|
Văn Hóa - Biên Khảo
NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG CỦA GIỚI TRẺ: ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLO II Tháng bảy năm 2002, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến Toronto, Canada chủ tọa Ngày Giới trẻ Thế giới (World Youth Day—Journée mondiale de la Jeunesse). Hình ảnh của vị cha chung già nua yếu đuối tay chân run lẩy bẩy, ngồi lim dim giữa trùng trùng lớp lớp thanh niên nam nữ đến từ khắp năm châu bốn biển làm tôi xúc động. Tôi đã mạo muội mệnh danh ngài là Người Huynh trưởng, vì chỉ có tước hiệu này theo tôi mới đủ nói lên lòng thương mến và kính phục mà giới trẻ dành cho Đức Thánh Cha khi họ chấp nhận Ngài làm người huynh trưởng của họ. Người huynh trưởng của giới trẻ không chỉ là người lãnh đạo, mà còn là người gần gủi, người cảm thông, người chia sẻ, người cố vấn, người an ủi, người tha thứ, cho bất cứ người trẻ nào khi cần đến.
Đúng, Giáo hoàng Gioan Phaolô II là Người Huynh trưởng của thanh niên thế giới. Ngài có tất cả những gì cần thiết cho một người huynh trưởng: nhiệt tình, gần gủi, thông cảm, hiểu biết, tế nhị, hài hước, tha thứ, kiên nhẫn, bền bỉ, nhìn thấy tương lai, có kế hoạch chương trình rõ ràng, và nhất là được những người mà Ngài lãnh đạo yêu mến. Giới trẻ thế giới hâm mộ Ngài không phải chỉ vì Ngài thông minh, tài giỏi, đức độ. Có lẽ còn có nhiều người tài giỏi ngang bằng hoặc hơn Ngài. Giới trẻ hâm mộ Ông Cụ già nua bệnh hoạn tay chân run rẩy đó vì họ chấp nhận Ngài là vị Huynh trưởng của họ. Một khi giới trẻ đã chấp nhận một ai, người đó chính là mô hình gương mẫu của, một role model của họ. Họ sẽ yêu thương và bảo bọc người huynh trưởng của họ bất cứ nơi đâu bất cứ lúc nào, thậm chí có thể hi sinh mạng sống để bảo vệ mạng sống của người huynh trưởng đó.
Nhiều tài liệu viết về Ngài đã dùng ý niệm to lớn cho rằng Ngài đã được Chúa Thánh Linh ban cho một đặc sủng để thu hút giới trẻ. Nhận xét như vậy không phải là không đúng vì không ai có thể chối bỏ hoạt động tiếp diễn của Chúa Thánh Linh trong Giáo hội và trên các chủ chăn để tiếp tục công trình của Chúa Giêsu Kitô trên trần thế. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chỉ nhận thấy vì có đặc sủng nên Người Huynh trưởng Gioan Phaolô mới được giới trẻ chân thành yêu mến như vậy chắc không đầy đủ khi quan sát Ngài. Tôi nghĩ tự con người của Ngài đã toát ra tư cách huynh trưởng vì Ngài yêu mến giới trẻ, vì Ngài nhận thấy hình ảnh của Ngài qua giới trẻ. Ngài đã trải qua thăng trầm của cuộc sống trong thời trai trẻ của Ngài. Câu nói rất quen thuộc có lẽ không ai không biết là “chúng ta không thể cho đi những gì chúng ta không có.” Người Huynh trưởng Gioan Phaolô cũng vậy, không thể cho đi lòng yêu mến giới trẻ nếu tự trong Ngài không là một người trẻ. Có phải kinh nghiệm đời thường cho chúng ta thấy không nhiều người lớn tuổi thích gần gủi với trẻ con không?
Giới trẻ thế giới từ khắp nơi tụ tập về Toronto để khao khát nghe lời Ngài giáo huấn. Mà có phải Ngài hùng biện như các nhà thuyết giảng thao thao bất tuyệt gì cho cam. Ông Lão già nua đó bập ba bập bẹ, tiếng được tiếng mất. Thế mà hơn bảy trăm ngàn thanh niên nam khắp thế giới đã nườm nượp kéo nhau về, nằm bờ nằm bụi phơi mưa phơi nắng, để nghe tiếng Ngài và để bày tỏ lòng họ yêu mến Ngài. Chính Ngài xác nhận họ từ bốn phương trời về Toronto trong huấn từ của Ngài khi Ngài nói, “Vous venez de quatre points de la terre” (Chúng con từ bốn phương trời đến). Sáng Chúa Nhật 28 tháng 7, 2002, trời mưa càng lúc càng lớn trước giờ Ngài đến, trong khi Ngài đang đi đến trên chiếc xe đặc biệt, và lúc Ngài bắt đầu Thánh Lễ bế mạc. Từ trên chiếc xe lồng kính chống đạn, Người Huynh Trưởng nở nụ cười trìu mến cả trên đôi mắt cả trên đôi môi méo mó biến dạng vì bệnh Parkinson của Ngài. Ngài đưa cánh tay run rẩy vẫy chào các đoàn viên trong đoàn thanh niên khổng lồ của Ngài, trong khi ánh mắt Ngài hằn lên nỗi lo âu chia sẻ vì mọi người đang phải dầm mình dưới cơn mưa.
Bầu trời nặng chình chịch đầy mây đen ngoại trừ chỉ một góc chân trời còn hơi sáng. Không ai thấy có hi vọng mưa sẽ chấm dứt. Ngược lại, ai cũng chắc chắn một trận mưa lớn sắp trút xuống. Thế nhưng, không một ai bỏ về. Từ bên ngoài, đoàn người vẫn tiếp tục nườm nượp kéo đến. Trên một khu đất rộng bao la, nguyên là một phi trường bỏ phế không còn nhà cửa, người ta đứng không chỗ chen chân. Hàng ngàn chiếc dù cẩm tay được bung lên làm thành một mái nhà che kín không còn thấy đầu người nếu từ trên nhìn xuống. Người không dù trùm áo mưa kín mít, loại áo mưa làm bằng tấm vải nilông tạm bợ được bán ngay ở cửa ra vào. Có người vì đã ngủ lại qua đêm trên bãi đất trống này nên không dù không áo mưa. Họ che bằng bất cứ thứ gì xoay xở quanh đó tạm dùng được để che kín đầu. Bên cạnh tôi, một bạn gái trẻ tuổi không biết người nước nào chừng trên dưới tuổi đôi mươi đang ướt như chuột. Chung quanh không ai giúp gì cô được vì ai cũng chỉ khoác một tấm áo mưa ni lông tạm thời vừa đủ quấn thân mình. Thế nhưng, không một tiếng động, không một lời than phiền, không một tiếng la ó phản đối. Có thủ lãnh chính trị hay tôn giáo nào trên thế giới được giới trẻ dầm mưa tiếp đón như các người trẻ này đang tiếp đón Người Huynh trưởng Gioan Phaolô yêu mến của họ lúc đó không?
Sau bài diễn văn chào mừng của Hồng y Tổng Giám mục Giáo phận Toronto, Người Huynh trưởng vẫn im lặng ngồi yên, chưa làm Dấu Thánh Giá bắt đầu Thánh Lễ. Chẳng lẽ Ngài già cả lú lẫn quên rồi chăng? Nhìn lên màn hình, mọi người thấy Ngài ngồi ôm đầu che kín mặt như đang say ngủ. Khi vị linh mục phụ lễ đến nói nhỏ gì đó bên tai Ngài, Ngài như choàng tỉnh, làm Dấu Thánh Giá và đọc lời chào mở đầu Thánh Lễ bằng tiếng Pháp. Tiếp liền, Ngài nói bằng tiếng Pháp đại ý, “Ánh sáng bình minh đang ló dạng,” trong lúc trời vẫn đang mưa nặng hạt. Một ít người vỗ tay, một số khác nhiều người hơn không vỗ tay có lẽ vì không hiểu tiếng Pháp, hoặc vì hai tay đang “bị trói” trong áo mưa. Điều lạ là chẳng ai thắc mắc khi Ngài nói như vậy lúc trời đang mưa. Bản thân tôi cũng vỗ tay, nhưng không biết phải hiều lời Ngài nói theo nghĩa bóng hoặc nghĩa đen. “Bình minh” khó mà ló dạng lúc này vì trời đang vân vũ mịt mùng. Bỗng, chừng ba phút sau, ba cơn gió mạnh mà trước đó không có, sau đó cũng không có, không biết từ đâu thổi đến đánh bạt hết mây đen. Bầu trời đang đầy mây đen bỗng quang hẵn đi. Mưa tạnh. Mặt trời chiếu sáng cho đến cuối Thánh Lễ. Lễ xong, mọi người lũ lượt dần dần thoát ra khỏi cổng trở về nơi họ đã từ đó đến. Từ lúc Thánh Lễ chấm dứt đến chừng hai giờ sau, khi tôi cách Toronto chừng 50km trên đường trở về Mĩ, trời lại đổ mưa ào ào. Bây giờ thì tôi hiểu câu nói “Ánh sáng bình minh đang ló dạng” của Người Huynh trưởng phải hiểu theo nghĩa đen, một nghĩa mà ngay lúc đó tôi không dám nghĩ có thể đột nhiên xẩy ra như vậy. Điều gì đã làm cho Ngài nói lên một câu khẳng định dứt khoát là trời sẽ tạnh mây sẽ quang khi bầu trời còn nặng chĩu mây đen và mưa đang nặng hạt? Và tôi liệu có thể hiểu câu nói đó theo nghĩa bóng rộng rãi hơn không?
Giới trẻ yêu mến Người Huynh trưởng vì Ngài có tính hài hước. Tuổi trẻ nào mà không muốn vui tươi. Trong một bài giảng, Ngài nói, “You are young, and the Pope is old.” Cũng nên ghi chú ở đây là Canada gồm hai khu vực nói hai thứ tiếng chính thức khác nhau, phía đông nói tiếng Anh, phía tây tiếng Pháp. Tất cả những gì là chính thức ở đó như truyền thanh, truyền hình, luật pháp vv. đều được viết và nói bằng cả hai thứ tiếng. Nói câu đó xong, Ngài ngước thẳng khuôn mặt nhăn nheo của Ngài lên, đôi mắt nhìn mọi người với nụ cười trong khóe mắt, vì miệng Ngài bị méo mó do cơn bệnh khó mà biểu hiện được một nụ cười đúng nghĩa. Cả biển người vỡ ra cười và vỗ tay như sấm. Giới trẻ làm băng reo hoan hô Ngài cùng với tiếng nhịp vỗ tay. Một lần như mọi lần, tiếng reo hò có lẽ sẽ không chấm dứt nếu Người Huynh trưởng không lên tiếng nói tiếp. Khi nghe tiếng reo hò vui mừng, Ngài luôn luôn ngừng lại ngước nhìn với niềm vui biểu lộ trong khóe mắt. Giới trẻ reo hò hoan hô người, thường là “We love you Jean Paul DEUX” tiếng Pháp, hoặc “John Paul TWO” tiếng Anh, hoặc “Giovani Pablo” tiếng Ý, lặp đi lặp lại. Sau một lời reo là một nhịp vỗ tay vang động. Không biết bao nhiêu lần Người Huynh trưởng phải ngưng lời giáo huấn, chờ đợi cho tiếng reo hò chấm dứt.
Giới trẻ yêu mến Người Huynh Trưởng đó vì Ngài bình dị và chân thành. Bài giảng của Ngài không triết lí, không thần học sâu sắc, không phân tích, không phê phán. Ngài nói với giới trẻ tiếng nói tự nhiên từ con tim của Ngài. Để kết thúc bài giảng giờ Kinh Chiều thứ bảy ngày 27 tháng 7 năm 2002, Ngài nói, “Cha đặt hết hi vọng vào các con.” Rồi Ngài tiếp, “Thiên Chúa đã trao cho các con một nhiệm vụ quan trọng nhưng hấp dẫn, đó là cộng tác với Người để thay đổi nền văn minh của thế giới.” Biển người thuộc giới trẻ vang rền tiếng vỗ tay như sấm, một cử chỉ biểu lộ việc họ xác nhận và chấp nhận lời của Người Huynh trưởng của họ. Họ đã chấp nhận Ngài làm Người Huynh trưởng của họ. Trong bài của đại diện giới trẻ chào mừng Ngài bằng tiếng Pháp, có câu, “Chúng con nhận Cha là một thành phần của chúng con, là một người cha, là một người ông.” Người Huynh Trưởng đó đã ngửng thẳng đầu lên, chiếc đầu mà Ngài thường phải gục xuống vì sức nặng tàn phá của bệnh hoạn, và mỉm cười, một nụ cười méo mó, biểu hiện như qua đôi mắt nhiều hơn qua môi miệng.
Người Huynh trưởng đó đã nói, “Tuổi trẻ không phải ở trong tuổi tác nhưng ở trong tinh thần.” Phải, Ông Lão già nua bệnh hoạn đó là một người trẻ thực sự, một người trẻ luôn luôn tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn, một thế giới tốt đẹp hơn thế giới của ngày hôm nay. Giới trẻ yêu mến Người Huynh trưởng của họ vì Ngài là một người trẻ, thực sự trẻ chứ không phải đóng kịch để mê hoặc quyến rũ giới trẻ. Sức thu hút của Ngài chính là tình yêu mến giới trẻ chân thành và nồng nhiệt. Người Huynh trưởng bệnh hoạn già nua mang nhiều thương tích đó vì yêu mến giới trẻ đã ngồi từ bảy giờ rưỡi đến quá mười một giờ khuya trong giờ Kinh Chiều tối thứ bảy 27 tháng 7 để nghe giới trẻ tâm sự và để nói lên tâm sự của Ngài với giới trẻ. Người Huynh Trưởng ngồi không vững vàng đó đã đứng khi cần đứng để dâng Thánh Lễ từ tám giờ sáng đến quá mười hai giờ rưỡi sáng Chúa Nhật 28 tháng 7 cầu nguyện cho giới trẻ. Không vì lòng yêu mến giới trẻ, chắc Người Huynh Trưởng đó không thể dùng nhiều thì giờ có mặt với giới trẻ thế giới đến như vậy, nhất là trong lúc bệnh hoạn đang tàn phá Ngài. Liệu bất cứ người già cả bệnh hoạn nào có thể ngồi tâm sự với con cháu lâu dài như vậy trong cuộc đời thường không, cho dẫu các ông bà cố, ông bà nội ngoại yêu thương con cháu của họ đến chừng nào.
Tám năm rưỡi đã trôi qua từ ngày tôi được vinh dự có mặt trong đại hội giới trẻ mà tôi không là một thành phần nếu tính theo tuổi tác, nhưng lại tự cho là một thành phần vì tôi cũng đang tập tễnh làm một người sinh hoạt và chia sẻ với giới trẻ trong nhóm sinh hoạt của tôi. Tận mắt nhìn thấy và trực tiếp nghe được lời giáo huấn của Người Huynh trưởng vĩ đại của giới trẻ thế giới trong thời đại này, tôi cảm thấy đã học được biết bao nhiêu điều trong nghề huynh trưởng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Và bản thân thấy còn biết bao nhiêu điều không bao giờ có thể học và làm theo được trong nghề huynh trưởng của Ngài. Tám năm rưỡi đã trôi qua. Hôm nay hồi tưởng lại, tôi cảm thấy vinh dự vì đã tận mắt nhìn thấy một vị thánh trong cuộc đời tôi, và chua xót vì dẫu vậy tôi vẫn không noi theo Ngài dù một chút mảy may để trở nên thánh thiện hơn.
Còn không mấy tháng nữa, Người Huynh trưởng này của giới trẻ thế giới sẽ được Giáo hội chính thức tôn phong lên một bậc thánh. Nhưng trong lòng giới trẻ thế giới, Người Huynh trưởng này có lẽ đã được họ coi là một vị thánh từ lâu. Xin Thánh Gioan Phaolô Giáo hoàng cầu cho chúng con, các giới trẻ của thế giới và các người tập tễnh theo Ngài làm một huynh trưởng sinh hoạt với giới trẻ. Xin cho chúng con được luôn luôn là những người trẻ trong tâm hồn, luôn luôn đầy tin tưởng góp phần vào việc làm cho thế giới này thành vào một thế giới tốt đẹp hơn, cho toàn thể thanh niên nam nữ thế giới biết đi theo con đường nên thánh mà Ngài đã nêu cao gương sáng trong đức trong sạch, tình nhân ái, lòng thương xót người cùng khổ, và sẵn sàng tương trợ cho nhau.
Tác giả Trần Hữu Thuần
dunglac.net
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|