Love Telling ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN và Quý Khách: BQT-TCVN xin cáo lỗi cùng ACE vì trục trặc kỹ thuật 2 ngày vừa rồi. Trân trọng! Loan Pham nhắn với Gia Đình TCVN: Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý anh chị em một Giáng Sinh ấm áp bên gia đình, người thân và tràn đầy ơn lành từ Chúa Hài Đồng. ThanhCaVN nhắn với TCVN: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 16 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. Edit LM Loan Pham nhắn với TCVN: Kính Chúc Cà Nhà Một Tam Nhật Thánh và Một Mùa Phục Sinh Tràn Đầy Thánh Đức ... Loan Pham nhắn với TCVN: Chúc mừng năm mới đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý anh chị em tron gia đình TCVN thân yêu... Xin Chúa xuân ban nhiều hồng ân đến mọi người. Amen ThanhCaVN nhắn với ÔB & ACE: Kính chúc Năm Mới Quý Mão: Luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN: Kính chúc Giáng Sinh & Năm Mới 2023: An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa. bethichconlua nhắn với Gia Đình ThanhCaVietNam: Chúc mừng sinh nhật thứ 15 website ThanhCaVietNam. Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa. Amen ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 15 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. phale nhắn với cecilialmr: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với thiên thần bóng tối: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với teenvnlabido: Ngày mai (1/6) sinh nhật của bạn teen / chúc mọi điều tốt lành trong tuổi mới. phale nhắn với tất cả: Xin Chúa cho dịch bệnh sớm qua đi và ban bình an cho những người thành tâm cầu xin Ngài. ThanhCaVN nhắn với ACE: Kính chúc ACE: Giáng Sinh & Năm Mới 2021 - An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Chủ đề: TÀI LIỆU DÙNG TRONG TUẦN CẦU NGUYỆN CHO CÁC KITÔ HỮU HIỆP NHẤT VÀ TRONG CẢ NĂM 2011

  1. #1
    horungcn's Avatar

    Tuổi: 61
    Tham gia ngày: Feb 2008
    Tên Thánh: Giu Se
    Giới tính: Nam
    Đến từ: GP Ban Mê Thuột
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 24
    Cám ơn
    322
    Được cám ơn 121 lần trong 21 bài viết

    Default TÀI LIỆU DÙNG TRONG TUẦN CẦU NGUYỆN CHO CÁC KITÔ HỮU HIỆP NHẤT VÀ TRONG CẢ NĂM 2011

    TÀI LIỆU DÙNG TRONG TUẦN CẦU NGUYỆN CHO CÁC KITÔ HỮU HIỆP NHẤT VÀ TRONG CẢ NĂM 2011
    Gm. Giuse Vũ Văn Thiên dịch



    WHĐ (12.1.2011) – Như mọi năm, Hội đồng Tòa thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu đều phổ biến một Tài liệu dùng trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất (từ ngày 18 đến 25 tháng 1). Chủ đề năm nay của Tuần cầu nguyện lấy từ sách Công vụ Tông đồ 2, 42-47. Tài liệu được dùng cho Tuần cầu nguyện và cho cả năm 2011.
    Khởi sự, Tập tài liệu này do một nhóm những người có trách nhiệm thuộc cộng đoàn Giáo hội Công giáo ở Giêrusalem thực hiện. Họ đã họp nhau lại theo lời mời gọi của Hội Đồng đại kết các Giáo hội và được Trung tâm đại kết ở Giêrusalem tạo điều kiện để thực hiện công việc này.
    Sau đó, Nhóm chuẩn bị tài liệu quốc tế, do Ban Đức Tin và Hiến pháp của Hội đồng Đại kết các Giáo hội và Hội đồng Tòa thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu của Giáo hội Công giáo chỉ định, đã gặp nhau tại tu viện Thánh Christophe Saydnaya bên Syri và nhất trí thông qua Tài liệu này.
    Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên đã chuyển dịch Tài liệu này từ bản tiếng Pháp “Textes pour la Semaine de Prière pour l’Unité des Chrétiens et pour toute l’année 2011”.
    Mục Lục
    LỜI ĐẦU
    HỘI ĐỒNG TÒA THÁNH CỔ VÕ SỰ HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU
    Bản văn Kinh thánh: Công vụ Tông đồ 2, 42-47
    PHẦN I: DẪN VÀO CHỦ ĐỀ NĂM 2011
    + Giáo hội tại Giêrusalem, hôm qua, hôm nay và ngày mai
    + Các chủ đề của tám ngày cầu nguyện
    + Công việc chuẩn bị Tài liệu cho Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất năm 2011
    + Phần dẫn vào nghi thức cử hành đại kết
    PHẦN II: DIỄN TIẾN BUỔI CỬ HÀNH
    I. Qui tụ cộng đoàn
    II. Cử hành Lời Chúa
    III. Cầu nguyện thống hối và xin ơn an bình
    IV. Lời cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất
    V. Sai đi
    PHẦN III: CỬ HÀNH NGHI THỨC ĐẠI KẾT
    PHẦN IV : CÁC BÀI SUY NIỆM ĐỌC TRONG TUẦN CẦU NGUYỆN
    - Ngày thứ nhất: Làm chứng cho Thiên Chúa qua việc tán tụng hồng ân sự sống Ngài ban
    - Ngày thứ hai: Làm chứng cho Chúa bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân về Ngài
    - Ngày thứ ba: Làm chứng cho Chúa bằng việc lắng nghe
    - Ngày thứ tư: Làm chứng bằng việc trân trọng di sản đức tin của tiền nhân
    - Ngày thứ năm: Làm chứng cho Chúa trong khi đau khổ
    - Ngày thứ sáu: Làm chứng cho Chúa bằng việc trung thành lắng nghe lời Kinh Thánh (Lc 24,32)
    - Ngày thứ bảy: Làm chứng bằng niềm hy vọng và tín thác
    - Ngày thứ tám: Làm chứng cho Chúa bằng việc niềm nở đón tiếp mọi người
    HỘI ĐỒNG TÒA THÁNH CỔ VÕ SỰ HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU
    BẢN VĂN KINH THÁNH: CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ 2, 42-47
    Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hiệp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.
    PHẦN I: DẪN VÀO CHỦ ĐỀ NĂM 2011
    Công vụ Tông đồ 2, 42-47
    Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hiệp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.
    + GIÁO HỘI TẠI GIÊRUSALEM, HÔM QUA, HÔM NAY VÀ NGÀY MAI
    Cách đây hai nghìn năm, những môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu, họp nhau tại Giêrusalem, đã được lãnh nhận tràn đầy Thánh Thần trong ngày Lễ Hiện Xuống, và họ đã được qui tụ để làm nên thân thể duy nhất của Đức Kitô. Các Kitô hữu ở mọi nơi và mọi thời đều nhận thấy biến cố này là nguồn gốc phát sinh ra cộng đoàn các tín hữu, những người được kêu gọi để cùng tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Độ. Dù cộng đoàn tín hữu đầu tiên ở Giêrusalem gặp rất nhiều khó khăn, cả bên trong lẫn bên ngoài, nhưng họ vẫn luôn trung tín, hiệp thông huynh đệ, năng tham dự lễ bẻ bánh và chuyên cần cầu nguyện.
    Cũng không có gì khó để có thể thấy rằng hoàn cảnh của các tín hữu đầu tiên ở Thành Thánh và của cộng đoàn tín hữu ngày nay tại Giêrusalem rất giống nhau. Cộng đoàn tín hữu tại Giêrusalem ngày nay có nhiều niềm vui nhưng họ cũng gặp không ít những đau khổ như đã từng xảy ra trong cộng đoàn Giáo hội thời sơ khai: bị đối xử bất công, bất bình đẳng từ bên ngoài, chia rẽ từ trong nội bộ nhưng họ vẫn trung tín, vẫn cố gắng để có thể hiệp nhất nhiều hơn nữa giữa các Kitô hữu.
    Hoàn cảnh của các cộng đoàn ở Giêrusalem hiện nay càng giúp chúng ta hiểu rằng việc bảo vệ sự hiệp nhất giữa những vô vàn khó khăn, có ý nghĩa lớn lao thế nào. Hoàn cảnh ấy cũng cho chúng ta thấy lời mời gọi hiệp nhất phải vượt lên trên lời nói và nó phải thực sự giúp chúng ta hướng tới và góp phần xây dựng tương lai Giêrusalem trên trời.
    Cần phải thực tế để ý tưởng này có thể trở thành hiện thực. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về những chia rẽ mà chúng ta gây ra. Vì chúng ta gây nên những chia rẽ này, nên chúng ta cần phải biến lời cầu nguyện của chúng ta thành hành động và xin Chúa biến đổi chính chúng ta để có thể góp phần tích cực vào việc xây dựng sự hiệp nhất. Chúng ta sẵn lòng cầu nguyện cho sự hiệp nhất, nhưng chúng ta cũng phải hành động để sự hiệp nhất sớm được thực hiện. Biết đâu chính chúng ta lại là người cản trở sự hiệp nhất khi chúng ta cản trở Chúa Thánh Thần; biết đâu chính lòng kiêu căng của chúng ta là nguyên nhân cản trở sự hiệp nhất ? Năm nay, lời mời gọi hiệp nhất được gửi tới các cộng đoàn Giáo hội trên toàn thế giới từ chính Giêrusalem, cộng đoàn Giáo hội mẹ của chúng ta. Ý thức được những chia rẽ nơi mình và ý thức được sự cần thiết phải làm để tái tạo sự hiệp nhất cho Thân Thể Chúa Kitô, các cộng đoàn tại Giêrusalem kêu gọi tất cả các Kitô hữu tái khám phá những giá trị làm nên sự hiệp nhất nơi cộng đoàn tín hữu đầu tiên khi họ chuyên cần lắng nghe lời giảng dạy của các Tông đồ, hiệp thông huynh đệ, tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện. Đó là thách đố mà chúng ta phải vượt qua. Các tín hữu tại Giêrusalem mời gọi các anh chị em mình, nhân tuần cầu nguyện này, tiếp tục dấn thân cho một cuộc đại kết đích thực, dựa trên kinh nghiệm của cộng đoàn tiên khởi.
    Lời cầu nguyện trong Tuần Cầu Nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất trong năm 2011 này do chính các Kitô hữu ở cộng đoàn Giêrusalem chuẩn bị và họ đã chọn câu 42 chương 2 sách Tông đồ Công vụ làm chủ đề cho Tuần cầu nguyện: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng”. Chủ đề này làm cho chúng ta nhớ lại thuở ban đầu của cộng đoàn Giáo hội tiên khởi ở Giêrusalem; nó nhắc nhở chúng ta phải suy tư và đổi mới, phải trở về với nền tảng của đức tin; nó mời gọi chúng ta nhớ lại thời kỳ mà mọi sự trong cộng đoàn Giáo hội đều là của chung. Nội dung của chủ đề này đề cập đến bốn yếu tố, cũng là bốn nét đặc thù của cộng đoàn tín hữu sơ khai và là những yếu tố cần thiết cho sự sống còn của bất cứ cộng đoàn Kitô hữu nào. Trước hết là Lời Chúa do các Tông đồ truyền lại. Thứ đến là sự hiệp thông huynh đệ (konoinia), một trong nét đặc thù của cộng đoàn tín hữu sơ khai mỗi khi họp nhau. Nét đặc thù thứ ba của Giáo hội thời sơ khai đó là việc cử hành Thánh Thể (“lễ bẻ bánh”), tưởng niệm Giao ước mới mà Đức Giêsu đã hoàn tất bằng cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Người. Nét đặc thù thứ bốn là cầu nguyện không ngừng. Bốn yếu tố này là những yếu tố thiết yếu làm cho Giáo hội sống động và hiệp nhất với nhau. Cộng đoàn Kitô hữu ở vùng Đất Thánh có ý nhấn mạnh đến các yếu tố nền tảng này và cầu xin Thiên Chúa ban cho Giáo hội trải rộng trên khắp địa cầu được hiệp nhất và tràn đầy sức sống. Các tín hữu ở Giêrusalem mời gọi những người anh chị em của mình trên khắp thế giới hiệp lời cầu nguyện cho các dân tộc trên địa cầu được sống trong công lý, hòa bình và thịnh vượng.
    + CÁC CHỦ ĐỀ CỦA TÁM NGÀY CẦU NGUYỆN
    Xuyên qua các đề tài được trình bày trong tám ngày cầu nguyện, chúng ta có thể nhận ra một tiến trình đức tin. Ban đầu, nơi căn phòng cầu nguyện, cộng đoàn tín hữu sơ khai đã được lãnh nhận tràn đầy Thánh Thần, Đấng làm cho họ được lớn mạnh trong đức tin và tình hiệp nhất, trong lời cầu nguyện và những việc bác ái, để họ thực sự trở nên một cộng đoàn phục sinh liên kết với Đức Kitô, hầu vượt lên tất cả những gì gây chia rẽ trong cộng đoàn và làm cho họ xa rời Đức Kitô. Như thế, cộng đoàn Giêrusalem đã được biến đổi để trở thành ngọn đèn tỏa sáng niềm hy vọng, thành hình ảnh báo trước Giêrusalem trên trời, để hiệp nhất không chỉ các cộng đoàn trong Giáo hội với nhau mà còn hiệp nhất tất cả mọi dân nước. Tiến trình này do Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Chúa Thánh Thần đã soi sáng các Kitô hữu đầu tiên nhận ra chân lý Chúa Giêsu Kitô, đã bao bọc Giáo hội sơ khai bằng những điềm thiêng dấu lạ và làm cho nhiều người ngỡ ngàng sửng sốt. Tiếp nối con đường ấy, các Kitô hữu ở Giêrusalem ngày nay cũng phải siêng năng tập họp để lắng nghe Lời Chúa được truyền lại qua những giáo huấn của các Tông đồ, để cử hành các bí tích và cầu nguyện trong tinh thần hiệp thông huynh đệ. Được trao ban tràn đầy sức mạnh và niềm hy vọng phục sinh, họ phải chứng tỏ cho mọi người thấy họ đã thực sự chiến thắng tội lỗi và sự chết, họ có khả năng và có can đảm để trở thành khí cụ qui tụ mọi dân tộc và mời gọi các dân tộc vượt lên những chia rẽ và những bất công mà họ đang phải gánh chịu.
    Ngày cầu nguyện thứ nhất đưa chúng ta trở về với cội nguồn cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi và giúp chúng ta hiểu rằng Giáo hội hiện diện trên khắp thế giới ngày nay chính là phần tiếp nối của cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi xưa. Chúng ta cũng được gợi nhớ lại lòng can đảm của Giáo hội thời sơ khai đã hiên ngang làm chứng cho chân lý, y như chúng ta ngày nay đang hành động để bảo vệ công lý ở Giêrusalem cũng như ở khắp nơi trên thế giới.
    Ngày thứ hai nhắc chúng ta nhớ lại rằng cộng đoàn đầu tiên được qui tụ trong ngày lễ Hiện Xuống là cộng đoàn gồm nhiều nguồn gốc khác nhau và trong cộng đoàn Giáo hội tại Giêrusalem ngày nay chúng ta cũng thấy có nhiều truyền thống Giáo hội khác nhau. Như vậy chúng ta hiện đang đứng trước một thách đố là làm sao thực hiện được sự hiệp nhất cụ thể rộng lớn hơn mà vẫn giữ được những khác biệt và những truyền thống đa dạng.
    Ngày thứ ba mời gọi chúng ta chú ý đến khía cạnh nền tảng của hiệp nhất: Lời Chúa được truyền lại qua lời giảng dạy của các Tông đồ. Cộng đoàn Giáo hội ở Giêrusalem nhắc nhớ chúng ta rằng dù nơi chúng ta vẫn còn những chia rẽ, nhưng lời giảng dạy của các Tông đồ luôn mời gọi chúng ta đón nhận nhau vì tình yêu thương và vì lòng trung thành với thân thể duy nhất là Giáo hội.
    Ngày thứ tư nhấn mạnh đến tinh thần chia sẻ như là biểu hiện thứ hai của sự hiệp nhất. Như các Kitô hữu đầu tiên đã đặt mọi sự làm của chung, cộng đoàn Giáo hội tại Giêrusalem hôm nay cũng mời gọi tất cả anh chị em trong Giáo hội hãy quan tâm, hãy vui lòng quảng đại chia sẻ của cải vật chất để không còn ai phải thiếu thốn.
    Ngày thứ năm đề cập đến khía cạnh thứ ba của sự hiệp nhất: nghi lễ bẻ bánh qui tụ mọi người trong niềm hy vọng. Sự hiệp nhất của chúng ta còn vượt trên sự hiệp thông thánh thiện; sự hiệp thông của chúng ta bao gồm thái độ đúng đắn trong đời sống luân lý, trong đời sống nhân bản và trong toàn bộ cộng đoàn. Cộng đoàn Giáo hội tại Giêrusalem mời gọi các Kitô hữu hiệp nhất với nhau trong “lễ bẻ bánh” bởi vì một Giáo hội chia rẽ sẽ chẳng có tư cách gì để nói về vấn đề công lý và hòa bình.
    Ngày thứ sáu giới thiệu cho chúng ta đặc tính thứ tư của sự hiệp nhất; noi gương cộng đoàn Giáo hội tại Giêrusalem, chúng ta phải cầu nguyện không ngừng. Đặc biệt nhất là cầu nguyện với kinh Lạy Cha. Kinh này mời gọi tất cả các Kitô hữu, ở Giêrusalem cũng như trên toàn thế giới, người nhỏ bé cũng như người quyền thế, cùng nhau sống công chính, hòa bình và hiệp nhất để nước Chúa trị đến.
    Ngày thứ bảy đưa chúng ta trở lại với một yếu tố vượt trên cả bốn yếu tố hiệp nhất trên đây: sự phục sinh của Đức Kitô. Cộng đoàn Giêrusalem vui mừng công bố tin vui phục sinh dù đang phải mang lấy những đau khổ của thập giá. Đối với các Kitô hữu tại cộng đoàn Giêrusalem hiện nay, sự phục sinh của Đức Giêsu chính là nguồn hy vọng và sức mạnh, giúp họ kiên cường làm nhân chứng và bảo vệ sự tự do và hòa bình cho Thành đô của bình an.
    Ngày thứ tám đúc kết tiến trình hiệp nhất bằng lời mời gọi các cộng đoàn ở Giêrusalem hướng đến một việc làm rộng lớn hơn, đó là sự hòa giải. Dù các Kitô hữu đã hiệp nhất với nhau, thì mọi việc cũng chưa phải chấm dứt vì họ còn phải hòa giải với những người khác. Cụ thể trong bối cảnh của Giêrusalem, đây là sự hòa giải giữa người Palestin và người Israen. Cùng với các cộng đoàn khác, người Kitô hữu được mời gọi tìm kiếm công lý và hòa giải ngay trong hoàn cảnh riêng của mình.
    Như thế, chủ đề của mỗi ngày cầu nguyện không chỉ nhắc lại lịch sử Giáo hội sơ khai nhưng còn nhắc cho chúng ta thấy được hoàn cảnh của các Kitô hữu ở Giêrusalem hiện tại và mời gọi tất cả chúng ta tìm ra cách thức giúp cho cộng đoàn địa phương của mình rút ra những bài học quý giá từ những kinh nghiệm ấy. Trong suốt tiến trình cầu nguyện tám ngày này, các Kitô hữu ở Giêrusalem mời gọi chúng ta loan báo và làm chứng rằng sự hiệp nhất- với ý nghĩa là việc trung thành với lời giáo huấn của các Tông đồ, hiệp thông huynh đệ, tham dự lễ bẻ bánh và siêng năng cầu nguyện- sẽ giúp chúng ta có thể cùng nhau chiến thắng sự dữ, không chỉ ở Giêrusalem mà ở khắp nơi trên thế giới.
    + CÔNG VIỆC CHUẨN BỊ TÀI LIỆU CHO TUẦN CẦU NGUYỆN CHO CÁC KITÔ HỮU HIỆP NHẤT NĂM 2011
    Tập tài liệu chuẩn bị cho Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất này do một nhóm những người có trách nhiệm thuộc cộng đoàn Giáo hội Công giáo ở Giêrusalem khởi sự thực hiện. Họ đã họp nhau lại theo lời mời gọi của Hội Đồng đại kết các Giáo hội và được Trung tâm đại kết ở Giêrusalem tạo điều kiện để thực hiện công việc này. Ở đây, chúng tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn đặc biệt tới những người đã có công đóng góp vào việc chuẩn bị tài liệu này:
    Đức Thượng Phụ Giáo chủ đáng kính của nghi lễ Latinh, Michel Sabbah
    Mục sư Munib Younan thuộc Giáo hội Tinh lành Luther ở Jordanie và Đất Thánh
    Linh mục Naim Ateek thuộc Giáo hội Trưởng lão ở Giêrusalem và Trung Đông
    Linh mục Frans Bouwen thuộc Giáo hội Công Giáo Rôma
    Linh mục Alexander thuộc Giáo hội Chính Thống Hy lạp ở Giêrusalem
    Cha Jamel Khader thuộc Đại học Bethléem
    Ngài Michel Bahnam thuộc Giáo hội Chính Thống Antiokia ở Syri
    Ngài Nora Karmi thuộc Giáo hội Chính Thống Armenie
    Ngài Yusef Daher thuộc Giáo hội Công Giáo Melkite Hy lạp
    Nhóm chuẩn bị tài liệu quốc tế, do Ban Đức Tin và Hiến pháp của Hội đồng Đại kết các Giáo hội và Hội đồng Tòa thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu của Giáo hội Công giáo chỉ định, đã gặp nhau tại tu viện Thánh Christophe Saydnaya bên Syri và nhất trí thông qua các bản văn này. Những người tham dự cuộc gặp gỡ này đặc biệt bày tỏ lời cám ơn sự tiếp đón nồng hậu và lòng hiếu khách của Đức Ignace IV, Thượng phụ Chính thống vùng Antiokhia, Hy lạp và những người cộng sự của ngài ở Damas và ở Saydnaya cũng như sự nâng đỡ và động viên khích lệ của các vị có trách nhiệm trong các Giáo hội thuộc các truyền thống Kitô giáo khác nhau.
    + PHẦN DẪN VÀO NGHI THỨC CỬ HÀNH ĐẠI KẾT
    “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Công vụ Tông đồ 2, 42.)
    Chủ đề mà chúng ta sẽ suy niệm trong Tuần Cầu Nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất năm nay do các Cộng đoàn Giáo hội ở Giêrusalem gợi ý. Chủ đề này mời gọi các Kitô hữu trên toàn thế giới dành thời gian suy nghĩ về mối tương quan giữa cộng đoàn Giáo hội của mình với Cộng đoàn Giáo hội mẹ Giêrusalem, nhờ đó chúng ta có được cái nhìn mới về hoàn cảnh thực tế của chính mình. Thật vậy, chính từ Cộng đoàn Giêrusalem mà tất cả các cộng đoàn khác đã được sinh ra. Cộng đoàn Giêrusalem dưới đất là hình bóng Giêrusalem trên trời, nơi tất cả các dân tộc sẽ được qui tụ quanh ngai Con Chiên để tôn thờ và ca tụng Thiên Chúa đến muôn đời. Các Kitô hữu ở Giêrusalem mời gọi chúng ta, trong những buổi cử hành đại kết năm 2011 này, suy niệm về tầm quan trọng của việc chuyên cần nghe lời giảng dạy của các Tông đồ và hiệp thông huynh đệ, tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện, những yếu tố qui tụ chúng ta, dù ít hay nhiều, thành thân thể duy nhất của Đức Kitô. Các cộng đoàn ở Giêrusalem mời gọi chúng ta phải nhớ đến hoàn cảnh bấp bênh của họ và cầu nguyện cho một nền công lý đem lại hòa bình cho vùng Đất Thánh. Phụng vụ đại kết được trình bày ở đây muốn nhấn mạnh đến việc làm chứng của các Kitô hữu, nói cách khác là tình yêu mà các Kitô hữu đặt để trong việc phục vụ Tin mừng hòa giải với Thiên Chúa, với tất cả nhân loại và thụ tạo, là một khía cạnh quan trọng nền tảng.
    PHẦN II: DIỄN TIẾN BUỔI CỬ HÀNH
    Buổi cử hành bao gồm:
    I. Qui tụ cộng đoàn
    II. Cử hành Lời Chúa
    III. Các lời cầu nguyện thống hối và xin ơn an bình
    IV. Những lời nguyện xin cho các Kitô hữu hiệp nhất
    V. Sai đi
    I. QUI TỤ CỘNG ĐOÀN
    Chúng ta qui tụ cộng đoàn theo cách thức quen thuộc của địa phương; trong khi hát mở đầu, chúng ta có thể rước các biểu tượng phù hợp và đặt trước mặt cộng đoàn. Sau lời chào mở đầu, người chủ sự ngỏ lời với cộng đoàn và những người có trách nhiệm qui tụ buổi cử hành. Như thế, cộng đoàn được mời gọi chuẩn bị cử hành và ca tụng Thiên Chúa bằng những cách thức mở đầu và lời cầu nguyện dẫn nhập xướng đáp theo truyền thống Á đông.
    II. CỬ HÀNH LỜI CHÚA
    Bài đọc sách Công vụ Tông đồ là trung tâm của buổi cử hành và từ bài đọc này chúng ta sắp xếp các phần khác. Khi chọn bản văn trong sách Công vụ Tông đồ này, Ủy ban chuẩn bị tài liệu của cộng đoàn Giêrusalem muốn nhấn mạnh đến việc trung thành nghe lời các Tông đồ giảng dạy và đặt mọi sự làm của chung như những yếu tố làm nên sự hiệp nhất. Bài giảng có thể triển khai theo các chủ đề này hoặc nhấn mạnh cho các Kitô hữu trên khắp thế giới thấy được sự cần thiết phải nâng đỡ những anh chị em đang làm chứng cho Tin mừng tình yêu ở Thánh Địa bằng lời cầu nguyện.
    Sau bài giảng, có thể dành ít phút suy niệm trong thinh lặng hay trong tiếng nhạc nhẹ. Cũng có thể xin của lễ hay quyên tiền giúp các Kitô hữu hay cho các tổ chức (trường học, bệnh viện …) và trao cho một tổ chức có uy tín của Giáo hội.
    III. CẦU NGUYỆN THỐNG HỐI VÀ XIN ƠN AN BÌNH
    Trong phần cầu nguyện này, chúng ta có thể làm những cử chỉ mang tính tượng trưng.
    Cách 1
    Trong phần rước mở đầu, đoàn rước đem theo nến sáng và đặt trước cộng đoàn. Sau mỗi lời cầu nguyện thống hối, tắt đi một cây, còn cây nến lớn nhất hay cây nến phục sinh vẫn để cháy; ánh sáng trong nhà thờ được tắt hết. Cuối lời cầu nguyện xin ơn bình an, phát cho mỗi người tham dự một cây nến nhỏ. Phần tuyên xưng đức tin có thể đọc Kinh tin kính của công đồng Nicê hay Kinh tin kính của các Tông đồ hay một cách tuyên xưng đức tin truyền thống khác, sau đó mọi người tham dự chúc bình an cho nhau trong ánh sáng nến. Tiếp đến là các ý cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất, theo hình thức xướng đáp; sau mỗi ý nguyện, lại thắp lên một cây nến đã tắt lúc trước và thắp từng cây một (lấy lửa từ cây nến lớn hay cây nến phục sinh). Những người tham dự được mời gọi mang cây nến mà họ đã được phát về nhà và tiếp tục thắp sáng vào mỗi buổi chiều trong suốt tuần cầu nguyện này và nếu có thể, thì để cây nến ấy tiếp tục cháy sáng và đặt ở cửa sổ nhà để kéo dài thêm đêm canh thức cầu nguyện và tưởng nhớ đến các Kitô hữu ở Thánh Địa và những nơi khác đang bị thử thách vì đức tin.
    Cách 2
    Sắp xếp một nhóm (trẻ em hay là thanh niên chẳng hạn) chuẩn bị trước một “hình ghép” (hình Đức Giêsu, hình thánh giá, hình một nhà thờ, hay bất cứ biểu tượng nào về sự hiệp nhất xét là xứng hợp) và cắt nó ra thành những mảnh lớn. Trong phần lời nguyện xướng đáp, một số người đại diện cho cộng đoàn đang hiện diện lên trước cộng ghép từng mảnh của tấm hình lại vào một cái khung. Cuối lời cầu nguyện xướng đáp, tấm hình ghép sẽ là biểu trưng cho sự hiệp nhất các Kitô hữu trong một thân thể duy nhất của Đức Kitô, trong sự đa dạng phong phú về những hồng ân mà Thiên Chúa ban cho Giáo hội.
    Cách 3
    Sau mỗi lời cầu nguyện thống hối, xông hương cho các thành viên của mỗi cộng đoàn, để diễn tả lòng nhân hậu của Chúa bao phủ tội lỗi chúng ta và hồng ân của Ngài chữa lành chúng ta. Đặt một chậu than hồng ở giữa cộng đoàn hay gần bục đọc lời Chúa. Sau mỗi lời nguyện thống hối, người đọc lời nguyện hay một người khác trong cộng đoàn lại bỏ hương vào chậu than. Cử chỉ này biểu lộ thái độ của cả cộng đoàn muốn nhìn nhận tội lỗi của mình và đón nhận lòng nhân hậu của Thiên Chúa.
    IV. LỜI CẦU NGUYỆN CHO CÁC KITÔ HỮU HIỆP NHẤT
    Những lời cầu nguyện này gợi lên hoàn cảnh của các cộng đoàn ở Giêrusalem. Tuy nhiên, chúng ta có thể thay thế những lời cầu nguyện này bằng các lời cầu nguyện theo hoàn cảnh riêng của địa phương để biểu lộ cho người khác thấy, ở khắp nơi, chúng ta luôn luôn tìm cách để vượt lên những chia rẽ và hướng tới sự hiệp thông hữu hình hoàn toàn. Các lời cầu nguyện này do một người chủ sự và một người đọc dẫn dắt, cộng đoàn đáp lại sau mỗi cầu nguyện. Phần cầu nguyện này kết thúc bằng kinh Lạy Cha. Mỗi người có thể đọc bằng ngôn ngữ riêng của mình, hay bằng tiếng Aram, một ngôn ngữ mà ngày nay một số Kitô hữu ở Thành thánh vẫn sử dụng.
    V. SAI ĐI
    Cộng đoàn khẩn nài Thiên Chúa chúc lành cho các thành viên được sai đi làm sứ giả loan báo Tin mừng hoà giải. Có thể kết thúc buổi cử hành bằng một bài hát.
    PHẦN III: CỬ HÀNH NGHI THỨC ĐẠI KẾT
    [Cs: Chủ sự – Cđ: Cộng đoàn – Nd: Người dẫn]
    I. Qui tụ cộng đoàn
    Mở đầu:
    Cs: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
    Cđ: Amen.
    Cs: Cùng với các Kitô hữu Giêrusalem và các tín hữu ở …., trong Thiên Chúa Cha và trong Đức Giêsu Kitô, chúc anh chị em ân sủng và bình an (1 Thessalônica 1,1).
    Cđ: Tạ ơn Chúa.
    Lời chào
    Cs: Lạy Thiên Chúa nhân hậu và yêu thương, Ngài đã tạo dựng chúng con giống hình ảnh Ngài.
    Cđ: Chúng con ca tụng và tạ ơn Chúa.
    Cs: Chúng con qui tụ nhau đây nhân danh Chúa để nài xin Chúa tái tạo sự hiệp nhất của những người cùng tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Con Một Chúa, là Đức Chúa và là Đấng Cứu Độ toàn thể nhân loại.
    Cđ: Ôi lạy Chúa, xin lắng nghe và dủ lòng thương xót chúng con.
    Cs: Xin nâng đỡ chúng con vì chúng con yếu đuối và xin dùng Thánh Thần Chúa tăng sức mạnh cho chúng con.
    Cđ: Xin sai Thánh Thần Chúa đến và xin qui tụ chúng con trong sự hiệp nhất.
    Cs: Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
    Nd: Xin Chúa nhận lời chúng con.
    Cs: Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch ân sủng, qua các ngôn sứ, Chúa đã hứa làm cho Giêrusalem trở thành nơi cư ngụ cho nhiều dân tộc và trở thành mẹ của muôn dân nước. Xin lắng nghe lời chúng con cầu nguyện mà làm cho Giêrusalem, thành đô mà Chúa đã thăm viếng, trở thành nơi cho tất cả mọi người có thể sống với Chúa và gặp gỡ nhau trong hoà bình. Chúng con cầu xin Chúa.
    Nd: Xin Chúa nhận lời chúng con.
    Cs: Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, ước gì Thánh Thần Chúa làm cho mọi tâm hồn được sống động, gỡ bỏ những rào cản chia rẽ, xoá đi những nghi ngờ, chấm dứt hận thù và cho dân Ngài, một khi đã được chữa lành khỏi những chia rẽ, có thể sống trong sự công chính và an bình. Chúng con cầu xin Chúa.
    Nd: Xin Chúa nhận lời chúng con.
    Cs: Lạy Thiên Chúa tình yêu, xin lắng nghe lời chúng con khẩn cầu cho thành thánh Giêrusalem của Chúa. Xin hãy cất đi những khổ đau của thành thánh và qui tụ thành thánh trong sự hiệp nhất. Xin hãy làm cho thành thánh nên ngôi nhà Chúa ngự, nên thành đô hoà bình và nên ánh sáng cho muôn dân. Xin tăng cường sự hiệp nhất nơi thành thánh và giữa những người dân thành thánh. Chúng con cầu xin Chúa.
    Nd: Xin Chúa nhận lời chúng con.
    Cs: Lạy Chúa, giờ đây, xin hãy mở đôi tai và trái tim chúng con để chúng con lắng nghe lời Chúa và xin giúp chúng con sống trung thành hơn với Lời Chúa trong lời nói và việc làm hầu danh Chúa được tôn vinh và triều đại Chúa, Ba Ngôi Chí Thánh, là Cha, Con và Thánh Thần, được rộng mở.
    Cđ: Amen.
    II. Cử hành Lời Chúa
    Bài đọc, Đáp ca và Tin mừng dưới đây dùng vào các dịp chung trong Năm,
    còn Bài đọc, Đáp ca và Tin mừng cho Tuần Cầu Nguyện được soạn riêng ở Phần IV:
    “Bản Văn Kinh Thánh, Suy niệm và Lời nguyện cho tám ngày”.
    Cs: Chúng ta hãy cầm lòng cầm trí.
    Bài đọc I: Sáng thế 33, 1-4 hay Isaia 58, 6-10
    Đáp ca: Thánh vịnh 96, 1-13
    Nd đọc: câu 1, 2, 3
    Nd đọc: câu 4, 5, 6
    Nd đọc: câu 7, 8, 9
    Nd đọc: câu 10
    Nd đọc: câu 11, 12a
    Nd đọc: câu 12b, 13
    Sau mỗi lời đọc, cộng đoàn đáp: Hãy ca tụng Chúa bằng một bài ca mới vì Người đã thực hiện những kì công (hay dùng một bài hát khác dựa trên lời Thánh vịnh 96).
    Bài đọc II: Công vụ Tông đồ 2, 42-47
    Alleluia: Hãy để của lễ trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em mình đã, rồi trở lại dâng lễ vật. Alleluia.
    Tin mừng: Matthêô 5, 21-26
    Bài giảng
    Hát
    III. Lời nguyện thống hối và xin ơn an bình
    Cs: Cùng với các cộng đoàn tín hữu Giêrusalem, giờ đây chúng ta dâng lên Chúa lời cầu xin. Chúng ta hãy nhớ lại các cộng đoàn tín hữu Giáo hội sơ khai đã chuyên cần nghe lời các Tông đồ giảng dạy, đã sống hiệp thông huynh đệ với nhau, mà xưng thú những khuyết điểm của mình vì chúng ta đã chưa trung thành với Chúa và chưa huynh đệ bác ái với anh em. Chúng con cầu xin Chúa.
    Cđ: Xin Chúa thương xót chúng con.
    Cs: Cùng với các cộng đoàn tín hữu Giêrusalem, giờ đây chúng ta dâng lên Chúa lời cầu xin. Chúng ta hãy nhớ lại nỗi kinh sợ đã từng xâm chiếm tâm hồn các tín hữu Giáo hội sơ khai khi họ chứng kiến nhiều điềm thiêng dấu lạ do các Tông đồ làm, mà xưng thú những gì còn hẹp hòi trong cái nhìn của chúng ta, những hẹp hòi ngăn cản chúng ta không thể khám phá ra vinh quang trong công trình Thiên Chúa đang thực hiện giữa chúng ta. Chúng con cầu xin Chúa.
    Cđ: Xin Chúa thương xót chúng con.
    Cs: Cùng với các cộng đoàn tín hữu Giêrusalem, giờ đây chúng ta dâng lên Chúa lời cầu xin. Chúng ta hãy nhớ lại các tín hữu thời Giáo hội sơ khai đã để mọi sự làm của chung và nâng đỡ nhau trong lúc thiếu thốn, mà xưng thú rằng chúng ta vẫn khư khư giữ của bỏ mặc người nghèo. Chúng con cầu xin Chúa.
    Cđ: Xin Chúa thương xót chúng con.
    Cs: Cùng với các cộng đoàn tín hữu Giêrusalem, giờ đây chúng ta dâng lên Chúa lời cầu xin. Chúng ta nhớ lại các tín hữu Giáo hội sơ khai ngày ngày chuyên cần cầu nguyện và dự lễ bẻ bánh tại tư gia, với lòng đơn sơ vui vẻ, mà xưng thú rằng chúng ta vẫn còn thiếu tình yêu thương và quảng đại với người khác. Chúng con cầu xin Chúa.
    Cđ: Xin Chúa thương xót chúng con.
    Ơn tha thứ của Thiên Chúa được bảo đảm
    Cs: Đây là điều tiên tri Gioen đã loan báo: “Trong những ngày đó, Chúa phán, ta sẽ đổ Thần Khí của Ta trên hết mọi người phàm… Bấy giờ, hết những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được ơn cứu độ”.
    Chúng ta, những người đang mong chờ Chúa đến, chúng ta cũng được bảo đảm rằng, trong Đức Kitô, chúng ta được tha thứ, được đổi mới và phục hồi trong sự hiệp nhất.
    Lời chúc bình an
    Cs: Chúa Kitô là bình an của chúng ta. Người đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa nơi thân xác duy nhất của Người trên thập giá. Chúng ta qui tụ nhau nhân danh Người và để chia sẻ ơn bình an của Người.
    Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em.
    Cđ: Và ở cùng.....
    Tuyên xưng đức tin (Đọc Kinh Tin kính của các Tông đồ, hay của Công đồng Nicê hay hình thức khác xét là phù hợp ).
    Hát
    IV. Lời nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất
    Cs: Trong Đức Kitô, thế giới được giao hoà với Thiên Chúa và Thiên Chúa trao cho chúng ta sứ điệp hoà giải của Ngài. Là những sứ giả của Đức Kitô và được trao phó sứ mạng tiếp tục công trình hoà giải của Ngài, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin:
    Cs: Khi chúng con cùng nhau cầu nguyện theo những truyền thống khác nhau,
    Cđ: Vì Cha là Đấng Thánh, xin Cha liên kết chúng con, xin làm cho chúng con được hiệp nhất tỏ tường và xin Cha thương chữa lành thế giới.
    Cs: Khi chúng con cùng nhau đọc Sách Thánh bằng ngôn ngữ khác nhau và trong những hoàn cảnh sống khác nhau,
    Cđ: Vì Cha đã tỏ mình ra cho chúng con, xin Cha liên kết chúng con, xin làm cho chúng con được hiệp nhất tỏ tường và xin Cha thương chữa lành thế giới.
    Cs: Khi chúng con thiết lập mối liên hệ huynh đệ giữa người Do thái, người Công giáo, người Hồi giáo, khi chúng con phá đổ những bức tường của sự vô cảm và hận thù,
    Cđ: Vì Cha là nhân hậu, xin Cha liên kết chúng con, xin làm cho chúng con được hiệp nhất tỏ tường và xin Cha thương chữa lành thế giới.
    Cs: Khi chúng con xây dựng công lý và tình liên đới, khi chúng con không còn kinh hãi nhưng hết lòng tin tưởng,
    Cđ: Vì Cha là Đấng ban ơn trợ lực, xin Cha liên kết chúng con, xin làm cho chúng con được hiệp nhất tỏ tường và xin Cha thương chữa lành thế giới.
    Cs: Ở bất cứ nơi đâu có người đau khổ vì chiến tranh và bạo lực, vì bất công và bất bình đẳng, vì bệnh tật và định kiến, vì nghèo đói và thất vọng, xin dẫn chúng con đến cùng thập giá Đức Kitô và đến với nhau,
    Cđ: Vì Con Cha đã bị mang thương tích, xin Cha liên kết chúng con, xin làm cho chúng con được hiệp nhất tỏ tường và xin Cha thương chữa lành thế giới.
    Cs: Cùng với các Kitô hữu nơi Thánh Địa, chúng con làm chứng rằng Đức Giêsu đã sinh tại Bêlem, đã rao giảng Tin mừng tại Galilê, đã chết và đã sống lại và chúng con làm chứng rằng Chúa Thánh Thần đã hiện xuống tại Giêrusalem; khi chúng con nài xin hoà bình và công lý cho mọi người, với một niềm xác tín và hy vọng chắc chắn rằng triều đại Cha đang đến,
    Cđ: Vì Cha là Thiên Chúa Ba Ngôi, xin Cha liên kết chúng con, xin làm cho chúng con được hiệp nhất tỏ tường và xin Cha thương chữa lành thế giới.
    Kinh Lạy Cha (Đọc theo ngôn ngữ của mình)
    V. Sai đi
    Cộng đoàn nài xin Thiên Chúa ban phúc lành cho các thành viên được sai đi làm sứ giả cho Tin mừng hoà giải của Thiên Chúa. Có thể hát một bài hát để kết thúc.
    Cs: Xin Chúa Cha, Đấng luôn trung tín với lời đã hứa và là Đấng luôn ban ơn trợ giúp chúng ta, nâng đỡ anh chị em trong việc bảo vệ công lý và giúp anh chị em biết cố gắng xóa bỏ đi những chia rẽ bất hoà.
    Cđ: Amen.
    Cs: Xin Chúa Con, Đấng đã thánh hoá vùng Thánh Địa bằng sự giáng sinh và thực thi sứ mạng, bằng cái chết và sự phục sinh của Người, ban cho anh chị em ơn cứu độ, ơn hoà giải và ơn an bình.
    Cđ: Amen.
    Cs: Xin Chúa Thánh Thần, Đấng đã qui tụ các Kitô hữu đầu tiên ở Giêrusalem trong sự hiệp nhất, liên kết anh chị em luôn trung tín với lời giảng dạy của các Tông đồ và sống hiệp thông huynh đệ, luôn siêng năng cầu nguyện và tham dự lễ bẻ bánh và xin Ngài ban ơn trợ lực để anh chị em biết sống và rao giảng Tin mừng.
    Cđ: Amen.
    Cs: Xin Thiên Chúa duy nhất là Cha, Con và Thánh Thần, ban phúc lành và gìn giữ anh chị em, để anh chị em ra đi loan báo Tin mừng cho khắp thế giới.
    Cđ: Tạ ơn Chúa.
    Cs: Ban phép lành
    Nguyện xin phúc lành bình an và công chính của Thiên Chúa đồng hành với chúng ta; xin phúc lành của Chúa Con, Đấng lau khô nước mắt của tất cả những ai đang khổ đau trên thế giới, đồng hành với chúng ta. Và xin phúc lành của Chúa Thánh Thần, Đấng mời gọi chúng ta sống hoà giải và hy vọng, đồng hành với chúng ta từ giờ đây cho đến muôn đời.
    Cđ: Amen.
    Hát
    KINH CẦU CHO HIỆP NHẤT
    (Đức Giáo Hoàng Phaolô VI biên soạn)
    Lạy Chúa Giêsu,
    trước ngày chịu chết vì chúng con,
    Chúa đã nguyện cầu
    cho các Tông đồ và tất cả mọi người
    được liên kết với nhau nên một,
    như Con ở trong Cha và như Cha ở trong Con.
    Xin cho chúng con cảm thấy xót xa đau buồn
    về những thất tín, chia rẽ nơi chúng con.
    Xin cho chúng con biết thẳng thắn nhìn nhận,
    và có lòng cam đảm để khai trừ mọi lãnh đạm,
    lòng nghi ngờ và tính đố kỵ tiềm ẩn nơi chúng con.
    Xin cho chúng con được gặp nhau trong Chúa
    hầu cho tâm hồn và môi miệng chúng con
    luôn vang lên lời nguyện cầu hiệp nhất như lòng Chúa ước ao.
    Lạy Thiên Chúa Tình Yêu hoàn hảo,
    xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa
    con đường dẫn đưa đến Hiệp Nhất trong đức Vâng Phục,
    đến Yêu Thương và Sự Thật. Amen.
    ( còn tiếp)
    Tài liệu dùng trong Tuần Cầu Nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất này
    được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Textes pour la Semaine de Prière pour l’Unité des Chrétiens et pour toute l’année 2011”.
    + Giuse Vũ Văn Thiên
    Giám mục Giáo phận Hải Phòng

    Nguồn : www.dunglac.org

  2. Có 2 người cám ơn horungcn vì bài này:


  3. #2
    horungcn's Avatar

    Tuổi: 61
    Tham gia ngày: Feb 2008
    Tên Thánh: Giu Se
    Giới tính: Nam
    Đến từ: GP Ban Mê Thuột
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 24
    Cám ơn
    322
    Được cám ơn 121 lần trong 21 bài viết

    Default

    PHẦN IV : CÁC BÀI SUY NIỆM ĐỌC TRONG TUẦN CẦU NGUYỆN
    (Bản văn Kinh Thánh, suy niệm và lời nguyện cho tám ngày)
    - NGÀY THỨ NHẤT: LÀM CHỨNG CHO THIÊN CHÚA QUA VIỆC TÁN TỤNG HỒNG ÂN SỰ SỐNG NGÀI BAN
    Ý tưởng chính: Sao các bà tìm người sống ở giữa kẻ chết? (Lc 24,5)
    Các bài đọc:
    Bài đọc I: St 1,1.26-31: Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra quả là rất tốt đẹp!
    Đáp ca: Tv 104, 1-24: Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng!
    Bài đọc II: 1Cr 15, 12-20: Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô đã không trỗi dậy.
    Tin mừng: Lc 24,1-5: Sao các bà lại tìm người sống ở giữa kẻ chết?
    Suy niệm:
    Sự hiệp nhất mà các kitô hữu chúng ta đang hướng tới, đặt nền tảng vững chắc trên niềm tin của tất cả chúng ta vào sự sống lại của Đức Kitô. Chúng ta không chỉ cảm tạ Thiên Chúa về hồng ân sự sống Ngài đã thương ban mà chúng ta còn phải tạ ơn về hồng ân sự sống mới mà Ngài ban tặng cho chúng ta nhờ cuộc chiến thắng vĩnh viễn của Đức Giêsu trên sự chết. Trong suốt tuần bát nhật này chúng ta qui tụ nhau lại để cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Điều đó chứng tỏ niềm tin của tất cả chúng ta luôn quan tâm đến sự sống con người. Sự sống là món quà Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta. Khi bảo vệ và làm triển nở sự sống, là chúng ta làm chứng một cách mạnh mẽ hơn về Đấng đã ban sự sống cho chúng ta trong tình yêu vô biên của Người.
    Bài đọc trích sách Sáng Thế nhắc cho chúng ta thấy quyền năng và sức mạnh tạo dựng của Thiên Chúa. Đó chính là quyền năng và sức mạnh mà Phaolô đã khám phá ra khi ngài kinh nghiệm được sự sống lại của Đức Giêsu. Và ngài khích lệ dân thành Côrinhtô đặt tất cả niềm tin tưởng nơi Đấng Phục sinh và nơi sự sống mới mà Ngài ban tặng.
    Bản văn Thánh vịnh tiếp tục đề cập đến chủ đề này khi ca tụng vinh quang nơi công trình tạo dựng của Thiên Chúa.
    Bài Tin mừng hôm nay khích lệ chúng ta hãy tìm kiếm sự sống mới trước một nền văn hóa chết chóc mà thế giới đang cám dỗ chúng ta. Nó cũng khích lệ chúng ta tin tưởng vào quyền năng của Chúa Giêsu và nhờ đó mà chúng ta kinh nghiệm được về sự sống và về sự chữa lành.
    Hôm nay, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa về tất cả những gì Ngài muốn bày tỏ cho chúng ta thấy tình yêu của Người: về vạn vật, về những người anh chị em trên toàn thế giới, về sự hiệp thông trong tình yêu, về ơn tha thứ và chữa lành và về sự sống đời đời mà Ngài thương ban tặng cho chúng ta.
    Lời nguyện:
    Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng nên chúng con, chúng con tạ ơn Chúa về tất cả những người đã sống niềm tin vào Chúa, qua lời nói hay việc làm của họ. Khi chúng con sống tròn đầy sự sống của mình, chúng con sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện yêu thương của Chúa trong rất nhiều kinh nghiệm mà Chúa cho tỏ bày cho chúng con. Xin hãy giúp chúng con biết cùng nhau tán tụng hồng ân sự sống nhờ đó chúng con sẽ làm chứng rằng Chúa chính là Đấng chúng con chúc tụng, Chúa chính là Đấng dựng nên tất cả sự sống.
    Những câu hỏi gợi ý suy tư:
    1. Chính bạn hay Giáo Hội của bạn đã làm chứng thế nào về hồng ân sự sống?
    2. Chứng tá của bạn có giúp người khác nhận ra Đức Giêsu đã sống lại từ trong kẻ chết?
    3. Trong cuộc sống, đâu là những lãnh vực mà bạn cố gắng phát huy để thăng tiến bản thân?
    4. Có những điều nào mà các Giáo Hội địa phương vẫn duy trì mà nay vì tinh thần đại kết chúng ta cần phải từ bỏ?
    - NGÀY THỨ HAI: LÀM CHỨNG CHO CHÚA BẰNG CÁCH CHIA SẺ NHỮNG KINH NGHIỆM CÁ NHÂN VỀ NGÀI
    Ý tưởng chính: Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? (Lc 24, 17)
    Các bài đọc:
    Bài đọc I: Gr 1, 4-8: Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi
    Đáp ca: Tv 98 (97): Hát lên mừng Chúa một bài ca mới
    Bài đọc II: Tđcv 14, 21-23: Hai ông củng cố tinh thần các môn đệ
    Tin mừng: Lc 24, 13-17a: Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?
    Suy niệm:
    Chia sẻ cho người khác những kinh nghiệm mà mình có về Thiên Chúa là một cách thức làm chứng hữu hiệu rằng chúng ta tin vào Ngài. Việc chúng ta tôn trọng, chú ý, lắng nghe nhau, sẽ giúp chúng ta không những nhận ra Thiên Chúa nơi con người mà còn cả nơi những điều mà người ấy trao đổi với chúng ta.
    Bài đọc I cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã kêu gọi ngôn sứ Giêrêmia. Được gọi như thế, Giêrêmia có bổn phận phải chia sẻ những gì mà ông đã lãnh nhận để nhờ đó, mọi người biết lắng nghe và xây dựng đời sống của mình trên nền tảng Lời Chúa.
    Bài đọc II trích sách Tông đồ Công vụ cũng cho thấy thời kỳ Giáo hội sơ khai, các môn đệ cũng nhận được lời mời gọi ra đi loan báo Lời Thiên Chúa.
    Bài đáp ca mời gọi chúng ta dâng lên Chúa một bài ca tán tụng và cảm tạ.
    Bài Tin mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta hình ảnh Đức Giêsu là Đấng đến giải thoát chúng ta khỏi mù tối và mọi nỗi thất vọng. Ngài đến để giúp chúng ta kinh nghiệm về Thiên Chúa trong kế hoạch duy nhất của Ngài.
    Trong suốt tuần cầu nguyện cho sự hợp nhất các kitô hữu, chúng ta hãy lắng nghe những tín hữu khác nói về niềm tin của họ và nhờ đó, chúng ta gặp gỡ được Thiên Chúa qua rất nhiều cách thức mà Ngài muốn tỏ mình ra cho chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng hãy nghĩ đến việc áp dụng các phương tiện kỹ thuật truyền thông hiện đại. Bởi lẽ những phương tiện truyền thông hiện đại có thể giúp chúng ta chia sẻ kinh nghiệm của mình một cách rộng rãi hơn và như thế, nó tạo nên một cộng đồng sống đức tin rộng hơn, xa hơn cả thực tại hoàn toàn thể lý.
    Việc chúng ta biết lắng nghe nhau sẽ làm cho chúng ta lớn lên trong đức tin và tình yêu. Dù chứng tá của mỗi người và mỗi cộng đoàn có khác nhau nhưng chúng ta thấy rằng chúng ta được liên kết với nhau trong cùng một lịch sử, đó là lịch sử của tình yêu Thiên Chúa được mạc khải cho chúng ta nơi Đức Giêsu.
    Lời nguyện:
    Lạy Thiên Chúa là Đấng điều khiển lịch sử, chúng con tạ ơn Chúa, vì chúng con được lắng nghe những người anh chị em nói cho chúng con biết về đức tin của họ, qua đó họ làm chứng cho chúng con thấy Ngài đang hiện diện trong cuộc sống của họ. Chúng con ca tụng Chúa về những kinh nghiệm sống rất phong phú nơi mỗi cá nhân cũng như của mỗi cộng đoàn. Qua những kinh nghiệm này, chúng con cùng nhận ra một lịch sử duy nhất đó là lịch sử của Đức Giêsu Kitô. Xin hãy ban cho chúng con lòng can đảm và sức mạnh để chúng con có thể trình bày đức tin cho những người chúng con gặp gỡ, nhờ đó họ nhận ra sứ điệp của Lời Ngài.
    Những câu hỏi gợi ý suy tư:
    1. Bạn có thường nói về Tin mừng hay chỉ nói về những điều này điều kia?
    2. Bạn hay cộng đoàn của bạn có mở lòng ra để đón nhận kinh nghiệm của những người khác?
    3. Bạn đã đủ cởi mở để nói về đức tin của mình cho những người khác và để làm chứng cho người ta thấy Thiên Chúa đang hiện diện trong các kinh nghiệm cá nhân của bạn về sự sống và sự chết?
    4. Bạn có ý thức được tiềm năng lớn lao và hữu ích mà các phương tiện truyền thông hiện đại mang lại cho Giáo hội hôm nay?
    - NGÀY THỨ BA: LÀM CHỨNG CHO CHÚA BẰNG VIỆC LẮNG NGHE
    Ý tưởng chính: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” (Lc 24,18).
    Các bài đọc:
    Bài đọc I 1Sm 3,1-10: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.”
    Đáp ca Tv 22 (23): Chúa là mục tử chăn dắt tôi.
    Bài đọc II Cv 8,26-40: Philípphê loan báo Tin Mừng Đức Giêsu.
    Tin mừng Lc 24,13-19: Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người.
    Suy niệm:
    Lớn lên trong đức tin là cả một tiến trình dài. Ngày nay chúng ta thường quá bận rộn với cuộc sống và phải đương đầu với rất nhiều bổn phận và trách nhiệm nên không dễ gì chúng ta có thể nhận ra được tình yêu của Thiên Chúa được bày tỏ cho chúng ta trong cuộc sống thường ngày và trong những kinh nghiệm khác nhau của chúng ta. Nếu chúng ta cứ để mình lo lắng về mọi chuyện và ngập đầu công việc, chúng ta sẽ có nguy cơ không còn nhận ra ngay cả thực tại mà chúng ta đang thấy. Giống như các môn đệ Đức Giêsu trong bài Tin mừng, trong khi chúng ta chỉ thấy một phần của chân lý nhưng đôi khi chúng ta lại nghĩ là chúng ta đã biết cả thực tại và chúng ta cố gắng giải thích cho người khác về quan điểm của mình. Trên thế giới ngày nay, chúng ta được mời gọi nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi biến cố, bất ngờ cũng như thường nhật, của cuộc sống.
    Bài đọc Cựu Ước hôm nay nhắc lại cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã kêu gọi và mời gọi Samuen làm chứng cho Ngài như thế nào. Nhưng để làm chứng cho Lời Ngài, trước hết, Samuen phải nghe được Lời Ngài. Muốn nghe được lời Thiên Chúa thì cần phải sẵn lòng lắng nghe Ngài.
    Còn trong Bài đọc trích sách Tông đồ Công vụ, chúng ta cũng nhận thấy Philiphê và hoạn quan người Ethiopie rất sẵn lòng lắng nghe Lời Chúa. Họ sẵn sàng trả lời ngay những câu hỏi được đặt ra cho mình và như thế là họ đã làm chứng về đức tin của mình. Họ chăm chú lắng nghe rồi trả lời.
    Thánh vịnh về người Mục tử nhân lành phản ảnh niềm tin tưởng sâu xa của người đã ý thức được quan tâm yêu thương của Thiên Chúa. Ngài qui tụ đoàn chiên và dẫn chúng tới đồng cỏ xanh tươi.
    Trong suốt tuần cầu nguyện cho các kitô hữu được hiệp nhất, chúng ta ý thức rằng Thiên Chúa hiện diện trong tất cả các biến cố đang xảy ra trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Chúng ta sẽ gặp gỡ những người thân quen cũng như những người vẫn còn xa lạ. Trong khi gặp gỡ như thế chúng ta có thể học được những kinh nghiệm thiêng liêng của người khác và nhãn quan của chúng ta về Thiên Chúa cũng được đổi mới. Khi ý thức được về sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta được khích lệ xây dựng sự hiệp nhất giữa các kitô hữu.
    Lời nguyện
    Lạy Chúa là Mục tử nhân lành. Chúa đến gặp gỡ và đồng hành với chúng con mọi ngày trong cuộc đời chúng con. Xin giúp chúng con nhận ra tất cả những gì Chúa đã làm cho chúng con. Xin hãy giúp chúng con biết mở ra với tất cả những điều Chúa đã ban tặng cho chúng con và xin qui tụ chúng con thành một đàn chiên duy nhất.
    Những câu hỏi gợi ý suy tư:
    1. Bạn đã nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của bạn khi nào?
    2. Bạn có để ý đến những biến cố vui, buồn đang diễn ra khắp nơi trên thế giới và theo bạn, các cộng đoàn Giáo hội có thể cùng nhau làm gì trước các biến cố này?
    3. Để làm chứng cho đức tin của mình, chỉ biết lắng nghe thôi, theo bạn đã đủ chưa hay còn phải làm điều gì khác nữa?
    4. Làm sao bạn vẫn có thể nhận ra được Thiên Chúa đang hiện diện dù thực tại không cho bạn thấy điều ấy?
    - NGÀY THỨ TƯ: LÀM CHỨNG BẰNG VIỆC TRÂN TRỌNG DI SẢN ĐỨC TIN CỦA TIỀN NHÂN
    Ý tưởng chính: Đức Giê-su hỏi : "Chuyện gì vậy?" Họ thưa : "Chuyện ông Giêsu Nadarét. (Lc 24,19)
    Các bài đọc:
    Bài đọc I Đnl 6, 3-9: Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất
    Đáp ca Tv 34: Tôi sẽ chúc tụng Chúa trong lúc mọi lúc
    Bài đọc II Cv 4,32-35: Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý.
    Tin mừng Lc 24, 17-21: Trước đây, chúng tôi vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en.
    Suy niệm:
    Tất cả chúng ta đều mắc nợ các bậc tiền nhân món nợ ân tình bởi vì các ngài đã để lại cho tất cả chúng ta một di sản đức tin làm nền tảng cho đời sống kitô hữu của chúng ta hôm nay. Có biết bao nhiêu người đã biết dùng lời cầu nguyện và đời sống chứng nhân để truyền lại đức tin của họ cho các thế hệ tiếp sau. Chẳng hạn ở Ailen, chúng tôi được thừa hưởng một di sản đức tin Kitô giáo tuyệt vời. Chúng tôi có thánh Ninian, sống vào thế kỉ IV, thánh Colomban, thế kỉ VI và rất nhiều vị thánh vùng Celtic, họ đã hết lòng tin tưởng vào tình yêu Chúa và tán tụng công trình tạo dựng của Ngài. Đức tin của người Ailen được nhìn nhận có vai trò quan trọng trước sự bành trướng của Phong trào Cải cách thế kỷ XVI và trước ảnh hưởng của lối sống trong đời sống dân chúng từ đó đến nay.
    Các bài đọc hôm nay khẳng định vai trò quan trọng của cộng đoàn đức tin trong việc loan truyền Lời Chúa. Bài đọc I, trích Sách Đệ Nhị Luật, cho chúng ta thấy lời cầu nguyện mà các anh chị em Do Thái vẫn hằng ngày ca tụng Thiên Chúa, thật là đẹp. Bài đáp ca mời gọi chúng ta dâng lời tán tạ Thiên Chúa vì gia tài đức tin mà Ngài đã ban qua các bậc tiền nhân và sống đức tin của mình qua việc tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa. Bài trích Sách Tông đồ Công vụ thì nói cho chúng ta biết về một cộng đoàn hiệp nhất trong đức tin và đức ái. Còn bài Tin mừng giới thiệu cho chúng ta Đức Giêsu chính là trung tâm điểm trong gia tài đức tin của chúng ta.
    Khi hiệp nhất với anh chị em kitô hữu trong tuần cầu nguyện này, là chúng ta đón nhận một di sản đức tin vô cùng phong phú và đa dạng của chúng ta. Chúng ta cầu nguyện để mọi kitô hữu ý thức rằng khi chúng ta hiệp nhất với nhau trong di sản đức tin là chúng ta thăng tiến trong đức tin.
    Lời nguyện
    Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con. Chúng con tạ ơn Chúa về tất cả những người và những cộng đoàn đã lưu truyền sứ điệp Tin mừng cho chúng con, nhờ đó chúng con có nền tảng đức tin vững chắc hôm nay. Xin Chúa giúp tất cả chúng con cũng biết làm chứng cho đức tin của mình để nhờ đó chúng con khích lệ người khác nhận biết Chúa và để họ tin vào chân lý ơn cứu độ mà Đức Giêsu mang đến cho nhân loại.
    Những câu hỏi gợi ý suy tư:
    1. Ai là người đã soi sáng cho đức tin của bạn?
    2. Đâu là những khía cạnh đức tin đã hướng dẫn bạn trong cuộc sống hằng ngày?
    3. Những hướng dẫn quan trọng của đức tin mà bạn đã lãnh nhận được là gì?
    4. Làm thế nào bạn có thể nhận ra được Thiên Chúa đang cùng bạn lưu truyền đức tin cho các thế hệ tương lai?
    - NGÀY THỨ NĂM: LÀM CHỨNG CHO CHÚA TRONG KHI ĐAU KHỔ
    Ý tưởng chính: Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào vinh quang của Người sao?
    Các bài đọc:
    Bài đọc I: Is 50, 5-9: Đấng biện hộ cho tôi luôn ở kề bên tôi
    Đáp ca Tv 124: Ta được phù hộ là nhờ danh thánh Chúa.
    Bài đọc II: Rm 8,35 -39: Tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu.
    Tin mừng: Lc 24,25-27: Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người.
    Suy niệm:
    Trong những năm vừa qua, đất nước nhỏ bé Scotland của chúng tôi bỗng dưng trở thành trung tâm thu hút sự chú ý của giới truyền thông trên toàn thế giới vì hai biến cố đã từng xảy ra tại đây. Trước nhất, đó là vụ không tặc trên bầu trời Lockerbie và sau nữa là vụ thảm sát trẻ em ở trường Dunblane. Hai biến cố này đã làm cho mọi người chú ý đến đất nước của chúng tôi, còn chúng tôi, không bao giờ chúng tôi quên những vụ thảm sát tàn ác, gây nhiều thiệt hại về nhân mạng này. Hai biến cố này đã gây ra những nỗi đau khổ tang tóc ghê gớm cho rất nhiều người và hậu quả của nó không chỉ dừng lại ở mặt thể lý. Những người vô tội đã phải chết trong một hoàn cảnh đau đớn hãi hùng.
    Trong bài đọc I hôm nay, Tiên tri Isaia nói rất rõ về một thực tại đau khổ. Nhưng ông nhắc lại cho chúng ta biết Thiên Chúa không bao giờ muốn nhân loại phải khổ đau. Còn bài đáp ca lại nhắc nhở các tín hữu cần phải tin tưởng vào Đấng Cứu Độ của mình. Bài đọc II, trích thư gửi tín hữu Rôma, khẳng định cách chắc chắn rằng tình yêu luôn mạnh nhất và đau khổ, sự dữ không bao giờ vượt thắng được tình yêu. Bởi vì trước khi ban cho nhân loại sự sống lại thì chính Đức Giêsu đã phải đón nhận cả những đau khổ tột cùng của thân phận con người, Người đã phải chịu một cơn hấp hối ghê sợ và phải chịu an táng trong mồ.
    Noi gương Đức Giêsu, trong khi tiến tới sự hiệp nhất hoàn toàn, các kitô hữu, đều đang phải đối diện với hoàn cảnh khó khăn và đau khổ của cuộc đời, cần liên đới với nhau và cùng nhau tuyên xưng rằng tình yêu mạnh hơn sự chết. Chúng ta cũng tuyên xưng rằng khi thân xác con người bị phân hủy hoàn toàn dưới nấm mồ thì chính lúc đó con người mới được sinh ra, được đón nhận ánh sáng mới cũng như lời loan báo về sự sống, về ơn tha thứ và đời sống vĩnh cửu.
    Lời nguyện:
    Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa thấu hiểu những nỗi khốn khổ, đau thương của chúng con, Chúa cũng biết loài người chúng con tội lỗi và phải chết; xin hãy tha thứ, chữa lành, an ủi và nâng đỡ chúng con trong những lúc chúng con gặp gian nan thử thách.
    Chúng con tạ ơn Chúa đã soi sáng những người anh chị em biết nhận ra nơi những đau khổ của mình, ánh sáng của Chúa.
    Ước gì Thánh Thần Chúa giúp chúng con biết nhận ra lòng thương xót của Chúa thật bao la, để nhờ đó chúng con sẽ làm cho những người anh chị em chúng con đang gặp cảnh khổ đau được vững lòng. Xin cũng tuôn đổ Thánh Thần của Chúa trên chúng con để chúng con có thể hiệp nhất tuyên xưng và chia sẻ sự chiến thắng của Con Thiên Chúa hằng sống cho thế giới hôm nay.
    Những câu hỏi gợi ý suy tư:
    1. Bạn có thể làm gì để bày tỏ lòng cảm thông với những người anh chị em đang đau khổ, đang gặp thử thách gian nan?
    2. Qua những đau khổ mà chính bạn đã từng gặp trong cuộc đời, bạn đã rút ra được bài học khôn ngoan và sâu sắc nào cho mình?
    3. Làm thế nào bạn có thể liên đới với những khổ đau và áp bức mà những người nghèo trên thế giới đang phải gánh chịu và đâu là kinh nghiệm mà bạn có thể rút ra từ đó?
    4. Bạn có thể minh chứng về lòng từ ái của Thiên Chúa và về niềm hy vọng mà bạn kín múc được nơi ánh sáng thập giá Chúa Kitô như thế nào?
    - NGÀY THỨ SÁU: LÀM CHỨNG CHO CHÚA BẰNG VIỆC TRUNG THÀNH LẮNG NGHE LỜI KINH THÁNH (LC 24,32)
    Ý tưởng chính: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”
    Các bài đọc:
    Bài đọc I: Is 55, 10-11: Lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả.
    Đáp ca Tv 119 (118)17-40: Xin mở mắt cho con nhìn thấy luật pháp Ngài kỳ diệu biết bao.
    Bài đọc II: 2Tm 3, 14-17: Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng.
    Tin mừng: Lc 24,28-35: Đức Giêsu mở lòng các môn đệ để các ông hiểu lời Kinh Thánh.
    Suy niệm:
    Các tín hữu cần dành ưu tiên cho việc khám phá Lời Chúa qua việc đọc Kinh Thánh và tham dự các bí tích. Nhờ việc trung thành lắng nghe công bố Lời Chúa và nhờ việc nhiệt thành đọc các sách Kinh Thánh, họ sẽ mở lòng, mở trí để đón nhận chính Lời Thiên Chúa. Đức Giêsu đã hứa với các môn đệ rằng sau khi về trời Ngài sẽ gửi Chúa Thánh Thần xuống để Chúa Thánh Thần giúp họ hiểu Lời của Chúa và hướng dẫn họ tới chân lý vẹn toàn.
    Trong lịch sử, các kitô hữu đã không thống nhất với nhau cả về các đọc và cách hiểu Lời Chúa. Họ thường dùng Kinh Thánh để nhấn mạnh đến những bất đồng hơn là để kiếm tìm hòa giải. Thật may mắn, gần đây, nhờ Sách Thánh, các kitô hữu đã sát lại gần nhau để kiếm tìm hiệp nhất. Việc nghiên cứu Kinh Thánh chung với nhau là một trong những phương cách giúp mọi người cùng nhau lớn lên trong đức tin. Tiến trình mà chúng ta cử hành trong Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các kitô hữu chắc chắn giúp chúng ta, đều là kitô hữu, cùng nhau lắng nghe và cùng nhau cố gắng hiểu và sống Lời Chúa.
    Ngôn sứ Isaia nhắc lại cho chúng ta thấy rằng Lời Chúa mang lại hiệu quả thực sự bởi vì nó được công bố bằng sức mạnh. Lời Chúa sẽ chẳng trở về với Ngài nếu chưa đạt kết quả nhưng trái lại nó sẽ làm cho mục đích mà Thiên Chúa muốn gửi tới được trở nên hữu hiệu. Sứ điệp này cũng được nói đến trong những lời Phaolô mời gọi Timôthê tin vào sự hữu hiệu của Lời Sách Thánh như một khí cụ giúp các kitô hữu sống thánh thiện.
    Bài đáp ca tán tụng Lời và giới luật của Chúa và xin Ngài giúp chúng ta biết biện phân để yêu mến Lề Luật thánh.
    Trong tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các kitô hữu, chúng hãy cầu xin cho tất cả các kitô hữu biết đào sâu hơn nữa mầu nhiệm mạc khải thần linh đúng như được nó được mạc khải cho chúng ta trong Sách thánh. Chúng ta xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu sâu hơn nữa Lời Chúa và giúp chúng ta cùng hướng đến một đức tin để một ngày kia tất cả mọi người cùng qui tụ quanh một bàn tiệc duy nhất của Chúa.
    Lời nguyện:
    Lạy Chúa, chúng con ngợi khen và cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban Lời của Chúa qua Kinh Thánh để cứu độ chúng con. Chúng con cũng cảm tạ Chúa về những người anh chị em cùng chia sẻ Lời Chúa với chúng con, nhờ đó chúng con cùng khám phá tình yêu phong phú diệu kỳ của Chúa. Xin hay ban Chúa Thánh Thần soi sáng chúng con, để nhờ Lời Chúa, chúng con biết kiếm tìm sự hiệp nhất toàn vẹn.
    Những câu hỏi gợi ý suy tư:
    1. Đâu là những đoạn Kinh Thánh ý nghĩa nhất đối với bạn?
    2. Ai hay điều gì đã làm nảy sinh nơi bạn lòng say mê Tin Mừng và ước muốn được làm chứng cho Đức Kitô?
    3. Đoạn Kinh Thánh nào đã giúp bạn hiểu hơn chứng nhân của các kitô hữu khác?
    4. Theo bạn, làm thế nào để có thể sử dụng Kinh Thánh một cách có hiệu quả hơn trong đời sống và trong lời cầu nguyện hằng ngày của Giáo Hội?
    - NGÀY THỨ BẢY: LÀM CHỨNG BẰNG NIỀM HY VỌNG VÀ TÍN THÁC
    Ý tưởng chính: Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? (Lc 24,38)
    Các bài đọc:
    Bài đọc I: G 19,23-27: Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa.
    Đáp ca Tv 63 (62): Linh hồn con đã khát khao Ngài.
    Bài đọc II: Cv 3,1-10: Cái tôi có, tôi cho anh đây!
    Tin mừng: Lc 24,36-40: Các ông kinh hồn bạt vía.
    Suy niệm:
    Trong cuộc đời, và trong hành trình đức tin, có những lúc các kitô hữu còn nhiều ngờ vực. Nếu họ không nhận ra sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh, thì dù có gặp gỡ nhau, họ không giải toả được những ngờ vực này, thậm chí còn làm cho chúng thêm trầm trọng hơn.
    Những ai tin vào Đức Kitô phải xác tín rằng Thiên Chúa đang hiện diện với họ ngay cả khi họ không nhận ra và không cảm thấy sự hiện diện của Ngài. Nhờ sự phó thác, hy vọng và cậy trông, họ có thể chứng minh rằng đức tin sẽ giúp họ vượt lên mọi giới hạn cá nhân và những thử thách ngờ vực.
    Nhân vật Gióp cho chúng ta mẫu gương của một người phải đương đầu với những nghịch cảnh và thử thách và một người dám đối thoại thân tình với Thiên Chúa. Dù thế nào thì trong niềm tin và niềm hy vọng, ông vẫn tin tưởng rằng Thiên Chúa ở với ông. Trong câu chuyện người bại liệt được sách Tông đồ Công vụ thuật lại, chúng ta cũng thấy Phêrô và Gioan đã hành động với một lòng tin tưởng và xác tín như vậy. Lòng tin của họ và danh Đức Giêsu đã giúp họ dám làm chứng mạnh mẽ trước những người hiện diện.
    Bài đáp ca hôm nay chính là một lời cầu nguyện bày tỏ lòng khát vọng sâu xa vào tình yêu không lay chuyển của Thiên Chúa.
    Việc chúng ta gặp gỡ nhau trong tuần cầu nguyện cho các kitô hữu được hiệp nhất này không những giúp các cộng đoàn của chúng có thể cùng lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến, mà còn giúp họ làm chứng về tình yêu không lay chuyển mà Thiên Chúa dành cho loài người, về lòng trung thành của Ngài với Giáo Hội duy nhất mà chúng ta được mời gọi tiến tới.
    Khi chúng ta cùng nhau làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa trong sự hiệp nhất, thì lời chứng của chúng ta càng có giá trị.
    Lời nguyện:
    Lạy Thiên Chúa của niềm hy vọng, xin giúp chúng con nhận ra chương trình mà Chúa muốn nơi Giáo Hội của Chúa và xin làm cho chúng con biết vượt lên mọi hoài nghi ngờ vực. Xin tăng cường niềm tin của chúng con vào sự hiện diện của Chúa để tất cả người tin vào Chúa có thể cùng nhau thờ phượng Chúa trong tinh thần và chân lý. Chúng con cầu xin đặc biệt cho những người còn đang hoài nghi ngờ vực và những người đang sống trong tối tăm của hiểm nguy và sợ hãi. Xin Chúa hãy ở với họ và xin ban cho họ nhận ra rằng Chúa đang hiện diện với họ nhờ đó họ được an ủi vui mừng.
    Những câu hỏi gợi ý suy tư:
    1. Làm thế nào để bạn có thể vượt qua với những nỗi sợ hãi và ngờ vực của chính bạn?
    2. Trong trường hợp nào, thái độ của bạn có thể đã làm cho người khác phải lo âu sợ hãi?
    3. Trong hoàn cảnh nào mà bạn đã phải đối diện với những sợ hãi và nghi ngờ của mình và qua đó đã làm chứng cho niềm tin của bạn vào Đức Giêsu khi vượt qua được những thử thách khó khăn ấy?
    4. Làm thế nào để các cộng đoàn kitô hữu có thể cùng nhau dấn thân trong đức tin và đức cậy?
    - NGÀY THỨ TÁM: LÀM CHỨNG CHO CHÚA BẰNG VIỆC NIỀM NỞ ĐÓN TIẾP MỌI NGƯỜI
    Ý tưởng chính: “Ở đây các con có gì ăn không?” (Lc 24,41)
    Các bài đọc:
    Bài đọc I: St 18,1-8: Tôi sẽ đem đến một chút bánh để các ngài bồi dưỡng
    Tv 146 (145): Ngài bênh vực người bị áp bức và ba n bánh cho người đói khát
    Rm 14,17-19: Chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an và xây dựng cho nhau.
    Lc 24,41-48: Và Người mở lòng trí họ hiểu Thánh Kinh
    Suy niệm:
    Ngày nay, nhờ phương tiện thông tin internet, chúng ta trở thành những người hàng xóm láng giềng cùng sống trên địa cầu dường như nhỏ bé và đông dân cư. Cũng giống như thời của Luca, có rất nhiều cá nhân và cộng đoàn đã phải bỏ quê hương để tìm nơi định cư ở nước ngoài. Những cộng đoàn của chúng ta hôm nay đã tiếp cận với những tôn giáo mới và những nền văn hoá khác biệt, nhờ việc nhiều tín hữu thuộc các tôn giáo lớn trên thế giới đến định cư và chung sống.
    Trong tuần cầu nguyện cho các tín hữu kitô được hiệp nhất, chúng ta ghi nhận sự ân cần đón tiếp trong tình huynh đệ của các kitô hữu của các Giáo Hội khác nhau, trong hành trình tiến tới hiệp nhất. Đức Kitô kêu gọi chúng ta hãy đón tiếp những ngoại kiều, đồng thời Người cũng kêu gọi chúng ta hãy để cho mọi anh chị em đón tiếp, vì mọi người đã trở nên người thân cận với nhau. Điều rõ ràng là nếu chúng ta không thể thấy Đức Kitô nơi người khác, thì chúng ta cũng không thể gặp được Người bằng bất cứ cách nào.
    Tác giả sách Sáng Thế đã kể lại cho chúng ta việc Abraham nhiệt tình đón tiếp Thiên Chúa, khi ông mở rộng cửa và thân tình đón tiếp người ngoại kiều.
    Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng, cũng luôn nâng đỡ người tù tội, người mù loà và khách kiều cư. Thánh vịnh chúng ta đọc hôm nay là lời tôn vinh Thiên Chúa vì sự tín trung vĩnh cửu của Ngài, và tạ ơn Ngài vì tất cả những gì Ngài đã ban cho chúng ta.
    Thư gửi Giáo đoàn Rôma nhắc chúng ta rằng Nước Trời được thể hiện qua sự công chính, hòa bình và niềm vui trong Chúa Thánh Thần.
    Đức Kitô phục sinh quy tụ các môn đệ, ăn uống với họ và họ đã nhận ra Người. Người đã nhắc họ nhớ lại những gì Kinh Thánh đã nói về Người, đồng thời giải thích cho họ những điều họ chưa hiểu. Như thế, Người giải phóng họ khỏi sự nghi ngờ, sợ hãi, và sai họ đi làm chứng về những điều họ đã thấy và đã nghe. Khi chủ động gặp gỡ các môn đệ, Người cho họ lãnh nhận bình an của Người. Ơn bình an do Đức Giêsu trao ban nhằm đòi quyền lợi cho người bị áp bức, cứu giúp người đói đói khát và nâng đỡ lẫn nhau. Đó là những ân huệ của một thế giới mới, thế giới của sự phục sinh. Trong mọi hoàn cảnh, chính khi kiên tâm phục vụ người khác và khi nhiệt thành đón nhận anh chị em trong đức tin mà các kitô hữu đã được gặp gỡ Đức Kitô phục sinh. Cũng giống như các môn đệ, chúng ta có thể gặp gỡ Đức Kitô khi chúng ta quảng đại chia sẻ cho anh chị em đời sống và những tài năng của mình.
    Lời nguyện:
    Lạy Thiên Chúa tình yêu, Chúa đã ân cần đón tiếp chúng con trong Đức Kitô. Chúng con nhận ra rằng, chính khi quảng đại chia sẻ với anh chị em mình là lúc chúng con nhận ra Chúa. Xin ban cho chúng con được hiệp nhất với nhau khi chúng con đang cùng nhau tiến bước và được gặp gỡ Chúa trong mỗi người chúng con . Khi nhân danh Chúa đón tiếp một người xa lạ, xin cho chúng con biết làm chứng cho sự ân cần và lòng nhân hậu của Chúa.
    Những câu hỏi gợi ý suy tư:
    1. Trong xứ sở của bạn, việc đón tiếp người ngoại kiều hoặc người xa lạ được thực hiện như thế nào?
    2. Trong môi trường cụ thể bạn đang sống, người xa lạ có được đón tiếp chu đáo hoặc có được một cuộc sống bình thường không?
    3. Bạn đã tỏ lòng biết ơn thế nào đối với một người rất sẵn sàng và ân cần đón tiếp bạn?
    4. Thập giá đã chứng tỏ cho chúng ta thế nào về sự ân cần bao dung của Thiên Chúa như một sự ân cần bao dung được trải nghiệm trong sự từ bỏ chính mình?

    Tài liệu dùng trong Tuần Cầu Nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất này
    được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Textes pour la Semaine de Prière pour l’Unité des Chrétiens et pour toute l’année 2011”.
    + Giuse Vũ Văn Thiên
    Giám mục Giáo phận Hải Phòng

  4. Có 3 người cám ơn horungcn vì bài này:


+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com