Có người thích dùng từ hiện đại nên gọi cúm A/H1N1 là cúm @, vì nó không chỉ gây phiền phức, tốn kém, lo lắng cho người bệnh và gia đình ho, làm vất vả cho thầy thuốc, tạo cho bệnh viện quá tải, không đủ chỗ cho bệnh nhân cách ly... mà nó còn gây nhiều hệ lụy cho xã hội làm cho có báo phải nêu "Địa chính trị của một đại dịch".

Nỗi oan chồng... nỗi oan

Đầu tiên là chuyện tên gọi. Do bệnh nhân mắc cúm này đầu tiên được phát hiện là cậu bé Edgar Hernadez, ở một ngôi làng nhỏ nằm bên sườn đồi La Gloria (Mexico), La Gloria lại nằm gần một trại lợn lớn của hãng Smith Field Foods - nhà chăn nuôi và chế biến thịt lợn vào loại lớn nhất thế giới. Do đó, bệnh được nghi xuất phát từ lợn nên được mệnh danh là "cúm lợn". Để tránh tác nhân gây bệnh, tốt nhất là diệt lợn và không ăn thịt nó nữa, điều này đã được một số nước áp dụng khiến cho ngành chăn nuôi này lao đao, nhất là Canada. Sau này, lợn mới được minh oan và trong y văn đã đổi tên thành cúm A/H1N1.


Chính phủ các nước đã phải chi tiền tỷ cho cuộc chiến chống lại cúm A/H1N1.

Sau đó, ảnh hưởng đến quan hệ giữa Cuba - Mexico vì chính quyền Cuba cho rằng, Mexico đã chậm thông báo cho thế giới về dịch cúm, để chờ hết chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama (ông đến Mexico ngày 16/4/2009) rồi mới công bố dịch, điều này tạo cho dịch bệnh lây lan nhanh. Phản ứng lại cáo buộc trên, Tổng thống Mexico Felipe Calderon tuyên bố: "Mexico đã hành động có trách nhiệm", do phải chờ kết quả xét nghiệm từ Canada ngày 23/4 khẳng định trường hợp nhiễm A/H1N1 đầu tiên, trong ngày đó mới công bố dịch và ông đe dọa sẽ huỷ chuyến thăm Cuba dự kiến diễn ra giữa năm nay. Tuy vậy, giới y tế cho rằng dịch cúm này có thể tác oai tác quái tại Mexico từ đầu tháng 3/2009(!)

Và cũng do cúm A/H1N1 này xuất hiện từ Mexico nên ngày 28/4/1009, Cuba đã huỷ mọi chuyến bay đến Mexico, đồng thời Trung Quốc cũng áp dụng biện pháp kiểm soát gắt gao, thậm chí cách ly đối với một số du khách người Mexico khi nhập cảnh Trung Quốc. Điều này làm Chính phủ Mexico có phản ứng cho là có sự kỳ thị, phân biệt không có lợi cho ngoại giao.

Riêng về Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuy đã khẩn trương thông báo và nâng mức báo động dịch từ cấp 4 lên cấp 5 chỉ sau 1 ngày và vào giữa tháng 6 đã đưa lên mức 6 (mức cao nhất) thế mà vẫn bị chê trách là xử lý chậm để bệnh lây lan(!). Gần đây, WHO lại đưa ra thông báo khả năng tác hại của cúm A/H1N1 do có thể biến đổi gen khi kết hợp với cúm A/H5N1 và cúm mùa, tạo thành thể nguy hiểm hơn, nhưng sau đó lại bị một số nhà khoa học cho rằng WHO đã làm nghiêm trọng hóa vấn đề, làm cho dân chúng hoang mang vì qua thực nghiệm chứng minh chuyện nêu trên là khó xảy ra(!).

Tiền tỷ bay đi theo cúm A/H1N1

Giữa lúc nền kinh tế thế giới chưa vượt qua giai đoạn khủng hoảng, thì dịch cúm này lại xảy ra và theo ước tính của một số nhà kinh tế thì dịch cúm A/H1N1 có thể gây thiệt hại từ 384-2.633 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới (khoảng từ 0,7-4,8% GDP toàn cầu, theo IMF ước tính GDP 2009 là 55.000 tỷ USD). Theo đánh giá của bà Simonetta Nardin, phát ngôn viên của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nguy cơ lớn nhất là sự vắng mặt của người lao động (bị cúm phải nghỉ, cách ly) gây rối loạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (chiếm đến 70% phí tổn kinh tế), ngoài ra, sự không tham gia của khách hàng trong du lịch, mua sắm, thể thao văn hóa vì ngại lây bệnh và chi phí cho cuộc chiến chống lại dịch cúm (thuốc men, phương tiện phòng, chống bệnh). Chỉ riêng tại Pháp, Bộ trưởng Bộ Y tế Ruselyre Bachelot cho biết, tính đến đầu tháng 9/2009, Chính phủ đã phải chi 1,5 tỷ euro cho cuộc chiến chống lại dịch cúm A/H1N1, trong đó 1,1 tỷ để mua thuốc, khẩu trang... và gần 450 triệu euro cho công tác thông tin tuyên truyền, bồi dưỡng làm việc ngoài giờ cho nhân viên y tế.


Theo bà Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Công ty vaccin và sinh phẩm số 1 của Việt Nam cho biết: Giá nhập khẩu vaccin ngừa cúm A/H1N1 ước khoảng 10 USD/mũi chưa tính công tiêm. Và theo thông tin từ WHO, ngày 18/8/2009 thì riêng các nước ở Bắc bán cầu đã đặt mua một tỷ liều vaccin phòng cúm, sơ sơ khoản này cũng đã đi bay 10 tỷ USD.

Cúm cũng phân biệt giàu nghèo

Hạn chế việc lo phòng, chống dịch cho người dân là nỗi buồn của các nước nghèo lại càng lộ rõ. Sau khi WHO công bố đại dịch, Mỹ đã nhanh chóng ký với hãng Sanofi Aventis mua 1 tỷ USD về vaccin (mua thêm), còn Pháp: 28 triệu liều. Riêng Hà Lan, Canada, Hy Lạp Israel đặt mua vaccin cho toàn bộ dân số của mình với trung bình mỗi người 2 liều, riêng Pháp, Đức, Anh bảo đảm tối thiểu vaccin phòng cho 30 - 78% dân số. Điều này khiến doanh số của hãng Glaxo Smith Kline (GSK) trong quý 2/2009 tăng lên 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các nước đàn anh nhanh chân, khỏe về tài chính đã bao trọn gần như toàn bộ khả năng chế tạo vaccin của các hãng, như vậy bao giờ mới đến lượt dân các nước nghèo (được ngoại giao gọi là các nước đang phát triển) có được vaccin để phòng bệnh, trăm phận đành nhờ trời, phật!

Còn thuốc trị cúm A/H1N1, át chủ bài là tamiflu của hãng Roche sau đó là Relenza của GSK. Nhu cầu tăng vọt do đại dịch nhưng khả năng sản xuất thuốc của các hãng cũng chỉ có hạn, muốn tăng sản lượng lên cũng phải chờ ít nhất 6 tháng nữa. Tháng 4/2009, nước Anh đã mau chóng dự trữ được 35 triệu liều tamiflu và đặt mua tiếp 50 triệu liều nữa, bảo đảm cứ 6 người dân thì 5 người sẵn sàng có thuốc đáp ứng khi cần, tương tự là Mỹ, Pháp, Úc... cũng thực hiện mục tiêu trên. Vậy còn đâu đến lượt các nước của thế giới đang phát triển(!), may mắn lắm hàng vài chục triệu dân nước này mới có được vài trăm nghìn liều tamiflu (một phần trong đó là viện trợ), tiền ít, chờ mua chưa đến lượt và mua nhiều nhỡ dịch không xảy ra thì biết làm sao, vì giá tamiflu khá đắt, 1 hộp 10 viên, mua ở Pháp đã 36 USD. Trong khi một số các hãng dược phẩm của Ấn Độ, Trung Quốc có thừa khả năng sản xuất oseltamivir (biệt dược: tamiflu) và zanamivir (bd: relenza), đủ cung cấp cho các nước với giá rẻ nhưng lại vướng luật bảo vệ bản quyền vì chủ sở hữu là hãng Roche không đồng ý. Có ý kiến chê trách WHO, cơ quan y tế có thẩm quyền cao nhất để tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp không phải tôn trọng luật này, nhưng thái độ của WHO không rõ ràng trong khi doanh số và giá trị cổ phiếu của hãng Roche tăng vùn vụt.

Đến nay, virut cúm A/H1N1 dường như cũng có sự phân biệt, Tổng thống Coota Rica là Oscar Arias là nguyên thủ quốc gia đầu tiên nhiễm cúm này, sau đó là tổng thống Colombia, còn lại virut này e dè không dám động đến tổng thống hoặc thủ tướng các nước G7: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada...(!)

Theo: BACSI.com