Chúa nhật IV Mùa Thường Niên – Năm B

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (1,21-28)

Ðến thành Capharnaum, ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: "Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa". Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: "Hãy im đi và ra khỏi người này!" Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: "Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người". Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.

***

Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

“Thầy đã thắng thế gian”

Trong Tin Mừng theo thánh Máccô, ta thấy Chúa Giêsu nhiều lần trừ quỷ, nhiều lần trục xuất thần ô uế. Hôm nay, thánh Máccô kể cho ta việc Chúa Giêsu trừ quỷ lần đầu tiên với cảnh tượng ồn ào, la hét khủng khiếp.

Những chuyện ma quái, những chuyện kinh dị giật gân trong các bộ phim hoặc tạp chí với nhiều hư cấu làm cho chúng ta có thái độ ngờ vực và khó tin về sự tồn tại của ma quỷ. Vì thế có thể chúng ta cảm thấy hơi khó chịu khi nghe Tin Mừng kể những chuyện quỷ ám này.

Ðể hiểu rõ hơn đoạn Tin Mừng này, ta phải biết trong thời cổ đại, mọi người đều nghĩ rằng mọi bệnh tật đều do ảnh hưởng xấu của thần dữ, đối nghịch với sự thánh thiện của Chúa.

Từ lâu, người ta luôn đặt câu hỏi về ma quỷ và những chuyện ma quỷ. Có biết bao tranh ảnh vẽ về ma quỷ, ngay cả trong các tác phẩm điêu khắc miêu tả ngày tận thế. Nhiều người trong chúng ta chắc đã từng thấy bức họa miêu tả con quỷ đen có sừng và đuôi dài, đang cố gắng kéo những người hấp hối xuống địa ngục. Nhiều phim kể chuyện ma quỷ như là cách diễn tả sự lo sợ nào đó của xã hội hiện đại, cũng như thích đề cập đến khoa huyền bí, những hiện tượng tâm lý, tâm thần khó giải thích được. Ta cũng nhận thấy càng ngày càng có nhiều người tự cho mình bị yểm bùa, bị mê hoặc và đang chạy tìm những thầy giải bùa yểm hoặc giải mê.

Hiện nay, rất nhiều Kitô hữu không chấp nhận việc giải thích sự dữ và điều ác trong thế gian bằng sự hiện hữu của ma quỷ. Họ không tin vào thực tại của Satan và nghĩ rằng những chuyện quỷ ám được kể trong Tin Mừng có thể được giải thích bằng những kiến thức khoa học về tâm thần. Những người khác lại cho rằng mưu mẹo lớn nhất của ma quỷ là làm cho mọi người tin rằng nó không hiện hữu.

Vậy ma quỷ là ai? Theo các giáo huấn của Giáo Hội:

1. Ma quỷ không được coi là một thế lực ngang hàng với Chúa, nghĩa là ma quỷ không được coi là một nguyên tắc điều ác, đối nghịch với Thiên Chúa, nguyên tắc điều thiện. Ma quỷ thuộc về thực tại vô hình và giới hạn về quyền lực.

2. Ma quỷ quyến rũ, cám dỗ, gian dối, chia rẽ, nhưng con người vẫn tự do với quyết định của mình.

Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tái khẳng định đức tin Kitô giáo vào sự hiện hữu của ma quỷ hoặc thần dữ như sau: “Ðó là kẻ thù bí ẩn gieo sai lầm và tai họa trong lịch sử loài người... Ta có thể nói rằng hành động ác hại của nó diễn ra nơi nào mà người ta từ chối Thiên Chúa một cách triệt để, tinh tế và phi lý, nơi nào mà sự gian dối chống đối lại mạnh mẽ với sự thật hiển nhiên, nơi nào mà tình yêu bị dập tắt bởi tính ích kỷ lạnh lùng và ác liệt, nơi nào mà Ðức Kitô là đối tượng của sự căm thù một cách có ý thức (x. 1 Cr 12, 3), nơi nào mà tinh thần của Tin Mừng bị xuyên tạc và phủ nhận, nơi nào mà sự tuyệt vọng là viễn cảnh duy nhất...”

Như thế, quan niệm đúng đắn về ma quỷ dựa trên những tiêu chuẩn sau đây:
1. Ma quỷ không phải là những rối loạn tâm thần, không phải là điều ác một cách tổng quát, càng không phải là những hình ảnh khiếp sợ trong văn chương và điện ảnh;
2. Ma quỷ cũng không phải là phản ảnh của tinh thần;
3. Ma quỷ là một thực tại vô hình, biểu tượng của quyền lực ác thần đang hoạt động trên thế giới.

Mặc dù khoa học hiện đại tìm ra những nguyên nhân vật lý và tâm lý trong cái đau, cái xấu của con người, qua kinh nghiệm, con người vẫn còn đụng bức tường bí ẩn của sự Dữ, hiện thực, cụ thể, nhưng vượt trên lý lẽ của con người.

Chúa Giêsu không xuống trần gian để mặc khải nguồn gốc và bản chất của sự Dữ. Nhưng khi đương đầu với nó, Người tỏ cho thấy quyền năng của Thiên Chúa khi giải thoát con người khỏi mọi điều ác hại về mặt thể lý, tâm lý cũng như về tinh thần. Thần dữ làm cho con người day dứt, ngăn cản con người trở thành người. Còn Chúa đến để khôi phục con người trong phẩm giá và trong sự tự do. Qua việc Chúa Giêsu trừ quỷ, trục xuất thần ô uế, các Kitô hữu tiên khởi nhận ra những hành vi giải thoát khỏi mọi hình thức của sự Dữ và sự Chết mà Ðức Kitô đã chiến thắng triệt để, qua cái chết và sự phục sinh của Người.

Chúa Giêsu, qua những việc Người làm, muốn nói với chúng ta rằng Thiên Chúa luôn ở với chúng ta trong cuộc đấu tranh chống lại tất cả những gì làm tê liệt và làm giảm giá trị con người, đẩy con người xa Thiên Chúa và không còn tin vào tình yêu cứu độ của Người. Việc liên kết với Chúa giúp chúng ta can đảm đón nhận những đau khổ như một phần tất yếu của cuộc sống, và không sợ khi phải đối diện với sự dữ, vì Chúa Giêsu đã khẳng định: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).



Audio player

--->DOWNLOAD<---