|
Tôi xin có đôi điều trao đổi với những Quý vị phụ trách nhạc tại các buổi phụng vụ và các ca trưởng.
Như chúng ta đã biết, thánh nhạc là một trong những cách thức giúp chúng ta nâng hồn lên cùng Chúa, là một công cụ để giao tiếp với Thượng Đế. Do đó, thánh nhạc cũng có một vài ảnh hưởng nhất định đến ơn Cứu chuộc.
Tuy nhiên, hiện nay, có một tình trạng đáng buồn đó là rất nhiều người không hiểu thánh ca dùng để làm gì, điều đó thể hiện trong các nghi thức phụng vụ.
Lời lẽ sai lạc như những bài quỷ ca
Chúng ta xem xét các bài hát trong rất nhiều nhà thờ vào các ngày lễ Chúa Nhật ngày nay, chúng không còn là thánh ca nữa, mà thậm chí, một số, giống như một bài quỷ ca.
Ví dụ hãy xem qua một bài hát về các linh hồn, bài hát bắt đầu bằng câu "hỡi mẹ, mẹ có thấu tiếng khóc than của bao linh hồn...". Nếu ai đã đọc tác phẩm Luận về lòng thành thực sùng kính Mẹ Maria, chúng ta biết, không ai có đủ tư cách để cầu nguyện như thế và cầu nguyện một cách phạm thượng như thế. Khi cất tiếng hát đó lên, tôi nghĩ những ai đã hát bài ca đó đều phạm sự thánh. Chúng ta biết, hòm bia Thiên Chúa xưa kia được Chúa bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt không vết nhơ, không ti ố và chỉ do bàn tay được của người thánh hiến mới được chạm vào theo nghi thức nghiêm ngặt. Nay cũng vậy, Mẹ Maria là hòm bia Thiên Chúa, Mẹ chứa đựng không phải bia đá, nhưng chứa đựng chính Người Đã Tạo ra bia đá ấy, chính là Lời Chúa. Vậy, chúng ta không đủ tư cách để chất vấn Đức Mẹ là "bà kia, bà có thấu biết bao nhiêu người đang khổ cực mà tôi đây hiểu trước bà không?" dưới hình thức một câu quỷ ca "hỡi mẹ, mẹ có thấu tiếng khóc than của bao linh hồn".
Điều đau lòng hơn, nhiều ông thầy, bà xơ, cũng cất tiếng hát như thế, khác nào làm gương mù, gương tối.
Nhập thể kiểu teen
Có người bảo rằng, thời nào phải hát nhạc đó, và mạnh mẽ đưa nhạc 'mới' vào nhà thờ hoặc vào các thánh lễ
Điều này có thể hiểu được với lý do rằng ca trưởng hoặc vị phụ trách ấy hoàn toàn mù tịt về tác dụng của thánh ca.
Chúng ta biết, nhạc giao hưởng nói chung là một thành tựu vượt bậc của văn minh nhân loại, người ta tự hỏi không hiểu tại sao người ta có thể sáng tác và tổ chức những bài hợp xướng cực kỳ hay từ thời xa xưa.
Nếu xem xét kỹ những trình thuật từ những cuộc mạc khải đối với các thánh nhân, ta thấy rất rõ ràng, nhạc giao hưởng là từ Thiên Đàng mà đến, và đây là sản phẩm từ Thiên Đàng. Nhạc này thường xuất hiện vào lúc Chúa hoặc Đức Mẹ hiện ra hoặc biến đi trong các cuộc thị kiến và đã được các Thánh mô tả lại.
Nhạc giao hưởng có tác dụng làm thúc đẩy sự thông minh não bộ của con người, thánh ca giao hưởng có tác dụng nâng hồn lên cũng Chúa mà không một loại nhạc nào có thể làm được.
Trong thực tế, có những nghiên cứu cho thấy, nhạc còn liên quan đến thịnh suy của quốc gia, của sự băng hoại xã hội hoặc dẫn đến sự sụp đổ của một xã hội. Khổng Tử và Socrate ngay từ xa xưa đã ý thức được tầm quan trọng của nhạc.
Giáo hội đã cân nhắc tất cả những trường hợp ấy, nên đã có những quy định cẩn thận. Nhưng người không được giáo dục, hoặc không có kiến thức, hoặc là tay chân của những hội nhóm bóng tối thì phao tin rằng như vậy là bảo thủ, khó khăn.
Mỗi một loại nhạc đều có tác dụng riêng, một số loại Rock Heavy là sản phẩm của quỷ, nên sẽ mang lại ảnh hưởng tâm thần tiêu cực cho người nghe nó.
Không thể bảo rằng, chúng ta đang sống ở thời hiện đại, nên nhạc cũng phải hiện đại.
Nếu thế thì chúng ta thử tượng tượng xem, trong buổi lễ trang trọng, ông giám mục già lắc lư theo nhịp nhạc trong khi tế lễ vật lên Chúa cho ra vẻ trẻ trung, hợp thời thì sẽ như thế nào.
Có lẽ, một số người do công việc của họ thường xuyên tiếp xúc với thánh ca, nên họ nhàm, đứng núi này, trông núi nọ, thấy nhạc khác hay hơn. Và những con người nghiêm túc thay vì nên tự hào vì sự thành kính của xã hội với họ, nhưng họ lại chán ngấy, họ muốn quậy, muốn xì tin, muốn trẻ trung, muốn hư cơ! Nên nhớ rằng, chỉ có họ là chán ngấy với chính họ, chứ xã hội thì không có cảm giác ấy.
Trong một bữa tiệc tại vùng xa xôi, ban đầu, chúng tôi là những người dân bình thường, cảm thấy bữa tiệc trang trọng vì khung cảnh và âm nhạc, rất chính thống và đáng được tôn trọng. Vui chưa được lâu, thì ban nhạc chuyển tông, những chị già U50, 60 tuổi, những anh khắc khổ hát bài nhạc teen, nhảy nhót cứng như que củi, cho quậy. Lúc đó, khung cảnh biến đổi hoàn toàn, những người dân ngồi dưới coi nhìn nhau ái ngại. Một khung cảnh không phù hợp với dân chúng.
Nhiều người cho rằng phải mang xã hội vào thánh ca thì mới 'nhập thế' được. Chúng ta hãy xem đến kinh nghiệm tai hại của 'nhà sáng tác' nhạc Phật nhiều được ghi kỷ lục Việt Nam khi sửa lời bài hát nổi tiếng "ai bảo chăn trâu là khổ" thành "ai bảo ăn chay là khổ, ăn chay sướng lắm chứ..." bị dư luận ói mửa lung lung.
Ngay xã hội đã không như vậy thì lẽ nào chúng ta lại như vậy. Ví dụ như bài quốc ca không thay đổi theo từng xu hướng nhạc trẻ.
Thánh ca, là phục vụ ơn cứu độ, nghĩa là ngợi ca, yêu mến, cám ơn và xin ơn Đấng Tối Cao và tưởng nhớ, tri ân và tâm tình đến Tổng thần, Thánh và các chứng nhân tình yêu của ngài. Như vậy, thánh ca không phải là phương tiện để mua vui và giải sầu của ông tám bà tám với nhau.
Mỹ thuật âm nhạc chất lượng không tốt
Trong những năm trước đây, hầu hết các nhà thờ đều hát những bài thánh ca rất hay.
Hay, như bao mọi người bình thường khác, hay có nghĩa là đạt tới trái tim của người nghe, giúp người nghe có cảm xúc thánh thiện. Hay phải được xét theo quan điểm của người có tâm lý bình thường và nhân cách không bị lệch lạc.
Hay có nghĩa là ý thơ, điệu nhạc, đượm tình phải đạt chuẩn. Thật khó xác định thế nào là đạt chuẩn.
Nhưng qua những gì thực tế, những bài hát còn lưu lại trong dân gian, được dân gian ưu ái thì đó là đã đạt chuẩn.
Ví dụ như các bài ca về các thánh từ đạo việt nam "Tiếng nhạc oai hùng" "Hồi chiêng dứt" "Bài ca ngàn trùng"... trước đây là những tuyệt tác có một không hai và đã trải qua hàng chục năm sàng lọc từ dân gian.
Nay một số người nhân danh cái 'hiện đại' chê bai các bài hát ấy rồi tự bịa ra những bài hát mới với lời lẽ thì thật ngây ngô, âm điệu thì thua phường bát âm kò kí ke, nhưng lại cứ thích ré lên từ năm này qua năm kia những cái gọi là 'nhạc mới'.
Rất hy vọng rằng, các nhà sáng tác thánh ca, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, với sự trợ giúp của Mẹ Maria, sẽ cống hiến cho danh Chúa những tác phẩm bất hủ, lời thơ nồng nàn, điệu nhạc đượm tình để ca ngợi, đền tạ và xin ơn Thiên Chúa; tâm tình, tri ân đến các Thánh của ngài
Nhân đây, xin gửi lời cám ơn đến ca đoàn Giáo xứ Khánh Hội. Tôi đã có đi lễ nhà thờ này nhiều lần trong những năm 2005 nhận thấy, nhạc đệm rất hay, những bài hát được chọn lọc rất kỹ, âm vang tốt, nhất là rất nhập hồn, có lẽ do ca đoàn đứng tại vị trí trên sàn gác phía sau nên không bị áp lực phải duyên dáng khi hát và tập trung tốt hơn những ca đoàn đứng trên gian cung thánh hoặc gần gian cung thánh.
Ở giáo xứ tôi trước kia, ca trưởng muốn ca đoàn hát bài gì trong Thánh lễ phải trình cho linh mục vào ngày hôm trước. Do đó, các thánh lễ rất sốt sắng. Từ khi linh mục (cha Diệm) ấy chết đi, công tác kiểm duyệt này bỏ dở, ca đoàn muốn hát gì thì hát. Hậu quả là rất dở, nhếch nhác và con số ca đoàn, ca viên tụt hẳn thảm hại.
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|