TRUYỀN GIÁO LÀ ĐẾN VÀ Ở LẠI


Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Nhấn vào ảnh để xem kích thước thật

Tên:  Screenshot-21.jpg
Lần xem: 122
Kích thước:  65.2 KB

Qua chuyến tham quan vùng truyền giáo Tây Bắc Việt Nam tôi mới hiểu câu thơ viết rằng:

Có một Tây Bắc bồng bềnh trong khói sương mờ ảo -
Như bức tranh thủy mặc mê hoặc lòng người
Đó là lúc ta bỗng thấy dòng đời trôi thật chậm
Nhịp thời gian không nỡ gọi những giấc mộng an lành

Đặc sản của Tây Bắc là núi rừng trùng điệp như những răng cưa đan xen vào nhau. Cứ núi này tiếp núi kia: “một đèo một đèo…, lại một đèo”, khen ai khéo vẽ cảnh cheo leo, cứ cheo leo mãi!

Tây bắc khởi đi từ Phú Thọ qua Vĩnh Phúc –Yên Bái – Lào Cai- điểm cuối là Sapa với đỉnhFansipan cao ngút ngàn sương trắng với độ cao 3143 m. Nơi đây được mệnh danh là Nóc nhà Đông Dương.
Từ trên cao nhìn xuống mới thấy núi rừng Tây Bắc như bàn tay xoè ra đón nhận ân lộc của Trời trao ban cho con người tận hưởng không khí trong lành bình yên.

Núi xoè dáng núi sông lượn nhánh
Mây mỏng cánh ban gió dẫn đường

Tây Bắc phong cảnh hữu tình nhưng núi đồi cheo leo khiến cho người dân Tây Bắc đến được với nhau phải băng qua nhiều ngọn đồi, con suối, hay dốc đá cheo leo, có khi thác nước gập gềnh. Thời tiết Tây Bắc người ta ví như cô gái mới lớn khi hờn dỗi, khi vui cười thất thường. Đoàn chúng tôi đã cảm nghiệm cái nắng chói chan ở chỗ này, rồi lại sương mù đoạn kia và có khi mưa dầm cũng trên một hành trình. Mưa nắng thất thường. Gió rừng miên man. Con người phải hoà với thiên nhiên mới tồn tại và phát triển.

3 ngày được tham quan và thăm các giáo điểm Tin Mừng trong lòng tôi luôn vang vọng câu hỏi của Thầy Chí Thánh Giê-su: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?” (Ga 21.15). Tôi luôn nghĩ rằng các nhà truyền giáo đến và ở nơi “Đèo heo hút gió” phải ăn gió nằm sương chắc phải có tình yêu sâu đậm nắm mới đến và ở lại với người mình yêu theo gương Thầy Giê-su.

Cách đây 15 năm về trước tức là năm 2005, tôi đã trải nghiệm một chuyến du lịch tự do Tây Bắc. Tôi không tìm thấy một nhà thờ hay một hình ảnh tôn giáo tại Lào Cai, ngoại trừ nhà thờ Đá Sa Pa được xây dựng 100 năm trước nay đã phong rêu vì rất ít khi có thánh lễ. Người Kinh theo đạo Công giáo lên Miền Ngược sinh sống riết rồi cũng không còn biết đến nhà thờ và thánh lễ. Vùng Tây Bắc được xem là vùng “Trắng” tôn giáo. Tôi đã dừng lại trà nước với người dân địa phương trên đường tôi đi ngang qua để hỏi về đời sống tâm linh của dân bản địa, dường như họ không có khái niệm thờ phượng, thậm chí cũng không hiểu về việc thờ ông bà truyền thống dân tộc Việt Nam.

Lần này quay trở lại thật ngạc nhiên vì đã thấy hàng chục ngôi nhà thờ được xây dựng khang trang và trên 30 giáo điểm tin mừng được thành lập. Tôi đã được cha Thành chánh xứ Cốc Lếu Lào Cai, Cha Bình chánh xứ Sa Pa dẫn đi tham quan một vài giáo điểm nơi các ngài thiết lập. Quả là một kỳ công mà Thiên Chúa đã ban tặng cho các cha truyền giáo tại Lào Cai. Từ một vùng “Trắng tôn giáo” nay đã có trên ba chục cộng đoàn đức tin được sum họp cùng nhau đọc lời Chúa mỗi tuần, và quy tụ với nhau thành một cộng đoàn cầu nguyện và sống tình thân.

Những giáo điểm này thường thiếu thốn về thức ăn nhưng lại giầu tình thân. Đoàn ghé thăm người dân H Mông trên đỉnh Tà Phớn phải đi cả một buổi sáng chạy quanh đồi núi mấy chục cây số và đi bộ trên vách núi cheo leo gần 1 km để đến bản làng. Nhìn xem bữa cơm của các em nội trú chỉ là cơm chan với nước mì tôm nhưng xem ra họ cũng chẳng cần gì hơn. Đoàn đã làm lễ tại Sử Bản nơi nổi tiếng ruộng lúa bậc thang, tuy chỉ là nhà gỗ đơn sơ nhưng lại là nơi chia sẻ đầy ắp tình yêu thương.

Các linh mục lên những vùng truyền giáo này phải dám xoá mình mà hoà nhập với văn hoá người bản làng để chia sẻ và giúp họ sống đạo yêu thương. Người linh mục phải ra khỏi cánh cổng nhà xứ để sẵn sàng tới và ở lại những nơi hoàn toàn thiếu thốn về cơ sở vật chất kể cả nhu yếu phẩm. Các linh mục phải mở toang tấm lòng mình và mở toang cánh cửa nhà thờ để đời linh mục hay nhà thờ mình coi sóc trở thành của chung cho anh em tín hữu. Bất cứ một cánh cửa nào đóng lại cũng là vật ngăn trở cho đàn chiên tìm đến với Giáo hội.

Sau 3 ngày trải nghiệm vùng Tây bắc tôi có cảm tưởng Giáo hội Việt Nam trong mấy thập niên vừa qua và cả các giáo điểm Tin mừng mới thành lập tại Lào Cai, chúng ta đang sống trong giai đoạn tạm gọi là Giáo Hội quy tụ. Do những thăng trầm của thời cuộc khi nhiều lần chúng ta bị ly tán rồi quy tụ nay đã dần ổn định. Nhiều nơi đã ổn định như các xứ đạo Miền Nam. Ổn định từ cơ sở vật chất đến các hoạt động đoàn thể chặt chẽ và đồng bộ. Các linh mục trong giai đoạn này luôn nhiệt thành truyền giáo bằng cách bảo vệ đức tin cho tín hữu trước biết bao sóng gió của thời cuộc. Các ngài đã hăng say quy tụ người Công giáo trở thành những giáo điểm rồi dần dần thành những xứ đạo to lớn trên mọi phương diện. Tôi rất mừng vì quý cha vùng Tây Bắc đã thành công quy tụ anh chị em mình lại thành một cộng đoàn Giáo hội sơ khai. Có người tôi hỏi bà theo đạo lâu chưa? Bà trả lời rằng : con chỉ biết bố mẹ con có đạo, rồi chúng con cứ giữ cho tới bây giờ mới biết sống đạo là thế nào? Có cậu trẻ thì nói: Đời ông con có đạo chứ đời bố và đời chúng con thì từ khi các cha lên đây lập giáo điểm chúng con mới theo đạo. Đây là bước đầu của quy tụ nhưng để ổn định như các xứ đạo kỳ cựu thì phải mất vài chục năm nữa!

Nhấn vào ảnh để xem kích thước thật

Tên:  IMG_3072.jpg
Lần xem: 130
Kích thước:  112.8 KB

Điều quan trọng là chúng ta cần có một phương án cho thời đại mới. Thời đại này không chỉ là bảo vệ đức tin cho anh chị em tín hữu mà còn phải ra vùng ngoại biên đến với anh em lương dân. Đến không phải là “cỡi ngựa xem hoa” mà đến để “lưu lại” với anh em. Sở dĩ con số tín hữu mấy chục năm qua dường như thụt lại so với tỉ lệ dân số phát triển của Việt Nam vì chúng ta chỉ có các linh mục bảo vệ đức tin mà ít có linh mục được sai đến vùng ngoại biên để ở lại với họ. Đây cũng là nỗi thao thức của quý cha đang truyền giáo vùng Tây Bắc khi các ngài đã thiết lập được những giáo điểm thành cộng đoàn trên các bản làng, nhưng làm sao có các linh mục dám đến và ở lại cùng những cộng đoàn còn non yếu mọi mặt này.

Phải có sự ở lại mới thấu hiểu nhu cầu của anh em và qua đó gieo rắc tin mừng vào trong môi trường sống của người dân địa phương. Phải có sự ở lại mới gắn kết họ nên một trong thân thể của Chúa Ky-tô để cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa.

Do đó, truyền giáo hôm nay không phải là quy tụ mà phải dấn thân hơn nữa là phải “đến và ở lại”. Truyền gíao hôm nay không còn là Truyền giáo bảo vệ đức tin mà là truyền giáo ra vùng ngoại biên và ở lại nơi những vùng xa xôi ấy.

Cầu chúc cho quý cha đang truyền giáo tại Tây Bắc luôn hạnh phúc trong phận vụ và rất mong Giáo hội Việt Nam có nhiều linh mục dám dân thân đến và ở lại với anh em của mình.

Trải nghiệm Tây Bắc , 29/05/2020