|
Chương II
CHỨNG NGHIỆM
ĐOÀN SỦNG TRONG GIÁO HỘI
Từ lâu, trước khi trở thành một tín điều trong
kinh Tin Kính, Thánh Thần đã là một thực thể sống động
trong chứng nghiệm của Giáo Hội nguyên thủy. Edouard Schweitzer
Tới đây, chúng ta đã thấy được sự hòa hợp giữa hai chiều kích của Giáo Hội: chiều kích định che và chiều kích đoàn sủng. Bây giờ chúng ta nghiên cứu sâu hơn chiều kích đoàn sủng của Giáo Hội theo như lịch sử Giáo Hội đã ghi lại kể từ thời Giáo Hội sơ khai đến Công Đồng Vatican II.
1. THÁNH THẦN LINH HOẠT GIÁO HỘI THỜI SƠ KHAI
Như chúng ta đã nói, những biểu lộ của Thánh Thần hay đoàn sủng là những ân huệ của Thánh Thần mà người ta có thể nhìn thấy được và có mục đích phục vụ cộng đoàn để xây dựng nước Thiên Chúa.
Các đoàn sủng này bùng lên như những ánh hào quang lúc hừng đông vào sáng ngày lễ Hiện Xuống. Chúng xuất hiện trong từng trang lịch sử của Giáo Hội nguyên thủy. Đọc qua sách Công Vụ Tông Đồ là thấy đầy những đoàn sủng. Chúng ta chọn tác phẩm được linh ứng này không phải để gán cho nó một giá trị ưu tiên. Chúng ta biết rằng cần phải đọc sách Công Vụ dưới ánh sáng của những nguồn khác chứ không ngược lại. Tuy nhiên những gương cụ thể mà Thánh Lu-ca ghi lại cho chúng ta những ấn tượng đặc biệt.
Ngay ở trang đầu tiên, Thánh Thần thị hiện một cách thật bất ngờ thậm chí gây hoang mang. Ngài ra tay can thiệp biết bao lần, thật bất ngờ và nhanh như chớp. Rõ ràng chính Ngài sắp xếp mọi sự, dấy lên sức sống nơi các Tông Đồ và cộng đồng tín hữu. Ngài can thiệp đến tận chi tiết cuộc sống hàng ngày của Giáo Hội, giúp Giáo Hội lan rộng trong đế quốc Rô-ma, tới mức độ có thể nói rằng sách Công Vụ Tông Đồ là quyển Tin Mừng thứ năm: Tin Mừng của Thánh Thần.
Ngay khi rời khỏi Nhà Hội vào sáng ngày lễ Thánh Thần, lập tức Phêrô nhắc lại việc Thánh Thần tuôn đổ xuống một cách kỳ diệu đúng như ngôn sứ Giô-en đã tiên báo:
«Thiên Chúa phán: trong những ngày cuối cùng
Ta sẽ đổ Thánh Thần ta trên hết thảy người phàm
Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ
Thanh niên sẽ thấy thị kiến
Bô lão sẽ được báo mộng
Và ta cũng sẽ đổ Thánh Thần của ta
trên cả tôi nam tớ nữ của ta …
Trước khi ngày Đức Chúa đến.
Ngày vĩ đại vinh quang» (Cv 2,16-20, Ge 3,1-5)
Thời gian chúng ta chờ đợi ngày quang lâm để được thấy trọn vẹn uy quyền của Thiên Chúa là thời gian Thánh Thần hoạt động. Người ta cảm nhận được Ngài trong từng trang của sách Công Vụ. Ngài hiện diện và hoạt động hơn cả những nhân vật được nêu tên tuổi và việc làm của họ. Người ta nói về Thánh Thần như nói đến một sự hiện diện thân thương và an lành. Cả những khi thánh Lu-ca không nêu danh Ngài, ta vẫn nhận ra Ngài hiện diện và toả chiếu trong từng trang sách thánh. Ngài xếp đặt và âm thầm kết dệt nên toàn cảnh công cuộc tông đồ.
Chính Thánh Thần gợi ý cho các Tông Đồ những điều phải nói trước Đại Công Nghị Do Thái, trước các quan Tổng Trấn hoặc Tổng Đốc của Rô-ma cũng như trong những bài thuyết giảng hằng ngày: «Tôi nói, tôi giảng, chẳng dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn mà chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thánh Thần và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa» (1Cr 2,4-5).
Chính Ngài linh ứng những hành vi tông đồ táo bạo: «Thánh Thần nói với ông Phi-líp-phê: Tiến lên đuổi kịp xe đó» (Cv 8,29).
Và sau đó «Khi hai ông lên khỏi nước, Thánh Thần Chúa đem ông Phi-líp-phê đi mất và viên thái giám không còn thấy ông nữa» (Cv 8,39).
Thánh Thần là sức mạnh của các vị tử đạo: «Được đầy ơn Thánh Thần, Tê-pha-nô đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa» (Cv 7,55).
Chính Thánh Thần dẫn Phêrô tới nhà Cor-nê-li-ô: «Ông Phêrô vẫn còn phân vân về thị kiến thì Thánh Thần bảo ông: Kìa có ba người đang tìm ngươi. Đứng lên, xuống mà đi với họ, đừng ngần ngại gì, vì chính ta sai họ đến» (Cv 10,19-20).
Chính Thánh Thần đã chọn lựa các Tông Đồ: «Một hôm đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay thì Thánh Thần phán bảo: “Hãy dành riêng Ba-na-ba và Sao-lô cho Ta để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm”». (Cv 13,2).
Thánh Thần là niềm vui và sự an tâm của những người bị bách hại: «Những người Do Thái sách động nhóm phụ nữ thượng lưu đã theo đạo Do Thái và những thân hào trong thành, xúi giục họ ngược đãi ông Phaolô và ông Ba-na-ba và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ … Về phần các môn đệ họ được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần» (Cv 13,50-52).
Thánh Thần chủ tọa những cuộc họp quyết định tương lai của Giáo Hội sơ khai. Khi đưa ra các chỉ thị, các Tông Đồ thường nói: «Thánh Thần và chúng tôi quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này…» (Cv 15,28).
Thánh Thần còn vạch đường chỉ lối, dẫn dắt và ngăn giữ các Tông Đồ: «Các ông đi qua miền Phy-gi-a và Ga-lát vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở Tiểu Á. Khi tới sát ranh giới My-xi-a, các ông thử vào miền Bi-thy-ni-a, nhưng Thánh Thần Đức Giêsu không cho phép» (Cv 16,6-7).
Đặc biệt, chính Thánh Thần là đấng chỉ đạo hành động truyền giáo của Thánh Phaolô: «Giờ đây, bị Thánh Thần trói buộc, tôi về Giê-ru-sa-lem mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì…» (Cv 20,22-24).
Như thế, thực tế là Giáo Hội nguyên thủy đã diễn tả và sống đức tin của mình trong Thánh Thần.
2. THÁNH THẦN TUÔN ĐỔ CÁC ƠN
Thánh Thần thôi thúc Giáo Hội tiến trên các nẻo đường trần thế và làm cho Giáo Hội trở thành một Giáo Hội truyền giáo và Công Giáo.
Ngài cũng tạo nên sự hiệp nhất sống động trong Nhiệm Thể Đức Kitô, thánh hóa các Kitô hữu và tuôn đổ trên họ quyền lực của Ngài. Thánh Phaolô cho chúng ta thấy hành động hiện diện khắp nơi của Thánh Thần trong từng trang sách.
Chính Đức Giêsu đã từng báo trước rằng Thánh Thần mà Ngài gởi đến với các môn đệ sẽ tự biểu lộ cho họ qua những ân sủng và ân huệ lạ lùng đến nỗi các môn đệ sẽ làm được những việc to tát hơn Ngài, kể cả các phép lạ.
Các đoàn sủng bùng lên trong Giáo Hội nguyên thủy như những chồi non vào mùa xuân, chủ yếu là những biểu hiện đa dạng và hữu hình của một thực thể độc nhất: đó là sự sống của Thánh Thần tuôn trào vào tâm hồn các Kitô hữu.
Những ân huệ ấy được ban là để dựng xây Giáo Hội; chúng bổ sung lẫn nhau. Thánh Phaolô nhấn mạnh sự đồng quy của các ân huệ ấy trong bản văn nổi tiếng sau đây:
«Có nhiều đoàn sủng khác nhau nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều hoạt động khác nhau nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thánh Thần tỏ mình ra nơi mỗi người một cách là vì ích chung. Người thì được Thánh Thần ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thánh Thần ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thánh Thần ban cho lòng tin, kẻ thì cũng được chính Thánh Thần duy nhất ấy ban cho những đoàn sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri, kẻ thì được ơn phân định Thánh Thần, kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ, kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thánh Thần duy nhất ấy làm ra tất cả điều đó và phân chia cho mỗi ngươi mỗi cách, tuỳ theo ý của Người» (1Cr 12,4-11).
Thư thứ nhất của thánh Phaolô gởi tín hữu Cô-rin-tô chương 12 mà chúng ta vừa nêu, đi trước và chuẩn bị cho chương 13 là chương thánh Phaolô mô tả sự cao đẹp và tính ưu việt của Đức Ái5 là «điều duy nhất tồn tại mãi». Tuy nhiên, nếu Đức Ai ưu việt trên tất cả, nếu Đức Ái là mặt trời soi chiếu đời sống Kitô hữu mà Thánh Thần ban cho, thì ánh sáng của Đức Ai ấy vẫn không làm lu mờ ánh sáng của những vì sao xuất hiện trong đêm tối của chúng ta.
Chính vì thế Thánh Phaolô đề cập đến những đoàn sủng như ơn khôn ngoan trong lời nói và ơn hiểu biết để trình bày (1Cr 12,8), ơn đức tin (1Cr 12,9), ơn giảng dạy (Rm 12,7; 1Cr 12,28 tt; 14,26), ơn khuyên nhủ, ơn ủi an (Rm 12,8), ơn phục vụ (Rm 12,7), ơn suy xét (1Cr 12,10), ơn giúp đỡ và coi sóc (1Cr 12,28), v.v…
Như thế, trong tinh thần của Thánh Phaolô, Giáo Hội Đức Kitô không hề xuất lộ như một tổ chức thuần hành chánh. Giáo Hội là nhiệm thể Đức Kitô hằng sống, ngôi vị, sống động nhờ Thánh Thần.
3. CHỨNG NGHIỆM ĐOÀN SỦNG QUA CÁC THẾ KỶ
Ai đọc Thánh Kinh cũng đều thắc mắc: Tại sao lúc đầu đoàn sủng được ban dồi dào như thế rồi ngưng dần lại qua các thế kỷ? Thánh Gioan Kim Khẩu tự nêu lên câu hỏi ấy và gượng trả lời như sau: Giáo Hội nguyên thủy cần được ưu đãi như thế để tạo một cái đà cho việc truyền giáo. Tóm lại, đó là một tình trạng ngoại lệ. Trả lời như thế thì yếu và tỏ ra lúng túng. Thực ra hiện tượng đoàn sủng chưa bao giờ biến mất khỏi Giáo Hội vì Thánh Thần luôn trung kiên ở với Giáo Hội.
Vào cuối thế kỷ thứ hai, thánh I-rê-nê còn nhận thấy các đoàn sủng đặc biệt vẫn xuất hiện thường xuyên trong Giáo Hội như là những hiện tượng cộm nổi, ai cũng biết. Thánh nhân viết: «Nhiều anh em trong Giáo Hội được ơn tiên tri, nhờ Thánh Thần nói được đủ mọi thứ tiếng, nói ra những điều bí mật của nhiều người để sinh ích cho họ và để giải bày mầu nhiệm Thiên Chúa». (Adv. Haer. V.6,1)
Dần dần văn học tôn giáo trở nên cẩn trọng hơn với chủ đề này: trong cộng đoàn Giáo Hội, các biểu lộ của Thánh Thần ngày càng khó thấy hơn vì đức tin đã suy giảm, và ngày càng có nhiều người chỉ nhìn Kitô giáo dưới khía cạnh xã hội. Người ta không còn thấy Thánh Thần biểu lộ nhiều như trước. Tuy nhiên Thánh Thần vẫn còn biểu lộ một cách rõ ràng ở những nơi sống đức tin mãnh liệt, nghĩa là trong những môi trường hạn hẹp hơn của các đan sĩ nam nữ, đặc biệt trong môi trường của những vị sáng lập các dòng tu.
Ban đầu, đan tu quả thật là một phong trào đoàn sủng. Sự khổ hạnh mà phong trào này đề cao được xem như chiến thắng của Thánh Thần trên các thế lực tăm tối của thế gian, xác thịt và ma quỷ. Tất cả các áng văn trong các Truyện Tích Các Giáo-Phụ6 đầy dẫy những ơn tiên tri, ơn làm phép lạ, đặc biệt là ơn chữa bệnh. Đằng sau hình thức diễn tả bóng nổi và ngây thơ của thời đại lúc ấy, người ta cảm nhận được rằng các Kitô hữu những thế hệ xưa đã tin bằng một đức tin sống động và mạnh mẽ vào việc xức dầu để lãnh nhận Thánh Thần và vào các ơn huệ của Ngài.
Những đan sĩ đích thực được nhìn nhận như là những linh phụ có khả năng hướng dẫn kẻ khác trên con đường của Thánh Thần. Đặc biệt trong truyền thống phương Đông, dân Kitô giáo vẫn coi các đan sĩ là những người khôn ngoan hướng dẫn tâm linh, và họ tự nguyện đến tham vấn những vị ấy.
Bàn về chính các đoàn sủng, các tác giả sách thiêng liêng nhấn mạnh rằng người ta cần dùng trí tuệ cẩn thận suy xét và không bao giờ nên xem các ơn huệ là cùng đích mà là những phương tiện để thực hiện Đức Ái một cách tích cực hơn. Người ta không tranh cãi về sự hiện hữu của các ơn huệ ấy. Qua các thời đại, ngoài những thời kỳ phản ứng chống lại những lợi dụng của các giáo phái, hàng giáo phẩm luôn biểu lộ một thái độ nói chung là tích cực đối với vấn đề đoàn sủng. Các mục tử như thánh A-tha-na-si-ô hay thánh Ba-si-li-ô từng dựa vào các đan sĩ để ủng hộ công cuộc canh tân tôn giáo.
Vào thế kỷ 11, một đan sĩ nổi tiếng ở Cons-tan-ti-nô-pô-li là thánh Si-mê-on, được gọi là một thần học gia mới, đã lên tiếng bằng một lối nói đầy tính đoàn sủng. Đối với thánh nhân, lễ Hiện Xuống luôn luôn hiện thực, chính Thánh Thần nối kết chúng ta với Đức Kitô và dẫn chúng ta tới Chúa Cha, sau khi nhờ lòng ăn năn chúng ta đến được ánh sáng của Thánh Thần trong tâm hồn. Theo thánh nhân, chỉ những ai cảm nghiệm được Thánh Thần mới có thể thực sự hướng dẫn kẻ khác, dù người đó có là giáo dân hay không.
Mặc dù ở phương Tây truyền thống Thánh Thần ít được nhấn mạnh hơn, nhưng niềm tin vào Thánh Thần cũng vẫn sống động, đặc biệt trong đời sống các vị sáng lập dòng và đời sống các thánh nhân. Thánh Ignatiô Loyola, và nhiều vị khác, từng viết những trang sách về linh thao. Trước và sau thánh Ignatiô, có các thần học gia và các tác giả sách thiêng liêng khác đã phân tích các ơn huệ và hướng dẫn cách sử dụng những ơn ấy. Thánh Gio-an Thánh Giá và Thánh nữ Tê-rê-xa ở A-vi-la có thể quan niệm khác nhau về vai trò của ơn được an ủi hay những biểu hiện khả giác của đời sống tâm linh -Thánh Tê-rê-xa quan niệm một Kitô giáo gần với tâm tình bình dị của con người hơn thánh Gio-an Thánh Giá- nhưng cả hai đều chứng nghiệm về Thiên Chúa hết sức sâu xa.
Để thấy được rằng các đoàn sủng phi thường vẫn còn hiện diện tới ngày hôm nay, nên đọc lại cuộc đời các vị thánh gần gũi chúng ta hơn. Đọc lại kỹ lưỡng cuộc đời các vị thánh – chẳng hạn Cha Sở giáo xứ Ars, thánh Don Bosco và bao vị khác – giúp chúng ta thấy các đoàn sủng xuất hiện là sự kiện không thể chối cãi được: ơn suy xét, ơn tiên tri, ơn chữa bệnh… Như vậy, người ta không thể quả quyết rằng các đoàn sủng chỉ là hiện tượng xa xưa.
4. SỰ PHỤC HỒI TẠI CÔNG ĐỒNG
Đối với đoàn sủng, Công Đồng luôn có thái độ đón nhận và cởi mở. Trong một đoạn văn rất quân bình, Công Đồng dù rất cẩn trọng đã nhìn nhận tầm quan trọng luôn luôn hiện thực của đoàn sủng. Chúng tôi mạo muội thêm rằng: hiện thực hơn bao giờ hết.
Sau đây là hai đoạn văn căn bản của Công Đồng:
1. Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 12:
«Hơn nữa, cũng chính Thánh Thần ấy, không chỉ thánh hóa và hường dẫn dân Thiên Chúa bằng các bí tích, các thừa tác vụ và trang bị họ bằng các nhân đức, nhưng Ngài còn ban phát ân sủng đặc biệt cho mọi cấp bực các tín hữu “phân chia ân huệ cho mỗi người theo ý Ngài ” (1Cr 12,1), khiến người lãnh nhận ân sủng ấy có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo Hội như lời chép rằng: “Thánh Thần hiện diện trong mỗi người hầu mang lại lợi ích” (1Cr,12,7). Phải lãnh nhận những đoàn sủng này, từ các ơn chói lọi nhất đến các ơn thường mà nhiều người lãnh được, với lòng tri ân và yên ủi vì các ơn đó mang ích lợi và phù hợp với nhu cầu của Giáo Hội. Nhưng không nên liều lĩnh kêu nài những ơn đặc biệt và cũng đừng vì đó mà tự đắc mong rằng việc tông đồ sinh kết quả. Những vị thủ lãnh trong Giáo Hội có thẩm quyền phán quyết về tính cách chân chính và sự sử dụng hợp lý các ơn lạ ấy; Các ngài có nhiệm vụ đặc biệt phải khảo sát tất cả không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để trắc nghiệm và giữ lại những điều thiện hảo» (xem 1Tx 5,12 và 19-21).
2. Giáo huấn ấy cũng được đưa ra trong sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, chương 3:
«Để thể hiện việc tông đồ này, Thánh Thần thánh hóa dân Chúa qua tác vụ và các bí tích. Ngài cũng ban cho các tín hữu những ơn đặc biệt (xem 1Cr 12,7), “Phân phát những ơn đó cho mọi người tuỳ ý Ngài ” (1Cr 12,11) để “mỗi người tuỳ theo ơn đã nhận mà giúp đỡ nhau” và chính họ trở nên như những người quản lý trung tín giữ mọi thứ ơn của Thiên Chúa (1Pr 4,10) hầu xây dựng toàn thân trong đức ái (x. Ep 4,16). Do sự đón nhận những đoàn sủng này dầu là những đoàn sủng thông thường, mỗi tín hữu có quyền lợi và bổn phận sử dụng những ơn đó trong Giáo Hội cũng như giữa trần gian để mưu ích cho mọi người và xây dựng Giáo Hội trong tự do của Thánh Thần, Đấng “muốn đâu thì thổi đến đó” (Ga 3,8) và đồng thời sử dụng trong sự hiệp thông với anh em trong Đức Kitô, nhất là với các vị chủ chăn của mình. Chính các Ngài có nhiệm vụ xét đoán về bản tính đích thực và việc sử dụng thích hợp những đoàn sủng đó, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để thử nghiệm mọi việc và điều nào tốt thì giữ lấy” (x.1Tx 5,12; 19,21)».
Công đồng nhắc nhở dân Chúa lưu tâm tới các đoàn sủng và kêu mời họ ý thức hơn về sự hiện diện thường xuyên và chủ động của Thánh Thần trong Giáo Hội. Công Đồng cũng thực hiện điều này nơi những văn kiện khác – có tới 252 chỗ bàn về Thánh Thần trong các tài liệu Công Đồng – nhưng đặc biệt hơn là trong những đoạn nói về cải cách phụng vụ được Công Đồng khởi xướng. Đáng chú ý là trong các công thức đổi mới của việc cử hành phụng vụ và bí tích, Giáo Hội đã đặt vai trò thánh hóa của Thánh Thần lên hàng đầu. Trong chương tiếp theo, chúng tôi mong muốn độc giả lưu tâm điểm này để nhận ra rõ ràng hơn nữa hoạt động của Thánh Thần giữa chúng ta. |
|