|
Hôm nay Tết Trung thu. Chúng ta không nên tự hào quá đáng nhưng cũng phải biết những gì của mình. Tết Trung thu không phải có nguồn gốc từ thời nhà Đường ở Trung quốc.
Thứ nhất Tết và lễ không phải tự nhiên mà sinh ra. Tết Trung thu (Rằm tháng Tám) cũng vậy, được sinh ra từ đời sống văn hóa của một dân tộc. Văn minh của dân tộc Việt là văn minh lúa nước. Giữa mùa thu (giữa tháng 8 âm lịch) khí trời mát mẻ, dễ chịu lại vừa mới thu hoạch xong vụ mùa. Lúc này những cư dân nông nghiệp mới tụ họp nhau lại để trước hết là "chơi trăng" sau đó là để làm một lễ để nghỉ ngơi, vui chơi sau một vụ mùa vất vả. Sự gắn bó mật thiết giữa văn minh nông nghiệp lúa nước và mặt trăng cũng có thể tìm thấy trong ca dao, dân ca. Ví dụ như:
Muốn ăn lúa tháng Năm,
trông trăng rằm tháng Tám.
Tỏ trăng Mười Bốn được tằm,
đục trăng hôm Rằm thì được lúa chiêm.
Từ nền tảng kinh tế và đời sống nông nghiệp đó hình thành nên một lễ (hội) Rằm tháng Tám (hay Trung thu).
Ngược lại người Trung Hoa với nền cơ sở văn hóa là văn minh du mục và trồng khô (lúa mì, cao lương, ngô...) lịch gieo trồng và thu hoạch không phụ thuộc vào trăng và theo bốn mùa xuân, hạ, thu, đông giống như của người Việt. Hơn nữa tiết trời vào thời điểm này tại Trung quốc bắt đầu lạnh. Những điều kiện này không góp phần hình thành nên một lễ hội chơi theo trăng.
Thứ hai sách cổ của Trung quốc thì
"Tết Trung thu bắt đầu từ đời nhà Đường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Nguyên vào năm đó, đêm rằm tháng Tám trời thật đẹp, trăng tròn sáng tỏ, gió mát hây hây, say cảnh đẹp của trời đất, nhà vua ngự chơi ngoài thành mãi đến trời khuya. Lúc đó, một ông già râu tóc bạc phơ trắng như tuyết chống gậy đến bên nhà vua. Trông người và theo cử chỉ, nhà vua đoán ngay là một vị thượng tiên giáng thế. Ông già kính cẩn chào nhà vua rồi hỏi: - Bệ hạ có muốn lên cung trăng không? Nhà vua liền trả lời là có. Vị tiên liền đưa chiếc gậy lên trời, hoá phép ra một chiếc cầu vòng, một đầu giáp cung trăng, một đầu ăn xuống đất. Tiên ông đưa nhà vua trèo lên cầu vòng, chẳng bao lâu đã đến cung trăng. Phong cảnh nơi đây thật đẹp, một vẻ đẹp khác xa nơi trần thế. Có những tiên nữ nhan sắc với xiêm y cực kỳ lộng lẫy, xinh như mộng, đẹp như những bài thơ hay, nhảy múa theo những vũ điệu vô cùng quyến rũ, đủ muôn hồng nghìn tía. Nhà vua đang say sưa với những cảnh đẹp thì tiên ông đưa nhà vua trở lại cung điện. Về đến trần thế, nhà vua còn luyến tiếc cảnh trên cung Quảng và những giờ phút đầy thơ mộng nên để kỷ niệm ngày du Nguyệt điện, nhà vua đã đặt ra Tết Trung thu. Trong ngày Tết này, người ta uống rượu thưởng trăng nên còn gọi là Tết Trông trăng."
Như vậy ngay bản thân người Trung quốc cũng không lý giải được nguồn gốc Tết Trung thu một cách rõ ràng mà mượn một câu chuyện phi thực tế để giải thích cho nguồn gốc Tết Trung thu. Hoặc một cách lý giải khác:
"Tết trung thu bắt nguồn từ Lễ Tạ Trời Đất của vua Hán Quang Vũ, sau khi diệt được phản thần là Vương Mãng, bình định được đất nước, khôi phục nhà Hán vào năm 25 sau Tây Lịch. Trong tiệc Vua cho dùng hai món Bưởi và Khoai Môn là hai thức ăn đã giúp cho quân của Lưu Tú khỏi bị chết đói, khi bị quân Vương Mãng vây hãm trong thành nhiều ngày. Từ đó người Trung Hoa dùng hai vật trên làm món lễ cúng trăng"
. Cách giải thích nguồn gốc Tết trung thu này thiếu tính logic và không thật sự thuyết phục.
Thứ ba, theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung Thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ (chứng tỏ sự sự ra đời và gắn bó của Tết Trung thu với người Việt đã có ít nhất 2500 năm). Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê – Trịnh thì Tết Trung Thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa mà “Tang thương ngẫu lục” đã miêu tả.
Ngay cả sách của người Trung quốc “Thái Bình hoàn vũ ký” thì: “Người Lạc Việt cứ mùa thu tháng Tám thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau”. Đây chính là lễ (hội) Rằm tháng Tám của dân tộc Việt. Nó cũng cho chúng ta thấy rằng mùa thu tháng Tám còn là mùa giao duyên và kết hôn.
Như vậy kết hợp cái nhìn tổng hợp của khảo cổ học, cơ sở văn hóa, ca dao dân ca và chính ghi chép của người Trung quốc đã cho thấy rằng Rằm Tháng Tám (Tết Trung thu) là một sinh hoạt văn hóa của người Việt dựa trên nền văn minh lúa nước.
Sưu tầm từ internet
|
|