|
07/10
Kiên trì cầu nguyện
Thứ Năm Tuần thứ 27 Thường Niên
Lời Chúa:
Lc 11, 5-13
5Người còn nói với các ông: "Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: "Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, 6vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả"; 7mà người kia từ trong nhà lại đáp: "Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.? 8Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó. 9"Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. 10Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. 11Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? 12Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? 13Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?"
Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho (Lc 11,9)
Suy niệm:
Khi cần, phải xin cho dẫu phải quấy rầy người khác: Sự lỡ đường của người bạn lúc nửa đêm đặt người phải vay trong tình trạng khó xử: hoặc im lặng để người bạn lỡ đường chịu đói hoặc phải hy sinh gõ cửa hàng xóm mà vay. Sau cùng, vì tinh thần hiếu khách nên anh quyết định hy sinh đi vay dù biết rằng mình sẽ làm phiền hàng xóm. Anh gõ cửa hàng xóm và van nài: "Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả." Người hàng xóm từ trong nhà đáp: "Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.”
Kiên trì xin cho tới khi được: Mặc dù bị từ chối nhưng anh vẫn kiên trì gõ cửa và van nài cho đến khi được như Lời Chúa nói: “dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ “lỳ” ra đó.” Người hàng xóm phải chỗi dậy cho vay bánh vì ông không muốn cả gia đình phải mất ngủ suốt đêm. Tiếng Hy Lạp dùng ở đây là avnaideia, danh từ này có 2 nghĩa: (1) tiêu cực: không biết nhạy cảm trước sự khước từ hay khinh thường của người khác: không biết xấu hổ, lỳ lợm, chai lỳ; (2) tích cực: kiên nhẫn, kiên trì cho tới khi đạt được, không cần biết thời gian phải chờ đợi bao lâu, nơi chốn nào có thể tìm thấy, hay con người nào có thể xin được. Đây là thái độ mà Chúa muốn các môn đệ phải có khi muốn xin sự gì với Thiên Chúa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.” Lý do tại sao phải có thái độ này là vì người xin không thể làm cách nào khác hơn được nữa.
So sánh người cha dưới đất với người Cha trên trời: Để nói lên sự quan tâm của Thiên Chúa cho con người, Chúa Giêsu dùng một ví dụ cụ thể về tình thương của người cha trần thế: “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”
Chúng ta phải kiên trì trong đức tin và giữ vững đạo lý; đừng có thái độ ai nói gì cũng nghe, ai bảo sao cũng làm. Để có thể kiên trì, chúng ta cần học hỏi để hiểu tường tận Kinh Thánh và những Giáo Huấn của Giáo Hội hết sức có thể.
Chúng ta phải kiên trì trong tình thương và lời cầu nguyện dẫu có phải đương đầu với thử thách và đau khổ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa ở giữa chúng con. Chúa ở giữa chúng con để lắng nghe lời con cái kêu xin. Chúa ở giữa chúng con để hiểu những nhu cầu của chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin cho chúng con biết siêng năng đến với Chúa để nhận lãnh ân huệ của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu! Chúa thật kiên nhẫn với chúng con. Chúa không trách phạt chúng con theo như chúng con đáng tội. Chúa luôn chờ đợi sự trở về của chúng con. Và Chúa hằng thi ân ngay khi chúng con còn mang ách tội nhơ. Xin cho chúng con luôn tin tưởng vào tình thương của Chúa. Xin giúp chúng con không bao giờ nản lòng trước những thất bại, nhưng biết kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi được lãnh nhận hồng ân của Chúa. Xin cho chúng con cũng biết kiên nhẫn với nhau, biết lắng nghe nhu cầu của tha nhân và sẵn lòng giúp đỡ trong khả năng. Xin giúp chúng con biết sống với nhau trong tình bác ái chân thành, để khi vui, khi buồn chúng con đều chia sẻ cho nhau.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn kiên trì khi cầu nguyện. Xin giúp chúng con luôn biết cầu xin cho ý Chúa được thể hiện trong mọi việc và trong đời sống của chúng con, hơn là làm theo ý riêng chúng con. Amen.
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
http://tgpsaigon.net
_________________________________
Chờ Ðợi
Theo tâm lý thông thường, ai cũng sợ phải chờ đợi, ai cũng sợ phải xếp hàng cả ngày. Ít hay nhiều, sự chờ đợi nào cũng là một cực hình. Nhưng mâu thuẫn thay, chúng ta lại thường biến cuộc đời thành một thứ đợi chờ, thành những phòng đợi triền miên...
Cả tuần lễ, ai cũng mong được đến ngày thứ Bảy, Chúa Nhật để được nghỉ ngơi. Chúa Nhật này đến, chúng ta lại chờ đợi Chúa Nhật khác đến. Tháng này đến, chúng ta lại chờ tháng sau. Năm này đến, chúng ta lại chờ năm sau...
Lên xe, chúng ta mong đến đích điểm. Khi đến nơi, chúng ta lại thấp thỏm mong ra về. Vào rạp chiếu bóng, nhiều người thường vội vàng đứng dậy trước khi cuốn phim chấm dứt: họ làm như thể vào rạp chiếu bóng là chỉ để mau đến giây phút ra về. Ði dự thánh lễ, dù lễ chưa xong, đã có kẻ muốn vội vàng đứng lên ra về: họ làm như thể chỉ đến nhà thờ để mong cho đến giây phút tan lễ. Vừa ra khỏi nhà, đã chờ mong để quay trở lại, nhưng khi vào nhà thì lại đợi đến lúc đi ra.
Với sự nóng lòng chờ đợi giây phút sẽ tới này, chúng ta sống như thể cuộc đời không có sự liên hệ với những giây phút hiện tại. Chúng ta biến cuộc đời thành một thứ phòng đợi, đợi hết cái này đến điều kia, đợi cả những điều sẽ không bao giờ xảy đến.
Tháng Mười là tháng dành riêng để tôn kính Mẹ Maria với tràng chuỗi Mân Côi và cùng với Mẹ, sống mầu nhiệm cứu rỗi trong từng phút giây của cuộc sống.
Ơn cứu rỗi không là một biến cố của quá khứ hoặc là một biến cố sẽ đến mà là một sự kiện đang diễn ra trong từng phút giây của cuộc sống. Mẹ Maria quả thực là mẫu gương cho chúng ta trong thái độ tiếp nhận ơn cứu rỗi. Thời gian đối với Mẹ không là những tháng ngày chờ đợi, mà là những tích tắc của từng khoảnh khắc đang đến với Mẹ. Với hai tiếng "Thưa, xin vâng!", Mẹ đón nhận giây phút hiện tại như một món quà cao quý nhất Thiên Chúa trao ban.
Cùng với Mẹ sống lại mầu nhiệm của ơn cứu rỗi, chúng ta hãy đón nhận Ðấng đang đến, Ðấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một. Chúng ta hãy đón Ngài trong phút giây hiện tại này đây với tất cả tin tưởng phó thác.
Chúa trao ban với chúng ta nhiệm vụ để thi hành trong phút giây này đây. Chúng ta hãy hoàn tất với tất cả cố gắng của chúng ta. Chúa trao ban cho chúng ta niềm vui của phút giây này đây, hãy tận hưởng như thể sẽ không còn một niềm vui nào khác.
Trích sách Lẽ Sống |
|