|
Suy Niệm
1. Mọi sự sẽ qua đi
Thánh Luca kể lại trong bài Tin Mừng hôm qua, khi nghe một số người ca ngợi vẻ đẹp của Đền Thờ Giê-ru-salem một cách tự phát, cũng như chúng ta vẫn thốt lên những lời như thế, khi tham quan những công trình kiến trúc vừa lớn vừa đẹp, Đức Giê-su nói với các môn đệ: Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào. (c. 6)
Lời nói này của Đức Giê-su không chỉ báo trước biến cố lịch sử Đền Thờ sẽ bị phá hủy bởi người La Mã vào năm 70, nhưng dưới ánh sáng của những gì Người nói sau đó, để trả lời cho câu hỏi của các môn đệ: «Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?» (c. 7), chúng ta được mời gọi hiểu lời loan báo này của Đức Giê-su ở mức độ cánh chung: vào thời cánh chung, nghĩa là thời điểm tận cùng của thời gian, tất yếu sẽ đến, vì chúng ta đang ở trong thời gian có thủy có chung, nghĩa là mọi sự sẽ qua đi.
Như thế, lời của Đức Giê-su: «Sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào», vừa đụng chạm đến bản chất của mọi sự và vừa đụng chạm tới thời điểm tận cùng của chúng. Đồng thời, lời nói này của Người mời gọi chúng ta qui hướng về, gắn bó với, cảm nếm và chiêm ngưỡng điều sẽ không bao giờ qua đi. Điều sẽ không bao giờ qua đi, đó chính là Lời Chúa, như chính Người sẽ nói, trong bài Tin Mừng của thứ sáu tới : «Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu» (Lc 21, 33). Lời Chúa không qua đi, vì thế cũng sẽ làm cho chúng ta không qua đi, nhưng qui tụ chúng ta, những người còn sống cũng như những người đã qua đời, bên Chúa và bên nhau mãi mãi trong Nước của Thiên Chúa.
2. Loạn lạc, thiên tai và bách hại
a. Loạn lạc và thiên tai
Vào thời cánh chung, mọi sự sẽ qua đi vì chiến tranh loạn lạc: «Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ», và vì thiên tai: «Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện».
Tuy nhiên, chẳng cần phải đợi đến thời cánh chung, để cho mọi sự chúng ta đang nhìn thấy và chiêm ngưỡng, mọi sự chúng ta có và mọi sự chúng ta là sẽ qua đi. Bởi lẽ mọi sự đang qua đi và qua đi rất nhanh. Mọi sự đang qua đi hôm nay, đó không chỉ là vì do bản chất của chúng, nhưng còn là vì những nguyên nhân bên ngoài nữa, đó là thiên tai do trời đất và chiến tranh do con người.
Thật vậy, trong những năm vừa qua, và cả trong những ngày này ở Việt Nam và ở một số nơi trên thế giới, chúng ta như chứng kiến những dấu chỉ loan báo thời điểm tận cùng: núi lửa hoạt động, những đợt sóng thần, những cơn động đất, nước từ trời trút xuống, nước từ sông biển dâng lên, gió bão hung hãn… Và những gì xẩy ra trong thiên nhiên hoàn toàn khớp với những gì con người đang làm cho con người: đó là khủng bố, đó là bạo động, đó là giết hại mầm sống và chính sự sống nhân linh từ trong giai đoạn hình thành kì diệu nhất, tham lam, gian dối, đó là làm thiệt hại và hãm hại người khác, đó là dò xét và lên án, đó là cấm cản giam hãm, đó là áp đặt bằng quyền bính bất chấp ngôi vị, đó là nghi ngờ, không tin tưởng và thiếu tôn trọng người khác.
Xét cho cùng, như ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, những thái độ và cách hành xử như thế, cho dù là nhân danh sự sống, nhân danh lợi ích của tập thể, nhưng thực ra là phá hủy sự sống một cách nghiệm trọng nhất, bởi lẽ đó là cách hành xử của chính Sự Dữ. Như thế, lời của Đức Giê-su: «Sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào» không chỉ đụng chạm đến bản chất của mọi sự, nhưng còn mặc khải về hoàn cảnh hiện thực của mọi sự.
Nhưng đó chính là hành trình Vượt Qua của thế giới sáng tạo và của lịch sử loài người: để đi vào sáng tạo mới và đi vào vĩnh cửu, mọi sự phải tan biến đi. Cũng tương tự hành trình Vượt Qua của Đức Giê-su và của mỗi người chúng ta : phải băng qua sự chết để phục sinh, nghĩa là đi vào sự sống viên mãn và vĩnh hằng. Và chúng ta được mời gọi sống hành trình Vượt Qua của chúng ta mỗi ngày, như lời Thánh Vịnh diễn tả :
Con nằm xuống và con thiếp ngủ,
rồi thức dậy vì Chúa đỡ nâng con.
(Tv 3, 6)
b. Bách hại
Đức Giê-su còn nói, trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, về sự bách hại mà người môn đệ sẽ phải gánh chịu vì danh của Người, trong bối cảnh của ngày Cánh Chung. Tuy nhiên, lịch sử Giáo Hội cho thấy và kinh nghiệm sống của chúng ta cũng cho thấy như thế, đó là sự bách hại có thể xẩy ra bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Chính vì thế, trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Đức Giê-su nói về sự bách hại, với cùng những từ ngữ mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng theo thánh Luca, khi Người sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng (x. Mt 10, 17-22).
Như thế, mặc khải mà Đức Giê-su mang lại cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay thật lớn lao: sự bách hại mà người môn đệ phải gánh chịu vì danh Người ở mọi thời, và chúng ta có thể hiểu rộng hơn, những khó khăn bên ngoài cũng như bên trong mà chúng ta phải đối diện hầu như hàng ngày, khi cố gắng sống vì Danh Đức Giê-su, vì tình yêu chúng ta dành cho Người, vì Tin Mừng của Người, tất cả những bách hại và khó khăn đời thường đó, có tầm mức cánh chung. Có tầm mức cánh chung, nghĩa là đó là lúc Nước Thiên Chúa ngự đến, là thời điểm mà mọi sự được hoàn tất để đi vào trong sự sống mới và sáng tạo mới, theo khuôn mẫu của mầu nhiệm Vượt Qua. Thật vậy, chính lúc Đức Giê-su bị bách hại đến chết, là lúc “mọi sự được hoàn tất”, và Ngài đi vào cõi hằng sống của Thiên Chúa Cha, bởi sức mạnh của Thánh Thần.
Sống theo Tin Mừng vì Danh Đức Giê-su, vì tình yêu chúng ta dành cho Người, chúng ta sẽ bị “người ta” bách hại, hay gây khó khăn. Điều này dễ hiểu và chúng ta sẵn sàng đón nhận. Nhưng điều khó hiểu và khó chấp nhận, khi Đức Giê-su nói tới sự bách hại đến từ chính những người thân yêu của chúng ta: “Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em”.
Khi Đức Giê-su sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Người nói: “Thầy sai anh em đi đi như chiên vào giữa bầy sói”. Như thế, sự chống đối, thậm chí bách hại, là tất yếu; như hình ảnh “chiên và sói” gợi ra: một bên là hiền lành và một bên là bạo lực, muốn hủy diệt. “Người đời” đã bách hại Thầy và “người đời” tiếp tục bách hại Thầy nơi các môn đệ, bởi vì Thầy là “Chiên lành”, “Sự Thiện”, “Thiên Tính”, “Ánh Sáng”, “Sự Sống, “Sự Thật”. Vì thế, một cách tương ứng, kẻ bách hại không phải là những con người cụ thể, nhưng là “Sói Dữ”, “Sự Dữ”, “Thú Tính”, “Gian Dối”, “Bóng Tối”, “Sự Chết” hành động nơi những con người cụ thể. Thế mà, Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ có mặt ở khắp nơi và nơi mọi người, có nơi chính các môn đệ, và có ở nơi chúng ta nữa! Vì thế, sự chống đối của Sự Dữ có thể bùng lên từ những nơi và những người thiết thân nhất: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.” “Sói Dữ” không phải là con người, những là thú tính hiện diện và chi phối con người chống lại “Chiên Lành”.
3. “Một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu”
Nhưng lời loan báo của Đức Giê-su về sự bách hại thậm chí giết hại, lại chứa đựng Sự Sống của Thiên Chúa và hướng đến Sự Sống viên mãn của Người, theo khuôn mẫu của “Hạt Lúa Mì”, nghĩa là của mầu nhiệm Vượt Qua. Thật vậy, bách hại, nhưng lại là cơ hội “để làm chứng cho Thầy”; và bởi vì đây là chứng từ tận cùng, nghĩa là “chứng từ hi sinh sự sống”, như Đức Ki-tô trong cuộc Thương Khó, người môn đệ được dẫn vào kinh nghiệm “thần nhiệm”, như thánh Phaolo đã kinh nghiệm: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, nhưng Đức Ki-tô phục sinh sống trong tôi” (Gl 2, 20).
* * *
Xin cho chúng ta, mỗi khi gặp khó khăn vì Danh Đức Giê-su và vì Tin Mừng của Người, cảm nghiệm được niềm vui sâu xa, vì mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô được tái hiện lại nơi cuộc đời của chúng ta, vì được trở nên giống như Người, vì được trở nên một với Người, vì được Người nâng đỡ và chăm sóc cách đặc biệt, như Người nói trong bài Tin Mừng: “Chính Thầy sẽ cho anh em nói thật khôn ngoan…”, và
Một sợi tóc trên đầu anh em
cũng không bị mất đâu.
(c. 18)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
_________________________________________________________________
|
|