Love Telling ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN và Quý Khách: BQT-TCVN xin cáo lỗi cùng ACE vì trục trặc kỹ thuật 2 ngày vừa rồi. Trân trọng! Loan Pham nhắn với Gia Đình TCVN: Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý anh chị em một Giáng Sinh ấm áp bên gia đình, người thân và tràn đầy ơn lành từ Chúa Hài Đồng. ThanhCaVN nhắn với TCVN: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 16 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. Edit LM Loan Pham nhắn với TCVN: Kính Chúc Cà Nhà Một Tam Nhật Thánh và Một Mùa Phục Sinh Tràn Đầy Thánh Đức ... Loan Pham nhắn với TCVN: Chúc mừng năm mới đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý anh chị em tron gia đình TCVN thân yêu... Xin Chúa xuân ban nhiều hồng ân đến mọi người. Amen ThanhCaVN nhắn với ÔB & ACE: Kính chúc Năm Mới Quý Mão: Luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN: Kính chúc Giáng Sinh & Năm Mới 2023: An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa. bethichconlua nhắn với Gia Đình ThanhCaVietNam: Chúc mừng sinh nhật thứ 15 website ThanhCaVietNam. Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa. Amen ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 15 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. phale nhắn với cecilialmr: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với thiên thần bóng tối: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với teenvnlabido: Ngày mai (1/6) sinh nhật của bạn teen / chúc mọi điều tốt lành trong tuổi mới. phale nhắn với tất cả: Xin Chúa cho dịch bệnh sớm qua đi và ban bình an cho những người thành tâm cầu xin Ngài. ThanhCaVN nhắn với ACE: Kính chúc ACE: Giáng Sinh & Năm Mới 2021 - An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 13 trên 13

Chủ đề: Chịu Mình Thánh Chúa bằng tay hay bằng miệng?

  1. #1
    Tử Mặc's Avatar

    Tham gia ngày: May 2009
    Tên Thánh: Phaolô
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Đồng Nai
    Bài gởi: 206
    Cám ơn
    174
    Được cám ơn 944 lần trong 166 bài viết

    Default Chịu Mình Thánh Chúa bằng tay hay bằng miệng?

    Tại Việt Nam: chịu Mình Thánh Chúa bằng tay hay bằng miệng?
    VietCatholic News (06 Jun 2010 22:06)

    Cổ lỗ sĩ

    Nhân ngày Lễ Mình Máu Chúa Kitô, xin được có đôi thiển ý về cách thức rước Lễ hay theo cách nói trước đây là “chịu Lễ”.

    Một hiện tượng cần ghi nhận: Tại Việt Nam, hình thức rước Lễ bằng tay như đã phổ biến cách “đại trà”, kể cả với các em thiếu nhi. Trong khi đó Giáo Hội cho phép rước Lễ theo hình thức này với một vài điều kiện và xem đây là một phép “ngoại thường”. Huấn Thị Redemptionis Sacramentum số 92 ghi: “Mọi tín hữu, theo họ chọn, luôn luôn có quyền rước lễ bằng miệng. Nếu người rước lễ muốn nhận Thánh Thể bằng tay, trong những miền mà Hội Đồng Giám Mục cho phép, với sự xác nhận của Tông Toà, có thể ban Mình Thánh cho họ. Nhưng, trong trường hợp này, phải chăm chú theo dõi Mình Thánh Chúa được người rước lễ rước bánh thánh ngay trước mặt thừa tác viên, tránh không để một ai cầm Mình Thánh trong tay mà đi ra khỏi đó. Nếu có nguy cơ xúc phạm, không được cho các tín hữu rước lễ bằng tay”. Theo văn mạch của Huấn Thị thì rước Lễ bằng miệng là một quyền lợi, còn rước Lễ bằng tay là một ân xin với một vài điều kiện đi kèm.

    Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sau khi xin Tòa Thánh cho phép tín hữu được rước Lễ bằng tay đã ra thông báo rằng: Tín hữu được quyền chọn lựa hình thức rước lễ bằng miệng theo truyền thống hoặc rước Lễ bằng tay, nhưng vẫn khuyến khích rước Lễ theo hình thức cũ.

    Để áp dụng thêm một hình thức rước Lễ mới là bằng tay thì vào năm 1994 Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã chỉ thị cho các chủng viện, các tu viện áp dụng thử trước một thời gian. Và đến đầu năm 1996 mới phổ biến cho tín hữu. Khi phổ biến thì yêu cầu các linh mục tập cho tín hữu cách thức rước Lễ bằng tay. Các linh mục cứ thế tập cho đoàn tín hữu từ già đến trẻ đều rước Lễ bằng tay một thời gian. Và thế là hình thức rước Lễ mới được xem như là “thời thượng”, là “tiến bộ”, là “trí thức”, là “trưởng thành” vì có các chủng sinh, các nam nữ tu sĩ đi tiên phong. Và tại Việt Nam nếu có giáo xứ nào căn cứ lời dạy của Giáo Hội, của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cổ võ việc rước Lễ theo hình thức cũ thì bị xem như là cổ lỗ sĩ, là bảo thủ, là đi ngược thời đại…

    Sau một thời gian, cũng có nhiều vị phản ánh về sự lạm dụng trong hình thức rước Lễ mới, và cách riêng có thể làm suy giảm lòng tôn kính nơi các em thiếu nhi, và một số người, thì tôi đã từng nghe nhiều linh mục Việt Nam cổ võ cho cách thế “chịu Lễ” bằng tay với những lý luận như sau:

    1. Không biết tay hay lưỡi, bộ phận nào “sạch” hơn. Theo các ngài thì “tay” có lẽ sạch hơn “lưỡi” nhiều.

    2. Hình thức rước Lễ bằng tay thì “vệ sinh” hơn hình thức rước Lễ bằng miệng.

    3. Rước Lễ bằng tay mà trang nghiêm cung kính thì vẫn hơn rước Lễ bằng miệng mà thiếu ý thức.

    4. Chúa Kitô truyền là hãy cầm lấy mà ăn; Hãy cầm lấy mà uống… thì chúng ta làm theo lời Chúa truyền mà thôi.

    5. Giáo Hội đã cho phép thì chúng ta cứ tự nhiên thi hành. Đừng có bảo hoàng hơn cả vua, đừng có khó hơn cả Tòa Thánh Rôma.

    Xin có một vài nhận định, kiểu bắt giò lái và tuần tự theo các luận lý ở trên.

    1. Không biết tay hay lưỡi, bộ phận nào “sạch” hơn. Theo các ngài thì tay có lẽ sạch hơn lưỡi nhiều.

    * Người ta dễ đánh lừa kẻ khác về đối tượng so sánh. Thoặt nghĩ thì ta dễ cho rằng cái lưỡi chưa chắc đã sạch bằng bàn tay, vì theo khoa học, trong vòm miệng chúng ta chứa rất nhiều vi khuẩn. Hơn nữa, xét về khía cạnh luân lý thì người ta cũng dễ dè chừng cái bộ phận “lắm đường lắt léo” này. Tuy nhiên nếu nghĩ lại một chút thì chúng ta nhận ra ngay rằng những người chọn rước lễ bằng tay cũng không thể bỏ qua cái lưỡi của họ. Không lẽ Mình Thánh Chúa từ bàn tay họ đi thẳng vào bụng họ? Chắc chắn từ bàn tay phải qua cái lưỡi. Như thế, xét về quảng đường đi của Thánh Thể, thì cách thế rước Lễ bằng tay lại qua nhiều trung gian hơn cách thế rước Lễ bằng miệng.

    2. Hình thức rước Lễ bằng tay thì “vệ sinh” hơn hình thức rước Lễ bằng miệng.

    * Có lẽ đây là một trong những lý do chính yếu mà Hội Đồng Giám Mục một số quốc gia, trong đó có Hội Đồng Giám Mục Việt Nam xin Tòa Thánh cho tín hữu được rước Lễ theo cách mới (bằng tay). Theo tôi biết thì số quốc gia này không nhiều.

    Với tâm thức hiện nay, người ta vốn dễ dị ứng với những hình thức xem ra “thiếu vệ sinh”, mà việc rước Lễ bằng miệng là một điển hình. Vấn đề đặt ra là giữ vệ sinh cho mình hay cho tha nhân.

    Theo tôi, nếu nhắm đến việc giữ vệ sinh cho mình, thì cách thức rước Lễ bằng tay không đạt mục đích mà trái lại còn thua cách thức rước Lễ bằng miệng. Lý do là vì theo kỷ luật Phụng vụ, đoàn tín hữu tham dự Thánh Lễ không được tự mình cầm lấy Thánh Thể để rước mà phải nhận từ tay thừa tác viên. Như thế nếu có vi khuẩn từ tay thừa tác viên thì người rước Lễ bằng tay xem ra “mất vệ sinh” hơn người rước Lễ bằng miệng, vì Thánh Thể phải từ tay thừa tác viên qua tay họ rồi mới vào miệng của họ.

    Nếu nhằm giữ vệ sinh cho tha nhân, thì cách thức rước Lễ bằng tay xem ra có lý do chính đáng. Họ không muốn có sự lây lan vi khuẩn từ miệng của họ đến tha nhân, nếu giả như tay của thừa tác viên vô tình chạm vào lưỡi của họ. Theo thiển ý của tôi, nếu căn cứ vào lý do này thì cũng chính đáng, nhưng trong thực tế lại có đó hiện tượng phản cảm. Bởi chưng ở các nước tiên phong xin được rước Lễ bằng tay như Mỹ, Canada, Pháp thì người ta sợ lây nhiểm vi khuẩn cho tha nhân mà tránh không rước Lễ bằng miệng, sợ có sự cố tay thừa tác viên chạm vào lưỡi của mình, thế mà ngay sau đó, khi tan Lễ người ta không ngại ngần ôm hôn chùn chụt (une bise, deux ou trois bises). Xin đừng quên dù chỉ áp má mà thôi thì nhiều virus như virus cúm cũng rất dễ dàng lây nhiễm. Ngoài ra, khi chúng ta rước Thánh Thể Chúa, thì một điều kiện ắt phải có là niềm tin. Nếu quá chú trọng đến khía cạnh vệ sinh thì những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm ắt là cô đơn lắm lắm.

    3. Quan trọng là tấm lòng. Rước Lễ bằng tay mà trang nghiêm cung kính thì vẫn hơn rước Lễ bằng miệng mà thiếu ý thức.

    * Lối lập luận này thoặt xem ra rất hữu lý, nhưng xét kỹ thì nó hàm hồ kiểu đánh lận con đen. Người ta đánh lận con đen nơi đối tượng so sánh. Nghe lý luận thì chúng ta dễ đồng ý với chuyện người này rước Lễ bằng tay mà nghiêm trang kính cẩn thì vẫn hơn người kia rước Lễ bằng miệng mà thiếu ý thức hay sự trang nghiêm. So sánh người này với người kia thì không chuẩn, mà phải so sánh hai cách thế rước Lễ của cùng một người mới chuẩn. Theo thiển ý của tôi, nếu một người nào đó rước Lễ bằng tay mà nghiêm trang thì người ấy khi rước Lễ bằng miệng cũng sẽ nghiêm trang cung kính không kém và nhiều khi còn hơn nữa. Trái lại một người đã rước Lễ bằng miệng mà thiếu cung kính nghiêm trang, thì chắc chắn người ấy khi rước Lễ bằng tay sẽ thiếu nghiêm trang cung kính hơn nhiều.

    4. Chúa Kitô truyền là hãy cầm lấy mà ăn; Hãy cầm lấy mà uống… thì chúng ta làm theo lời Chúa truyền mà thôi.

    * Có ý kiến cho rằng lối dịch Việt ngữ chưa chuẩn về lời truyền phép như sau: “Accipite et manducate ex hoc omnes, hoc est enim corpus meum”. Accipite (ở thể imperatif của động từ accipere) phải dịch là “các con hãy nhận lấy”, nếu dịch “cầm lấy” thì phải là động từ “manere”. Bản dịch Nghi Thức Thánh Lễ của Ủy Ban Phụng Vụ Các Giờ Kinh năm 1992 quả thật có dịch là “Hãy cầm lấy…”. Nhưng bản dịch mới của UB Phụng Tự HĐGMVN năm 2005 đã dịch là: “Hãy nhận lấy…”

    Theo thiển ý, khi Giáo Hội truyền dạy trong Thánh Lễ, các tín hữu tham dự không được tự tiện cầm lấy Mình Thánh (Huấn Thị Redemptionis Sacramentum số 94), chắc hẳn muốn nhấn mạnh đến chiều kích lãnh nhận. Quả thật, không một ai tự mình có khả năng “chiếm hữu” Thiên Chúa. Chúa Kitô yêu thương tự trao hiến Thân Mình Người và phần chúng ta chỉ đón nhận.

    Ngoài ra có những chi tiết mà chúng ta không thể căn cứ Kinh Thánh theo sát mặt chữ để thực hành như một vài vị đã từng “Bẻ bánh” ngay khi đọc lời truyền phép.

    5. Giáo Hội đã cho phép thì chúng ta cứ tự nhiên thi hành. Đừng có bảo hoàng hơn cả vua, đừng có khó hơn cả Tòa Thánh Rôma.

    * Như đã nói ở trên, dù rằng Giáo Hội đã cho phép, nhưng phép ấy là phép thuộc hàng ngoại thường, có thể xem như là phép chuẩn, vì thế không thể thực hành cách tràn lan. Trong huấn thị Redemptionis Sacramentum số 92, Giáo Hội đã minh nhiên nói rõ việc rước Lễ bằng miệng là một quyền lợi của tín hữu và thừa tác viên không được từ chối, trái lại hình thức rước Lễ bằng tay có thể bị từ chối nếu thấy có nguy cơ xúc phạm. Xin lưu ý hai từ “nguy cơ”, vốn mang ý nghĩa phòng xa, ngăn ngừa.

    Không thể minh nhiên đặt hai cách thế rước Lễ ngang hàng với nhau, kiểu cách nào cũng được, miễn là có ý thức và sự trang nghiêm cung kính. Chắc chắn có một vài khác biệt theo truyền thống phong tục tập quán của từng miền trong cung cách ứng xử, trong kiểu cách biểu lộ các tâm tình. Tuy nhiên, có những kiểu cách ứng xử hay tư thế biểu lộ mà người ta dù khác văn hóa cũng có thể đồng thuận về mức độ hơn kém về tâm tình. Chẳng hạn tư thế đứng thì ai cũng đồng ý là biểu lộ sự tôn kính hơn là tư thế ngồi. Chính vì thế khi nghe công bố Tin Mừng thì Giáo Hội dạy tín hữu là phải đứng. Lý do là vì để tỏ lòng tôn kính chính những Lời của Chúa Kitô hay là những Lời trực tiếp nói về Chúa Kitô. Và chúng ta không thể biện luận rằng đứng hay ngồi cũng được, miễn là có lòng tôn kính. Dĩ nhiên có những trường hợp ngoại thường có thể ngồi nghe Tin Mừng, chẳng hạn như những người bệnh tật, những người già yếu…

    Đã nói là trường hợp ngoại thường thì không thể phổ biến tràn lan như nhiều nước đã xin phép và được phép cho tín hữu tham dự Thánh Lễ, được rước Lễ bằng tay như hiện nay, trong đó có Việt Nam chúng ta.

    Một vài thiển ý kính gửi các Đấng bậc có trách nhiệm trong Giáo Hội, cách riêng Giáo Hội Việt Nam:

    - Cần giải thích lại cho đúng vị trí của đặc ân được rước Lễ bằng tay. Hình thức rước Lễ này không phải là một quyền lợi mà là một đặc ân ngoại thường đi kèm một vài điều kiện, chẳng hạn như phải được Hội Đồng Giám Mục trực tiếp xin, người rước Lễ phải rước Chúa tại chỗ…

    - Xin phổ biến lại văn thư trước đây của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về vấn đề cho phép được rước Lễ bằng tay, vì có thể rất nhiều linh mục hiện nay không có.

    - Hiện tượng rước Lễ bằng tay nay như đã phổ biến tràn lan có một nguyên do chính là vì các giáo xứ theo lệnh trên đã tập cho tất cả đoàn tín hữu thực hiện một thời gian. Chuyện gì mà cần phải tập một thời gian dài thì dễ được xem như là tiến bộ, là tốt đẹp hơn cái cũ. Vậy xin Hội Đồng Giám Mục ra lệnh cho các linh mục các giáo xứ cho toàn thể tín hữu tập lại hình thức rước Lễ bằng miệng trong vòng một thời gian dài tương tự, rồi sau đó trình bày, giải thích cách đúng đắn Huấn Thị Redemptionis Sacramentum và để cho tín hữu tự ý chọn lựa cách thức rước Lễ.

    - Tín hữu Công giáo nói chung và tín hữu Công giáo Việt Nam nói riêng vốn trân trọng bậc tu trì. Hễ quý thầy, quý sơ hành xử như thế nào thì họ sẽ cho cách thế ấy là tốt đẹp. Từ cái lệnh truyền cho các chủng viện và tu viện áp dụng thử cách thức rước Lễ bằng tay, nên cách thức ấy đã thành chuyện bình thường trong các chủng viện và tu viện. Nếu các chủng sinh, các tu sĩ nam nữ rước Lễ bằng miệng như truyền thống thì có lẽ rất nhiều tín hữu giáo dân sẽ noi gương các vị ấy.

    - Theo thiển ý là với các em thiếu nhi, xét chung thì chưa ý thức đủ, do đó nên hạn chế hoặc chưa cho các em sử dụng ân ban rước Lễ bằng tay.

    Một vài nhận định và đề nghị liên quan đến việc rước Lễ trên đây hẳn còn nhiều thiếu sót và bất cập, nhưng chỉ với ước mong Kitô hữu chúng ta sống lời chỉ dạy của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là chúng ta cần phải tôn thờ Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể cho cân xứng và phải đạo, vì Đấng hiện diện trong Thánh Thể không chỉ là người Anh, người Bạn của chúng ta mà còn là Vị Thầy Chí Thánh, là Thiên Chúa Tối Cao.

    Lễ Mình Máu Chúa Kitô năm 2010

    LM Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
    Chữ ký của Tử Mặc
    Như con thơ trong lòng mẹ hiền.

  2. Có 17 người cám ơn Tử Mặc vì bài này:


  3. #2
    chư dân's Avatar

    Tham gia ngày: Apr 2011
    Tên Thánh: Louis Mary Grignon de Monfort
    Giới tính: Nam
    Đến từ: CHXHCN VIỆT NAM
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 597
    Cám ơn
    3,363
    Được cám ơn 3,341 lần trong 582 bài viết

    Default

    Trích Nguyên văn bởi Hoa_Dat View Post
    Xin hãy trả lại sự uy nghi của bí tích thánh thể bằng việc cho rước lễ bằng miệng, có giúp lễ hứng bánh, Linh mục đưa cao mình thánh và đọc to câu: Mình thánh Chúa kito" và chỉ cho giáo dân rước lễ khi họ đã sẳn sàng bằng câu đáp Amen.
    Trích Nguyên văn bởi Hoa_Dat View Post

    Cũng xin các nhà thờ đừng Tin lành hóa bằng các việc sau: Cho nữ giúp lễ, cho giáo dân nữ ăn mặc áo dài quá mỏng lên đọc sách thánh, xây nhà thờ theo thiết kế mới với gian cung thánh bằng với giáo dân, giáo dân đứng dự lễ như đi dự mít tin.

    Xin khuyến khích các linh mục mặc áo dòng nhiều hơn, và quỳ trước thánh thể nhiều hơn.
    Những tâm tình rất đáng trân quý của bạn Hoa_Dat! Theo cách nhìn của SCD, đã có những thái độ và hành vi thiếu tôn kính đối với Phép Thánh Thể. Dường như, ngày nay, nhiều tín hữu, không phải là tất cả, đã đánh mất Đức Tin và cảm thức về sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa trong Phép cực thánh này. Rất nhiều hành vi không phải đạo, xúc phạm đến Chúa Giê-su Thánh thể! Họ có thể vô tư nói chuyện trong nhà thờ, vừa ngồi (không phải quỳ) vừa bắt chân lên ghế, như thể đang ở trong rạp xi-nê hay quán bar. Rất vô tư đến độ vô tâm! Có người vừa rước lễ xong, lại quay ra đài Đức Mẹ để cầu nguyện mà không biết rằng lúc đó Mẹ đang thờ lạy Chúa Thánh Thể trong lòng họ. Nếu họ biết hiệp cùng Mẹ Thiên Chúa trong giây phút linh thánh đó để ngợi khen, yêu mến và đền tạ Chúa thì hay biết mấy! Họ cũng có lòng đạo đức đó nhưng hơi "lạc quẻ'!...

    Về một số thực hành liên quan tới Phép Thánh thể được Giáo hội cho phép như rước lễ bằng tay chẳng hạn, SCD nghĩ rằng tiên vàn hãy vâng phục Giáo hội như vâng phục chính Thiên Chúa. Và tùy tình cảm đạo đức cá nhân của mỗi người thì có thể làm thêm những những việc không trái đức tin và kỷ luật của Giáo hội.
    thay đổi nội dung bởi: chư dân, 25-06-2011 lúc 10:14 AM
    Chữ ký của chư dân
    CÓ CHÚA, CON VUI!
    (Chị Elisabeth Chúa Ba Ngôi)

  4. Có 7 người cám ơn chư dân vì bài này:


  5. #3
    duoc1706's Avatar

    Tuổi: 27
    Tham gia ngày: May 2011
    Tên Thánh: Joachim Paul
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Tháp Đồng
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 1,146
    Cám ơn
    12,904
    Được cám ơn 5,422 lần trong 1,083 bài viết

    Default

    Theo bà Maria Simma, người đã được nói chuyện với các linh hồn Luyện Ngục trong rất nhiều năm: tội khiến các linh mục phải ở Luyện Ngục lâu nhất, đó là tội cho giáo dân Rước Lễ bằng tay.
    Chúng ta biết: Chúa Giêsu hiện diện thật sự trong Bánh Thánh, mà Chúa là Thiên Chúa tối cao, Thiên Chúa mà người Do Thái và Hồi Giáo cung kính đến độ phải phủ phục sát đất mà tôn thờ, thế thì lý nào chúng ta lại có thể cầm Người trên bàn tay vốn cũng không sạch sẽ chút nào của mình (có thể nói là còn dơ hơn cả lưỡi), trong khi chính chúng ta đang ở trong Bàn tay của Người? Thiết nghĩ, theo ý của anh SCD, nên tạm vâng phục Giáo quyền về vấn đề Rước Lễ tay, nhưng cũng nên có một phản ứng tích cực nào đó là cho vấn đề này.
    Chữ ký của duoc1706
    Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần

  6. Có 5 người cám ơn duoc1706 vì bài này:


  7. #4
    JosKhaiNguyen's Avatar

    Tham gia ngày: Nov 2010
    Tên Thánh: Giuse
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Giáo Phận Xuân lộc
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 259
    Cám ơn
    3,635
    Được cám ơn 1,765 lần trong 258 bài viết

    Default

    Chà,vấn đề nhạy cảm đây,xin hãy nhớ cho rằng.Việc rước lễ bằng tay đã có từ thời Chúa Giêsu cơ.Đọc lại Tin Mừng xem nào?"Trong đêm bị nộp,Chúa Giêsu cầm lấy bánh,dâng lời chúc tụng..........các con hãy Cầm lấy mà ăn".Chúa truyền các Tông Đồ hãy Cầm lấy,vậy xin hỏi các Tông Đồ sẽ cầm bằng gì?bằng tay rồi mới đưa vào miệng,hay các Ngài sẽ cầm bằng miệng?????
    Tại sao Giáo Hội lại để các Tín Hữu rước lễ bằng miệng??? Xin thưa,vì ngày xưa Giáo Dân còn rất mê tín lợi dụng rước lễ bằng tay mà mang Mình Thánh Chúa về,để chôn xuống đất,cất vào nhà vì nghĩ đơn giản là để.....trừ tà.Giáo Hội thấy việc làm như thế là bất xứng nên từ đó việc rước lễ bằng miệng được thông qua.Sau này,Giáo Hội lại muốn chúng con đi đúng với Lời Chúa truyền dạy,"hãy cầm mà ăn".Chứ không phải hãy"cắn mà ăn"Chính vì thế,việc rước lễ bằng tay lại được Giáo Hội cho phép.Thiết nghĩ,dùng tay rước lễ cũng là 1 hình thức,chẳng phải bắt chước Tin Lành hay đạo giáo nào cả.Nên mong rằng mọi người chúng ta cứ hãy làm việc mình trước đã trước khi rước Mình Máu Thánh Chúa là:Ăn Năn,Ước Ao,thật Sốt Sắng và Cung Kính khi rước Lễ.Như thế thì dù có rước bằng tay hay miệng cũng là xứng đáng,không có gì phải tranh luận cả.
    (Thánh Lễ và những điều cần biết)
    Chữ ký của JosKhaiNguyen
    Tình Yêu Đức KiTô Trên Thập Giá,Đã Thúc Bách Chúng Ta

  8. Có 4 người cám ơn JosKhaiNguyen vì bài này:


  9. #5
    Damsan's Avatar

    Tham gia ngày: Oct 2008
    Tên Thánh: Joseph
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Tây nguyên xanh
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 1,860
    Cám ơn
    2,553
    Được cám ơn 8,696 lần trong 1,669 bài viết

    Default

    Thế là đã rõ nhé, dừng lại ở đây và không tranh luận nữa nhé
    Chữ ký của Damsan
    Nàng đẹp quá, bạn tình ơi, đẹp quá !
    Đôi mắt nàng là một cặp bồ câu.

    (Dc 1,15 )

  10. Có 4 người cám ơn Damsan vì bài này:


  11. #6
    duoc1706's Avatar

    Tuổi: 27
    Tham gia ngày: May 2011
    Tên Thánh: Joachim Paul
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Tháp Đồng
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 1,146
    Cám ơn
    12,904
    Được cám ơn 5,422 lần trong 1,083 bài viết

    Default

    Trích Nguyên văn bởi JosKhaiNguyen View Post
    Chà,vấn đề nhạy cảm đây,xin hãy nhớ cho rằng.Việc rước lễ bằng tay đã có từ thời Chúa Giêsu cơ.Đọc lại Tin Mừng xem nào?"Trong đêm bị nộp,Chúa Giêsu cầm lấy bánh,dâng lời chúc tụng..........các con hãy Cầm lấy mà ăn".Chúa truyền các Tông Đồ hãy Cầm lấy,vậy xin hỏi các Tông Đồ sẽ cầm bằng gì?bằng tay rồi mới đưa vào miệng,hay các Ngài sẽ cầm bằng miệng?????
    Tại sao Giáo Hội lại để các Tín Hữu rước lễ bằng miệng??? Xin thưa,vì ngày xưa Giáo Dân còn rất mê tín lợi dụng rước lễ bằng tay mà mang Mình Thánh Chúa về,để chôn xuống đất,cất vào nhà vì nghĩ đơn giản là để.....trừ tà.Giáo Hội thấy việc làm như thế là bất xứng nên từ đó việc rước lễ bằng miệng được thông qua.Sau này,Giáo Hội lại muốn chúng con đi đúng với Lời Chúa truyền dạy,"hãy cầm mà ăn".Chứ không phải hãy"cắn mà ăn"Chính vì thế,việc rước lễ bằng tay lại được Giáo Hội cho phép.Thiết nghĩ,dùng tay rước lễ cũng là 1 hình thức,chẳng phải bắt chước Tin Lành hay đạo giáo nào cả.Nên mong rằng mọi người chúng ta cứ hãy làm việc mình trước đã trước khi rước Mình Máu Thánh Chúa là:Ăn Năn,Ước Ao,thật Sốt Sắng và Cung Kính khi rước Lễ.Như thế thì dù có rước bằng tay hay miệng cũng là xứng đáng,không có gì phải tranh luận cả.
    (Thánh Lễ và những điều cần biết)

    Mời anh đọc lại lời sau đây của cha Nghĩa đã được viết rất rõ ở trên:
    Trích Nguyên văn bởi Tử Mặc View Post


    4. Chúa Kitô truyền là hãy cầm lấy mà ăn; Hãy cầm lấy mà uống… thì chúng ta làm theo lời Chúa truyền mà thôi.

    * Có ý kiến cho rằng lối dịch Việt ngữ chưa chuẩn về lời truyền phép như sau: “Accipite et manducate ex hoc omnes, hoc est enim corpus meum”. Accipite (ở thể imperatif của động từ accipere) phải dịch là “các con hãy nhận lấy”, nếu dịch “cầm lấy” thì phải là động từ “manere”. Bản dịch Nghi Thức Thánh Lễ của Ủy Ban Phụng Vụ Các Giờ Kinh năm 1992 quả thật có dịch là “Hãy cầm lấy…”. Nhưng bản dịch mới của UB Phụng Tự HĐGMVN năm 2005 đã dịch là: “Hãy nhận lấy…”

    Theo thiển ý, khi Giáo Hội truyền dạy trong Thánh Lễ, các tín hữu tham dự không được tự tiện cầm lấy Mình Thánh (Huấn Thị Redemptionis Sacramentum số 94), chắc hẳn muốn nhấn mạnh đến chiều kích lãnh nhận. Quả thật, không một ai tự mình có khả năng “chiếm hữu” Thiên Chúa. Chúa Kitô yêu thương tự trao hiến Thân Mình Người và phần chúng ta chỉ đón nhận.

    Ngoài ra có những chi tiết mà chúng ta không thể căn cứ Kinh Thánh theo sát mặt chữ để thực hành như một vài vị đã từng “Bẻ bánh” ngay khi đọc lời truyền phép.

    Lễ Mình Máu Chúa Kitô năm 2010

    LM Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
    Trích tác phẩm "Get Us Out Of Here" của bà Maria Simma, chương 12:

    Hỏi: Bà biết nhiều hơn tôi : Đề tài chịu Mình Thánh Chúa bằng tay đang gây ra sự tranh cãi sôi nổi. Tại sao vậy?

    Trả lời: Quần chúng không được nói cho biết toàn bộ câu chuyện về đề tài này. Họ phải được thông báo rõ ràng. Luật lệ của Giáo hội nói rằng các hàng bệ quỳ để rước Lễ phải được duy trì để cho những ai muốn quỳ gối và chịu Lễ bằng lưỡi. Đây là lời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Vậy nếu nhà thờ nào mà không có hàng rào cung thánh là không vâng lời .
    Các linh hồn nói với tôi rằng CHO ĐẾN NAY, KHÔNG CÓ MỘT VỊ GIÁO HOÀNG NÀO cho phép rước Lễ bằng tay, nhưng việc này là do một nhóm Hồng Y và Giám mục thúc đẩy qua áp lực chính trị. Các linh mục lớn tuổi và các Giám mục đều biết, nhưng đa số không nói cho quần chúng biết. Do đó, họ mang trách nhiệm lớn lao. Tất cả các vị Giáo Hoàng đều biết rõ rằng cho rước Lễ bằng tay là điều bất kính đối với Đấng Chí Thánh nhất trong các Đấng Thánh. Đức Giáo Hoàng không đưa Mình Thánh Chúa vào tay dân chúng.
    Dĩ nhiên, trong các điều kiện ấy, nếu ai lãnh nhận Mình Thánh Chúa trên tay thì không có tội, nhưng tôi xin mọi người hãy lắng nghe các vị Giáo hoàng của chúng ta. Việc chịu Mình Thánh Chúa bằng tay tạo thêm sự phạm Thánh. Hãy để ý mà xem: các phù thủy trả nhiều tiền cho kẻ xấu để trực tiếp làm hại Chúa Giêsu với Mình Thánh Chúa khi người ta bí mật đưa Mình Thánh Chúa ra khỏi nhà thờ. Chúng ta phải ngừng lại không cho người ta dễ dàng lợi dụng Đấng Chí Thánh. Đây là một vấn đề nghiêm trọng.
    Nếu tất cả các linh mục đều cầu nguyện với Chúa Thánh Thần và cầu nguyện chuỗi Mân Côi, thì sẽ không có linh mục nào đi sai lạc trong các sự kiện quan trọng như thế, vì bây giờ người ta dễ dàng và thường xuyên đi sai đường.
    Nếu các Giám mục và linh mục cao niên hỏi các giáo dân lớn tuổi, nghĩa là trên 40 tuổi trở đi, xem họ có muốn quỳ xuống khi rước Lễ không thì họ sẽ nói là họ thích quỳ hơn. Vậy thì các Giám mục và linh mục sẽ cho phép đại đa số giáo dân quỳ để rước Lễ theo sở thích của họ.
    Hai thế hệ trước (tức là khoảng 40 năm) có nhiều lời cầu nguyện hơn bây giờ. Nếu người lớn tỏ ra khiêm nhường và siêng năng cầu nguyện thì người trẻ sẽ nhanh chóng học giá trị của sự khiêm nhường và tư thế sám hối (quỳ) trước Đấng Chí Thánh. Tôi đã từng thấy có những giáo dân quỳ để rước Lễ, nhưng bị bỏ sót không được rước Lễ chỉ vì họ quỳ. Rồi tôi cũng thấy các trẻ chịu Lễ lần đầu được dậy là phải đứng để rước Lễ trong khi đó, cha mẹ và ông bà của bé buồn đau vì việc bé đứng rước Lễ. Tôi rất buồn vì thấy việc này. Khi người ta nói rằng họ là một phần tử của đám đông vì tình yêu huynh đệ, thì tôi nói không, bởi vì tình yêu huynh đệ ấy tương phản với thái độ tôn kính đối với Đấng Chí Thánh và Tình Yêu Thánh Thiện của Thiên Chúa.
    Tôi cũng nhớ rằng khi các Giám mục người Đức tham dự vào việc cho chịu lễ bằng tay thì các Giám mục người Mỹ không đồng ý vì điều này đi ngược lại ý của Đức Giáo Hoàng. Nhưng giờ thì khác hẳn. Chúng ta đã mất biết bao nhiêu linh mục bởi vì lương tâm các ngài không yên ổn? Có nhiều lắm.
    Nói về việc chịu Lễ bằng tay, tôi biết có một câu chuyện thích thú xẩy ra tại thành phố Munich, Đức quốc, cách đây ít lâu, khi tôi nói chuyện tại đó. Lúc nói về đề tài này thì nhiều người tỏ ra hứng thú. Có ba người cố gắng chống lại những gì mà tôi đang nói. Cả ba đều đua nhau nói cùng một 1úc. Tôi bèn lặng lẽ cầu xin Chúa giúp cho tôi. Khi căn phòng trở nên ồn ào và náo nhiệt, thì có một phụ nữ xinh đẹp, cỡ chừng 40 tuổi mặc áo đen, bà đứng lên ở phía bên phải của căn phòng. Bà có vẻ dịu dàng nhưng có thẩm quyền, bà nói trong một vài phút để cho mọi người im lặng. Tôi rất cảm phục bà ta vì kiến thức và cách thức bà điều khiển đám đông với tình yêu mến.
    Khi cuộc nói chuyện kết thúc, tôi gặp các thành viên trong ban tổ chức để xin nói chuyện với người phụ nữ ấy nhằm cám ơn bà ta đã giúp đỡ tôi. Lúc đó, tôi cứ nghĩ rằng bà ở trong ban tổ chức, là những người đã mời tôi đến nói chuyện về đề tài Luyện ngục.
    Tuy nhiên, ban tổ chức lại tưởng người phụ nữ ấy là bạn của tôi mà tôi đã mời đi chung với tôi. Hóa ra cả hai nhóm đều nhầm. Không ai tìm ra bà ta. Chúng tôi ra phía cửa trước và hỏi những người gác cửa về tung tích của bà, bởi vì đây là cuộc nói chuyện chỉ dành riêng cho những người được mời. Những người phụ trách ở cửa nói rằng họ không thấy bà ấy bước vào hay bước ra khỏi phòng họp, dù cho không còn cửa ra vào nào khác.

    Hỏi: Một số người nói rằng bởi vì Chúa Giêsu chia bánh vào tay các Tông Đồ trong bữa Tiệc Ly nên nếu các linh mục có làm như vậy cũng không sao. Bà nói thế nào về câu hỏi này?

    Trả lời: Không đúng! Cả chân phước Katharina Emmerich và Therese Neumann là hai nhà thần bí vĩ đại nhất của người Đức đều được Chúa cho phép nhìn thấy Bữa Tiệc Ly, và trong cả hai trường hợp, Chúa Giêsu trao bánh đã thánh hiến vào miệng của các Tông Đồ.
    Xin hãy thông hiểu và tin tưởng vì tôi biết tôi đang nói gì. Bây giờ đề tài này đang được bàn thảo trong các tầng lớp cao cấp của Giáo Hội. Ở đây, tôi biết Chúa Giêsu sẽ thắng thế, dù cho mọi sự có hỗn loạn đến đâu đi nữa.

    Hỏi: Xin bà cho tôi nói, điều mà bà nói về chân phước Katharina Emmerich được thị kiến chỉ là một mặc khải tư mà thôi.

    Trả lời
    : Đúng, và trong lịch sử chỉ có qua các mặc khải tư mà Chúa chỉ dậy rõ ràng và chỉnh đốn mọi sự. Chúng ta có thể xác nhận, nếu ta nghiên cứu về các trường hợp nổi tiếng trong dòng lịch sử. Hoa quả của các trường hợp mặc khải này rất lớn lao, và có rất đông người hoán cải qua các trường hợp này. Hãy nhìn đến sự kiện Đức Mẹ Maria hiện ra tại vùng Rue de Bac, Lộ Đức và Fatima, hay sự kiện kỳ lạ của bà Therese Neumann, đó là chưa kể hàng triệu vụ hoán cải xẩy ra trong 15 năm qua (sách này viết năm 1992-1993), khi Đức Mẹ hiện ra ở một làng nhỏ trong vùng của Âu Châu. Dĩ nhiên, tôi đang nói đến Medjugorje, Nam Tư.
    Bây giờ, khi tôi đang nghĩ về Âu Châu, tôi sẽ nói thêm về việc rước Lễ bằng tay.

    Hỏi: Vâng, xin bà cho tôi nghe mọi góc cạnh mà bà biết bởi vì có nhiều người tốt muốn biết câu trả lời chính xác và đúng nhất về việc này.

    Trả lời: Trong những nơi mà Đức Mẹ hiện ra như làng Medjugorje, Nam Tư, hoặc làng Schio, Garabandal và những nơi khác, chẳng hạn như ở Medjugorje, Đức Mẹ hiện ra tại một trong hai ngọn núi. Tại các nơi ấy, có từ một nhóm người vào mùa Đông lạnh giá hay có khoảng 5 ngàn người vào mùa hè hay mùa lễ. Không ai tỏ ý ngần ngại, cho dù khí hậu khắc nghiệt, họ vẫn có thể lội trong bùn, quỳ trên đá cứng, hay chui vào các bụi gai để quỳ khi biết Mẹ hiện ra với họ. Điều này thật là tự nhiên đối với mọi người. Thế mà chỉ có hai hay ba tiếng đồng hồ, tại nhà thờ, khi Chúa Giêsu Thánh Thể đến với các giáo hữu thì họ đứng một cách hãnh diện như các anh lính chiến. Đức Mẹ muốn chúng ta làm gì? Quỳ trước mặt Mẹ và không quỳ trước Con của Mẹ? KHÔNG, KHÔNG THỂ ĐƯỢC.
    Vậy xin các người tốt lành hãy lắng nghe và làm theo tiếng lương tâm, đừng làm theo những gì mà những kẻ khác làm.
    Đây là một sự xác nhận cho bạn về đề tài ấy. Câu chuyện này có thể không làm bạn kinh ngạc như chuyện đôi tay của người phụ nữ bị đổi ra màu đen, nhưng tôi xin kể cho bạn nghe.
    Tôi biết một phụ nữ tốt và cầu nguyện nhiều. Bà ta có những thắc mắc về vấn đề đó. Bà ta cầu nguyện để xin Chúa soi sáng và ban cho một dấu hiệu nhanh chóng cho bà rõ. Chúa đã đáp lời, lần sau khi bà đi rước lễ, vị linh mục đặt Mình Thánh Chúa trên bàn tay của bà. Ngay lúc ấy, Mình Thánh Chúa bay ra khỏi tay bà ta và biến mất trong không khí. Phép lạ đó có nhiều người được chứng kiến.
    thay đổi nội dung bởi: duoc1706, 25-06-2011 lúc 09:54 PM
    Chữ ký của duoc1706
    Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần

  12. Có 7 người cám ơn duoc1706 vì bài này:


  13. #7
    Damsan's Avatar

    Tham gia ngày: Oct 2008
    Tên Thánh: Joseph
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Tây nguyên xanh
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 1,860
    Cám ơn
    2,553
    Được cám ơn 8,696 lần trong 1,669 bài viết

    Default

    NÓI THÊM VỀ VẤN ĐỀ RƯỚC LỄ BẰNG TAY

    Hỏi : xin cha cho biết rước lễ bằng tay có bất kính đối với Chúa Kitô hay không ?
    Trả lời : Thật ra tất cả chỉ vì thói quen mà sinh ra những khó khăn và bất đồng mà thôi.
    Thật vậy, trước hết là vấn đề thay thế tiếng Latinh bằng mọi ngôn ngữ thế giới trong phụng vụ. Vì tiếng Latinh đã được dùng quá lâu, nên khi thánh lễ được làm bằng các ngôn ngữ khác sau Công Đồng Vaticanô II ( 1962-65) thì nhiều người đã không bằng lòng. Mặt khác, những cải cách của Công Đồng này cũng không được đồng tâm đón nhận trong toàn Giáo Hội . Cụ thể, một Tổng Giám Mục Pháp ( Lefevre) đã bất tuân để tiếp tục làm lễ bằng tiếng Latinh và tự tách mình ra khỏi Giáo Hội cho đến ngày ngài mất năm 19 91. Nhưng nhóm linh mục đi theo ngài vẫn tiếp tục theo Nghi Thức Tridentine cũ và bác bỏ mọi cải cách của Công Đồng Vaticanô II. Nhưng cần phải nói rõ là từ đầu Giáo Hội La Mã dùng tiếng Latinh trong phụng vụ và mọi sinh hoạt khác là vì lý do muốn bảo đảm sự hiệp nhất (unity) trong Giáo Hội chứ không vì lý do tín lý, thần học nào khác. Cũng không phải vì tiếng Latinh là tiếng Chúa Giê su đã nói xưa kia, nên phải duy trì . Chúa là người Do Thái, nên Ngài đã dùng ngôn ngữ này để giàng dạy các môn đệ và dân chúng thời đó. Cho nên không phải vì tôn trọng Chúa mà phải dùng tiếng Latinh. Nhưng, vì ngôn ngữ này đã được dùng quá lâu trong Giáo Hội nên người ta trở nên quen đến nỗi khó bỏ được mà thôi.
    Chính vì còn có những người thích tiếng Latinh và Nghi Thức cũ, nên trong năm qua (ngày 7-7-2007) Đức Thánh Cha Bênêđíchtô XVI đã ra Tông Thư Summ rum Pontìficum cho phép xử dụng rộng rãi hơn Nghi Thức bất thường Lễ Tridentine bằng tiếng Latinh, song song với Nghi Thức mới thông thường ban hành năm 1970 cho phép cử hành thánh lễ và các bí tích bằng ngôn ngữ địa phương như hiên nay. Đây chính là một cố gắng hòa giải những bất đồng còn âm ỷ trong Giáo Hội từ sau Công Đồng Vatican II của Đức đương kim Giáo Hoàng. Tóm lại cũng vì tiếng Latinh và những cải càch của Công Đồng Vaticanô II mà nhóm theo Tổng Giám Mục Lefevre đã ly khai khỏi Giáo Hội Lamã cho đến nay. Về phần giáo dân ở khắp nơi thì cũng còn nhiều người không hài lòng với những thay đồi về phụng vụ. Cụ thề là vấn đề rước lễ bằng tay.

    VIỆC NÀY CÓ PHƯƠNG HẠI ĐẾN ĐỨC TIN CÔNG GIÁO HAY KHÔNG ?
    Trong bài trước, tôi đã nói rõ là Tòa Thánh đã cho phép rước lễ bằng tay kể từ sau Công Đồng Vaticanô II. Nhưng cũng vì có dư luận không tán thành, nhất là vì có những lạm dụng và để tránh nguy cơ tục hóa (profanation) và phạm thánh ( sacrilege) nên Đức Hồng Y Francis Arinze , Tổng Trưởng Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí Tích, đã ra Huấn Thị Redemptioní Sacramentum để giải thích thêm về Tông Thư Ecclesia de Eucha rístia của Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II cũng như nhắc lại những gì Toà Thánh đã cho phép về việc rước lễ từ xưa đến nay.
    Cụ thể như sau :
    1- Tín hữu được phép lựa chọn rước lễ bầng tay hay trên lưỡi, quì xuống hay đứng lên khi rước Mình Máu Thánh Chúa Kỉtô trong Thánh lễ. (no. 91-92).
    2- Thánh Bộ cũng khuyến khích việc cho tín hữu rước cả Mình và Máu Thánh Chúa, mặc dù Chúa Kitô hiện diện hoàn toàn trong cả hai hình thức trên. Nghĩa là dù chỉ rước Mình Thánh thôi thì cũng rước trọn vẹn Chúa Kitô rồi. ( x. SGLGHCG. số 1377) Tuy nhiên , Hội Đồng Giám Mục các quốc gia được dành quyền tùy nghi áp dụng việc này ở địa phương. ( no. 100-101)
    3- Cũng liên quan đến việc rước Máu Thánh, Thánh Bộ cũng cho phép hình thức chấm Mình Thánh vào chén Máu Thánh ( Intinction) nhưng người rước lễ không được phép tự tay chấm mà phải nhận lãnh trên lưỡi từ tay thừa tác viên.


    Nghĩa là không được phép lãnh nhận trên tay nếu rước lễ với hình thức chấm này.(no.104)
    Sở dĩ có sự cho phép hình thức chấm (intinction) Mình vào Máu Thánh nói trên là vì có mối quan ngại về nguy cơ lây bệnh truyền nhiểm khi nhiều người cùng uống chung một chén. Ngoài ra, còn bất tiện nữa là thừa tác viên phải uống hết Máu Thánh còn dư sau Lễ. Cũng nên biết rằng trong bí tích Thánh Thể, thì chỉ có bản thể (substance) của bánh và rượu trở thành Bản Thể của Chúa Kitô mà thôi, còn chất thể ( material) của bánh và rượu không thay đổi, cho nên uống nhiều rượu nho vẫn có thể say như thường !.
    Trên đây là tóm lược những gì Tòa Thánh – qua Thánh Bộ Phụng Tự- đã cho phép. Nghĩa là chính Đức Thánh Cha đã đồng ý cho thi hành trong toàn Giáo Hội, vì mọi quyết định của các Cơ quan đầu não trong Giáo triều Roma, nhất là của hai Thánh Bộ quan trọng là Phụng Tự ( Divine VVorship ) và Giáo lý đức tin ( Doctrine of Faith) thì bắt buộc phải có sự chấp thận ( approve) của Đức Thánh Cha trước khi đem thi hành. Như thế, nếu muốn vâng phục Tòa Thánh, thì không ai được phép chống đối những gì đang được cho phép thi hành. Người ta có thể góp ý xây dựng và đề nghị những sửa đổi. Nhưng quyền quyết định tối hậu vẫn thuộc về Đức Thánh Cha, vị Đại Diện duy nhất của Chúa Kitô trên trần gian.
    Rước lể trên lưỡi hay trên tay tự nó không có gì là phạm thánh hay bất kính đối với Chúa Kitô. Căn bản thần học ở đây là Chúa Kitô tự hiến mình làm của ăn của uống để nuôi linh hồn người ta cũng như Ngài đã tự hiến chịu chết trên thập gíá để cứu chuộc nhân loại.
    Vậy nhận lãnh Chúa trên tay hay trên lưỡi không có gì khác biệt về bản chất. Giáo lý của Giáo Hội chỉ đòi hỏi phải sạch tội trọng, có ý ngay lành ( good intention) và giữ chay (fasting) một giờ trước khi rước lễ mà thôi. Chỉ có tội lỗi mới làm cho con người bất xứng chứ không phải hình thức bề ngoài.

    Đó là điều Chúa Giêsu đã khiển trách nhóm biệt phái xưa kia khi chúng bắt lỗi các môn đệ của Chúa không rửa tay trước khi ăn. “… Anh em không biết rằng bất cứ cái gì vào miệng thì xuống bụng rồi bị thải ra ngoài sao ? Còn những cái gì từ mệng xuất ra là phát xuất từ lòng ; chính những cái ấy mới làm cho con người ra ô uế…còn ăn mà không rửa tay thì không làm cho con người ra ô uế.” ( Mt 15: 17-20). Nói khác đi, nếu rước lễ mà thiếu lòng tin, lòng mến Chúa và nhất là đang có tội trọng thì đó mới là bất xứng, bất kính đối với Chúa Kitô, chứ nhận lãnh Mình Máu Chúa trên tay hay trên lưỡi không có gì khác biệt phải quan tâm.
    Thực ra, không có giáo lý, tín lý nào đòi hỏi phải rước Chúa trên lưỡi thì mới tỏ ra kính trọng Chúa cách đúng mức, và rước trên tay là bất kính. Chỉ có điều đáng quan ngại là sợ nguy cơ phạm thánh khi cho rước lễ trên tay mà thôi.
    Nghĩa là , lo sợ có kẻ cầm Mình Thánh Chúa đem về nhà để làm việc phạm thánh nào đó ( profanation, sacrilege)
    Chính vì thế mà Thánh Bộ Phụng Tự đã đặc biệt lưu ý việc này , để nếu cần, thì phải ngưng cho rước lễ trên tay.(no. 92). Và để tránh nguy cơ này, mọi người muốn rước lễ trên tay, thì buộc phải bỏ ngay Mình Thánh Chúa vào miệng trước mặt thừa tác viên cho rước lễ.
    Ngoài ra, để tỏ lòng cung kính bề ngoài trước khi rước Chúa, thì nếu đứng khi lên rước lễ thì trước khi tiến lên lãnh nhận Mình Thánh , người rước lễ được khuyên nên cúi đầu bái lậy trước khi lãnh nhận Mình Máu Chúa trên lưỡi hay trên tay.( không nên bái quì vì sẽ đụng chân vào người đứng phía sau)
    Nói chung ,từ xưa đến nay, đã có biết bao ý kiến chống đối Giáo Hội về luật độc thân của hàng giáo sĩ, đòi cho phụ nữ làm linh mục, không đồng ý về những cải cách của Công Đồng Vaticanô II trong đó có việc cho rước lễ trên tay. Trong số những người không đồng ý này, có cả Giám mục, linh mục và giáo dân. Cụ thể, Tổng Giám mục Malingo bên Phi Châu đã lấy vợ và còn truyền chức giám mục bất hợp pháp cho 3 linh mục Mỹ đã hồi tục và đã bị vạ tuyệt thông tiền kết sau vụ này.
    Nhưng việc chống đối và những gương xấu này không thể làm mất niềm tin và sự tuân phục của tín hữu đối với sứ mạng , chức năng và uy quyền của Giáo Hội trong việc giảng dạy, thánh hóa và cai trị.
    Tóm lại, bao lâu Toà Thánh chưa thay đổi gì về bất cứ luật lệ nào đang được áp dụng thi hành trong các lãnh vực luân lý, tín lý, phụng vụ , bí tích, giáo luật .. . thì mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội - giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân- đều có bổn phận phải vâng phục và thi hành nghiêm chỉnh những luật lệ đó. Những người bất đồng ( dù là Hồng Y , Giám mục hay linh mục) và những ai chống đối ở trong và ngoài Giáo Hội không phải là lý do cho tín hữu phải giao động về tinh thần vâng phục Giáo Hội là Mẹ đang thay mặt Chúa là CHA để dạy dỗ, dẫn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô trên trần thế.

    Lm .Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
    thanhlinh.net
    Chữ ký của Damsan
    Nàng đẹp quá, bạn tình ơi, đẹp quá !
    Đôi mắt nàng là một cặp bồ câu.

    (Dc 1,15 )

  14. Có 8 người cám ơn Damsan vì bài này:


  15. #8
    chiennho's Avatar

    Tham gia ngày: Jun 2011
    Tên Thánh: Teresa
    Giới tính: Nữ
    Đến từ: giáo họ trung trí , giáo xứ hàm long
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 171
    Cám ơn
    4,913
    Được cám ơn 1,049 lần trong 171 bài viết

    Default

    Trích Nguyên văn bởi Damsan View Post
    Thế là đã rõ nhé, dừng lại ở đây và không tranh luận nữa nhé
    đây là vđ nhạy cảm , nếu tranh luận típ së có nhìu y kiến bất đồng

  16. Có 2 người cám ơn chiennho vì bài này:


  17. #9
    toitochua21's Avatar

    Tham gia ngày: Mar 2011
    Tên Thánh: Maria Goretty
    Giới tính: Nữ
    Đến từ: Hành lang Nhà Chúa
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 105
    Cám ơn
    400
    Được cám ơn 561 lần trong 98 bài viết

    Default

    Mọi người dừng ngay lại đi, mọi người tranh luận tiếp thì sẽ xảy ra nhiều cái ko đáng có. Đây là vấn đề nhạy cảm và muôn thưở, cũng như vấn đề "Đọc hiểu Thánh Kinh", bạn hãy để những người có trách nhiệm làm sáng tỏ, và ko nên dẫn chứng những bài viết chưa được sự đồng ý của Giáo Hội
    Chữ ký của toitochua21
    "Có một điều con hằng ao ước.
    Một điều con hằng kiếm tìm.
    Là được ở trong nhà Chúa suốt đời con."

  18. Có 3 người cám ơn toitochua21 vì bài này:


  19. #10
    PhanNho's Avatar

    Tham gia ngày: Sep 2010
    Tên Thánh: phê-rô
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Tp.HCM
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 48
    Cám ơn
    663
    Được cám ơn 109 lần trong 34 bài viết

    Default

    Riêng phannho,xin được chịu lễ bằng miệng,và luôn luôn như vậy!
    Chữ ký của PhanNho


  20. Có 3 người cám ơn PhanNho vì bài này:


  21. #11
    teenvnlabido's Avatar

    Tham gia ngày: May 2011
    Tên Thánh: Giuse
    Giới tính: Nam
    Đến từ: HCM city
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 927
    Cám ơn
    1,503
    Được cám ơn 2,005 lần trong 603 bài viết

    Default

    Riêng tôi thì sẽ luôn luôn tuân theo luật Giáo Hội và cương quyết đánh sập những âm mưu của Satan hòng lung lạc niềm tin của Ki Tô hữu !

  22. Có 2 người cám ơn teenvnlabido vì bài này:


  23. #12
    T Phương Đông's Avatar

    Tham gia ngày: Apr 2011
    Tên Thánh: Thomas
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Đồng Nai
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 787
    Cám ơn
    5,645
    Được cám ơn 3,783 lần trong 726 bài viết

    Default

    Thiên Chúa nhìn vào sâu thẳm tâm hồn của mỗi người và BIẾT; loài người thì thường nhìn vẻ bên ngoài để THẤY.
    Việc cho phép rước Thánh Thể bằng miệng và tay để thích ứng với điều kiện thời gian- không gian và số lượng tín hữu tham dự (nếu như có lỗi thì người làm luật có lỗi chứ không phải chúng ta).
    Tuy nhiên, khi PĐ đi tham dự Thánh Lễ ở nhiều nơi, nhất là những dịp lễ long trọng, hoặc những giáo xứ có lượng người tham dự thánh lễ đông, PĐ nhìn thấy rất nhiều người nhận Mình Thánh Chúa bằng tay, sau đó vừa đi vừa cho Mình Thánh vào miệng một cách máy móc, cẩu thả, thiếu lễ độ và bất xứng!...
    Và vì vậy nên PĐ vẫn ủng hộ và luôn rước Thánh Thể bằng miệng!
    Chữ ký của T Phương Đông
    Đời con tay trắng hư không...

  24. Có 2 người cám ơn T Phương Đông vì bài này:


  25. #13
    QUANGMINH2011's Avatar

    Tham gia ngày: Mar 2013
    Tên Thánh: Phêrô
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Hải Phòng
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 96
    Cám ơn
    301
    Được cám ơn 256 lần trong 76 bài viết

    Default

    Trước nay ở giáo xứ mình cũng cho phép rước lễ bằng tay và bằng miệng, thôi phen này sẽ rước lễ bằng miệng thôi!!!
    Chữ ký của QUANGMINH2011
    Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. (Ga 14:9)

  26. Có 2 người cám ơn QUANGMINH2011 vì bài này:


+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com