|
17/10
Cầu nguyện không ngừng
Chúa Nhật thứ 29 Thường Niên
Lời Chúa:
Lc 18,1-8
1Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. 2Người nói: "Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. 3Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: "Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho. 4Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: "Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, 5nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc." 6Rồi Chúa nói: "Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! 7Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? 8Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"
Đức Giêsu kể dụ ngôn, để dạy môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí (Lc 18,1)
Suy niệm:
Đức Giêsu nói với các môn đệ và với chúng ta hôm nay “Hãy cầu nguyện không ngừng và không bao giờ nên nản chí.” Một số người không nhận thấy giá trị của việc cầu nguyện thường xuyên. Họ nghĩ rằng chỉ cần cầu nguyện khi họ cảm thấy hứng thú. Và câu chuyện sau đây được kể lại cho những người như thế.
Trước đây có một thị trấn nhỏ có đủ mọi cơ sở của một thành phố tự trị: một nhà tắm, một nghĩa trang, một bệnh viện và một toà án. Nó cũng có mọi loại thợ thủ công: thợ may nam nữ, thợ giày, thợ mộc, thợ nề… Tuy nhiên, thiếu một ngành nghề: không có thợ đồng hồ.
Giờ đây, nhiều năm trôi qua, nhiều đồng hồ không còn chính xác nữa đến nỗi các người có đồng hồ để cho đồng hồ họ ngưng chạy và hoàn toàn quên chúng. Tuy nhiên, có những người khác vẫn không vất bỏ đồng hồ, và để cho chúng chạy chừng nào chúng còn chạy được. Vì thế, họ đã lên dây đồng hồ mỗi ngày dù họ biết rằng chúng không còn chạy chính xác nữa.
Một ngày nọ, một tin lan ra khắp thị trấn: một người thợ đồng hồ đã đến. Mọi người chạy đến ông ta với những chiếc đồng hồ của họ. Nhưng chỉ những đồng hồ người ta còn để cho chạy, người thợ ấy mới sửa được. Những đồng hồ bị bỏ xó bụi bặm bám đầy, ông ta không thể làm gì với chúng.
Tại sao cầu nguyện lại quan trọng? Nó làm được điều gì? Cầu nguyện làm cho hy vọng và những ý định của chúng ta trở nên trong sáng. Nó giúp chúng ta phân biệt giữa điều quan trọng và tầm thường. Nó giúp chúng ta khám phá những khát vọng chân thật của chúng ta, những ray rứt mà chúng ta không biết, những ước mơ mà chúng ta quên lãng. Cầu nguyện là một hành động thanh luyện bản thân.
Cầu nguyện dạy chúng ta phải khao khát điều gì. Nó giúp vun đắp trong chúng ta những lý tưởng mà chúng ta phải trân trọng. Sự trong sạch của miệng lưỡi hiện ra như một ý tưởng trong trí óc chúng ta, nhưng ý tưởng trở thành một sự quan tâm, một điều gì đó phải được theo đuổi, một mục tiêu phải được đạt đến, khi ấy chúng ta cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin giữ miệng lưỡi con không nói điều xấu và môi con không nói lời xảo trá.”
Cầu nguyện không thay thế cho hành động. Đúng hơn, cầu nguyện giống như một luồng ánh sáng từ chiếc đèn ở phía trước chúng ta chiếu vào đêm tối. Nó giúp chúng ta tiến lên phía trước, nó khuyến khích chúng ta hành động.
Cầu nguyện không trốn tránh cuộc đời nhưng là một hành trình đi vào trung tâm của đời sống. Chúng ta học đứng vững trên đôi chân mình trước Thiên Chúa và thế giới, và chấp nhận mọi trách nhiệm về đời sống chúng ta.
Mục đích chính của đời sống ấy là nuôi dưỡng tương quan chúng ta với Thiên Chúa. Đây là điều quan trọng nhất trong mọi sự việc, chứ không phải việc chúng ta làm. Đó là cái neo trong đời sống tâm linh của chúng ta. Đời sống tâm linh không phải là một sự khác thường. Nó là đời sống của bản thân chân thật. Vấn đề không phải chỉ là đọc kinh.
Cầu nguyện không phải là một chiến thuật dùng khi hữu sự, một nơi trú ẩn được dùng đến khi sự việc trở nên tồi tệ. Nó là nơi cư trú được thiết lập cho cái tôi thâm sâu nhất. Cầu nguyện không phải là cầu xin Thiên Chúa cái này cái nọ mà nhận lãnh điều mà Người muốn ban cho chúng ta.
Cầu nguyện tự nó là một phần thưởng. Nó làm chúng ta trở nên phong phú và có khả năng sống không những tâm linh hơn mà sâu xa hơn, viên mãn hơn và đích thực hơn.
Một lần kia, có một người thợ giày rất coi trọng việc cầu nguyện mỗi ngày. Khách hàng của ông ta đều là dân nghèo, và họ chỉ có mỗi một đôi giày. Người thợ giày phải nhận các đôi giày cần sửa vào chiều tối, sửa chữa chúng suốt đêm và sáng sớm giao hàng để các chủ nhân của chúng sẵn sàng sử dụng chúng lúc đi làm.
Điều này làm phát sinh một vấn đề: Ông sẽ đọc kinh sáng vào lúc nào? Có nên cầu nguyện thật nhanh vào sáng sớm và sau đó trở lại với công việc? Hoặc cứ để giờ cầu nguyện đã định trôi đi và mỗi lần như thế, ông ngừng tay búa đóng giày và thở dài: “Khốn cho tôi, tôi chưa cầu nguyện được.”
Chúng ta cũng thường gặp sự nan giải ấy vì phải lựa chọn hoặc sự hối tiếc trong lòng hoặc cầu nguyện đại khái chiếu lệ. Nhiều người trong chúng ta cố nén việc cầu nguyện thường ngày với lòng hối tiếc để chờ có được những điều kiện lý tưởng.
Nhưng sự kiềm chế, trì hoãn mãi có thể dễ dàng trở thành một thói quen. Khi giờ cầu nguyện đến, dường như miệng lưỡi chúng ta mệt mỏi, trí óc chúng ta trì trệ và cái nhìn nội tâm của chúng ta mờ tối. Vì thế, chúng ta không cầu nguyện. Chúng ta không từ khước cầu nguyện; chúng ta kiềm chế. Sự nuông chiều bản thân phù phiếm này ngăn cản chúng ta dìm mình vào sự tĩnh mịch bao quanh thế giới, sự tĩnh mịch trước lúc chúng ta sinh ra và đi theo chúng ta khi chúng ta chết.
Tại sao chúng ta không dành một giờ sống thân mật với Thiên Chúa và quay về với sự thinh lặng tĩnh mịch ấy? Chúng ta ở trên ranh giới của sự mầu nhiệm mà mình không biết.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin làm cho con yêu mến Cha và những người chung quanh con một cách nồng nhiệt. Chính tình yêu ấy là cốt tủy cho đời sống cầu nguyện của con. Và cầu nguyện chính là hơi thở không thể không có của tình yêu ấy. Xin cho con hiểu được bản chất và cốt tủy của cầu nguyện chính là tình yêu. Không yêu thì không thể cầu nguyện đúng nghĩa được. Không yêu thì mọi lời cầu đều chỉ là những lời nói trống rỗng, không hồn. Vì thế, xin cho con biết quan tâm vun trồng tình yêu. Amen
http://tgpsaigon.net
_______________________________
Lòng nhân từ cảm hoá
Dưới tựa đề: “Lòng nhân từ cảm hoá”, người ta thuật lại một câu chuyện như sau:
Một bà mẹ kia lo lắng nhiều vì đứa con trai không đi nhà thờ nữa, mà lại theo những bạn bè xấu và tỏ ra bất mãn mọi chuyện. Bà mẹ đau khổ này đã tìm mọi cách để đưa con về con đường tốt, nhưng tất cả đều vô ích. Một ngày Chủ Nhật nọ, bà nảy ra một ý tưởng. Gọi đứa con trai lại, bà nói: “Con làm ơn giúp mẹ một chuyện. Hãy đem gói đồ này đến cho gia đình ở căn nhà trong khu phố đối diện với chúng ta. Nếu con làm dùm mẹ việc này, mẹ hứa sẽ không bao giờ quấy rầy con nữa”.
Có lẽ để khỏi nghe tiếng mẹ giảng dạy, la rầy, chàng thanh niên đã nhận làm điều mẹ anh ta yêu cầu. Anh đi đến địa chỉ như mẹ dặn, bước vào một căn nhà nghèo nàn và bỡ ngỡ đến tột điểm, anh đã khám phá thấy một người đàn bà đau ốm chỉ còn da bọc xương với ba đứa con nhỏ, rách rưới, lem luốc, đang than khóc, kêu la vì đói.
Chàng thanh niên trao vội gói đồ và muốn nhanh bước rút lui. Nhưng người đàn bà đã gọi giật anh trở lại, và qua giọng yếu ớt bà thều thào: “Cậu ơi! Cậu không thể đi ngay được khi tôi chưa kịp cám ơn cậu. Cậu là ơn quan phòng Chúa gởi đến cho chúng tôi. Xin Ngài trả ơn cho cậu”.
Chàng thanh niên ra về với tấm lòng bị cảm xúc mạnh. Ngày hôm sau, anh trở lại nhà bà mẹ đang bị đau ốm với đàn con nheo nhóc hôm qua với một gói quà khác, mà anh đã mua với chính tiền của anh. Và sau khi trao quà, anh còn ở lại chơi với mấy đứa nhỏ.
Chàng thanh niên đã thay đổi cuộc đời, vì lòng nhân hậu đã làm anh mỗi ngày một hiểu được ý nghĩa của cuộc sống và nhờ đó anh cảm thấy hạnh phúc hơn.
Chúng ta đã đi nửa đoạn đường của tháng Mân Côi, đây là khoảng thời gian chúng ta âu yếm dâng lên Mẹ Maria những tràng chuỗi Mân Côi với hằng triệu lời chào: “Kính mừng Maria, đầy ơn phước”. Nhưng ước gì xen lẫn với những lời kinh tiếng hát, chúng ta cũng biết lắng nghe những lời Mẹ khuyên qua những mầu nhiệm thuật lại các biến cố xảy ra trong cuộc đời Mẹ.
Chú tâm nghe lời Mẹ khuyên nhủ, chắc chắn qua Mầu nhiệm thứ hai của Năm Sự Vui: “Đức Bà đi viếng thánh Ysave, ta hãy xin cho được lòng yêu người”. Mẹ Maria, cũng như bà mẹ trong câu chuyện trên, cũng muốn nhờ chúng ta làm cho Mẹ một chuyện: đó là hãy thể hiện lòng yêu người qua những hành động cụ thể để tinh thần phục vụ Mẹ đã thể hiện qua sự giúp đỡ bà chị họ Ysave cũng được con cái Mẹ tiếp tục làm lại.
Trích từ sách LẼ SỐNG |
|