|
Chương VI Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN TRỌNG
CỦA CHỨNG NGHIỆM
Hơi thở Thánh Thần đã đến đánh thức các năng lực còn thiu ngủ trong Giáo Hội, dấy lên những đoàn sủng còn ẩn khuất để truyền ban sức sống và niềm vui vốn là bản sắc của tuổi xuân và nếp sống Giáo Hội qua mọi thời đại lịch sử. Lời chúc Giáng Sinh của Đức Phaolô VI gửi các Hồng y ngày 21-12-1973
Chứng nghiệm tôn giáo tôi vừa mô tả đặt ra cho tất cả các vị hữu trách trong Giáo Hội một vấn đề suy xét tế nhị. Trước tiên phải nghiên cứu, rồi sau đó thử xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của chính chứng nghiệm nầy.
1. HIỆN DIỆN VÀ SUY XÉT CẨN TRỌNG
Đối diện với một sự kiện gì khác lạ xảy đến, như một bất ngờ đến từ Chúa Thánh Thần, người ta có thể có nhiều thái độ khác nhau: hoặc đón nhận nhưng suy xét với tiền kiến thuận lợi, hoặc ngờ vực không chấp nhận, hoặc bồng bột hứng khởi quá mức.
Tại Công Đồng, người ta đã bàn thảo nhiều về bổn phận cắt nghĩa «các dấu chỉ thời đại», nghĩa là phải đọc được những mời gọi của Thiên Chúa qua các nhu cầu của con người. Không bao giờ được quên phận vụ cần thiết này. Nhưng còn có bổn phận đọc ra những dấu chỉ mà Thiên Chúa ghi trên bầu trời, bên ngoài bối cảnh lịch sử xã hội thông thường, như trường hợp ngôi sao ở Bêlem đã mời gọi các đạo sĩ lên đường tìm kiếm. Khi gặp sự can thiệp nào đó của Thiên Chúa, bổn phận đầu tiên của chúng ta là phải tự đặt mình trong tư thế sẵn sàng. Chúng ta hẳn biết trước rằng tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của chúng ta, và đường lối của Ngài không phải là đường lối của chúng ta (Is 55,8). Và chúng ta cũng tin rằng Thiên Chúa giàu xót thương, Ngài luôn xem sự khốn quẫn của chúng ta như lời kêu cứu đến Ngài. Vậy mà chưa bao giờ Giáo Hội bị khủng hoảng trầm trọng hơn bây giờ: dưới cái nhìn của con người thì cơ hồ như hết phương cứu chữa. Người ta không còn biết tìm giải cứu ở đâu ngoài Thiên Chúa: vì chỉ có ơn cứu độ nơi Danh Ngài.
Và giờ đây người ta thấy tái xuất hiện trên bầu trời Giáo Hội những biểu hiện của Thánh Thần, có vẻ tương tự như những biểu hiện mà các thế hệ Kitô giáo đầu tiên cảm nhận được. Sách Công Vụ Tông Đồ, các thư của Thánh Phaolô như mặc lại một sức sống mới, như thể Thiên Chúa đi vào vào lịch sử chúng ta thêm một lần nữa.
Trong câu văn được trưng dẫn ở đầu chương này, Đức Phaolô VI nói đến những năng lực đang thiu ngủ bỗng bừng dậy, những đoàn sủng đang ẩn tàng bỗng dấy lên. Cái nhìn của Ngài hẳn nhiên không chỉ giới hạn vào phong trào được gọi là đoàn sủng, nhưng những lời Ngài nói ra không phải được chọn lựa một cách vô tình.
Bản tính con người của chúng ta thường sợ Thiên Chúa can thiệp vào các công chuyện của mình, dù những công chuyện này đang có chiều hướng xấu đi. Chúng ta luôn chống lại bất cứ sự can thiệp nào đến từ bên ngoài như một nguy cơ bị vong thân. Chúng ta e sợ một sự khôn ngoan nào đó nằm ngoài khuôn khổ các luật lệ của chúng ta. Chỉ nghĩ đến việc Thiên Chúa can thiệp là chúng ta cảm thấy khó chịu. Chúng ta bỏ không thèm đọc những đoạn Kinh Thánh không phù hợp với cái khung tư tưởng của chúng ta; gần gũi với Thiên Chúa chỉ tổ làm chúng ta bất an. Chúng ta không thừa nhận sự gần gũi ấy mỗi khi nó mang một khuôn mặt quá cụ thể và làm đảo lộn nếp sống hàng ngày của chúng ta. Thế nhưng đúng ra chúng ta phải thật sự sợ mình không kịp thời nhận ra Thiên Chúa đang đến gần, sợ Ngài hẹn mà mình không gặp được, khi Ngài đến gõ cửa chúng ta.
Nếu có lãnh vực nào đó chúng ta cần đến huấn quyền – từng được thần học giải minh và được truyền thống và sự khôn ngoan từng trải xác thực – của Giáo Hội, thì đó chính là lãnh vực rộng lớn và tế nhị của đời sống tam linh. Một hôm tôi nghe có người định nghĩa chức giám mục là «đoàn sủng giúp phân định các đoàn sủng». Đây không chỉ là một định nghĩa mà còn là một lời mời gọi chúng ta gánh lấy trách nhiệm; không được lẩn tránh bổn phận phục vụ Giáo Hội nầy của mình.
Khi sự việc xảy đến, dù muốn hay không, các mục tử được mời gọi phải phát biểu ý kiến và đưa ra những hướng dẫn. Các ngài không nên tránh né bổn phận bằng chủ trương «đợi xem», vì nếu vắng chủ chăn, bầy chiên sẽ tan tác.. Chính chủ chăn chứ không phải bầy chiên phải chịu trách nhiệm về chuyện đi lạc này.
Đoàn sủng của các mục tử không phải là phản ứng tự động. Để đoàn sủng ấy có giá trị, người được mời gọi lên tiếng trước tiên phải có những thông tin chính xác, đa diện, càng gần nguồn gốc nguyên thủy càng tốt. Tránh đưa ra những phán quyết vội vã chỉ dựa vào các ấn tượng, hay dựa vào một vài trường hợp đáng tiếc mà thân phận con người không sao tránh khỏi. Đoàn sủng về trí phán đoán được xây dựng trên sự cẩn trọng; sự cẩn trọng đòi hỏi ta phải xét đến tận cùng các sự việc, cân nhắc giá trị từng ý kiến hoặc từng nhân chứng. (Nhưng có sự cẩn trọng phàm tục và cẩn trọng siêu nhiên). Con người chúng ta thường dễ muốn thận trọng theo kiểu “ăn chắc”; nhưng chúng ta không được dừng lại đây để quên sự cẩn trọng siêu nhiên đang nhắc nhở chúng ta nên lo sợ không nhận ra được hành động của Thiên Chúa đang ở trong Giáo Hội và vì Giáo Hội. Chúng ta cần thiết phải cầu xin Thiên Chúa mở trí thông minh của chúng ta để chúng ta nhận ra Ngài cũng như công việc của Ngài, dẫu đôi khi công việc ấy khiến trí khôn ngoan hạn hẹp của chúng ta hoang mang, ngỡ ngàng.
Trong trường hợp này, để phán đoán cho đúng, bằng cách này hay cách khác phải tự đặt mình vào bên trong: một chứng nghiệm được phán đoán đúng nhất từ bên trong. Người ta có thể tưởng tượng ra đủ thứ «hình thức hiện diện» khác nhau, nhưng hình thức nâng đỡ thực sự là giải pháp tích cực có thể định hướng và hội nhập phong trào canh tân vào Giáo Hội. Theo tôi, điều quan trọng nhất là các giám mục phải đáp lại lời tỏ bày đầy cảm động mà hội nghị quốc tế đầu tiên ở South Bend năm 1973 ngỏ với các ngài. Không ai có thể quên cảnh hoan hô nhiệt liệt của hai mươi lăm ngàn thành viên khi diễn giả nhấn mạnh rằng mọi người đều muốn sống hiệp thông chặt chẽ với các mục tử Giáo Hội. Sự hiện diện và hướng dẫn của các mục tử không nên có tính cách áp đặt, độc đoán: Tất cả những luật lệ quá khắt khe sợ rằng chỉ là phản ứng hấp tấp và sẽ phương hại cho sự sống và sự hồn nhiên. Đức Giêsu đã chẳng đề nghị chúng ta đôi khi cứ để mặc cỏ lùng mọc lên giữa hạt giống tốt để khỏi làm hại đến vụ gặt sắp đến đó sao? Và vụ gặt nầy đúng là được mùa và bội thu. Với tư cách giám mục, chúng ta có bổn phận tôn trọng sự tự do thánh thiện của con cái Thiên Chúa, mà vẫn phục vụ họ như những «người phục vụ niềm vui» (x. 2Cr 1,24). Sự khôn ngoan siêu nhiên của Giáo Hội và các vị thánh mà Giáo Hội đã sản sinh ra hẳn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho mọi người.
Đó là ý nghĩa huấn dụ mà Đức Thánh Cha Phaolô VI ngỏ với các đại biểu của Phong Trào Canh Tân Đoàn Sủng toàn cầu, qui tụ tại Grottaferrata từ ngày 9 đến 11 tháng 10 năm 1973. Hôm ấy, sau cuộc tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha đã tiếp riêng một nhóm đại biểu các nhà lãnh đạo đến từ các lục địa khác nhau. Nhóm này cùng đi với Đức TGM Hayes thuộc giáo phận Halifax (Canada), và Đức GM McKinney người Mỹ. Sau đây là toàn bản bài diễn văn của Đức Thánh Cha ngỏ với nhóm trên đăng trong tờ Osservatore Romano ngày 11 tháng 10 năm 1973. Chúng tôi thêm vào trong móc đơn một số lời ứng khẩu của Đức Thánh Cha, như bản được đăng trong tờ New Covenant tháng 12 năm 1973.
[Cha rất lưu tâm đến những gì các con đang thực hiện. Cha đã nghe nói về những điều xảy ra giữa các con và cha lấy đó làm vui mừng. Cha có nhiều câu hỏi muốn nói với các con, nhưng thời gian không cho phép].
« Giờ đây cha mong nói chuyện với các con, những người tham dự đại hội ở Grottaferrata. Các con thân mến, cha xin chia vui cùng các con về trào lưu Canh Tân đời sống thiêng liêng đang được thực hiện trong Giáo Hội hôm nay dưới nhiều hình thức và tại nhiều địa điểm khác nhau. Trong cuộc Canh Tân này ta thấy xuất hiện một số điểm chung: ham thích cầu nguyện sâu xa, riêng một mình hoặc chung với cộng đoàn, quay về với chiêm niệm, nhấn mạnh việc ngợi khen Thiên Chúa, ước muốn dâng mình trọn vẹn cho Đức Kitô, sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Thánh Thần, chuyên chú đọc Thánh Kinh hơn, sống tình huynh đệ một cách đại độ cởi mở, ước muốn góp phần phục vụ Giáo Hội. Qua tất cả điều ấy, cha có thể nhận ra công trình kỳ diệu và kín đáo của Thánh Thần, là linh hồn của Giáo Hội.
Đời sống thiêng liêng trước hết hệ tại việc thực hành các nhân đức Tin, Cậy và Mến, lấy việc tuyên xưng đức tin làm nền tảng. Việc tuyên xưng này được ủy thác cho các mục tử trong Giáo Hội để các vị ấy gìn giữ đức tin tinh tuyền, và giúp nó triển nở trong tất cả mọi hoạt động của cộng đồng Kitô hữu. Thật thế, đời sống thiêng liêng của các tín hữu thuộc phạm vi trách nhiệm hoạt động mục vụ của mỗi giám mục trong giáo phận của mình. Đây là dịp thuận lợi đặc biệt để nhắc lại cho các ngài điều này trước sự hiện diện của những viên men Canh Tân đang dấy lên bao hy vọng!
Vả lại, ngay cả trong những chứng nghiệm tuyệt vời nhất về Canh Tân, cỏ lùng vẫn có thể trà trộn với những hạt giống tốt. Vì thế, sự phân biện rất cần thiết. Đây là bổn phận của những vị có trách nhiệm trong Giáo Hội. «Các vị ấy có bổn phận đặc biệt, không phải là dập tắt Thánh Thần, mà là xem xét mọi thứ để chỉ giữ lại những gì tốt lành» (x. 1Tx 5,12 và 19-21; GH 12). Như thế các ơn huệ của Thánh Thần được sắp xếp nhằm phát triển thiện ích chung trong Giáo Hội (x. 1Cr 12,7).
Cha sẽ cầu nguyện cho các con được tràn đầy Thánh Thần, được sống trong niềm vui và ân sủng Ngài. Xin các con cầu nguyện cho cha cũng như cha luôn nhớ đến các con khi dâng thánh lễ».
2. XEM QUẢ BIẾT CÂY
Chính tôi đã tiếp xúc tại chỗ với các vị lãnh đạo và các nhà thần học về sự bừng tỉnh tâm thức tôn giáo này tại Hoa Kỳ và các nơi khác. Vì thế, tự nhiên tôi muốn nêu lên những điểm chung mà ở đâu tôi cũng thấy có. Nếu các đoàn sủng thực hư thế nào thường khó mà phân biện được, thì ngược lại các hoa quả của Thánh Thần mà Thánh Phaolô nói đến lại luôn luôn dễ nhận ra (Gl 5,22 -23).
Đức Giêsu đã khuyên ta xem quả để biết cây. Tiêu chuẩn này rất chắc chắn. Nhiều cuộc điều tra mới đây của những người có những lập trường khác nhau đều đi đến những kết luận tích cực giống nhau. Trong số đó phải kể đến phán đoán tinh tế nhưng nhiệt thành của mục sư Appia, phụ trách việc liên lạc của Liên Hội Tin Lành Pháp với Giáo Hội Công Giáo. Mục sư này đã thực hiện một cuộc thăm dò rất tỉ mỉ với một nhóm đại biểu Pháp. Phán đoán của vị này rất giống với kết luận của tôi và của những người cộng tác với tôi, đã từng đích thân tìm hiểu ở hiện trường.
Tôi xin kể ra đây một vài kết quả đáng lưu ý mà người ta đã biết đến, nhưng không sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.
Đức Kitô làm trung tâm
Trước hết, người ta nhận thấy linh đạo nền tảng ấy rõ ràng hướng về Đức Giêsu, được sống bằng chứng nghiệm cụ thể trong mối tương quan thân mật. Đức Kitô, «Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần» được lưu tâm trước hết. Sự thân tình đôi bên đã biến thành một cuộc gặp gỡ mà trong đó Đức Giêsu khởi xướng cuộc đối thoại và trao đổi, đồng thời mời gọi chúng ta tham dự vào. Sự việc này như giúp khám phá nét linh động của Kitô giáo, nó không còn như một ý thức hệ hay một «chủ thuyết triết học », mà như một cuộc gặp gỡ với con người thật sự và sống động nơi Đức Giêsu. Một Giêsu được nhìn nhận là Đấng Cứu Thế, là Thầy, là Mục Tử, là Đường, là sự Thật, là sự Sống, là Alpha và Omega, cho chính mình cũng như cho nhân loại. Nên nhớ rằng Đức Giêsu, trọng tâm của phong trào Canh Tân, chính là Đức Giêsu trong đức tin của chúng ta: Ngài là Con Thiên Chúa, đến trong xác phàm, là Thiên Chúa do Thiên Chúa sinh ra, là Ngôi Lời ở cùng và ở trong Thiên Chúa. Nơi Ngài trọn vẹn thần tính cư ngụ trong xác thể. Ngài đã chịu đau khổ vì chúng ta, chỉ dạy cho chúng ta con đường sống. Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được trao cho Ngài. Ngài cho chúng ta tham dự vào sản nghiệp của Ngài là Thánh Thần rất thánh thiện.
Sự thân mật mới mẻ này với Chúa Giêsu, được thể hiện trực tiếp chứ không còn qua trung gian bức màn các ý tưởng «về Đức Giêsu» nữa; từ cuộc gặp gỡ cụ thể nầy một đặc trưng thứ hai phát sinh: đó là ý thức mới mẻ về cầu nguyện, coi cầu nguyện là lắng nghe Chúa nói. Nói về Thiên Chúa là một chuyện còn nói với Thiên Chúa lại là chuyện khác. Giữa hai chuyện này có sự khác biệt lớn lao.
Đời sống cầu nguyện
Phong Trào Canh Tân Đoàn Sủng thực hiện việc đào sâu đời sống cầu nguyện, cầu nguyện riêng tư cũng như cầu nguyện cộng đồng. Tâm hồn mở rộng đón nhận Thánh Thần thâm nhập sâu xa hơn, Ngài là «Đấng thấu suốt cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa» (x. 1Cr 2,10), Đấng dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Cha và giúp chúng ta sống mầu nhiệm Ba Ngôi. Nỗi khát khao Thiên Chúa triển nở khiến họ thích gia tăng và kéo dài việc cầu nguyện để cảm nhận được nhiều hơn ánh sáng và sự hiện diện của Thánh Thần. Khi cầu nguyện có lúc họ im lặng, có lúc nói nhỏ, có lúc lại hát lên trong bầu khí tĩnh tâm, vui tươi, thư thái; có một cái gì đấy hấp dẫn họ khiến họ cầu nguyện một cách tự phát. Người ta thấy lời khuyên của Thánh Phaolô gởi tín hữu Êphêsô được thể hiện từng chữ: «Hãy thấm nhuần Thánh Thần. Hãy cùng nhau đối đáp những bài Thánh Vịnh, thánh thi và thánh ca do Thánh Thần linh ứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. Trong mọi hoàn cảnh và trong mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha» (Ep 5,18,20).
Phẩm chất cầu nguyện cũng đáng làm ta ngạc nhiên. Tuy không loại bỏ việc xin ơn và xin chuyển cầu, nhưng cách cầu nguyện này có điểm nổi bật mà chúng ta không quen thực hiện khi cầu nguyện riêng, đó là những lời thuần túy ngợi khen Thiên Chúa. Câu «hãy ngợi khen Chúa» được lặp lại nhiều lần không khác gì điệp ca A-lê-lu-ia trong mùa Phục Sinh. Nó nói lên tình yêu của họ vì chính Thiên Chúa và ở trong Ngài.
Giới trẻ đặc biệt ưa thích và đánh giá cao kiểu cầu nguyện có đặc tính tự phát này. Đó là kiểu cầu nguyện hồn nhiên, bằng cả thân thể để diễn tả một cách phù hợp những tâm tình khi cầu nguyện, chẳng hạn giơ cao tay lên hoặc nắm tay nhau biểu lộ sự hiệp thông. Cầu nguyện kiểu này rất ích lợi cho những ai muốn từ bỏ tính vị kỷ, muốn thoát khỏi những ngại ngùng và những thành kiến cố hữu của mình. Đàng khác, theo như tôi đánh giá, những lời cầu nguyện tự phát này là một ân sủng cho Giáo Hội ngày nay; vì nhiều biểu lộ sùng kính bình dân như giờ thánh, lần chuỗi, đàng Thánh Giá, v.v… hiện nay đã biến mất hay cơ hồ biến mất khỏi Giáo Hội, tạo ra một lỗ hổng tâm linh. Chúng ta cần có phương thuốc chữa trị.
Kiểu cầu nguyện này – là hình thức chuyển tiếp giữa cầu nguyện thuần túy cá nhân và cầu nguyện phụng vụ chính thức – còn có thể giúp phổ biến và dấy lên việc cầu nguyện trong các gia đình hay trong những cộng đoàn hết sức khác nhau: như các giáo xứ, các tổ chức, đoàn thể, hội dòng, tu viện. Lối cầu nguyện đoàn sủng tự phát có thể đóng góp rất nhiều vào việc tìm lại ý nghĩa của cầu nguyện đích thực vốn bắt nguồn từ sự sống và được biến đổi tùy theo môi trường. Hình thức uyển chuyển của lối cầu nguyện ấy cũng có thể giúp cho một bộ phận nào đó trong phụng vụ thêm linh động. Hơn nữa nó cởi mở đón nhận tất cả những biểu hiện của Thánh Thần, nhờ vậy tự nhiên nó có thể là cách cầu nguyện hòa điệu, diễn tả phong phú kho tàng hồng ân của Thiên Chúa.
Có người chê bai lối cầu nguyện tự phát vì cho rằng nó biểu lộ quá nhiều cảm xúc. Ta nên phân tích sâu sát hơn phản ứng tiêu cực này. Người ta bài bác việc biểu lộ «xúc cảm» khi cầu nguyện, nhưng kỳ thực lại cảm thấy thích tính cách linh hoạt thiết thân với Chúa khi cầu nguyện. Chúng ta quá quen thuộc với khuynh hướng vụ hình thức, chuộng lễ nghi, thích quy ước “xưa-nay” khi cầu nguyện, nên rất dễ e dè ngại ngùng. Chúng ta sợ phải biểu lộ con người thực của mình trước Thiên Chúa và trước người khác. Từ đó bản năng tự vệ khiến ta lấy cớ là «quá chuộng cảm xúc» để bài bác những gì trong thực tế chỉ là thái độ thành thực khi cầu nguyện mà thôi.
Chúng ta tránh né biểu lộ tâm tình khi giao tiếp với Thiên Chúa hoặc có thể nói chúng ta muốn một lối cầu nguyện chung chung, không thân thiết chi như thuộc về những Giáo Hội khô cằn và trơ trụi. Cần chống lại việc lạm dụng lối hiểu lời Đức Giêsu khi Ngài mời gọi chúng ta thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý. Chúa Kitô đã nhập thể, tôn giáo của Ngài đầy tính con người và hấp dẫn mọi người. Thứ đạo đức nào xa lạ với nhân tính đều không phù hợp với lý lẽ của mầu nhiệm Nhập Thể. Đức Giêsu đã đến để cứu chuộc toàn bộ con người, bao gồm cả tình cảm của họ.
Cầu nguyện đoàn sủng thiết yếu được tài bồi qua việc chuyên cần đọc Thánh Kinh. Đọc Thánh Kinh đóng một vai trò quan trọng trong thời gian tụ họp nhau cầu nguyện, cũng như trong đời sống cá nhân và tập thể. Khi tái khám phá Kinh Thánh, người ta cảm thấy một sự khao khát mới về Lời Chúa, nhưng không phải khao khát trước tiên về mặt chú giải – dù vẫn không coi thường công việc nầy– mà khao khát về mặt sự sống. Đức Giêsu nói: «Lời của tôi là thần và là sự sống» (Ga 6,63). Người ta cảm thấy lời của Ngài trở thành lương thực. Tôi nghĩ đến ngôn sứ Giêrêmia: «Gặp lời Chúa con đã nuốt vào, Lời Ngài làm con hoan hỷ» (Gr 15,16).
Phong trào Canh Tân góp phần làm cho khoa chú giải tiến triển, không phải vì đưa ra những giải đáp mới mẻ mà vì đã đặt ra những câu hỏi mới; phong trào mời gọi ta tìm hiểu bản văn sâu sát hơn nữa, khởi đi từ cuộc sống.
Ân sủng mà phong trào Canh Tân đem lại là đọc và sống Lời Chúa một cách sâu xa. Ân sủng này được thể hiện bằng nhiều cách, với sự quan tâm tiếp xúc với Lời Chúa và hoàn cảnh sống cụ thể. Nếu có được một người hướng dẫn có năng cách hiện diện để giúp đỡ các nhóm khỏi rơi vào tình trạng bảo căn cực đoan hoặc giải thích tùy tiện thì thật là quí hóa!
Cầu nguyện và «nói tiếng lạ»
Người ngoài đến tham dự lần đầu tiên một buổi tụ họp cầu nguyện kiểu đoàn sủng sẽ lấy làm lạ khi thỉnh thoảng nghe người trong nhóm cầu nguyện hay hát bằng những ngôn ngữ lạ. Khi tiếp xúc lần đầu, người ta sẽ bối rối bởi những biểu lộ tự phát qua lối nói này, vì những âm phát ra nối tiếp nhau chẳng ăn khớp thành câu nói có ý nghĩa, ngay cả đối với chính người phát ra những lời ấy. Cần phải hiểu đích xác sự việc này. Không được quan trọng hóa hay giảm nhẹ giá trị lời cầu nguyện bằng thứ tiếng dị thường ấy.
Không kỳ bí...
Theo lối giải thích thông thường của phái Ngũ Tuần được khá nhiều người trong họ chấp nhận, thì đây có thể là thứ ơn lạ lùng khiến người ta nói tiếng lạ mà chính họ (người nói) chẳng hiểu gì. Vả lại, việc nhận được ơn này cũng có thể bảo chứng rằng người ta đã thực sự được rửa trong Thánh Thần. Như chúng ta đã nói, theo truyền thống Công Giáo, ơn nói tiếng lạ không phải là lối trắc nghiệm của «Phép Rửa trong Thánh Thần». Bây giờ tôi xin nói thêm ở đây: theo tôi, việc «nói tiếng lạ» không có nghĩa là nói bằng một thứ ngôn ngữ lạ lùng nào đó không ai biết, mà chính người nói cũng không hiểu được. Ngược với quan điểm đã được phổ biến rộng rãi, thậm chí ngay cả trong môi trường đoàn sủng không thuộc phái Ngũ Tuần, tôi không tin rằng cách diễn tả ấy có ý nghĩa như thế. Nói thế không có nghĩa là trong một vài trường hợp họa hiếm, như được xếp vào khuôn khổ phép lạ, người ta vẫn có thể chứng kiến có một lối nói lạ lùng xảy ra trong lúc cầu nguyện. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng phải nhấn mạnh đến sự hiếm hoi của trường hợp này, và phải đề phòng tất cả mọi hình thức chủ trương tìm cảm giác mạnh. Theo tôi, đây không phải là một thứ ngôn ngữ kỳ bí, thiên phú, từ trời xuống: ý nghĩa của nó phải tìm ở một bình diện khác.
Cũng chẳng bệnh hoạn...
Trái ngược hẳn cái nhìn trên, những người quan sát, nhất là trong giới phân tâm học, thường nhún vai xem hiện tượng nói trên là một thứ bệnh lý, là những cảm xúc bồng bột, là cuồng loạn tập thể, là trò trẻ con. Nhưng lối hiểu biết khoa học thật sự lại không quyết đoán như thế. Một trong những chuyên gia giỏi nhất về vấn đề này, ông William J. Samarin, giáo sư nhân chủng học và ngôn ngữ học tại đại học Toronto, sau khi điều tra sâu rộng trong thời gian dài tại nhiều quốc gia, đã kết luận bằng một xác quyết rất rõ ràng là hiện tượng nói tiếng lạ ấy chẳng có gì là bất thường hay bệnh hoạn; và ông ta đã trưng dẫn nhiều bằng cứ về kết luận ấy.33 Nếu chẳng phải là mầu nhiệm, chẳng là bệnh lý, thì phải hiểu hiện tượng này thế nào cho thích đáng?
Kỳ thực là gì?
Trước tiên phải nhận ra rằng đây là một phương thức biểu hiện được đề cập trong Thánh Kinh. Người ta tìm được tới ba chục chỗ ám chỉ hiện tượng này. Chẳng hạn trong Tân Ước, sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 2,4-11; 10,46; 19,6), các thư của thánh Phaolô (1Cr 12,30; 13,1; 14,2.39); và Tin Mừng Mác-cô (Mc 16,17) thuật lại việc Đức Giêsu hứa với các môn đệ rằng họ sẽ nói được những thứ tiếng lạ. Dù chú giải thế nào đi nữa, đây vẫn là một hiện tượng được Kinh Thánh công nhận là có thực và khá thường xuyên. Thánh Phaolô bảo rằng «ơn» này ít quan trọng nhất trong tất cả các ơn, chính ngài cũng được ơn này và mong ước những kẻ khác cũng có, nhưng cần phải cẩn thận để ơn này xảy ra theo chiều hướng tốt lành trong các buổi cầu nguyện công cộng. Vì thế, người ta không thể phủ nhận nền tảng của nó trong Thánh Kinh. Ngoài ra người ta cũng tìm thấy ơn này trong truyền thống sống động của Giáo Hội; ban đầu khá phổ biến, sau đó hiếm hơn, ngoại trừ trong các tu viện hay trong đời sống các thánh.
Các thần học gia có bổn phận nghiên cứu điều này hơn nữa, không chỉ trong các bản văn mà trong cuộc sống. Tôi xin ghi ra đây vài suy tư cá nhân nhưng không tham vọng cho rằng đó là những suy tư rốt ráo hoặc cuối cùng.
Theo tôi, điều quan trọng là trước tiên phải lưu ý rằng, nhờ phép rửa tội, mỗi Kitô hữu sau khi nhận lãnh Thánh Thần đều sở hữu tất cả ơn trên dưới dạng tiềm năng. Những biểu hiện hữu hình hay việc thực hiện các ơn ấy cho ta thấy sự hiện diện sẵn của chúng: người tín hữu không tạo ra sự hiện diện của các ơn ấy được. Nhưng lối hiểu Thánh Kinh kiểu «ôm chân chữ» (hay là chấp vào chữ) có thể dẫn đến chuyện coi các ơn Thiên Chúa ban như những đồ vật: đừng quên điều ấy! Người ta đâu thể hạ thấp giá trị ơn «nói tiếng lạ» khi đặt nó vào bình diện tự nhiên; điều gọi là tự nhiên đó sẽ trở thành siêu nhiên trong cảnh vực được Chúa Thánh Thần thúc đẩy cầu nguyện. Hơn nữa, nên nhớ rằng theo một nghĩa nào đó, tất cả đều là ân huệ, «tất cả đều là ân sủng».
Hình thức cầu nguyện hồn nhiên ấy - đi trước suy nghĩ của trí phán đoán - nằm trong khả năng của người cầu nguyện. Nó vẫn là một sinh hoạt của nhân tính bình thường. Đây là một hình thức biểu lộ thành lời nói không bị chi phối bởi một lối cấu trúc ngôn ngữ nhất định. Phương thức biểu lộ này, vốn quen thuộc với những nền văn minh khác, và thật ra không đến nỗi xa lạ với tập tục của chúng ta như người ta nghĩ. Hãy thử nghĩ đến khung cảnh tưng bừng hoan hỉ khi cất tiếng hát A-lê-lu-ia trong một thánh lễ Phục Sinh có hát bình ca thì sẽ thấy. Hãy thử quan sát một em nhỏ dùng cách thức diễn đạt này để biểu lộ ra niềm vui của em thì biết. Người ta bảo cầu nguyện bằng tiếng lạ đối với việc cầu nguyện cũng giống như nghệ thuật trừu tượng đối với lối vẽ biểu tượng vậy. Theo tôi, lối so sánh này rất hay.
Người ta cũng thường so sánh ơn nói tiếng lạ với ơn trào nước mắt. Ai cũng có thể khóc khi xúc động, và đôi khi người nghệ sĩ có thể làm cho ta ứa nước mắt: tất cả những chuyện ấy đều bình thường. Tuy nhiên, có một ân sủng gọi là ơn than khóc, được truyền thống tâm linh lâu đời trong Giáo Hội nhìn nhận, thậm chí còn được diễn tả bằng nghi thức. Đây là một hình thức biểu lộ tâm linh sâu xa để nói lên điều khó có thể nói lên được, chẳng hạn như tâm tình thống hối, tôn thờ hay biết ơn trước Thiên Chúa. Nếu đem phân tích, những giọt lệ này chẳng khác gì những giọt lệ thông thường, nhưng ý nghĩa tôn giáo của nó vượt lên trên tính vật chất của nó. Từ đó, chúng ta có thể suy ra để thâm hiểu vấn đề.
Giá trị tôn giáo của «ơn nói tiếng lạ»
Sau khi thử định vị cách cầu nguyện này, việc còn lại là nhận định cụ thể giá trị thiêng liêng của nó. Có quá nhiều chứng từ – cả chứng từ của tôi nữa – xác nhận rằng cách cầu nguyện này là một hình thức (đi đến vô chấp) giải tỏa bản ngã, tháo gỡ và giải phóng nội tâm trước Thiên Chúa và tha nhân. Nếu khởi thủy, người ta chấp nhận tâm tình khiêm tốn để đi vào lối cầu nguyện này – như liều lĩnh chấp nhận vẻ ấu trĩ và tức cười bên ngoài – thì không lâu họ sẽ cảm nhận được niềm vui khi khám phá ra một phương cách cầu nguyện mới vượt trên qui ước ngôn ngữ và lối suy luận trí não. Nó đem lại bình an và hân hoan. Cách cầu nguyện này không loại trừ bất kỳ cách cầu nguyện nào khác và có thể thực hành một mình hay tập thể. Khi được biểu hiện thành một bài hát mà cả tập thể tự ứng tấu tại chỗ, lời cầu nguyện này thường gây ấn tượng tốt đẹp lạ thường, tạo nên một tâm tình tôn giáo mạnh mẽ nơi những người khiêm tốn lắng nghe.
Nếu Thánh Phaolô coi ơn huệ này là bé nhỏ nhất trong các ơn – dù chính ngài vẫn cũng được ơn này –phải chăng là vì nó giống như một con đường dẫn đến các ơn khác, hay như một thứ cửa thấp, muốn vào thì phải khom mình xuống mới vào được? Hành vi khiêm tốn và tinh thần trẻ thơ đưa ta đến với Nước Thiên Chúa. «Nếu các ngươi không trở nên như trẻ nhỏ ...», người ta biết câu này của Đức Giêsu, câu ấy ý nghĩa rất sâu xa. Ơn huệ không cần tới trí não này tạo ra một lỗ thoát trong hệ thống bảo thủ và tự vệ của chúng ta: nó giúp ta vượt qua một thứ ngưỡng cửa, đưa ta đến sự giải thoát và quên mình để hướng đến Thiên Chúa. Đối với những người sẵn sàng từ bỏ mình, thì sự từ bỏ ấy khiến cho tâm hồn và thể xác của người ấy thuộc về Thánh Thần, Đấng luôn giang tay rộng đón chúng ta. Dầu chỉ là điểm khởi đầu nhưng không kém quý giá, vì ơn huệ này thể hiện sự tự do nội tâm của con cái Thiên Chúa.
Karl Barth đã mô tả ơn cầu nguyện bằng tiếng lạ như «một nỗ lực diễn tả những gì không thể diễn tả được». Thánh Phaolô thì bảo rằng «Chính Thánh Thần can thiệp cho chúng ta bằng những lời rên siết khôn tả» (Rm 8,26). Ta cần hợp lòng hợp ý với lời cầu nguyện kỳ diệu, không thành câu cú này, và cứ để Thiên Chúa thay ta ca tụng, cảm tạ Ngài về thứ tình yêu «vượt trên mọi hiểu biết» của Ngài (Ep 3,19). Nói theo ngôn ngữ tâm lý học thì có thể đó là tiếng nói của tiềm thức nói với Thiên Chúa. Đó là cách tiềm thức chúng ta diễn tả tương tự như trong các giấc mộng, tiếng cười, tiếng khóc, hình vẽ, nhảy múa. Nó diễn ra trong chiều sâu tâm thức chúng ta: nhờ vậy người ta có thể chữa trị hiệu quả những vết thương tiềm ẩn làm đời sống nội tâm không phát triển được.
Nói chung, phải thú nhận rằng chúng ta hết sức ngại ngùng khi biểu lộ ra ngoài những tâm tình tôn giáo sâu xa đối với Thiên Chúa cũng như đối với tha nhân. Ngay cả các linh mục hay các tu sĩ cũng cảm thấy phải vượt qua bao nhiêu khó khăn mới có thể «tự bộc lộ bản thân mình» về chiều sâu tâm linh cho anh em bạn bè, mà ngày ngày chỉ biết sống bên cạnh nhau một cách hời hợt. Chúng ta đã bị co cứng trong nết chuộng hình thức và ưa thích nghi lễ; sau bao nhiêu thế kỷ thụ động, các cộng đoàn Kitô hữu chúng ta vừa mới thức tỉnh để đón nhận lối diễn tả mang tính cộng đồng trong phụng vụ. Chúng ta vẫn chưa tìm ra hơi ấm thích hợp cho một buổi lễ, một cử hành đầy tình huynh đệ. Băng giá đang tan từ từ. Mới đây, Đức Phaolô VI có cảnh báo việc cầu nguyện theo kiểu sáo mòn và việc lạm dụng những công thức soạn sẵn. Nay người ta đang khám phá ra một vài phương thức cầu nguyện mới mẻ, diễn tả qua cử chỉ toàn thân thể và hiệp thông với nhau.
Người ta cũng ngày càng quan tâm đến những phong cách sống và phong cách cầu nguyện mới chịu ảnh hưởng triết học đông phương, và người ta chú tâm nghiên cứu nhiều hơn về cách cầu nguyện của những dân tộc không phải Âu Châu, đỡ sơ cứng hơn chúng ta.
Đương nhiên giới trẻ đi theo chiều hướng này. Việc cầu nguyện bằng tiếng lạ không còn là chuyện cổ xưa nữa, nó có thể là một yếu tố canh tân trong nhiều lãnh vực.
Vì thế, không nên ngạc nhiên khi thấy tái hiện một phong cách cầu nguyện vốn không xa lạ gì với truyền thống tâm linh chân thực. Một khi người ta đã có thể tự biểu lộ những tâm tình tôn giáo một cách tự do, người ta sẽ cảm thấy thực sự có nhu cầu phải chia sẻ với người khác những tâm tình của mình. Người ta sẽ cảm thấy bình thường và hữu ích khi mình có thể ca ngợi, thờ phượng, tôn vinh, yêu mến Thiên Chúa theo tất cả những cách diễn tả mà mình thấy thích hợp, - theo mỗi cách rung vang của những sợi dây trong cây đàn - . Việc cầu nguyện bằng tiếng lạ đối với những ai nắm được ý nghĩa của nó là một trong những cách diễn tả ấy.
Theo tôi, quan niệm như thế thì việc cầu nguyện bằng tiếng lạ sẽ làm cho đời sống tâm linh phong phú hơn. Chính vì thế tôi không ngần ngại xếp nó vào số các hoa trái của ân sủng.
Cầu nguyện và hoạt động xã hội
Mới đầu người ta lo xa rằng, nhấn mạnh vào việc cầu nguyện là hỗ trợ cho một số người có khuynh hướng sùng đạo một cách ích kỷ, tạo hố ngăn cách giữa đời sống thiêng liêng và việc dấn thân hoạt động xã hội, là xa rời trần thế. Họ nói rất đúng: có đức tin không phải chỉ là cứ ngước mắt lên nhìn Chúa để chiêm ngưỡng Ngài, mà còn phải nhìn vào thế giới nữa, nhưng bằng đôi mắt của Đức Kitô.
Tuy nhiên, nhờ những lời cảnh giác như thế, người ta đã tiên liệu và tìm được một lối cân bằng hữu hiệu qua những sáng kiến dấn thân xã hội khác nhau xuất phát từ các nhóm cầu nguyện. Chung chung, những hành động dấn thân xã hội nầy có tính cách trực tiếp và nằm trong tầm tay, hơn là những phong trào tập thể rộng lớn. Nhưng cả hai thứ ấy – cầu nguyện và hoạt động – không loại trừ nhau; và sự hiệp thông trong lời cầu nguyện hẳn hướng đến toàn cộng đồng huynh đệ nhân loại, hàm ngụ tất cả những thăng trầm xã hội và chính trị mà thế giới đang sống.
Ý thức cuộc sống Giáo Hội
Một đặc trưng khác nữa: thông thường, người ta nhận thấy lối cầu nguyện trên diển tả lòng hiếu thảo đối với Giáo Hội; người cầu nguyện nhìn nhận Giáo Hội là người mẹ tâm linh, trên mặt định chế lẫn nơi chiều kích bí tích. Vì không thiên hữu hay thiên tả về mặt ý thức hệ, Phong Trào Canh Tân Đoàn Sủng quy tụ được những khuynh hướng Kitô giáo hết sức đa dạng. Nhờ sống tình huynh đệ chan hòa người ta vượt qua được những đối cực xung đụng. Việc gặp nhau trong lời cầu nguyện tạo nên những yếu tố mạnh mẽ chống lại những chia rẽ xâu xé nhau. Những gì đã xảy ra cho thấy kết quả mang lại sẽ không nhỏ. Nói chung, người ta được hít thở thứ không khí trong lành, xa hẳn những tranh chấp, cay chua, châm chích nhau. Làm như thế chính là cùng nhau xây dựng Giáo Hội trên một nền tảng duy nhất là Đức Giêsu, Ngài vừa là Chúa vừa là Đấng Cứu Độ.
Hiển nhiên chúng ta mong ước cho đặc trưng Công Giáo (= phổ cập) này tồn tại và lớn mạnh lên trong các nhóm đoàn sủng. Mọi hình thức ưu tuyển rồi sẽ tàn lụi: không có thứ Kitô hữu siêu-đẳng.
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|