CẦN CÓ MỘT TẤM LÒNG …

Có một câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn : “Sống trên đời cần có một tấm lòng để gió cuốn đi…” Tôi nghĩ rằng không hẳn là như thế. Một tấm lòng chân thành và cao quý sẽ không bị gió cuốn đi mà có thể vẫn tồn tại với thời gian và có một ý nghĩa lớn lao trong cuộc đời người khác.

Tờ báo Tuổi trẻ ngày 07/11/2007 có một bài viết về chuyện cô gái tên Nguyễn Thị Bình, 21 tuổi ở Hà Nội, bị người mẹ nhẫn tâm bỏ rơi và bị ông bà chủ đánh đập, hành hạ suốt 14 năm nay. Ngày nào Bình cũng bị ông bà chủ đánh : khi thì dùng kềm kẹp vào da thịt đến toé máu mới thôi, khi thì bị dùng gậy, roi điện đánh … Thật khủng khiếp! Làm sao mà cô gái ấy có thể chịu đựng nỗi đau đớn ấy suốt 14 năm dài đằng đẵng? Phải chăng vì không tìm được tấm lòng của người mẹ và tấm lòng của con người dành cho nhau ?

Đó đây vẫn còn nhiều thảm cảnh đau lòng. Vụ sập cầu Cần Thơ, những báo động đỏ về hiện trạng giáo dục … Phải chăng thấp thoáng trong đó là lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm đến thờ ơ và vô cảm trước nỗi khổ người khác của một số thành phần nào đó, bên cạnh những tấm lòng quảng đại biết quan tâm và sẵn sàng chia sẻ thời gian, sức khoẻ, của cải mình … cho người khác ?

Những buổi tối trên đường đi giúp xứ về, tôi được thấy cảnh hào nhoáng của phố xá Sài Gòn : xe đời mới, thời trang mới, phong cách mới và cũng có nhiều cách xử sự mới. Nhịp sống mới dường như làm người ta vội vã hơn. Giờ cao điểm, người ta chen lấn, tranh giành nhau từng centimet đường đến nỗi kẹt xe, rồi dùng những từ ngữ thật thậm tệ để nói với nhau, thậm chí không dám dừng lại để giúp đỡ một người gặp rủi ro trên đường với những lí do nào đó.

Mỗi người đều có những công việc và trách nhiệm. Và cũng có rất nhiều lí do chính đáng dễ làm người ta quên mất nhau lúc nào không biết. Vì kế sinh nhai, cha mẹ lo bương chãi để kiếm tiền nhiều khi quên quan tâm, gần gũi con cái. Vì ít có thời giờ gần gũi, tâm sự với nhau nên tình yêu nồng nàn ban đầu của đôi vợ chồng dần dần phai nhạt, dễ dẫn đến sự rạn vỡ trong đời sống hôn nhân. Con cái thì lại bận rộn với cuộc sống riêng của mình, không còn thời gian ghé về mái nhà xưa để thăm cha mẹ già. Những hàng rào kiên cố mọc lên, che khuất đi tình hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”… Tôi thầm hỏi, phải chăng khi khoa học kỹ thuật phát triển và đời sống vật chất càng phong phú, đầy đủ thì đời sống tinh thần và tình cảm của con người càng nghèo đi?

Giữa cuộc sống hôm nay, sống là một con người nhân bản đúng nghĩa đã khó thì việc sống cho đúng với phẩm giá một người Kitô hữu lại càng khó hơn. Tình yêu Thiên Chúa dành cho nhận loại được thể hiện qua cuộc đời và tấm lòng của Chúa Giêsu : Ngài đã đi vào trần gian với một con tim luôn biết “chạnh lòng thương” trước nỗi đau của con người và chính Ngài đã khẳng định : “Ở điểm này người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy: là anh em hãy yêu thương nhau”. ( Ga 14,35).

Đạo Công Giáo là Đạo Tình Thương. Là người Kitô hữu, tôi nhận thấy việc sống đạo của mình hôm nay chính là sống tình thương ngay trong chính gia đình, giáo xứ cũng như môi trường làm việc của mình. Đồng thời, cũng phải thể hiện một tấm lòng nhân hậu, biết quan tâm đến mọi người, bắt đầu từ những người gần gũi với mình và những người mình yêu thương. Một lời hỏi thăm sức khỏe, một lời khích lệ, động viên hay tỏ thiện chí cộng tác với những anh chị em cùng làm việc trong hội đoàn, trong giáo xứ ; thăm viếng những người già yếu, bệnh tật, cô đơn trong khu xóm ; và dành thời gian để cha mẹ, anh chị em trong gia đình gần gũi, quây quần với nhau bên mâm cơm và giờ cầu nguyện … Tất cả sẽ trở thành men, muối làm dậy lên tình thương cho cuộc sống xung quanh.

Tôi có một chút cảm nghiệm rằng : tiền bạc và tất cả mọi thứ trên đời này đều có thể sẽ qua đi, nhưng tình yêu thương và tấm lòng chân thành của mình dành cho người khác sẽ vẫn còn đó và nhiều khi lại trở thành điểm tựa cho họ trong cuộc sống. Và tôi vẫn luôn tự hỏi lòng : “ Có khi nào trong dòng đời tấp nập, ta vô tình đã đi lướt qua nhau …?”

Nt. Rosa Thùy Trang

http://www.tgmmt.org