25/10

Lòng thương xót


Thứ Hai Tuần thứ 30 Thường Niên

Lời Chúa:
Lc 13,10-17

10Ngày Sa bát kia, Đức Giêsu giảng dạy trong một hội đường. 11Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. 12Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: "Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!" 13Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. 14Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày Sa bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: "Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày Sa bát!" 15Chúa đáp: "Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày Sa bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? 16Còn bà này, là con cháu ông Ápraham, bị Xatan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày Sa bát sao?" 17Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.


Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền! (Lc 13, 12)



Suy niệm:
Khi so sánh các sách Tin Mừng, người ta thấy thánh Luca có một cái nhìn lưu ý đặc biệt đến giới phụ nữ, là thành phần bị xã hội Do Thái loại trừ và coi như là công dân thứ yếu. Trong số các tác giả sách Tin Mừng, chỉ có một mình thánh Luca là người kể lại câu chuyện Chúa Giêsu đã hồi sinh người con trai của bà góa thành Naim, đã cứu chữa người phụ nữ bị còng lưng suốt 18 năm mà chúng ta vừa được nghe trong bài Tin Mừng hôm nay. Qua đó, chúng ta lại thấy lòng thương xót của Chúa Giêsu đối với những người nghèo hèn. Và lần này là trường hợp của một người phụ nữ bị còng lưng, nghĩa là bà ta không thể duỗi thẳng cái lưng để có thể đứng thẳng được, để có thể nhìn những người khác trong một tư thế bình đẳng được.
Chúa Giêsu đã thấu hiểu sự đau khổ của bà, đau khổ của một con người luôn luôn cảm thấy thấp bé và thua kém kẻ khác, đau khổ của một con người phải luôn luôn nhìn xuống đất, không bao giờ nhìn khuôn mặt của những người đối thọai, cũng như hoàn toàn không có khả năng để nhìn lên trời cao. Và Tin Mừng kể tiếp: khi nhìn thấy bà, Chúa Giêsu đã gọi bà lại. nghĩa trước khi người phụ nữ tật nguyền và bất hạnh này đưa ra một lời kêu xin nào, Chúa Giêsu đã có sáng kiến trước. Ngài gọi bà lại và Ngài đặt tay trên cái lưng còng của bà. Và bà đã được khỏi bệnh, bà đã đứng thẳng được. Nghĩa là Chúa Giêsu vừa làm một phép lạ để xua đuổi con ma bệnh đã làm khổ người phụ nữ này suốt 18 năm. Giờ đây bà đã được giải thoát. Do đó qua phép lạ cứu chữa người phụ nữ bị còng lưng, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ rằng Ngài là Đấng Cứu Thế. Ngài đến để giải thoát con người khỏi sự thống trị của quyền lực của satan, ma quỉ và xác thịt.
Quả thực, chính thánh Phaolô, trong bài đọc I ngày hôm nay, cũng đã nói với các tín hữu ở Rôma: “Hỡi anh em, chúng ta là những kẻ mắc nợ, không phải với xác thịt, để mà sống theo xác thịt. Vì chưng, nếu anh em sống theo xác thịt, anh em sẽ chết, nhưng nếu nhờ Thần khí, anh em giết chết công việc của thân xác, anh em sẽ sống” (Rm 8,12-13). Nghĩa là Phaolô muốn cho chúng ta thấy rằng ơn cứu độ nơi Chúa Giêsu như là một cuộc giải phóng khỏi sự chết, khỏi tội lỗi, khỏi bệnh tật, tức là khỏi sự thống trị của satan, ma quỉ. Trong quan niệm của thánh nhân, đây là một sự giải phóng có tính cách liên tục và không ngừng. Do đó các tín hữu chúng ta có bổn phận phải làm cho sự giải phóng này của Chúa Giêsu được luôn luôn hoàn tất ở nơi chúng ta.
Vả lại ở đây, chúng ta cũng nên phân biệt ý nghĩa của hai từ “xác thịt” và “thần khí”. Đối với thánh Phaolô, “xác thịt” chủ yếu không phải là thân xác con người, nhưng là toàn thể con người đi xa lạc đường lối của Chúa và không sống thánh ý của Thiên Chúa. Hay nói một cách ngắn gọn hơn “xác thịt” nghĩa là người không có Thiên Chúa ở với mình. Còn “thần khí” có một ý nghĩa hoàn toàn ngược lại, “thần khí” không chỉ có nghĩa là linh hồn thôi nhưng còn là toàn thể con người khi được Thiên Chúa thúc đẩy và làm cho sinh động.
Do đó, theo thánh Phaolô, tất cả những ai biết để cho thần khí Chúa hướng dẫn, thì người đó mới thực sự là con cái của Thiên Chúa, nghĩa là những đứa con tự do, không còn sợ satan, ma quỉ thống trị nữa. Do đó, chúng ta là những người con đã được Chúa Giêsu giải phóng khỏi sự thống trị của satan vào ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, xin cho chúng ta luôn biết sống trong tinh thần nghĩa tử đối với Chúa, bằng cách luôn sống theo sự hướng dẫn của Thần khí của Chúa.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là suối nguồn tình yêu. Trái tim Chúa luôn chạnh lòng xót thương trước những khổ đau của tha nhân. Chúa luôn đi bước trước trong tình yêu. Chúa luôn sẵn lòng giúp đỡ những ai cơ hàn, bất hạnh và bị bỏ rơi. Xin cho chúng con có trái tim nhạy cảm và yêu thương như Chúa, để chúng con có thể mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Chúa đã dạy chúng con yêu người như chính mình. Xin giúp chúng con biết trao ban cho anh em những nghĩa cử yêu thương thay cho những chia rẽ, hận thù. Là người, không ai ước muốn sự xấu cho mình, xin đừng để chúng con gieo rắc sự ác, sự sợ hãi cho tha nhân. Chúng con muốn được yêu thương, được tiếp đãi ân cần, được thân thiện và tôn trọng. Xin giúp chúng con thực thi điều đó cho tha nhân trước khi muốn họ thực hiện cho mình. Xin giúp chúng con biết khiêm nhường, đối xử với anh em những gì chúng con đang mong đợi nhận lãnh từ họ. Xin Chúa luôn là ánh sáng soi đường cho chúng con, xin hãy đổ tràn tình yêu Chúa trên chúng con để chúng con biết chia sẻ với những người chung quanh.
Lạy Chúa, xin mặc cho chúng con tấm lòng yêu thương nhân hậu của Chúa, để nhờ đó chúng con cũng biết xót thương những cảnh đời khốn khổ nghèo hèn chung quanh chúng con. Amen

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
http://tgpsaigon.net

____________________________________



Con chim sáo

Trong một tập thơ mang tựa đề “Có muôn nghìn lý do để sống”, Đức cha Helder Camera, vị Giám mục người Brazil nổi tiếng là vị tông đồ của người nghèo đã ghi lại câu chuyện ngụ ngôn sau đây: Bên cạnh nhà tôi, có một con chim sáo quanh năm ngày tháng sống giữa trời… Tôi vẫn có thói quen nói chuyện với nó. Một hôm, tôi hỏi chú sáo có nơi ngủ nghỉ không. Nó ngạc nhiên trả lời: “Có chứ!… Màn là trời, chiếu là đất. Có bao giờ thiếu đâu”.

Do những đòi hỏi của trí khôn loài người, tôi mới hỏi nó: “Thế thì những lúc mưa gió, chú trú ngụ ở đâu”. Nó nhanh nhẩu trả lời: “Bộ ông nghĩ là thỉnh thoảng tôi không cần tắm gội sao?” Tôi hỏi nó có đói không. Con chim chỉ mỉm cười đáp: “Điều tôi muốn là được hót. Tôi sinh ra để hót mà…” Và nó cất tiếng hót như sau: “Hỡi loài người kiêu ngạo. Hãy nói cho ta biết đi: liệu ngươi không chết sao?”

Tôi cứ nài nỉ để chú sáo nhận món quà tôi biếu: đó là một ít bánh mì có thịt… Chú sáo lại được dịp cười cợt sự ngây ngô của tôi. Nó bảo tôi: “Ông không biết là loài sáo chúng tôi không có ăn bánh mì và thịt như các ông sao?”

Lần kia, tôi hỏi chú sáo có cầu nguyện không? Nó không hiểu được câu hỏi của tôi. Nó chỉ cười trả lời: “Có mấy chú nhóc con lấy đá ném tôi. Nhưng tôi bay đi, tôi cười và tôi hót”.

Một lúc nào đó, tôi có ý nghĩ đưa con sáo vào bệnh viện để nhờ các bác sĩ tìm ra căn bệnh của nó và chữa trị cho nó. Nhưng tôi chợt nhận ra rằng nó chỉ là một con chim.

Qua câu chuyện ngụ ngôn trên đây, có lẽ Đức Cha Helder Camera muốn gợi lên cho chúng ta cái thảm trạng của con người ngày nay: chiến tranh, chết chóc, đau khổ đều phát xuất từ chỗ con người không chấp nhận nhau. Ai cũng muốn người khác phải suy nghĩ như mình, phải hành động như mình, phải sống như mình. Ý thức hệ nào cũng tự cho là ưu việt và muốn áp đặt trên người khác ngay cả bằng bạo lực.

Ngày nay, con người mỗi lúc một ý thức hơn về sự đa diện của các nền văn hóa, của các khuynh hướng chính trị, của các tôn giáo… Sự trưởng thành của nhân loại được thể hiện qua chính sự chấp nhận ấy: chấp nhận sự khác biệt của tha nhân, chấp nhận tư tưởng của người khác. Khoan dung là thái độ mà con người ngày nay đang cần hơn bao giờ hết.

Trích từ sách LẼ SỐNG