|
(tiếp theo)
III. ĐÀN HÁT TRONG PHỤNG VỤ :
A) Hát lúc nào?
1- Hát khi cử hành Thánh lễ :
“Khi cử hành Thánh lễ có giáo dân tham dự, nhất là những ngày Chúa nhật và ngày lễ, nên hết sức coi trọng hình thức lễ hát hơn, dù cử hành nhiều lần trong cùng một ngày” (id. số 27). Như vậy rõ ràng phải cố gắng cử hành mọi Thánh lễ có kèm theo ca hát, dù phải phân biệt “lễ trọng, lễ hát và lễ đọc”.
Vậy phải hát những bài gì khi cử hành Thánh lễ ? Huấn thị “De musica in sacra liturgia” số 29,30,31 phân biệt 3 cấp bậc tham gia lễ hát. Đó là :
+ Lời chào của linh mục và lời đáp của giáo dân.
+ Lời nguyện.
+ Các câu tung hô Tin Mừng.
+ Lời nguyện tiến lễ.
+ Kinh tiền tụng với những câu đối đáp và Kinh “Thánh, Thánh, Thánh”.
+ Lời tụng ca kết thúc kinh tạ ơn.
+ Kinh Lạy Cha với lời nhắn nhủ và lời cầu nguyện tiếp.
+ Lời chúc bình an.
+ Lời nguyện hiệp lễ.
+ Những công thức kết lễ.
+ Kinh Xin Chúa thương xót, Vinh Danh và Lạy Chiên Thiên Chúa.
+ Kinh Tin Kính.
+ Lời nguyện giáo dân.
+ Những bài hát lúc nhập lễ và rước lễ.
+ Bài hát sau bài đọc hoặc thánh thư.
+ Alleluia trước khi đọc Tin Mừng.
+ Bài hát tiến lễ.
+ Các bài đọc sách thánh, trừ khi thấy nên đọc hơn hát.
“Cách sử dung các cấp bậc tham gia được qui định như sau : bậc nhất có thể dùng riêng một mình; bậc hai và bậc ba chỉ được dùng tất cả hay một phần chung với bậc nhất. Như vậy, các tín hữu sẽ luôn luôn được khuyến khích dự phần ca hát một cách đầy đủ” (id. số 28).
Ngoài ra Huấn thị “De musica in sacra liturgia” còn có những chỉ dẫn rõ ràng và cụ thể về việc hát các phần Thường lễ và Riêng lễ như sau :
(i) Đối với các phần Thường lễ, cộng đoàn tín hữu nên tham gia một cách đồng bộ và tích cực chứ không được giao khoán cho ca đoàn. Lúc đó những bài trong phần này “có thể chia cho ca đoàn và giáo dân, hoặc chia cho hai phía giáo dân; có thể hát luân phiên từng câu thích hợp, hoặc từng khúc trong toàn thể bản văn” (id. số 33).
Đặc biệt nếu là những bài tạ ơn, thì có thể giao cho ca đoàn miễn là không loại trừ hoàn toàn sự tham gia của cộng đoàn. (id số 33)
(ii) Đối với các bài hát phần Riêng lễ thì không bắt buộc cộng đoàn tín hữu tham gia đồng bộ và tích cực như phần Thường lễ. Có thể giao cho ca đoàn phụ trách. Tuy nhiên khi có những điệp khúc dễ hát và “những hình thức âm nhạc thích hợp” thì “cộng đoàn tín hữu nên hết sức tham gia hát phần Riêng lễ”, đặc biệt là “bài hát sau các bài đọc, dưới hình thức đáp ca (thánh vịnh xướng đáp)” (id. số 32).
2- Hát khi cử hành các Bí tích và Á bí tích :
“Nên hết sức cử hành kèm theo ca hát các Bí tích và Á bí tích có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống của cộng đồng xứ đạo, như các lễ Thêm sức, Truyền Chức Thánh, Hôn Phối, Cung hiến Thánh đường hay bàn thờ, lễ An táng, v.v... Tính cách lễ lạ của các nghi thức đó sẽ giúp cho việc mục vụ hữu hiệu hơn” (id. số 42)
Cũng Huấn thị này số 44 khuyên nên soạn những cung điệu thích hợp để dùng trong lúc cử hành các Bí tích và Á bí tích, cũng như các lễ nghi đặc biệt khác trong năm Phụng vụ, miễn là phù hợp với những qui định của Giáo quyền và có lưu ý đến khả năng của mỗi Cộng đoàn.
Ngay cả những buổi tĩnh tâm, giờ thánh, suy tôn Lời Chúa, cử hành Lời Chúa, v.v ... thì “Thánh nhạc cũng rất hữu hiệu để nuôi dưỡng lòng đạo đức của tín hữu”. Đặc biệt những lúc này nên sử dụng các Thánh vịnh, các bài hát tôn giáo bình dân, đàn đại quản cầm và các nhạc khí khác, ... có thể giúp ích cho việc đạo đức, thánh thiện (id. số 45).
“Hát kinh Phụng vụ là hình thức thích hợp nhất với bản tính của kinh này” (id. số 36)
Huấn thị khuyên các giáo sĩ, tu sĩ nên hát kinh Phụng vụ, ít là vào những giờ chính như Kinh Sáng và Kinh Chiều nên hát một phần kinh, hay ít là vào các ngày Chủ nhật và các ngày lễ (id. số 36, 39). Đặc biệt nên “hát những phần tự bản chất đòi phải hát như Xướng đáp, Thánh thi, Thánh ca” (id. số 37).
Huấn thị cũng khuyên các vị có trách nhiệm “thúc đẩy các tín hữu đọc chung một vài phần kinh Phụng vụ vào những ngày Chủ nhật và lễ Trọng, đặc biệt giờ Kinh Chiều hoặc những giờ kinh khác”. (id. số 38)
B) Ngôn ngữ ca hát:
a. Phải ưu tiên dùng ca điệu Gregorio trong những lễ nghi Phụng vụ có ca hát cử hành bằng tiếng Latinh (id. số 49a).
b. Ngay cả những nơi đã dùng tiếng bản quốc trong khi cử hành Thánh lễ, các vị chủ chăn cũng thỉnh thoảng nên duy trì một hoặc vài Thánh lễ cử hành bằng tiếng Latinh - đặc biệt là lễ hát - trong một vài Thánh đường (id. số 47), hay ít ra là liệu cho tín hữu biết hát chung với nhau bằng tiếng Latinh những bài trong phần Thường lễ dành riêng cho họ (id. số 46; hiến chế PV số 54).
c. Việc sử dụng các bài thánh ca Latinh (đặc biệt là Bình ca) trong những lễ nghi Phụng vụ cử hành bằng tiếng bản xứ không có gì bất tiện cả. Bởi vì theo Huấn thị “trong cùng một buổi cử hành Phụng vụ vẫn có thể hát một vài bài bằng một ngôn ngữ khác” (id. số 50).
Công đồng Vaticanô 2 trong hiến chế Phụng vụ số 36 đã mở ra một kỷ nguyên mới khi cho phép các Giáo hội địa phương dùng tiếng bản quốc trong các lễ nghi Phụng vụ. Điều đó đồng thời đi đôi với việc cho phép sử dụng những cung điệu soạn cho những bản văn bằng tiếng bản quốc :
a. “Phải tôn trọng đặc tính và những qui luật của mỗi ngôn ngữ cũng như phải để ý đến đặc tính của mỗi dân tộc” (id. số 53).
b. Phải tuân theo những qui luật của Thánh nhạc (id. số 53), và các cung điệu mới phải được thẩm quyền địa phương phê chuẩn mới được sử dụng trong Phụng vụ (id. số 54, 56).
c. Phải tham khảo các cung điệu cổ truyền của Phụng vụ Latinh (id. số 55), phải nghiên cứu, khảo sát các hình thể thánh ca Latinh (id. số 58) để rút ra được những gì còn phù hợp với nhu cầu mới của Phụng vụ.
C) Các hình thể thánh ca trong Phụng vụ :
Như trên đã nói, cho dù Giáo hội cho phép chúng ta sử dụng những cung điệu mới soạn cho các bản văn tiếng bản xứ trong các lễ nghi Phụng vụ, chúng ta cũng phải tham khảo tối đa các hình thể thánh ca Latinh khi soạn những cung điệu mới đó. Bởi vì các hình thể này đã đạt tới mức độ hoàn chỉnh và hòa hợp một cách tuyệt diệu với các động tác phụng vụ. Đặc biệt thánh lễ được tiến hành như một vở kịch với các vai chánh tế, phó tế, giáo dân, người đọc sách, ca xướng viên, ca đoàn ... lúc đọc, lúc hát, lúc ngâm vịnh, lúc độc tấu, lúc hợp xướng, lúc đối đáp, ... với các hình thể hoàn chỉnh và hợp lý như :
1- Hình thể tụng kinh (psalmodie) dùng để ngâm thánh vịnh.
2- Hình thể Thánh vịnh có đáp ca (Psalmus responsorius) dùng cho các bài Đáp ca.
3- Hình thể Đối ca với Thánh vịnh (Antiphona cum psalmo suo) dùng cho ca
Nhập lễ, ca Dâng lễ, ca Hiệp lễ (x. Qui chế Tổng quát cho các số 26, 50, 56i).
4- Hình thể đọc (Toni communes) dùng cho các bản văn có tính cách văn xuôi như :
Cung lời nguyện (Toni orationum), các loại Cung sách như Cung tiên tri (Tonus prophetiae) - Cung thánh thư (Tonus Epistolae) - Cung Phúc âm (Tonus Evangelii) ...
5- Hình thể ca vãn (Hymnus) dùng cho các bài Đối ca đi với Thánh vịnh ...
Từ đó có những tuyển tập Thánh ca dùng trong Phụng vụ Latinh như : Antiphonarium gồm các bài Đối ca dùng cho các giờ Kinh Chiều, Kyriale gồm các Bộ lễ, Graduale gồm các bài sử dụng trong thánh lễ như ca nhập lễ - ca dâng lễ - ca hiệp lễ, Ceremoniale, Missale, Officium divinum, Lectionarium, v.v ...
D) Việc sử dụng nhạc khí trong Phụng vụ :
1- Phụng vụ Latinh vẫn coi trọng vai trò của đại quản cầm trong Phụng vụ. Ngoài ra, nói chung, Giáo hội cho phép sử dụng các loại nhạc khí khác trong phụng vụ, kể cả các nhạc khí đặc biệt của các dân tộc, miễn là “chúng thích hợp được để dùng vào việc thánh với công dụng thiêng thánh, hay hợp với vẻ trang trọng của đền thờ, và thực sự giúp cho các tín hữu sốt sắng hơn” (id. số 61).
2- Các nhạc khí được dùng để đệm cho tiếng hát, nhưng không được lấn át tiếng hát (id. số 61, 63, 64).
3- Có thể độc tấu nhạc khí (hay cả dàn nhạc) trước khi linh mục tiến vào bàn thờ, lúc dâng lễ vật, trong khi rước lễ và lúc cuối lễ (id. số 64). Nhưng không được độc tấu các nhạc khí trong Mùa Vọng và Mùa Chay, trong tuần Tam nhật Vượt Qua, và trong giờ Kinh Lễ cầu hồn (id. số 65). |
|