|
Ngày thứ mười hai
Một Cách Chắc Chắn Để Gây Oán Thù Tránh Nó Cách Nào?
Phần 1
Hồi ông Thoedore Roosevelt còn làm Tổng Thống, ông thú rằng trong trăm lần ông chỉ chắc xét đoán đúng được bảy mươi lăm lần là nhiều, khả năng Của ông không thể hơn được nữa.
Một trong những vị có tài danh nhất của thế kỷ hai mươi mà kỷ lục tối cao chỉ được có bấy nhiêu, thì bọn dung phàm như bạn và tôi, còn hy vọng gì nữa?
Nếu bạn chắc chắn rằng trăm lần bạn chỉ lầm lỡ bốn mươi lăm lần thôi, thì bạn còn đợi gì mà không lại đóng đô ở Wall Street, kiếm hằng triệu bạc mỗi ngày, sắm một chiếc du thuyền và cưới một ngôi sao hát bóng? Nhưng nếu bạn lầm lỡ nhiều hơn thì tại sao lại tự cho cái quyền chê người khác là lầm lỡ?
Bạn có nhiều cách cho người ta hiểu rằng người ta lầm: ví dụ một vẻ nhìn, một giọng nói, một cử chỉ những cái đó cũng hùng hồn như lời nói vậy. Nhưng người ta có đồng ý với bạn không? Người ta có vui lòng chịu nhận người ta lầm không? Không! Vì bạn đã đập một vố ngay vào trí khôn, vào óc xét đoán, lòng tự ái của người ta. Như vậy là bạn xúi người ta phản kháng lại, chớ không phải giúp người ta đổi ý kiến. Bạn đã xúc phạm người ta, thì dù có đem cả khoa lý luận của Platon hay Emmanuel Kant đổ lên đầu người ta bạn cũng chẳng thế nào thay đổi ý kiến của người ta được.
Đừng bao giờ mở đầu câu chuyện như vầy: Tôi sẽ chứng minh cho ông điều đó... Tôi sẽ chứng tỏ rằng... Như vậy tức là nói: "Tôi khôn hơn ông. Tôi Sẽ làm cho ông đổi ý".
Bạn đã thách đố người ta. Bạn gây ra sức phản kháng và xúi giục người ta tranh đấu với bạn trước khi bạn bày tỏ quan niệm của bạn.
Trong những trường hợp thuận tiện nhất, cũng đã khó mà sửa được ý kiến của người khác. Vậy thì tại sao lại còn dựng thêm trở ngại nữa? Tại sao lại mua lấy cái bất lợi cho mình?
Muốn chứng minh điều gì, phải lập luận một cách kín đáo, đừng cho người nhận thấy chủ ý của ta. Phải khéo léo lắm, tế nhị lắm, đừng cho ai đoán được bạn muốn đưa người ta đến đâu.
Bạn nên theo lời khuyên sau này của một thi nhân:
Dạy bảo mà đừng có vẻ dạy bảo.
"Giảng một điều mới mà như nhắc lại một điều đã quên rồi".
Lord Chesterfiel nói với con:
"Con nên khôn hơn những trẻ khác, nếu có thể được nhưng đừng cho chúng biết con hơn chúng".
Bây giờ tôi gần như không tin một chút nào những điều mà hai mươi năm trước tôi tin, trừ bảng cửu chương ra. Mà chưa chắc. Khi đọc những thuyết của Einstein, tôi sinh ngờ cả bảng cửu chương là không đúng nữa. Trong hai mươi năm nữa, có lẽ tôi không còn tin tới nửa lời tôi đã nói trong cuốn sách này. Ý kiến của tôi không còn vững vàng như hồi trước nữa. Socrate xưa thường nhắc đi nhắc lại cho đệ tử ở Athènes: "Thầy chỉ biết chắc có một điều này là thầy không biết chi hết".
Làm sao bây giờ? Tôi không dám khoe rằng tôi giỏi hơn Socrate, cho nên tôi đã chừa, không dám chê ai là lầm nữa. Và như vậy tôi thấy lợi vô cùng.
Nếu một người cho một điều là đúng trong khi bạn cho nó là sai, dù bạn có biết chắc rằng nó sai đi nữa, thì bạn cứ nói như vầy:
Tôi không đồng ý với ông, nhưng tôi có thể lầm được. Tôi vẫn thường lầm... Nếu tôi lầm, tôi sẽ đổi ý kiến... Vậy chúng ta cùng xét lại xem sao nhé?. Như vậy chẳng hơn ư?
Những câu như vầy thật là thần diệu:
"Tôi có thể Lầm được... Chúng ta cùng xét lại xem..". Không có một người nào nghe những lời đó mà giận dữ được!
Xét lại sự kiện, là một phương pháp khoa học. Tôi đã có một lần phỏng vấn Stefanson, nhà thám hiểm mười một năm ở gần địa cực, trong sáu năm ăn toàn thịt bò và uống nước lạnh. Ông ấy tả cho tôi nghe một cuộc thí nghiệm mà ông đã làm. Tôi hỏi thí nghiệm như vậy để chứng minh điều chi. Không khi nào tôi quên được câu trả lời này của ông: "Một nhà khoa học không bao giờ dám chứng minh một điều chi hết. Chỉ gắng sức tìm kiếm những sự kiện đã xảy ra thôi".
Ai cấm các bạn bắt chước các nhà thông thái? Nếu bạn sẵn sàng nhận rằng bạn có thể lầm được thì khỏi lo gì hết. Vì tuyên bố như vậy là tránh trước được các cuộc tranh biện, và làm cho đối phương nảy lòng công bằng, vô tư, rộng rãi cũng như bạn, nghĩa là tự nhận rằng cũng có thể lầm lỡ như bạn được.
Nếu bạn biết chắc rằng người ta lầm mà bạn nói thẳng ngay ra, thì sẽ ra sao? Đây, thí dụ dưới này cho bạn thấy.
Ông S, một luật sư còn nhỏ tuổi ở Nữu Ước, mới cãi tại tòa Thượng Thẩm Nữu Ước trong một vụ kiện lớn. Trong phiên nhóm, một thẩm phán Hỏi ông S.: "Trong luật hàng hải, thời hạn tiêu diệt thẩm quyền là sáu năm phải không?" .
Ông S. đương cãi, ngừng lại, ngó trân trân vị thẩm phán rồi buột miệng: "Kính ngài, trong luật hàng hải không có thời hạn tiêu diệt thẩm quyền". |
|