CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG
NIÊN
NĂM B

BÀI ĐỌC 1 : Is 50,5-9a

5 Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. 6 Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. 7 Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.8 Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên. Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi! 9 Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội ?

ĐÁP CA : Tv 114

Đ. 9 Tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời
trong cõi đất dành cho kẻ sống
.

1 Lòng tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi khẩn nài, 2 Người lại lắng tai ngày tôi kêu cứu.

3 Dây tử thần đã bủa vây tôi chằng chịt, lưới âm ty chụp xuống trên mình.4 Gặp gian truân sầu khổ, tôi đã kêu cầu danh Chúa: "Ôi lạy Chúa, xin cứu gỡ mạng con! "

5 Chúa là Đấng nhân từ chính trực, Thiên Chúa chúng ta một dạ xót thương, 6 hằng gìn giữ những ai bé mọn, tôi yếu đuối, Người đã cứu tôi.

8 Chúa cứu gỡ mạng tôi khỏi chết, giữ mắt này chẳng còn đẫm lệ, ngăn ngừa tôi khỏi phải hụt chân. 9 Tôi sẽ bước đi trước mặt Người trong cõi đất dành cho kẻ sống.

BÀI ĐỌC 2 : Gc 2,14-18

14 Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng?15 Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày,16 mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?

17 Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.18 Đàng khác, có người sẽ bảo: "Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin.

TUNG HÔ TIN MỪNG : Gl 6,14

Hall-Hall : Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian. Hall.

TIN MỪNG : Mc 8,27-35

Một hôm, 27 Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai? "28 Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó."29 Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phê-rô trả lời: "Thầy là Đấng Ki-tô." 30 Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.

31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: "Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."

34 Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

QUA ĐAU KHỔ ĐẾN VINH QUANG

Đọc Tin Mừng của Mác-cô, lời rao giảng tiên khởi của Hội Thánh về cuộc đời công khai mở đầu và kết thúc đời phục vụ của Đức Giê-su, được tác giả ghi lại rất khéo léo với hai mệnh đề mang cùng một ý nghĩa :

-Mệnh đề mở đầu khởi xướng cuộc đời công khai của Đức Giê-su, ông Mác-cô ghi : “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1)

-Mệnh đề kết thúc cuộc đời rao giảng của Đức Giê-su, được kẻ ngoại giáo tuyên xưng đức tin : “Người này đích thực là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).

Như thế Đức Giê-su suốt đời phục vụ trong gian khổ cho đến chết, để diễn tả cuộc đời Con Thiên Chúa làm người. Vì vậy mà qua lăng kính Con Thiên Chúa chịu Tử Nạn và Phục Sinh, cho ta đọc được 10 giá trị của đau khổ :

1- Đau khổ là nền tảng hạnh phúc chân thật.

Một người muốn đoạt giải cuộc thi, họ chỉ thật sự được hạnh phúc khi trải qua chuỗi ngày luyện tập gian khổ. Bởi đó :

-Không đổ máu không có ơn cứu độ ! (Dt 9,22)
-Đức Ki-tô phải chịu đau khổ trước khi bước vào vinh quang của Ngài (Lc 24,26).

Thế mà trong một xã hội có nhiều kẻ cầm quyền vô học thức, bỏ tiền mua bằng cấp che mắt người đời, không ai nhìn thấy cách làm việc vụng về của mình mà lại thấy hãnh diện !

2- Đau khổ là mầm phát sinh sự sống.

Bông hoa tươi giá trị hơn hoa giả, vì hoa giả không có sự chết (sự dữ). Cuộc đời người Ki-tô hữu hơn người khác hệ tại ở chỗ biết chuẩn bị cái chết như Đức Giê-su : “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, nó mới sinh nhiều bông hạt khác !” (Ga 12,24)

3- Đau khổ dấu chỉ đỉnh cao của tình yêu.

Việc gì ta làm cho ai mà không cảm thấy mình bị quấy rầy, bị thiệt thòi, thì không phải là yêu. Việc mình làm giá trị gia tăng theo khổ đau mình phục vụ. Đức Giê-su nói : “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của một người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13).

4- Đau khổ minh chứng giá trị chân lý.

Các Tông Đồ rao giảng về Đức Giê-su đã chết và sống lại, để ai tin vào Ngài thì được cứu độ. Nếu các Tông Đồ chỉ tìm dịp thuận tiện, không gây khó cho mình mới rao giảng, thì chẳng ai tin!

Trong thực tế, vì phục vụ Tin Mừng, các ông chấp nhận ra tù vào khám như cơm bữa, mất mạng cũng không sợ, đến nỗi các ông trả lời với quyền bính cấm các ông giảng : “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Và như thế, ông Tertuliano nói : “Máu các thánh Tử Đạo là hạt giống phát sinh các Ki-tô hữu”.

5- Chịu đau khổ là cách yêu Chúa nhất để cộng tác với Ngài làm hoàn hảo công trình cứu độ loài người.


Lúc ông La-da-rô lâm bệnh trong tình trạng nguy tử, người ta không đến thưa với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, người yêu Thầy đau !” Mà người ta nói : “Thưa Thầy, người Thầy yêu đau !” (Ga 11,3) Lời này có ý nhấn mạnh : Ai được Chúa yêu người đó phải chấp nhận đau, bởi vì có đau khổ như Đức Giê-su, thì mới được nên một của lễ với Ngài, như lời thánh Phao-lô nói : “Tôi vui sướng trong các nỗi thống khổ vì anh em, và trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Đức Ki-tô phải chịu, vì thân mình Ngài là Hội Thánh” (Cl 1,24).

Xưa Thiên Chúa bảo ông Mô-sê lấy gậy đập vào tảng đá để có nước cho dân uống, ông đã lấy gậy đập vào tảng đá hai lần, nước mới vọt ra cho dân (x Ds 20,11). Thánh Phao-lô xác nhận : Tảng đá đó là Đức Ki-tô (x 2Cr 10,4).

Và Đức Giê-su khi chọn gọi ông Si-mon, Ngài cũng đổi tên ông là Phê-rô (x Mt 16,17-18 ; 21,42). Như thế, xưa tảng đá bị đập hai lần, đó là dấu chỉ Đức Giê-su và Phê-rô (Hội Thánh) đều bị người ta đập, từ đó phát sinh ra “nước hằng sống” nuôi muôn dân.

6- Đau khổ vì được Thiên Chúa là Cha huấn luyện con.


Thánh Tông Đồ xác tín về vấn đề này như sau :
CChúng ta có Cha trần thế sửa dạy mà chúng ta vẫn tôn kính, thì chúng ta lại càng tùng phục Cha trên trời để được sống. Cha trần thế sửa dạy chúng ta trong một thời gian ngắn và theo sở thích của mình, còn Thiên Chúa sửa dạy là vì lợi ích của chúng ta, để chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Người. Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú, mà chỉ thấy buồn phiền, nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính” (Dt 12,9-11).

CChúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt!” (Dt 12,6)

CDầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ, mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8).

7- Đau khổ là dịp để đền tội, đó là cái thắng tốt!


Tội nào ta phạm cũng tác hại cả đến môi trường sống, cụ thể nguyên tổ A-đam, E-và sau khi phạm tội, thì vườn Địa đàng họ đang sống, tức khắc có gai góc mọc lên (x St 3,18-19), và tội nào ta phạm cũng xúc phạm đến Chúa, đến tha nhân và bản thân (x Lc 15,11t).

Vậy gai góc mọc lên, con hoang đàng bị đói khổ, tất cả là cái thắng, là cái roi đòn Chúa dùng để cảnh tỉnh trở về với chân lý, không còn tiếp tục nán trong tội lỗi.

Một chiếc xe chạy tốt, nó phải có máy tốt và thắng tốt. Hai bộ phận phản đề này cần thiết cho xe chạy an toàn. Thiếu một trong hai, xe vô dụng. Nhất là xe không có thắng, ta ngồi lên là chết sớm ! Thành công là cái máy, đau khổ, thất bại là cái thắng, cần có nơi mỗi người để họ sống tốt.

8- Đau khổ ta phải chịu là dấu ta được nên giống Đức Giê-su trên đường phục vụ .


Thánh Phê-rô nói : “Anh em làm lành mà phải khổ, và anh em đành chịu, điều ấy là một ân sủng trước mặt Thiên Chúa. Bởi chưng Đức Ki-tô cũng đã chịu nạn chịu chết vì anh em, trối lại cho anh em một gương mẫu, ngõ hầu anh em dõi vết chân Ngài” (1Pr 2,20-21)

9- Đau khổ kích thích phát sinh tài năng Chúa ban.


-Đi bộ thấy khổ, người ta sáng chế ra xe đạp, xe đạp còn chậm, người ta sáng chế xe hơi, xe hơi kẹt đường, người ta sáng chế máy bay.
-Xa nhau thấy khổ, người ta sáng chế máy truyền tin, điện thoại, truyền hình, vi tính v.v…
-Bệnh tật là khổ, y học khám phá và phát minh nhiều cách chữa trị.

Nói tóm lại, con người không chịu bó tay chờ chết trước nỗi thống khổ. Nhưng nhờ có đau khổ, trở nên mầm phát sinh sáng kiến, trổ tài, thậm chí nhiều kẻ quá tin vào tiến bộ khoa học kỹ thuật, sinh ra kiêu ngạo, họ tưởng có ngày sẽ thay thế Thiên Chúa !

10- Qua đau khổ, Thiên Chúa bày tỏ tính toàn năng của Ngài.


Người ta thắc mắc hỏi Đức Giê-su về tình trạng anh mù từ thuở mới sinh : “Bởi tội nó hay bởi tội cha mẹ nó mà nó sinh ra bị mù?” Đức Giê-su trả lời ngay : “Không phải tội ai, nhưng đó để công việc của Thiên Chúa được tỏ hiện” (Ga 9,3).

Lời tuyên xưng đức tin của Hội Thánh trong kinh Tin Kính : “Thiên Chúa toàn năng”. Ngài chỉ tỏ ra toàn năng khi :
-Biến dữ ra lành (x Lc 23,43).
-Chết ra sống (x Ga 11,25).
-Yếu ra mạnh (x 2Cr 12,9).
-Tội ra ơn (x Rm 5,20).
-Điên thành khôn (x 1Cr 1,18-25).
-Không ra có (x St 1).
-Nghèo ra giàu (x Lc 1,53 ; 1Sm 2,7)
……..

Chính vì 10 giá trị đau khổ như trên, mà Chúa dùng miệng ngôn sứ I-sai-a báo trước về ngày Đấng Ki-tô xuất hiện, Ngài qua đau khổ để cứu loài người : “Trước gian khổ, Ngài không tháo chạy, Ngài đưa lưng cho kẻ đánh đập, Ngài chìa má cho kẻ giật râu, Ngài không giấu mặt, không tránh khạc nhổ vào mặt ! Ngài trơ mặt như đá…!” (Is 50,5t : Bài đọc I).Ngài đúng là người “chịu đấm ăn xôi”.

Trước ngày Chúa Giê-su phục sinh, ông Phê-rô tưởng lầm Ngài bị khổ là do dấu Chúa Cha không thương ! Ông liền bị Chúa liệt vào hàng ngũ sa-tan, và Ngài đẩy ông lui lại đằng sau ! (x Mt 16,22-23)

Nhưng sau khi ông được chứng kiến sự Phục Sinh vinh hiển của Thầy Giê-su, ông mới ngộ ra rằng : “Thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý Chúa, còn hơn là vì làm điều ác, bởi đã rập theo khuôn mẫu của Đức Ki-tô !” (1Pr 3,17-18)

Thánh Gia-cô-bê đòi hỏi đức tin phải có việc làm, đức tin không có việc làm là đức tin chết ! (x Gc 2,17 : Bài đọc II) Thì chính ông Phê-rô đã chuộc tội mình cản Thầy Giê-su đi chịu chết, bằng cách ông xin lý hình đóng đinh ông trên thập giá ngược với Thầy là lộn đầu xuống đất ! Qua cái chết ấy, ông Phê-rô mới thực sự đáp ứng đòi hỏi của Đức Giê-su : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống người ấy” (Mc 8,34-35 : Tin Mừng). Đó là cách tuyên xưng đức tin bằng việc làm của ông Phê-rô, để ông có thể giới thiệu Đức Ki-tô với thế giới : “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể, mà đưa lên cây thập giá,để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương, mà anh em đã được chữa lành !” (1Pr 2,24)

Ngày nay, có phong trào đặt tay xin ơn Chúa Thánh Thần nói tiếng lạ, chữa lành bệnh, nhiều người cho đó là đặc sủng Thiên Chúa ban. Nhưng ta hãy coi chừng ! Đành rằng chính Đức Giê-su đã chữa lành nhiều bệnh nhân, và Ngài còn ban quyền cho các môn đệ, cũng làm được như Ngài (x Mt 10,1). Vậy việc chữa lành bệnh bản chất nó là việc lành, nhưng Chúa dùng nó làm dấu chỉ ơn cứu linh hồn người ta thoát tội, thóat tử thần, để những ai được Ngài chữa lành, họ phải thăng tiến về đời sống đức tin, cụ thể nhất họ phải ham mê nghe Lời Chúa và năng dự tiệc Thánh Thể, đó là ý nghĩa Chúa làm phép lạ chữa lành bệnh thân xác người ta. Còn nếu chỉ đi tìm phép lạ, được ơn chữa lành bệnh, mới tin theo Chúa, thì Ngài không tín nhiệm những kẻ như thế ! (x Mc 1,32-39 ; Ga 6,22-31 ; Ga 2,23-24)

Chúng ta lại biết Chúa đã ấn định về số phận con người ai ai cũng phải trải qua : “Sinh, bệnh, lão, tử”, đó là quy luật tất yếu, xem ra Chúa cho ta ra đời là chịu khổ. Nhưng đó là ý định của Thiên Chúa muốn con người từ bất toàn dần dần Chúa làm cho họ được trở nên thụ tạo hoàn hảo trong thời cánh chung. Vậy nếu ta cứ nghĩ là ngày nào Chúa cho ta hết khổ là Chúa mới thương ta, còn khổ là Chúa ghét ta, thì ta đã đi vào vết chân sai lầm của ông Phê-rô khi ông cản Thầy Giê-su : “Thầy chớ để như thế, vì đó là dấu Chúa không thương !” Tức khắc, ông bị Chúa xua đuổi, và Chúa bảo : “Tư tưởng như thế là của sa-tan” (Mt 16,21-23).

Thánh Tô-ma Tiến sĩ nói : “Mỗi vấn đề phải được giải quyết trong lãnh vực của nó”. Lãnh vực bệnh tật phải giải quyết nhờ thầy thuốc, nhờ dùng thuốc. Làm cách này mà bệnh không thuyên giảm, thì mới xin lãnh Bí tích Xức Dầu, là Bí tích có ơn đặc thù làm cho thân xác khỏe mạnh lại, nếu đó là đẹp lòng Chúa. Chứ đừng khi nào đau ốm mà chỉ cầu nguyện rồi phó thác cho Chúa, bắt Chúa phải chữa lành bệnh !

Lịch sử dân theo Chúa đã chứng minh rằng : Ông Giosua thủ lãnh dân Do-thái hỏi ý kiến toàn dân : “Anh em thờ Chúa hay theo dân ngoại mà thờ các thần khác ?” Dân đáp lại : “Ông nói gở, làm sao chúng tôi quên bao nhiêu phép lạ, đặc biệt từ khi bỏ Ai-cập về đất Chúa hứa, Ngài đã ra tay uy quyền cứu gỡ chúng tôi khỏi tay kẻ ác, và hằng ban cho chúng tôi man-na, chim cút, nước uống, dùng đủ hằng ngày, trong khi đó chúng tôi chẳng phải làm lụng gì ” (x Gs 24), thế nhưng khi họ nghe Đức Giê-su giảng về bánh hằng sống, thì họ chê bai Ngài ăn nói thô lỗ tục tằn, và họ kéo nhau bỏ Ngài đi hết, trong đó có nhiều môn đệ của Đức Giê-su (x Ga 6,60-69). Thế thì người ta thề không bỏ Chúa, khi người ta được phép lạ như ý họ muốn, còn khi Chúa ban cho họ một quà tặng cao quý nhất, một phép lạ vĩ đại nhất là ăn Mình và Máu Thánh Ngài, thì họ không chấp nhận ! Họ quay lưng và đi theo các thần vật chất mà họ hằng tin tưởng ! Đó cũng là lý do Đức Giê-su không tín nhiệm nhiều người đến Giê-ru-sa-lem đã tin vào Đức Giê-su vì họ thán phục những phép lạ Ngài làm (x Ga 2,23-25).

Ta biết rằng, những đặc sủng Chúa ban chỉ được gọi là ơn của Chúa Thánh Thần, khi đặc sủng ấy có giá trị xây dựng cộng đoàn (x 1Cr 12,7). Do đó điều gì không xây dựng cộng đoàn, thì không phải là đặc sủng Chúa Thánh Thần ban. Thế thì có người tự nhận mình được ơn Thánh Thần : Mắt trợn lên, miệng lẩm bẩm nói, người run lên như điện giật, thì xây dựng cái gì ?! Sách Tông Đồ Công vụ có ghi rằng : Chúa Thánh Thần ban cho có người nói tiếng lạ, nhưng tiếng lạ đó phải như ông Phê-rô khi giảng Lời Chúa bằng tiếng Do-thái trước mặt một đoàn người đông gồm 16 sắc tộc nói các thứ tiếng khác nhau, mà ai cũng hiểu được giáo lý của ông Phê-rô giảng, họ nghe như Phê-rô nói tiếng bản xứ của họ, nên hôm đó họ tin vào lời giảng của ông, có được 3.000 người xin Phê-rô làm Phép Rửa để được thuộc về Chúa Giê-su (x Cv 2). Tiếng lạ như thế mới xây dựng con người và đó mới là đặc sủng của Chúa Thánh Thần ban.

Vậy Chúa muốn mọi người phải sống đức tin như ông Gióp, ông là người giàu nhất không ai sánh bằng, mười đứa con của ông khỏe mạnh, thông minh và ngoan ngoãn nhất. Thế mà chỉ nội một ngày, Chúa cho phép sa-tan cướp hết tài sản của ông, con cái đang ăn uống với nhau trong một căn nhà, quỷ thổi một luồng gió giật sập nhà chôn sống mười người con của ông ! Thế mà ông Gióp ngửa mặt lên thưa với Chúa : “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho, nay Chúa lấy lại, con xin chúc tụng danh Ngài !” (G 1,21b)

Cầu nguyện : (Tv 115/114,1-6.8-9)

Lòng tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi khẩn nài, Người lại lắng tai ngày tôi kêu cứu. Dây tử thần đã bủa vây tôi chằng chịt, lưới âm ty chụp xuống trên mình.Gặp gian truân sầu khổ, tôi đã kêu cầu danh Chúa: "Ôi lạy Chúa, xin cứu gỡ mạng con! " Chúa là Đấng nhân từ chính trực, Thiên Chúa chúng ta một dạ xót thương, hằng gìn giữ những ai bé mọn, tôi yếu đuối, Người đã cứu tôi.Chúa cứu gỡ mạng tôi khỏi chết, giữ mắt này chẳng còn đẫm lệ, ngăn ngừa tôi khỏi phải hụt chân. Tôi sẽ bước đi trước mặt Người trong cõi đất dành cho kẻ sống.

Tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời, trong cõi đất dành cho kẻ sống.

THUỘC LÒNG

* Tôi vui sướng trong các nỗi thống khổ vì anh em, và trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Đức Ki-tô phải chịu, vì thân mình Ngài là Hội Thánh (Cl 1,24).

* Con ơi, đừng coi nhẹ Lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con, thì Người mới cho roi cho vọt ! (Dt 12,5-6)

Lm. Đinh Quang Thịnh