VRNs (18.05.2010) – Sài Gòn – Chỉ cần quan sát một chút, chúng ta có thể thấy dường như có hai thế giới trong một nhà thờ: thế giới của phụng vụ thánh lễ do linh mục đứng đầu và thế giới lòng đạo đức bình dân thường do giáo dân đứng đầu. Thế giới lòng đạo đức bình dân chiếm không gian cả trong phòng thánh lẫn trong nhà thờ và thậm chí cả ngoài khuôn viên nhà thờ nữa. Đó là các thông báo về lần chuỗi Mân Côi, đi hành hương Đức Mẹ hoặc các thánh, rước kiệu, dâng hoa, đọc kinh cầu nguyện tại hang đá Đức Mẹ hoặc tòa các thánh,… Nói chung, thế giới lòng đạo đức bình dân này thật sự là phần quan trọng đối với rất nhiều anh chị em giáo dân, thậm chí đôi khi lấn át cả thế giới phụng vụ. Có vị đã nhận xét chí lý rằng: lòng đạo đức bình dân quan trọng đối với giáo dân như phụng vụ đối với các cha vậy. Nhân dịp tháng Hoa kính Đức Mẹ, chúng ta càng thấy rõ điều này trong sinh hoạt của nhiều giáo xứ truyền thống.
Tuy nhiên, có lẽ một điều còn thiếu trong một số việc đạo đức nói chung và kính Đức Mẹ nói riêng đó là chiều kích đào sâu Lời Chúa. Thật ra đây không phải là sáng kiến của riêng ai nhưng là chính tâm tình của Đức Mẹ. Một số vị nói rằng đôi khi trong những trường lớp khoa bảng cao cấp của Hội Thánh có sự coi thường lòng đạo đức bình dân và cho rằng đó là chuyện nhà quê, cổ hủ, không có ý nghĩa gì hết và cần phải dẹp bỏ. Thật ra, đối với những vị mục tử tốt thì môi trường đạo đức bình dân lại là nơi rất thuận lợi để gia tăng sự hiểu biết Kinh Thánh cho giáo dân, cụ thể là phương pháp cổ truyền của Hội Thánh là Lectio Divina. Nếu áp dụng phương pháp này cho giáo dân trong các giờ đạo đức thì vị mục tử sẽ giúp họ cảm nghiệm được dù Lời Chúa đã xảy ra trong quá khứ nhưng sứ điệp của Lời đó thì lại đang nói với họ trong lúc hiện tại này. Hơn thế nữa, Lời Chúa chỉ thật sự sống động trong những cộng đoàn đang sống đức tin và tiếp tục đón nhận và lưu truyền Lời đó cho anh chị em xung quanh. Cũng như thế, Đức Mẹ và cuộc đời của Mẹ dù đã xảy ra trong quá khứ nhưng sứ điệp của Mẹ vẫn đang nói với họ trong lúc này. Nếu hiểu môi trường đạo đức bình dân như thế thì có lẽ chúng ta sẽ cần tôn trọng và khiêm tốn hơn khi nói về lòng đạo đức bình dân của anh chị em tín hữu.
Tuy nhiên, cũng phải thành thật nhìn nhận rằng có lẽ nhiều nơi chưa thành công trong việc đưa Lời Chúa (ví dụ Lectio Divina) vào trong đời sống đạo đức bình dân của các anh chị em giáo hữu, và như vậy, chúng ta cũng đã bỏ lỡ những cơ hội vàng để giúp họ hiểu sâu hơn về Lời Chúa.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần học với chính Đức Mẹ về nhu cầu cần đào sâu hơn Lời Chúa. Cần “thổi” Lời Chúa vào trong các sinh hoạt đạo đức bình dân nhiều hơn. Ví dụ: có thể nói rằng tất cả các tín điều của Hội Thánh đều hoàn toàn dựa trên nền tảng Kinh Thánh, cụ thể tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội dựa trên lời chào của sứ thần Gapriel đối với Đức Mẹ: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng” (Lk 1:28). Hội Thánh gẫm suy lời chào đó như lời khẳng định Đức Mẹ hoàn toàn không vương vấn chút gì tội khiên, nhờ đó, Chúa Giêsu do Mẹ sinh ra có thể “vừa hoàn toàn là người nhưng cũng vừa nguyên tuyền khỏi mọi tội lỗi.” Cũng chỉ từ một lời Kinh Thánh đó nhưng Hội Thánh đã kín múc được niềm xác tín rằng ân sủng cứu độ của Thiên Chúa lớn mạnh hơn bất cứ tội lỗi nào và ơn ấy đã gìn giữ Đức Mẹ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi ngay từ giây phút đầu tiên thụ thai trong lòng mẹ là bà thánh Anna. Từ đó, Mẹ đã được Thiên Chúa tuyển chọn giữa muôn con người để thực thi một sứ mạng quan trọng trong công cuộc cứu chuộc loài người.
Đó là một trong nhiều ví dụ về cách Hội Thánh gẫm suy về Đức Mẹ dựa trên Lời Chúa. Hội Thánh cũng mời gọi chúng ta hôm nay hãy dùng phương pháp Lectio Divina để làm cho lòng sùng kính Đức Mẹ ngày càng sinh hoa kết trái và đem lại nhiều ơn ích cho toàn thể con cái dấu yêu của Mẹ hôm nay.