VỊ THỐNG ĐỐC TRỞ LẠI ĐẠO CÔNG GIÁO (SỨ ĐIỆP)

Vào đầu thập niên 1990, ông Jindal viết hai bài báo nói về việc ông quyết định cải đạo từ Ấn độ giáo của cha mẹ ông để trở thành tín hữu Công giáo. Các chi tiết sau đây được rút ra từ bài “"Has Ecumenism Made Evangelism Irrelevant?" đăng trên báo America ngày 31 tháng 7 năm 1993.

Tôi được sinh ra tại Hoa Kỳ ngay sau khi cha mẹ tôi dời Ấn độ để đến định cư tại miền đất này. Tôi được nuôi dưỡng trong môi trường ảnh hưởng văn hóa Ấn giáo, thường xuyên tham dự lễ pujas, hoặc các buổi cầu nguyện, và đọc sách kinh Vệ đà. Dầu rằng các lời cầu nguyện của tôi chỉ là những lời xin xỏ và hứa hẹn trẻ con, nhưng giáo lý Ấn giáo đã cung cấp cho tôi các hướng dẫn về luân lý và an bình tinh thần. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc tìm hiểu hay so sánh với giáo lý của các tôn giáo khác; là một tín hữu Ấn giáo chính là căn cước Ấn độ của tôi. Một người bạn thời niên thiếu, một tín hữu Tin lành Southern Baptist, có ý muốn chuyển đổi thế giới, bằng cách trước hết giới thiệu Thiên Chúa giáo với tôi khi anh ta nói “bạn và cha mẹ bạn sẽ xuống hoả ngục.” Điều đó làm sao lay chuyển được tôi.

Tuy nhiên sự thúc đẩy của người bạn này cũng khiến tôi suy nghĩ và tìm hiểu kỹ hơn về Ấn giáo đồng thời tôi nghiên cứu “kinh thánh” Bhagavad-Gita sâu sắc hơn. Dù cho tôi tìm thấy nhiều câu chuyện quyến rũ và bài văn hay ho, tôi cảm thấy khó chịu khi Krishna thuyết phục một Arjuna miễn cưỡng để bảo đảm quyền thừa kế của anh ta bằng cách gây chiến tranh với các người anh em họ. Dầu tôi không thích thấy một vị thần khuyến khích bạo động, cảm xúc này cũng không đủ mạnh để chối bỏ toàn bộ đức tin. Tôi muốn nghiên cứu giáo lý Ấn giáo trên nền tảng các công trạng và học thuyết của nó.

Các giáo lý chính yếu của Ấn giáo liên quan đến 2 niềm tin căn bản. Thứ nhất là tất cả các linh hồn đều có thể vào niết bàn (nirvana), một trạng thái hạnh phúc, qua những việc lành phúc đức. Vì điều này xẩy ra trong nhiều kiếp sống, các linh hồn được đầu thai trở lại cho đến khi họ hoàn thành. Hoàn cảnh cụ thể của linh hồn dựa trên sự chọn lựa của kiếp trước; các linh hồn ở hoàn cảnh tồi tệ nhất bị đầu thai vào thân xác của súc vật…

Giáo lý thứ hai là tất cả các tôn giáo đều là những đường đúng để tới cùng một Thượng Đế. Điều này tước đoạt quyền phê bình bất kỳ niềm tin tôn giáo nào, gồm cả những giáo phái và các nhóm quá khích. Thật vậy, Thượng Đế không quan tâm đến những người theo Ngài tin vào chân lý sao. Lòng thành khẩn, chứ không phải là nội dung, mới có ý nghĩa sao. Thật vậy, tôi đã có nhiều năm cầu nguyện chân thành mà vẫn cảm thấy vắng bóng niềm tin tôn giáo cuả tôi. Mặc dầu tôi đã ra sức tìm kiếm một niềm tin thực sự khách quan hướng dẫn tôi đến với Thượng Đế, tôi đã bắt đầu nghi ngờ và sẵn sàng chấp nhận “các triết lý”, nếu không phải là các niềm tin tôn giáo, liên quan tới Ấn Độ giáo.

Hành trình của tôi từ Ấn Độ giáo sang Kitô giáo là một hành trình từ từ và đau đớn. Tôi bị cảm kích bởi tình yêu và sự đơn sơ của một bé gái thuộc một gia đình Kitô giáo khi em mơ ước trở thành chánh án Toà án Tối cao để có thể ngăn chặn việc “giết trẻ em chưa sinh ra” trong quốc gia của em. Tôi cũng đã tức giận vì sự ngạo mạn của một người bạn theo đạo Southern Baptist khi anh cho rằng niềm tin của anh là đường thật duy nhất đến với Thượng Đế. Có vẻ anh phủ nhận kinh nghiệm của hàng tỷ người chưa bao giờ được nhìn thấy một cuốn Kinh Thánh.

Tôi bắt đầu đọc Kinh Thánh để phản bác niềm tin Kitô giáo. Tôi đang tìm hiểu với cả sự khâm phục và khinh miệt. Tôi không thể trình bày cảm xúc của tôi khi lần đầu tiên đọc các bản Kinh Thánh Tân Ước. Tôi nhìn thấy chính mình trong nhiều dụ ngôn và cảm thấy như là Kinh Thánh được viết ra cho riêng tôi. Sau khi đọc hết các cuốn Kinh Thánh tôi có thể tìm ra sự chính xác lịch sử của Kinh Thánh với Kitô giáo, tôi bị thuyết phục là Kinh Thánh vẫn không thay đổi qua nhiều thế kỷ và những gì chung quanh sự chết của đấng Kitô đã dẫn đến sự trở lại của hàng ngàn người. Tuy nhiên, quan điểm của tôi cũng vẫn chỉ là tri thức chứ không phải là tinh thần.

Việc tìm hiểu về Kitô giáo của tôi có thể vẫn chỉ ở trình độ lý thuyết nếu không có một cuốn phim đen trắng ngắn. Dầu sự mô tả việc đóng đinh vào thập giá là tàn nhẫn hơn các cuốn phim cùng loại, nhưng có cái gì đó trong cuốn phim đánh động tôi mạnh mẽ. Và lần đầu tiên, tôi thực sự mường tượng những gì xẩy ra cho Con Thiên Chúa như bị nhục mạ và ngay cả việc Ngài bị tử hình là vì sự lợi ích cho tôi. Dầu rằng cuốn phim không thuyết phục tôi bất cứ điều gì là sự thật, nhưng nó buộc tôi tự hỏi Thiên Chúa giáo có đúng không. Tôi nhận ra rằng nếu các câu chuyện trong Kinh Thánh là thật, nếu đấng Kitô là Con Thiên Chúa, thì thật là ngạo mạn nếu tôi từ chối Người và nếu thắc mắc về món quà cứu độ của Người.

Phải mất nhiều giờ bàn hỏi với một cha xứ trước khi tôi sẵn sàng biến đổi đời sống đức tin và chấp nhận Chúa Kitô vào cuộc đời mình. Lại phải mất thêm hai năm nữa trước khi tôi nhận phép Thánh Tẩy vào Giáo hội Công giáo. Cha mẹ tôi tức điên lên vì sự cải đạo của tôi và chưa thực sự tha thứ cho tôi. Tôi cố gắng chuẩn bị cho sự thể xấu nhất có thể xẩy ra; dầu tôi đã sẵn sàng khi không còn sự trợ giúp tài chánh của gia đình, tôi đã không chuẩn bị đủ cho các trận chiến tinh thần. Cha mẹ tôi trải qua những giai đoạn khó khăn của sự tức giận và bất mãn. Họ kết tội chính họ là cha mẹ tồi, họ cho tôi là đứa con bất hiếu và đổ tội cho các người truyền giáo là gieo rắc sự bất hòa. Xẩy ra nhiều cuộc tranh luận (cãi vã) nẩy lửa, nhiều người viện đến lòng trung thành của gia đình và bản sắc dân tộc (quốc gia). Cha mẹ tôi chưa hề thực sự chấp nhận sự cải đạo của con mình và vẫn còn coi niềm tin của tôi là một điều không tốt phủ mờ sự thành công của tôi. Họ đau khổ và cảm thấy là tôi đã khước từ họ qua việc tôi chấp nhận giáo lý Thiên Chúa giáo. Tôi mong mỏi một ngày nào đó cha mẹ tôi hiểu, tôn trọng và có thể chấp nhận niềm tin của tôi. Hiện nay, tôi bằng lòng với việc cha mẹ tôi chấp nhận tôi…

Động lực thúc đẩy sự cải đạo của tôi, tuy nhiên, vẫn là niềm tin của tôi vào một tôn giáo có mục tiêu đúng và duy nhất. Nếu Thiên Chúa giáo chỉ là một trong nhiều tôn giáo đúng một cách bình đẳng, thì sự hy sinh mà tôi đã gánh chịu, bao gồm cả sự bất hòa trong gia đình, thật là vô nghĩa. Tôi đã từng thoải mái trong niềm tin Ấn giáo và vui thú trong đời sống cầu nguyện tích cực; tôi chỉ từ từ nhận ra một khoảng trống vắng và sự bướng bỉnh chống lại tiếng gọi của Chúa từ trong giáo hội. Sự Thật và Tình Yêu sau cùng đã buộc tôi chấp nhận Chúa Kitô là Thiên Chúa. “Chúa Giêsu nói, ‘Tôi là đường và là sự thật và là sự sống: Không ai đến được với Cha mà không qua tôi’” (Gioan. 14:6). Sự hy sinh cứu chuộc của Chúa Kitô đã chứng minh rằng Thiên Chúa yêu tôi và đã nâng tôi lên với Ngài.

Bobby Jindal - Thống đốc Tiểu bang Louisiana
Trần Ngọc Ánh

(dịch từ “Perspectives of an Indian Convert” trong “America, The National Catholic Weekly.”) dunglac.net