Love Telling ThanhCaVN nhắn với ACE: Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, xin cho Linh hồn Cha cố Phêrô (Ns. Kim Long) được lên chốn nghỉ ngơi. Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen! Loan Pham nhắn với ACE: Giêsu Maria Giuse, con mến yêu xin thương cứu rỗi linh hồn Phê-rô Lm. Kim Long sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa. Amen Loan Pham nhắn với ACE: Hòa cùng với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam với sự ra đi của Lm. Kim Long là Nhạc sĩ quý mến của chúng ta...đó là sự thương xót mất mát rất lớn của Thánh Nhạc Việt Nam... chúng ta hãy cùng dâng lời nguy Loan Pham nhắn với Gia đình TCVN: Hòa cùng Giáo Hội Công giáo Việt Nam với sự ra đi vô cùng thương tiếc của Lm. Kim Long là nhạc sĩ Thánh Ca thân yêu của chúng ta... Chúng ta cùng dâng lời nguyện xin: Giesu Matia Giuse xin thương cứu rỗi linh ThanhCaVN nhắn với ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 18 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN THIÊN CHÚA. ThanhCaVN nhắn với ACE: Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, xin cho Linh hồn ĐTC Phanxicô được lên chốn nghỉ ngơi. Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen!

kết quả từ 1 tới 3 trên 3

Chủ đề: Tập san Nhờ Mẹ đến với Chúa Tháng 03/2010

Threaded View

  1. #2
    Rosa_Huong's Avatar

    Tuổi: 48
    Tham gia ngày: Nov 2008
    Tên Thánh: Maria
    Giới tính: Nữ
    Đến từ: Tp. Ho Chi Minh
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 1,457
    Cám ơn
    3,335
    Được cám ơn 3,964 lần trong 1,160 bài viết

    Default

    Chục kinh thứ hai với chùm bóng mầu vàng cầu cho người lớn tuổi, nhất là những người già yếu neo đơn. Cả cuộc đời đã sống vì con cháu, cả tuổi xuân cống hiến cho xã hội, giờ đây gánh nặng tuổi già đè trên đôi vai gầy của ông bà cha mẹ. Những bậc cao niên chỉ mong tìm được niềm vui bên đàn con cháu. Nhưng còn đó những người già neo đơn, sống lặng lẽ đếm từng ngày còn lại trong đơn côi. Đau lòng hơn khi những người già yếu bị con cháu bỏ rơi, không nơi nương tựa. Tuy nhiên trong chục kinh hôm nay cầu cho người già, linh mục lãng tử lại cho thấy “có khi ráng chiều còn đẹp hơn nắng bình minh”. Tuổi già mà cả cuộc sống dâng hiến cho đời vẫn đẹp hơn tuổi trẻ đang tự huỷ hoại đời mình trong những cuộc ăn chơi trác táng. Những chùm bóng “màu vàng của ráng chiều” cùng với lời kinh ê a của các cụ ông cụ bà trên 70, 80, 90 đẹp hơn bao giờ hết. Họ vẫn còn tâm hồn trẻ trung, vẫn còn đóng góp với cộng đoàn bằng đồng tiền để dành, bằng những hy sinh và kinh nguyện sáng tối chiều hôm. Ai dám bảo tuổi “xế chiều” là… tuổi xếp xó ?
    Năm em thiếu nhi đứng trên bục cao với chùm bóng đỏ trong chục kinh dành cho tuổi thơ. Thật ngạc nhiên khi những giờ cầu nguyện và thánh lễ mỗi chiều thứ năm kéo dài mấy tiếng đồng hồ mà các em thiếu nhi đi cùng cha mẹ vẫn không cảm thấy buồn chán, không chạy nhảy phá phách, vẫn ngoan hiền nép bên lòng mẹ, vẫn tung tăng đi cùng cha. Những trái bóng đỏ thắm được các em thả tung bay trên cao với lời mời gọi : “Nếu các con không hoán cải và trở nên trẻ thơ, các con sẽ không được vào Nước Trời”!
    Hai bạn trẻ, một nam, một nữ với áo quần môđen, đầu tóc nhuộm đủ kiểu, cầm chùm bóng mầu tím như lời mời gọi “Hãy Trở Về” trong chục kinh dành cho giới trẻ. Tuổi trẻ là tương lai của xã hội và giáo hội, thế mà có bao bạn trẻ chọn lựa sai hướng lầm đường để lại cho cha mẹ, gia đình và xã hội những buồn phiền lo lắng. Chùm bóng màu tím bay cao từ bàn tay của đôi bạn trẻ như lời nhắc nhở kẻ đang ở trong mê lộ “Hãy Trở Về” trong Mùa Chay Thánh này. Lời mời gọi này rất hiệu nghiệm. Càng ngày ở nhà thờ Chí Hoà mỗi chiều thứ năm lại càng có nhiều bạn trẻ kéo đến cầu nguyện, đến xưng tội, đến tham gia phục vụ trong Đội Quân Áo Xanh. Ở đây không có ca nhạc, không có lễ hội thời trang, chỉ có “Lễ Hội Lòng Xót Thương”. Mầu tím hoa sim làm tím cả chiều hoang biền biệt. Mầu tím mùa chay không làm tím ngắt lòng người. Chùm bóng tím đưa ước mơ của người trẻ bay cao để giữ mãi niềm hy vọng và cậy trông vào Lòng Chúa Xót Thương.
    Gia đình là tế bào nền tảng của xã hội. “tương lai nhân loại ngang qua gia đình”. Một cặp vợ chồng công nhân từ miệt xa thường xuyên đến đây mỗi chiếu thứ năm, tay trong tay cầm chùm bóng mầu xanh trong chục kinh nguyện cầu cho gia đình. Gia đình thường được gọi là “tổ ấm”, thế nhưng “tổ ấm” đôi khi biến thành “tổ lạnh”. Những thành viên trong gia đình ở kề cận bên nhau chỉ như những hòn sỏi, bởi họ thiếu chất keo gắn kết là Giêsu. Vợ chồng, con cái, mỗi người chạy theo thú vui của riêng mình, quên đi việc vun đắp, dựng xây “tổ ấm” bằng những cọng rơm nguyện cầu, chia sẻ, hiệp thông. Hình ảnh “thánh gia thời đại” người ta thường bắt gặp ở nhà thờ Chí Hoà mỗi chiều thứ năm là cả gia đình cùng tay trong tay đến với Lòng Thương Xót Chúa. Trong muôn ngàn người đứng chen chân dưới nắng chói chan, nổi bật hình ảnh người chồng một tay cầm dù che cho vợ đang ẵm đứa con, một tay cầm tràng chuỗi nguyện cầu. Còn hình ảnh nào đẹp hơn ? Còn chứùng nhân nào sống động hơn nữa? Chùm bóng màu xanh bay cao biểu tượng của niềm hy vọng, của lòng cậy trông trong lời kinh mà cả gia đình luôn khấn nguyện : “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!”
    Nghi thức “Nghinh Tân” với những chuỗi kinh đầy ắp chân tình, quyện theo những chùm bong bóng năm sắc mầu tượng trưng cho từng giới, mang theo những ước nguyện của một năm mới trôi đi thật nhanh. Cách thức cầu nguyện sống động, thực tế, chân tình, đơn sơ như thế này đã đưa con người đến gần bên Chúa và gần bên nhau hơn. Không ai bị bỏ rơi trong ý nguyện cầu. Không ai thụ động lẻ loi trong giờ kinh nguyện.
    Khách hành hương đầu năm đến đây, dù là lần đầu tiên, cũng thấy mình được liên kết thân tình với Chúa và với nhau như những chùm bóng nối kết bay bổng vượt lên trên những tầm thường nhỏ nhặt hằng ngày. Họ không còn là những cánh én đơn độc lẻ loi, nhưng là đàn chim én bay lượn báo hiệu Mùa Xuân.
    Mùa Xuân của Lòng Xót Thương.
    Hương Xuân
    Một mùa xuân và mãi mãi là mùa xuân…
    =====================================
    XUÂN BIÊN THÙY
    Chúa Nhật, hai mươi bốn Tết, khi những chuyến xe Bắc Nam hối hả nâng nhịp cầu đưa người xa xứ về sum họp bên mái ấm gia đình, khi muôn hoa đã đơm bông kết nụ, và bên mỗi hiên nhà, mẹ cha đang mong ngóng con yêu thì Đội Quân Áo Xanh của cộng đoàn Lòng Thương Xót giáo xứ Chí Hoà cũng lên đường đón Tết với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong chuyến công tác bác ái cuối năm ở vùng biên giới Tây Nam, sát biên giới… Campuchia!
    Chúng tôi đến Giáo xứ Thánh Mẫu Hòa Bình, huyện Châu Thành, Tỉnh Tây Ninh khi mặt trời đã đứng bóng. Cái nắng chói chang của vùng biên giới không chỉ tô đậm sự cằn cỗi, xác xơ của vùng quê nghèo mà như mang cả nỗi buồn trong tiếng gà trưa. Không hiểu Chim Đầu Đàn Lãng Tử lặn lội cách nào mà tìm ra những nơi đèo heo hút gió như thế này. Những nơi mà “nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa?” Nếu chúng tôi không đến tặêng quà Tết, những người dân nghèo ở đây có biết xuân sắp về chưa nhỉ ? Có đến tận nơi, thấy tận mắt mới thấu cảm hết những vất vả khó nhọc của bà con giáo dân nơi đây. Chỉ cách xa thành phố trăm cây số thôi mà sao hai thái cực khác nhau thế? Trên thành phố, không khí tưng bừng rộn rã chào đón mùa xuân lung linh sắc màu bao nhiêu, thì nơi thôn dã bầu khí buồn hắt hiu bấy nhiêu! Những em bé trong độ tuổi đến trường vẫn lê những bước chân nặng nhọc trên vai là bó củi che khuất người. Các bà, các mẹ, các chị vẫn mong mỏi kiếm việc làm thuê cho cuộc mưu sinh qua ngày. Và trên những con kênh, dòng suối, em tôi đang mải miết thả lưới giăng câu, ước mong bắt được con tôm, cái tép cho bữa cơm chiều. Nói sao hết những nỗi niềm khi lặng ngắm vóc dáng gầy gò, bé nhỏ, những khuôn mặt ngây thơ nhưng in hằn nét lam lũ tảo tần…
    Giáo xứ Thánh Mẫu Hòa Bình nằm trên địa bàn của 3 xã: Hòa Hội, Thành Long, Ninh Điền với tổng 24.000 dân, nhưng giáo dân chỉ có khoảng 700 người, đa số là gốc Campuchia. Đây là vùng biên giới, đất rộng người thưa. Đất hoang cây dại mọc nhiều, còn diện tích có thể canh tác lại rất hiếm. Gọi là đất canh tác, nhưng hoa màu cũng chỉ là khoai mì, nương bắp. Trồng đó, lên đó, nhưng thu hoạch chỉ được những cây trái queo quắt, vàng úa vì thừa nắng mà thiếu nước. Người dân mưu sinh qua ngày chỉ nhờ làm thuê, làm mướn, nhặt phân khô. Chài lưới nay cũng thưa dần vì môi trường nhiễm độc, tôm cá không còn, vì thế nguồn sống của giáo dân lại thêm eo hẹp.
    Trong ngôi nhà nguyện nhỏ dưới cái nóng hầm hập, hơn 50 cánh chim xanh chỉ biết dâng lên Lòng Thương Xót Chúa những người anh chị em trong giáo điểm vùng biên giới này. Lời kinh tiếng hát vang lên giữa trưa như mong mưa hồng ân xuống trên vùng đất khô cằn này. Sau phút giây nguyện cầu là giờ… hành động! 100 phần quà Tết được những Cánh Chim Xanh ân cần trao tận tay bà con, không phân biệt lương giáo. Ngoài những bao quần áo, gạo, mì, đường, tượng ảnh, tràng hạt…Cộng Đoàn Lòng Thương Xót Chúa Chí Hoà không quên mang không khí mùa xuân đến cho bà con biên giới bằng những gói bánh mứt thơm ngon và bao lì xì đỏ chói. Nhìn những em thiếu nhi rạng rỡ nhận bao lì-xì và hộp mứt Tết lòng thấy vui lây. Đã thấy Mùa Xuân về trên nét mặt hân hoan của các em rồi. Thương lắm !
    Rời giáo điểm Hòa Bình trong niềm luyến lưu, những Cánh Chim Xanh bay đến đến Hòa Thạnh. Giáo điểm này khi thành lập đúng là “vạn sự khởi đầu nan”! Ngôi nhà nguyện hiện thời, lúc khởi đầu chỉ là một căn nhà nhỏ lụp xụp bằng cây, lợp lá dùng làm lớp học tình thương và cũng là điểm để gặp gỡ bà con giáo dân. Mỗi năm, linh mục phụ trách chỉ được phép về đây dâng lễ những dịp đăc biệt như Giáng Sinh, Phục Sinh, Tết. Những ngày không được phép dâng lễ, người mục tử không trụ sở vẫn âm thầm đi thăm hỏi từng nhà. Lớp học tình thương trở thành nơi quy tụ bà con giáo dân để đọc kinh và dạy giáo lý cho các em xưng tội rước lễ thêm sức, nhất là những người dự tòng. Nhờ thế, số giáo dân mỗi ngày một tăng. Hạt cải được gieo vào lòng đất, dù khô cằn, nhưng vẫn lớn dần lên… Mấy năm sau, linh mục phụ trách mới được phép đến dâng thánh lễ mỗi ngày Chúa Nhật, rồi đến thường trú và dùng lớp học tình thương làm nhà nguyện dâng lễ mỗi ngày.
    Cơ sở lớp học tình thương được làm bằng cây lá lâu ngày, nên đã xuống cấp, không thể sử dụng được, hơn nữa số giáo dân ngày càng tăng. Bởi vậy, linh mục phụ trách đã xin phép xây dựng một ngôi nhà thờ khung bằng sắt, lợp mái tôn. Vì kinh phí có hạn nên mới chỉ xây tường được hai đầu hồi. Hai bên hông nhà thờ được dựng bằng cây tầm vông, vách làm bằng tre nứa. Bà con đi lễ, mùa nắng thì lãnh trọn nắng mặt trời, mùa mưa thì hứng trọn những giọt mưa hắt vào.
    Nghề nghiệp chính của bà con vùng biên giới là trồng lúa, trồng mì (với diện tích đất canh tác rất hạn hẹp) và làm mướn. Nhiều người còn mù chữ hoặc trình độ văn hóa thấp (học lớp 2 hoặc lớp 3 là bỏ) cho nên không thể đi xin việc ở các công ty. Vì thế vòng luẩn quẩn nghèo đói cứ tiếp tục từ đời cha mẹ đến đời con cái mà chưa có hồi kết…
    Chiều Chủ Nhật cuối năm vùng biên giới vắng vẻ bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Bà con từ các thôn làng xa xôi nô nức kéo đến tham dự thánh lễ tất niên. Người Linh Mục Lãng Tử làm cho bầu khí vui tươi hẳn lên. Thánh lễ được cử hành sốt sắng với phần chia sẻ Lời Chúa được các em thiếu nhi chân quê minh họa tự phát thật sinh động. Những nụ cười rộn rã trên những khuôn mặt rám nắng hằn nét nhọc nhằn gian khó. Chúa thật gần khi con người biết sẻ chia niềm vui nỗi buồn cho nhau. 150 phần quà Tết được những Cánh Chim Xanh nhịp nhàng thoăn thoắt trao tận tay bà con. Chiều nay, bà con biên giới đang cảm thấy Xuân đến rất gần qua những lời chúc Tết chân tình, những hộp bánh mứt, những bao lì xì mà cộng đoàn Lòng Thương Xót Chí Hòa ân cần trao tặng, và tôi bỗng cảm thấy lòng mình ấm áp biết bao. Niềm xúc động nghẹn ngào như muốn trào dâng, cơn gió chiều biên giới làm mắt tôi ướt nhoè. Tôi thầm hát : “Xuân đã đến bên em. Gió Xuân tuyệt vời. Đem hạnh phúc cho đời.
    Khi về đừng quên nghe em!” Vâng làm sao tôi quên được, Nguyễn Bính nhắc tôi rằng : “Kinh kỳ bụi quá xuân không đến. Sao chẳng về đây, chẳng về đây?”
    Chúng tôi lên xe khi bóng đêm bắt đầu phủ khắp núi đồi. Vượt qua chặng đường dài trong bóng đêm, hai bên là rừng cây, không một bóng người, không một nóc nhà. Ngoài trời tối đen nhưng trong lòng chúng tôi đang rực sáng lên niềm tin vào Lòng Thương Xót Chúa. Dẫu vẫn còn đó những cực nhọc vất vả trong cuộc mưu sinh của bà con vùng biên giới, vẫn còn đó những thao thức trăn trở ước ao cho “vùng trắng” sớm bớt khó khăn… nhưng tôi biết mình đang vui, đang hạnh phúc bởi tôi tin rằng Lòng Thương Xót Chúa đang hiện diện nơi bà con giáo dân miền sương gió biên thùy qua những Cánh Chim Xanh đem đến cho họ Mùa Xuân của Lòng Xót Thương.
    Hoa Hồng
    Miền Sương Gió Biên Thùy
    =====================================
    Xuân Yêu Thương
    Chỉ còn một tuần nữa là Tết đến, mọi người rộn ràng sửa soạn nhà cửa, sắm sửa những món quà tết, trang hoàng những cây đào, cành mai. Đội Quân Áo Xanh cũng rộn ràng chuẩn bị những món quà Tết không phải cho mình nhưng cho các mái ấm được chia sẻ từ những bàn tay nhân ái của cộng đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa giáo xứ Chí Hòa.
    Sáng sớm ngày 23 Tết, tiễn Ông Táo về Trời, bốn mươi Cánh Chim Xanh với 20 chiếc honđa chất đầy mì, gạo, kẹo, bánh mứt, đường, sữa… toả đến 13 mái ấm rải rác vùng ngoại ô thành phố mang theo sứ điệp “Xuân Yêu Thương”.
    *Xuân cho những em Bụi Đời, Mồ Côi, Khuyết Tật
    Điểm dừng chân đầu tiên là mái ấm Sơn Kỳ, nơi cưu mang các em nam bụi đời, lang thang, cơ nhỡ ở độ tuổi 7 đến 14. Vốn là thiếu nhi đường phố, không gia đình cho nên rất khó giáo dục, nhưng khi đưa về mái ấm này, được tấm lòng của người phụ trách yêu thương chăm sóc như một người cha trong gia đình, các em đã ngoan nhiều, bớt đi những gánh nặng cho xã hội. Các em vui mừng xúc động khi nhận món quà xuân từ những tấm lòng rộng mở sẻ chia, qua đó các em nghiệm ra rằng mình vẫn còn được yêu thương, cuộc sống của mình vẫn còn giá trị và đáng sống.
    Những Cánh Chim Xanh tiếp tục bay đến các mái ấm La Vang, Hương Sen, Truyền Tin. Đây là nơi đang cưu mang các trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi trong thùng rác của bệnh viện, hay trước mái hiên nhà. Từ đằng xa, chúng tôi đã nghe được tiếng hát hồn nhiên của các em hòa cùng tiếng vỗ tay rộn rã :
    “ Xin chúc anh một mùa xuân hạnh phúc
    Xin chúc em một mùa xuân hi vọng…”
    Mỗi bạn trong Đội Quân Áo Xanh giang tay bế một em, tặng cho mỗi em một bao lì xì nồng thắm tình người. Ôm các em vào lòng, chúng tôi gởi đến các em hơi ấm mùa xuân. Mặc dù xuân này các em vẫn còn thiếu tình yêu thương của cha mẹ nhưng được đầy tràn tình thương yêu của cộng đoàn Lòng Thương Xót giáo xứ Chí Hòa.
    Được đi thăm các mái ấm mồ côi, chúng tôi nhận thấy mình vẫn còn hạnh phúc lắm, còn nhiều việc phải làm để “trả nợ đời, trả nợ người”. Cảm ơn các em đã cho chúng tôi thấy được ý nghĩa cuộc sống, được làm cánh chim báo hiệu Mùa Xuân của Lòng Xót Thương.
    *Xuân Cho Người Khuyết Tật
    Có những người “tàn mà không phế”, đó các anh em khuyết tật ở mái ấm Phan Sinh. Nơi đây có gần hai mươi anh em phải ngồi xe lăn hay đi bằng đôi nạng gỗ. Có anh bán vé số kiếm sống. Có anh vẽ ảnh Lòng Thương Xót Chúa rồi ký gửi nơi các nhà sách công giáo. Có anh kết những móc chìa khóa, hoặc xâu những sợi dây đeo cổ, vòng đeo tay bằng những hạt ngọc trai nhựa, hạt cườm rồi gởi bán ở các chợ. Dù cuộc sống hằng ngày có cơ cực, vất vả nhọc nhằn mưu sinh nhưng các anh luôn tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa. Lòng tin ấy như thôi thúc chúng tôi vững tin vào Chúa hơn để hăng say loan truyền Lòng Thương Xót Chúa trong những chuyến công tác đến với những mảnh đời rách nát nơi vùng xa xôi hẻo lánh. Mùa xuân này các anh có thêm niềm vui và cái Tết ấm no trong Lòng Chúa Xót Thương.
    *Xuân Cho Người Già Neo Đơn
    Mái ấm Tân Đông nơi dừng chân của những cụ đã ở tuổi “thất thập cổ lai hi” mà không có con cháu chăm sóc. Nằm ngay cạnh nhà thờ, các cụ cảm thấy mình luôn được ở bên Chúa, bên Mẹ. Các cụ cảm nhận được sự thanh thản, bình yên của tuổi già khác hẳn với cuộc sống ồn ào, nhộn nhịp, năng động của tuổi trẻ chúng tôi. Đến chúc Tết các cụ, chúng tôi học được “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”, phải thảo hiếu với ông bà, cha mẹ thì mới xứng đáng là con của Chúa. Tay run run nhận món quà, một bà cụ dặn dò chúng tôi : “Các con cứ trông cậy vào Chúa vào Mẹ. Chỉ có cậy dựa vào Chúa, cuộc sống của các con mới bình an hạnh phúc”.
    *Xuân Cho Người Lầm Lỡ
    Cầm đôi bàn tay gầy guộc, chai sần của các cụ và xin phép ra về trong quyến luyến, những Cánh Chim Xanh bay đến mái ấm của những bạn trẻ lầm lỡ ở Phú Nhuận. Một vài chị đã sinh em bé. Chúng thật dễ thương. Chỉ tội là không biết mặt cha! Chúng tôi tranh nhau ẵm em bé mãi. “Những đứa con như những thiên thần của các bà mẹ”. Chúng tôi cảm thấy trong ánh mắt của các chị sáng lên niềm hạnh phúc vì cảm nhận được “Hạnh phúc là bị mất đi một thứ gì đó nhưng được nhận lại một thứ khác lớn lao hơn”.
    *Xuân Cho Người Nhiễm HIV
    Mùa xuân đến với mọi người, mọi nhà, những Cánh Chim Xanh bay đi báo hiệu Mùa Xuân không thể quên những anh em đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ mà cuộc sống được đếm từng ngày. Trong mái ấm này, có nhiều bạn còn rất trẻ, tuổi đời chưa đến hai mươi, trên mình xâm đầy những hình rồng, rắn, đại bàng… Các bạn vẫn còn yêu cuộc sống lắm, nhưng chính các bạn lại tự đánh mất nó trong những giây phút yếu lòng, thiếu tự chủ. Mỗi khi nhìn cành mai chớm nụ báo hiệu một mùa xuân nữa lại đến, các bạn mang tâm trạng vui buồn lo âu lẫn lộn. Vui vì tết là niềm vui chung của đất nước, của mọi người. Buồn vì nỗi cô đơn, nhớ người thân, bạn bè, nhớ cảnh sum họp đoàn tụ gia đình nay không còn nữa. Lo vì căn bệnh ngày càng nặng thêm, sức khoẻ tàn lụi dần. Một bạn trẻ tâm sự với chúng tôi : “Mình đã từng một thời ngang dọc, ăn chơi không thiếu thứ gì, sống bất cần đời và bất chấp pháp luật.
    Thế nhưng khi biết bị dính HIV, mình đã thật sự ăn năn hối lỗi và đã quay trở về với Chúa để tìm sự bình an trong những ngày còn lại, để ra đi thanh thản…” Cộng đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa giáo xứ Chí Hòa và Đội Quân Áo Xanh mong ước mang lại cho các anh một mùa xuân mới, một cái tết an vui. Chỉ có Lòng Thương Xót Chúa mới đem lại mùa xuân tươi đẹp và cuộc sống an bình trong quãng đời còn lại của các anh.
    *Xuân Cho Người Khiếm Thị
    Điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình báo hiệu mùa xuân của những Cánh Chim Xanh là mái ấm Thiên Ân, nơi cưu mang những người khiếm thị. Các bạn ở đây luôn ao ước được nhìn ngắm mùa xuân thắm tươi, đầy màu sắc, được thấy cái tết có bánh chưng xanh bên dưa hấu đỏ, cành mai vàng và cành đào hồng tươi. Dù không thấy sắc mầu của mùa xuân, nhưng họ đã cảm được xuân đang về qua những phần quà trao tận tay, qua những cái xiết tay ắp đầy yêu thương, qua những lời hỏi han ân cần và lời chúc thân tình. Có những điều kỳ diệu trong cuộc sống đâu nhìn thấy bằng mắt mà chỉ cảm được từ trong trái tim. Những Cánh Chim Xanh đến đây như muốn thắp sáng lên trong tim các bạn khiếm thị niềm hi vọng, hân hoan đón chào mùa xuân mới.
    Trải qua một ngày rong ruổi đi đến từng mái ấm, những Cánh Chim Xanh học được rất nhiều điều hữu ích. Họ thấy mình nhận được nhiều hơn là cho. Họ hiểu ra rằng “hạnh phúc có quanh đây đâu là chuyện bất ngờ…” và “Đời ta chỉ sống có một lần thôi. Cho nên cuộc sống quý giá vô cùng. Phải sống sao cho xứng để chết đi không còn oán than gì. Chỉ thấy sung sướng khi đời mình cống hiến cho anh em.”
    Mùa xuân mới đang đến. Mùa xuân Năm Thánh. Cám ơn những món quà và những tấm lòng rộng mở của cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa giáo xứ Chí Hòa đã đem đến cho các mái ấm một mùa xuân yêu thương, một cái tết tràn ngập niềm vui bên cành mai vàng rực rỡ, cành đào đỏ thắm và bánh chưng xanh thơm nức trong Tình Mẹ chan chứa và Lòng Chúa bao la.
    “Năm Mới Tình Mẹ Luôn Chan Chứa
    Xuân Về Lòng Chúa Mãi Xót Thương”

    Hoàng Phương
    Xuân 2010 nồng ấm
    =====================================
    MAI NỞ GIỮA VƯỜN CHUỐI
    Năm Thánh Lộc Chúa Đổ Hồng Ân
    Canh Dần Ơn Mẹ Ban An Bình

    Ngày 30 tết thật nhộn nhịp. Các chợ hoa tấp nập kẻ qua người lại. Trên đường phố hàng hàng lớp lớp cây mai, cây đào, hoa lan, hoa cúc… đua nhau khoe sắc. Trong các nhà, mọi người nô nức trang hoàng bàn thờ Chúa, bàn thờ tổ tiên, trưng hoa nến, bày mâm quả. Nhiều gia đình còn làm lễ đón ông bà về ăn Tết. Trong Đội Quân Áo Xanh có một số bạn đã về quê, một số ít ở thành phố. Các bạn cũng đang sửa soạn nhà cửa cho khang trang. Ai nấy đều có công việc riêng cho gia đình.
    Bỗng các bạn trong Đội Quân Áo Xanh ở thành phố nhận được tin nhắn của Chim Đầu Đàn: “Mời các bạn tập trung ở nhà thờ Chí Hòa lúc 13g30 để đi phát quà cho người nghèo tại nhà thờ Vườn Chuối ở quận 3. Nhớ mặc áo xanh, mũ xanh, đi xe honda.” Sao lạ lùng thế ? Ba mươi tết mà người lm. Lãng Tử vẫn chưa chịu nghỉ ngơi sao? Làm sao có đủ người phục vụ cho chuyến công tác cuối năm đây? Aáy thế mà đúng giờ hẹn, hơn năm mươi Cánh Chim Xanh đã có mặt đầy đủ trong tư thế sẵn sàng lên đường.
    Vườn Chuối là một trong những ngôi nhà thờ nhỏ nhất thành phố. Ngôi nhà thờ nhỏ bé khiêm tốn nằm sâu hun hút trong một con hẻm nhỏ, giữa một khu vực có tới ba ngôi chùa, hai ngôi tự và một tam tông miếu.
    Chính vì thế khi đi lễ, mọi người đều phải gửi xe tại một ngôi đình bên cạnh nhà thờ. Người ta nó rằng vùng đất này ngày xưa chỉ trồng toàn chuối cho nên gọi là Vườn Chuối. Tên “Vười Chuối” chính thức được đặt cho một con đường ở đây vào năm 1955 và tồn tại đến ngày nay. Nhà thờ được xây trên khu vực này nên cũng lấy tên là “Vườn Chuối”. Giáo xứ Vườn Chuối có 1430 giáo dân trên tổng số 24000 dân cư, trong đó có 6000 di dân. Nghe đến giáo xứ Vườn Chuối ngụ tại trung tâm thành phố ai cũng nghĩ giáo xứ chắc rất lớn, nhưng khi đến nơi, chúng tôi thấy nhà thờ chỉ là một ngôi nhà tạm cấp 4 với diện tích vỏn vẹn 4x20. Khu vực chung quanh nhà thờ vẫn còn tồn tại những tệ nạn xã hội, xì ke, ma túy, cờ bạc, cho vay nặng lãi… Những tệ nạn đó làm cho cuộc sống người dân không phát triển được, do đó có nhiều gia đình còn gặp khó khăn.
    Thật xót xa. Chỉ cách nhà thờ khoảng hơn 100m thấp thoáng những ngôi nhà cao tầng, cao ốc văn phòng, những chung cư cao cấp đồ sộ, thế nhưng đi sâu vào những ngõ ngách, những con hẻm nhỏ heo hút ở xung quanh khu vực Vườn Chuối lại thấy san sát những căn nhà mái tôn thấp lè tè, nhà cấp bốn siêu vẹo, những khu nhà trọ của người di dân. Hai mảng sáng tối của cuộc sống đối nghịch nhau ngay giữa lòng thành phố.
    Khoảng cách giầu nghèo như vực thẳm sâu hun hút! Sáng 30 tết, cha phụ trách đến các khu vực này gửi cho họ những tấm phiếu để họ đến nhận món quà xuân của cộng đoàn cầu Lòng Thương Xót Chúa giáo xứ Chí Hòa trao qua những Cánh Chim Xanh.
    Những người đi nhận quà đa số là những bà cu. Một bà lu khụ ôm gói quà cho biết con cái bà vẫn phải đi làm mặc dù hôm nay đã là 30 tết, đứa thì chạy xe ôm, đứa đi giúp việc nhà cho người ta. Có người khuyết tật đang đi bán vé số cũng tranh thủ chạy về đưa phiếu nhận quà. Một chị vừa ẵm đứa con trai kháu khỉnh tròn hai tuổi vừa đưa phiếu xin nhận quà.
    Chị tâm sự: “ Quê tui ở Quảng Ngãi, vào đây được bốn năm. Chồng làm thợ hồ vất vả suốt ngày. Tui đi giúp việc nhà cho một gia đình gần đó.Cuộc sống vẫn còn khó khăn. Mặc dù là người không có đạo, nhưng tui cảm nhận những người có đạo thật tốt bụng. Chiều ba mươi Tết mà mấy cô chú còn chịu khó đến tận nơi trao quà tết cho xóm nghèo này. Tui cảm động lắm!”
    Những người đến nhận quà ai cũng đều vui tươi, nét mặt hớn hở. Họ nói rằng chưa có cái tết nào được những phần quà có ý nghĩa như thế này. Leo lên cầu thang nhỏ hẹp để vào cầu nguyện trong ngôi nhà thờ nhỏ có từ năm 1956. Những Cánh Chim Xanh múc lấy sức mạnh nơi Thánh Thể để tiếp tục ra đi loan truyền Lòng Thương Xót Chúa cho những nơi “có người đón xuân quên cười”.
    Trên cung thánh nhà thờ, những cánh hoa mai nở từng chùm vàng rực đón một cái Tết đầy hồng ân của Chúa và an bình của Mẹ Maria. Năm Thánh này, mùa xuân đã về với giáo xứ. Mai nở giữa Vườn Chuối!
    HP
    Mai vàng Năm Thánh
    =====================================
    “CON NAY TRỞ VỀ”
    Hơn 30 năm, chị Maria Đặng Thị Kim Yến thuộc Giáo Xứ Phanxicô Xavie (còn gọi là nhà thờ Cha Tam) phải sống trong tình trạng rối vì lập gia đình với người chồng không có đạo mà chưa xin phép chuẩn hôn phối.
    Ba người con của chị tuổi đã hơn 20 nhưng chưa có ai được chịu phép Thánh Tẩy. Cuộc sống của chị đầy nỗi sợ hãi, buồn phiền vì mất ơn nghĩa với Chúa. Ngày đêm chị âm thầm cầu nguyện xin Chúa thứ tha và mong ước sớm được giao hòa với Chúa.
    Chúa đã nhận lời người con thống hối ăn năn. Mưa hồng ân đã bắt đầu đổ xuống trên gia đình chị. Chồng chị đã được làm con Chúa trước khi lìa bỏ trần gian với căn bệnh ung thư gan. Cuộc đời còn lại chị quyết tâm phục vụ Chúa hết mình để đền bù những lỗi lầm xưa.
    Là hội viên nhóm Thánh Mẫu của giáo xứ, chị tích cực tham gia mọi công tác của nhóm, nhất là những công việc nặng nhọc khó khăn. Chị có mặt trong những ngày đầu tiên khai sáng giờ cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa lúc 3 giờ chiều mỗi ngày của Giáo xứ (tháng 12/2006) với công việc dọn bàn thờ, chuẩn bị sách cho cộng đoàn cầu nguyện. Để phát triển việc cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa trong Giáo xứ, chị đã lặn lội đến tận nhà và kêu mời được nhiều người đến tham dự buổi cầu nguyện và đưa sách đến tận tay để họ đọc .
    Sức khỏe đang tràn đầy, lòng đạo đức đang sốt sắng, thế mà đầu tháng 6/2009 căn bệnh hiểm nghèo đã đến với chị. Mọi người đều bàng hoàng khi biết chị bị ung thư tử cung giai đoạn III. Nhà nghèo mà mang căn bệnh này thì chết chắc thôi. Nhưng khi chứng kiến sự dũng cảm chịu đựng những cơn đau hành hạ và sự hy sinh quên mình của chị thì mọi người đều ngạc nhiên và cảm phục. Đau thì đau, phục vụ cứ phục vụ. Chị phải nhập viện ngày 07 - 08 – 2009, Khoa Xạ Trị.
    “Bệnh nặng đấy!” nhưng chị xin điều trị ngoại trú để mỗi sáng được đến nhà thờ tham dự thánh lễ, và mỗi buổi chiều trong giờ cầu nguyện được tự tay khiêng ảnh Lòng Thương Xót Chúa.
    “Đau nhiều lắm đấy!” nhưng mỗi Chúa Nhật chị vẫn thức dậy từ 3 giờ sáng vào căn tin trong nhà thờ để nhóm bếp, chuẩn bị các công việc đầu tiên cho chị em khác đến sau nấu hủ tíu, pha cà phê để phục vụ bà con giáo dân trong các thánh lễ buổi sáng Chúa Nhật. Dù biết mình đang mang “án tử” với bệnh ung thư giai đoạn III, chị vẫn vững lòng trông cậy, phó thác nơi Lòng Thương Xót Chúa. Noi gương Mẹ Maria, chị đón nhận căn bệnh hiểm nghèo với lời “Xin Vâng”. Cùng với cộng đoàn Lòng Thương Xót của Giáo Xứ, chị thiết tha cầu nguyện mỗi ngày vào lúc 2giờ30 chiều để nhờ lời Mẹ chuyển cầu xin Chúa ban ơn chữa lành cho chị.
    Những chứng nhân Lòng Thương Xót Chúa đăng trên Tập San “Nhờ Mẹ đến với Chúa” khi nhận được ơn, luôn thốt lên lời ca tụng “Lòng Thương Xót Chúa quá tuyệt vời!” Đúng như lời Chúa đã phán với chị Thánh Faustina : “ Dù rằng trời đất này biến ra không, nhưng Lòng Thương Xót của Ta luôn ấp ủ một linh hồn tín thác”. Chúa đã “đoái nhìn đến phận hèn nữ tỳ Chúa”. Sau hơn 3 tháng xạ trị bằng hóa chất tại Bệnh Viện Ung Bướu, hiện nay sức khỏe của chị đã trở lại bình thường, nước da hồng hào, bước đi thoăn thoắt như người chưa hề bị bệnh ung thư.
    Thêm một điều lạ lùng nữa từ Lòng Thương Xót Chúa là người con trai lớn của chị đã đi học Giáo lý cùng với bạn gái, đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, và ngày hôn lễ của con cũng chính là ngày chị được bác sĩ Lê Anh Phương, Bệnh Viện Ung Bướu, người chịu trách nhiệm điều trị cho chị, thông báo chị đã được lành bệnh một cách “kỳ diệu”, và cho chị xuất viện ngày 17-11-2009. Nhận biết mẹ mình được Chúa ban ơn chữa lành, người con thứ hai cũng hứa sẽ dẫn bạn gái đi học giáo lý để theo đạo của mẹ.
    Cộng Đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa giáo xứ Phanxicô Xavie (Chợ Lớn) xin tạ ơn Chúa đã ban cho Cộng Đoàn chúng con rất nhiều ơn không thể kể hết, chỉ muốn nêu lên một gương sáng của một người trung tín biết hoàn toàn tín thác nơi Lòng Thương Xót Chúa và Mẹ để chúng con mãi mãi “Ngợi ca Lòng Thương Xót Chúa…”
    Vũ Thị Hoa
    Ghi lại theo lời chứng của chị Kim Yến
    =====================================
    BÂNGKHUÂNG
    Tản mạn Mùa Chay

    Càng lớn tuổi, mỗi một Mùa Chay trở về lại cho tôi thật nhiều ý nghĩa, thật nhiều ý tưởng sâu đậm, về cuộc đời của mình đã sống như thế nào trên cõi tạm trần gian này. Mùa Chay giúp cho tôi khao khát để tìm và muốn được gần gũi Chúa của tôi hơn bao giờ hết. Mùa Chay cho tôi thật nhiều tâm tình để biết sống thật với lòng mình.
    Mùa Chay giúp cho tôi cởi mở tấm lòng để đón nhận Chúa vào tâm hồn của tôi. Mùa Chay giúp cho tôi tìm đến để sống gần gũi với anh chị em của tôi. Mùa Chay nhắc nhở cho tôi thấy rằng cuộc sống đời này chỉ là cõi tạm và mọi thứ sẽ không còn là của tôi.
    Nhìn lại một năm qua,
    Những chuyến công tác bác ái mà tôi được tháp tùng “trên mọi nẻo đường” cùng cộng đòan lòng thương xót Chúa giáo xứ Chí Hòa. Những cánh chim xanh bay đi không biết mỏi. Nghĩ lại mà rùng mình, nhưng cũng đã vượt qua.
    Nằm trên cái sạp gỗ ọp ẹp nơi gác xép, đắp cái mền không đủ ấm, nghĩ về cuộc sống và con người những nơi tôi đến mà nghiệm ra bao điều lạ lùng, nhưng cảm thấy ấm áp lắm!
    Tôi biết rằng những nơi tôi đến, tôi hoàn toàn chẳng đem theo được một thứ gì mà cả cuộc đời tôi đã từng vất vả, lo toan... Mùa Chay đã nhắc nhở cho tôi biết rằng tấm thân hay chết này của tôi rồi thì cũng sẽ trở về với đất. Nhắc nhở cho tôi hãy biết dừng lại và luôn kiểm điểm nơi chính mình; hãy biết dừng lại những hành vi không tốt với đồng lọai; dừng lại những thú vui; dừng lại để ăn năn sám hối và tìm đường trở về cùng Chúa là Đấng luôn thương xót và yêu thương con cái nhân loại của Ngài.
    Tôi nghe rất nhiều người thường đến với Chúa để than thở ỉ ôi và khẩn cầu với Ngài tha thiết lắm! Rằng sao những lời van xin không được Thiên Chúa chấp nhận và ban ơn? Tôi cũng được biết con người mà; dễ dầu bền tâm chí trong những gì khi đã xin với Chúa. Dễ ra thất chí. Dễ than trách. Dễ ra nản lòng. Và cũng dễ ra chai đá và kiếm cớ để làm những điều tội lỗi và đổ thừa rằng tại vì Chúa không ban cho.
    Mùa Chay giúp cho tôi tu luyện thêm về đức tin. Mùa Chay giúp cho tôi hiểu thêm về tín lý và giáo điều của Chúa. Giúp cho tôi cứng rắn hơn nữa để không chiều theo thân xác yếu hèn đầy tội lỗi này. Như một lần tĩnh tâm, cha linh hướng cộng đòan lòng thương xót Chúa giáo xứ Chí Hòa nhắn nhủ: “Mùa Chay – Mùa Bố thí, Ăn Chay và Cầu nguyện”
    Vâng, Mùa Chay là dịp giúp cho tôi hiểu hơn về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Vì ai mà Ngài đã phải xuống trần. Vì ai mà Ngài đã phải chịu chết trong nhục nhã đớn đau tột cùng. Vì ai và với mục đích gì mà Ngài đã tỏ lộ sự phục sinh của Ngài cho môn đệ được thấy và được chứng kiến.
    Ai đã hiểu được trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Ai đã hiểu được sự lựa chọn một cách điên rồ của Ngài muốn chết cho cái nhân loại mang đầy tội lỗi. Ai đã cảm thông được cái giá Ngài phải trả vì quá yêu nhân loại. Ai, ai trong con người có trí hiểu biết tường tận vì sao mà Ngài là Con Một Thiên Chúa Cha, lại xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết mà chuộc tội cho thiên hạ? Có phải trí hiểu biết hạn hẹp của con người chỉ hiểu được rằng vì Chúa yêu con người, có thế thôi không? Và nếu hiểu được như thế ắt đã đủ cho cái chết tang thương của Ngài.
    Tôi tự nghĩ nếu cứ ngồi đó ôm giữ quá khứ cũng chẳng giữ được gì, lo lắng trước tương lai mà được chi, vì ngày mai là chuyện chẳng ai thấy. Cái đồng hồ thời gian đã chạy biết mấy thiên niên kỷ rồi, nhưng với mỗi con người thì lúc nào cũng vẫn là hôm nay và hôm nay nữa, lúc này và lúc này nữa. Có những người suốt đời lo lắng tương lai để rồi chẳng bao giờ có hiện tại.
    Thật vậy, từ em học sinh cắp sách đến trường, cho đến người mẹ buôn gánh bán bưng, tất cả như đang lao mình về phía trước nhưng vẫn cứ là hiện tại, vậy thì chẳng dại gì chất thêm nỗi lo về tương lai để bước chân trở nên tất bật, hối hả, thêm quá khứ bước chân thêm nặng nề,nhưng nếu chỉ có hiện tại thì bước chân sẽ thanh thản, tươi vui, và luôn tỉnh táo, và nếu bước đi như thế thì làm gì không có tương lai. Nhìn anh chồng trẻ với chị vợ tay ẵm tay bồng, thế mà họ vẫn quây quần bên bếp lửa hồng tranh tối tranh sáng, không ồn ào, đơn nghèo, những bữa ăn đạm bạc ai nói không ngon, còn tôi chỉ đứng nhìn đã chết thèm, còn Đấng giàu lòng thương xót thì đang lặng lẽ sưởi ấm cho họ.
    Và mùa Chay nữa đã đến.
    Những tất bật chuẩn bị cho những chuyến công tác bác ái mùa Chay Thánh này đang diễn ra.
    Con người ở đây không đứng đợi và cũng không lo vì thiếu thốn, những tấm lòng rộng mở sẽ tới trước phúc lộc của Trời.Các mối phúc của nước trời đặt con người trước tương lai, nhưng lại cho con người được chạm chân vào ngay trong hiện tại : khắc khoải mà an bình, xót xa mà thanh thóat, con tim rướm máu đang khi đôi môi cất cao lời kinh hiến tế của Ngôi Con, lời kinh của lòng tín thác và yêu mến với trọn tình con thảo.
    Mùa Chay năm nay, xin cho con biết trở về, khao khát tình yêu của Chúa. Xin cho con biết ngoài Chúa ra, con bất lực, không làm được gì nếu không có Chúa. Con ngu lắm Chúa ơi! Cứ tưởng tài năng và tiền của sẽ cho con có được hạnh phúc. Con không biết rằng tất cả những thứ phù du ấy, chẳng khác nào như cơn gió thoảng, như một cái chớp mắt. Và muôn đời con vẫn luôn chứng kiến những con người ra đi bất đắc kỳ tử không kịp trao lại một lời trăn trối cho những người thân yêu.
    Xin cho chúng con trong mùa Chay Năm Thánh này, biết mở lòng cho đi, biết giá trị của một con người đối với một con người, bởi chẳng có ai giàu đến ba họ, và cũng chẳng có ai khó đến ba đời, nên ăn ở sao cần thiết nhất là luôn sống đẹp lòng Thiên Chúa và được mọi người yêu mến, thì Nước Trời của những anh chị em này là ngay trong lòng trong tâm hồn của họ. Và Tình Yêu của Chúa cũng luôn hiện diện trong tâm hồn, trái tim, trong cuộc đời của chúng con từng ngày một.
    Hãy sống cho đi để được tha thứ, được trở về trong tình Chúa – tình Chúa luôn xót thương con người. Amen.
    Tản mạn Chay Thánh 2010
    KiemkhachChieuTrien

    Chữ ký của Rosa_Huong
    ... Lạy Chúa Jesu con tín thác vào Chúa! ...

  2. Có 2 người cám ơn Rosa_Huong vì bài này:


Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com