 3-12-1996. Yannick kể lại:

Một tiếng nổ dữ dội, rồi toàn wagon bốc lửa cháy lớn. Tôi cũng bị cháy và bị đưa vào nhà thương nằm nơi “phòng cách biệt” dành cho những người bị phỏng nặng. Trong cô đơn và trong những đêm dài mất ngủ, tôi thường cay đắng tự hỏi: “Tại sao nạn nhân lại là mình?”

Những ngày nằm nhà thương là một chuỗi dài những cuộc giải phẫu, săn sóc khẩn trương, rồi giải phẫu. May mắn thay tôi là một tín hữu Công Giáo sống đạo. Lúc nhỏ, tôi là chú bé giúp lễ. Lớn lên, tôi giữ nhiệm vụ đánh đàn trong nhà thờ cho các buổi cử hành Phụng Vụ Thánh. Trong thời gian thử thách này, tôi thường nghĩ đến Chúa và cám ơn Chúa vì Ngài đã cứu tôi thoát chết, mặc dầu tôi bị phỏng nặng và bị kinh hoàng vì cuộc mưu sát!

Ngày hôm nay, tôi có thể tha thứ cho những người đã gây ra vụ mưu sát, mặc dầu tôi không biết họ là ai. Phải, tôi thật lòng tha thứ cho họ và tôi cũng xin Chúa tha tội cho họ nữa.. Chắc chắn là tôi không bao giờ quên được nổi kinh hoàng của vụ mưu sát, nhưng tôi cám ơn Chúa vì đã ban cho tôi đức tin. Nhờ thế mà trong cơn thử thách, tôi vẫn có thể nghĩ đến Chúa và cầu nguyện cùng Chúa. Chính lòng tin tưởng nơi Chúa đã giúp tôi vượt thắng được đau khổ.

Tiếp theo sau lòng tri ân Thiên Chúa là tâm tình ghi ơn người yêu của tôi. Tôi hy vọng nàng sẽ trở thành vợ tôi. Nàng thăm viếng chăm sóc tôi hàng ngày. Tôi cũng không quên những người thân trong gia đình, đã luôn luôn gần gũi tôi trong lúc tôi gặp hoạn nạn.
Ngày nay, mỗi khi nhớ lại vụ mưu sát, tôi chỉ muốn coi nó như là một tai nạn. Trong tâm tình của một tín hữu Công Giáo, tai nạn đã giúp đức tin của tôi chín mùi. Từ sau tai nạn đó, tôi cầu nguyện và nghĩ đến Chúa nhiều hơn, thường xuyên hơn lúc trước. Vâng, ngày hôm ấy, Thiên Chúa ở với tôi và chính Ngài đã giơ tay cứu sống tôi. Ngày hôm nay, tôi biết nhìn các biến cố cuộc đời với đôi mắt bình thản hơn.

Sau những tháng ngày sầu khổ và thử thách, Thiên Chúa cho tôi hiểu rằng: “Người ta không thể chấp nhận tất cả, hiểu hết mọi điều, nhưng người ta có thể tha thứ tất cả”!


“Các con đã nghe Luật dạy rằng: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Còn Thầy, Thầy bảo các con: “Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện con để lấy áo trong của con, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.. Các con đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo các con: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con. Như vậy, các con mới được trở nên con cái của CHA các con, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương kẻ yêu thương mình, thì nào các con có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì các con có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy các con hãy nên hoàn thiện, như CHA các con trên trời là Đấng Hoàn Thiện” (Mt 5,38-48).

7. VÀ THA NỢ CHÚNG CON NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON.

Tất cả mọi người đều là kẻ có tội, cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Tất cả mọi người đều là kẻ mắc nợ. Nợ vật chất và nợ thiêng liêng. Ngay cả nợ luân lý nữa. Nợ vật chất liên quan đến tiền của và đồ dùng, người ta cho mình mượn và mình phải hoàn lại. Nợ luân lý liên quan đến sự ngưỡng mộ người ta đòi hỏi mà mình lại không sống xứng đáng, hoặc tình thương người ta kêu cầu mà mình lại không trao ban. Nợ thiêng liêng liên quan đến việc phải tuân phục Thiên Chúa. Thiên Chúa đòi hỏi rất nhiều, nhưng con người đáp trả rất ít, hoặc không mảy may đáp lại. Thiên Chúa yêu con người bằng tình thương vô bờ, nhưng con người lại dửng dưng, vô tình hoặc tệ bạc. Đó là món nợ khổng lồ con người mắc nợ Thiên Chúa. Rồi con người lại mắc nợ người khác bằng những món nợ thiêng liêng tương tự. Khi con người không yêu thương và phụng dưỡng cha mẹ. Khi con người lỗi nghĩa anh em, bè bạn. Khi con người không giúp đỡ những người đang cơn túng thiếu, đang cần nâng đỡ ủi an. Và, khi con người không yêu thương anh chị em đồng loại.
Ai ai cũng là kẻ mắc nợ, không cách này thì cách khác: mắc nợ Thiên Chúa và mắc nợ tha nhân. Vì thế, người khôn ngoan nhất là người khoan dung, không bao giờ kết án, nhưng luôn luôn tha thứ cho người khác. Tha thứ để được Thiên Chúa thứ tha. Vô phúc cho người không biết tha thứ, bởi lẽ, người đó cũng sẽ không được Thiên Chúa thứ tha. Phúc cho người biết tha thứ vì họ sẽ được Thiên Chúa thứ tha.