Kiếm tìm và chia sẻ sự thật: sứ mệnh của giới truyền thông

Một số nhận định của bà Chiara Giaccardi, giáo sư xã hội học tại đại học công giáo Thánh Tâm Milano (Bắc Ý), về sứ mệnh kiếm tìm sự thật của các phương tiện truyền thông.




Vào năm 2009 tới đây các Giám Mục đặc trách về Ủy ban truyền thông của các Hội Đồng Giám Mục Âu châu sẽ nhóm họp để phân tích các hậu qủa của hệ thống liên mạng Internet trên xã hội và trong Giáo Hội. Phiên họp này đã được quyết định trong cuộc gặp gỡ của Ủy Ban Giám Mục đặc trách truyền thông thuộc Liên Hội Đồng Giám Mục Âu châu triệu tập tại nội thành Vaticăng trong các ngày từ 25 đến 27-4-2008. Ủy Ban này có nhiệm vụ trợ giúp các Hội Đồng Giám Mục trong Liên Hiệp Âu châu về những vấn đề trong lãnh vực truyền thông xã hội.

Trong sứ điệp gửi Ngày Truyền Thông Quốc Tế lần thứ 42 hôm mùng 4-5-2008, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã kêu gọi giới truyền thông ra khỏi kiểu thông tin cá nhân chủ nghĩa để chu toàn sứ mệnh phục vụ sự thật khách quan, kiếm tìm sự thật và chia sẻ sự thật.

Trong phần đầu sứ điệp Đức Thánh Cha đã nêu bật các hiệu qủa tích cực mà các phương tiện truyền thông đem lại cho thế giới nhờ sự tiến triển của các kỹ thuật tối tân. Việc thông tin tức nhanh chóng khắp nơi cho biết các biến cố xảy ra cũng như các sự kiện và phổ biến sự hiểu hiểu biết trong mọi lãnh vực. Các phương tiện truyền thông cũng góp phần làm giảm nạn mù chữ, xã hội hóa, thăng tiến dân chủ và đối thoại giữa các dân tộc. Nhưng chúng không chỉ là phương tiện giúp phổ biến các tư tưởng, mà có thể và phải là các dụng cụ phục vụ một thế giới công bằng và liên đới hơn.

Tuy nhiên các phương tiện truyền thông tối tân cũng có nguy cơ biến thành các hệ thống bắt con người phục vụ các lợi lộc đang thống trị xã hội nữa. Đó là trường hợp chúng bị sử dụng cho các mục tiêu ý thức hệ hay cho khuynh hướng tiêu thụ hưởng thụ, áp đặt các mô thức méo mó của cuộc sống cá nhân, gia đình hay xã hội. Chúng cũng có thể trở thành dụng cụ kích thích bạo lực và thù hận.

Chính vì các phương tiện truyền thông có ảnh hưởng rất lớn trên mọi chiều kích cuộc sống con người: luân lý, trí tuệ, tôn giáo, các tương quan liên bản vị, tình cảm và văn hóa, nên phải làm sao để các phương tiện truyền thông xã hội phục vụ con người và công ích. Đặc biệt phải làm sao để chúng đáp ứng nhu cầu khát khao sự thật nơi con người và đừng để chúng quảng cáo cho chủ thuyết duy vật kinh tế và tương đối hóa luân lý, là các tai ương đang tàn phá thời đại ngày nay.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của bà Chiara Giaccardi, giáo sư xã hội học tại đại học công giáo Thánh Tâm Milano, về sứ mệnh kiếm tìm sự thật của các phương tiện truyền thông

Hỏi: Thưa giáo sư Giaccardi, giáo sư nghĩ gì về sứ điệp Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi Ngày Quốc Tế Truyền Thông mùng 4 tháng 5 vừa qua?

Đáp: Đó là một sứ điệp đề cao sự tự do đích thực và tái khích lệ vai trò của các phương tiện truyền thông xã hội là giúp con người kiếm tìm sự thật và thông truyền sự thật. Điều này quan trọng, vì chúng ta đang sống trong một thời đại, trong đó việc truyền thông chỉ có nhiều liên hệ với các cá nhân, và nếu muốn đi xa hơn, thì chúng ta đụng độ với một nền văn hóa thống trị khước từ chia sẻ các giá trị hay đặt giới hạn cho các giá trị.

Vì thế lời Đức Thánh Cha mời gọi mọi người tìm kiếm sự thật và chia sẻ sự thật qua các phương tiện truyền thông xã hội đánh động tôi rất nhiều. Đây là một thách đố đi ngược dòng đời, vì nó lột mặt nạ hệ thống truyền thông miêu tả các Kitô hữu như những người có các sự thật trong túi để phân phát cho người khác. Trái lại họ là những người nam nữ kiếm tìm và đặt vấn nạn liên quan tới ý nghĩa cuộc sống. Và họ muốn chia sẻ sự tìm kiếm đó với tất cả mọi người. Khi các phương tiện truyền thông xã hội phục vụ con người và lo lắng cho phẩm giá con người, thì chúng sẽ trở thành dụng cụ phục vụ hòa bình và công lý. Nhưng rất tiếc là thường khi các phương tiện truyền thông xã hội bị các luận lý đối kháng nhau lèo lái và sử dụng cho các mục tiêu của chúng.

Hỏi: Chúng là các luận lý nào thưa giáo sư?

Đáp: Sự phê bình của Đức Thánh Cha rất là rõ ràng. Các phương tiện truyền thông xã hội thường phục vụ chủ thuyết duy vật lịch sử và chủ thuyết luân lý tương đối. Tâm thức thống trị trong các bài viết và trong các môi trường sản xuất là tâm thức của sự tự tại, của việc tìm kiếm hạnh phúc từ khoảnh khắc hiện tại và từ cảm xúc mạnh. Các phương tiện truyền thông hầu như không bao giờ cống hiến cho dân chúng các dụng cụ giúp suy tư từ xa và hiểu biết các tình trạng sống, hay để phổ biến các mô thức văn hóa khác, được gợi hứng từ công ích chứ không phải từ khuynh hướng tiêu thụ và hưởng lạc. Chúng ta đang đứng trước một sự mâu thuẫn: đó là các phương tiện với kỹ thuật rất tân tiến lại phục vụ cảm xúc và cái vô lý, thay vì phục vụ các chiều kích có lý và sâu thẳm hơn của con người và của xã hội. Marshall Mc Luhan, lý thuyết gia của làng toàn cầu, đã cảnh cáo con người trước nguy cơ trở thành nô lệ của sản phẩm do chính nó chế tạo ra, trong đó có các phương tiện và kỹ thuật truyền thông tối tân.

Hỏi: Như thế chúng ta đang bị điều kiện hóa bởi một hệ thống truyền thông lấy nó là điểm quy chiếu hay sao thưa giáo sư?

Đáp: Chắc chắn rồi. Tất cả chúng ta, kể cả các tín hữu công giáo, đều bị điều kiện hóa bởi hệ thống truyền thông này. Nguy cơ đó là các phương tiện truyền thông tạo ra các biến cố, hay trong đại dương rộng mở của các tin tức, chúng lựa lọc các tin tức ít lợi ích đối với con người, và dành ưu tiên cho các lợi nhuận của các phe nhóm. Nhưng khi làm như thế, nó không chỉ gây thương tổn cho quyền thông tin, mà cũng lại không trợ giúp nỗ lực kiếm tìm sự thật, mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ước mong, và nó cần giữ khoảng cách lý trí đối với những kiểu trình bầy tầm thường của sự tự tại, của những gì xảy ra tại đây, trong lúc này và ngay lập tức. Mô thức cá nhân chủ nghĩa và cảm xúc thắng thế. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng vấn đề nhân chủng học bùng nổ cả trong lãnh vực truyền thông. Như thế các phương tiện có tiềm năng lớn bị ám ảnh bởi sự chắp nối, là một khía cạnh của truyền thông. Nhưng chúng dừng lại đó và không bước qua giai đoạn tiếp theo là sự chia sẻ.

Hỏi: Tại sao nó lại ngừng ở đó mà lại không bước sang giai đoạn chia sẻ thưa giáo sư?

Đáp: Bởi vì theo khuynh hướng tương đối hóa luân lý đang chỉ huy cuộc sống xã hội hiện nay, việc chia sẻ các giá trị trong truyền thông bị coi như là vụ luân lý và làm tổn thương sự tự do cá nhân, là sự tự do phải vô giới hạn. Trái lại việc chia sẻ là dụng cụ của đối chiếu và lớn lên. Cả trong hệ thống truyền thống chúng ta cũng đang chứng kiến sự lộ hiện của một thái độ hiếu chiến duy đời cực đoan, dẫn đưa tới chỗ miêu tả thực tại với các công thức có sẵn, với các giản lược đến như chế nhạo. Theo đó các Kitô hữu là những người vụ tín lý, và các người hồi là những kẻ bất khoan nhượng và hiếu chiến. Trái lại trong thực tế việc tìm kiếm ý nghĩa khiến cho các người chủ trương đời và tín hữu công giáo hợp nhau.

Hỏi: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI viết trong sứ điệp gửi Ngày Truyền Thông Quốc Tế: ”Hơn một người nghĩ rằng ngày nay cần có một luân lý thông tin cũng như có một luân lý sinh học trong lãnh vực y khoa”. Làm thế nào để áp dụng nó thưa giáo sư?

Đáp: Các người duy đời cực đoan nhăn mũi và sợ rằng đề nghị một nền luân lý thông tin dẫn đưa tới các kiểm duyệt, nhưng trái lại đây là việc áp dụng các tiêu chuẩn luân lý mới cho việc thông tin. Đó là tự phê bình và tự hỏi xem chúng ta đang đi hướng nào. Chẳng hạn phải thảo luận trở lại các tiêu chuẩn thương mại trong việc lựa lọc tin tức. Ngày nay xem ra có một thói quen nhàm chán đang thắng thế; chiều kích kinh tế ảnh hưởng trên việc biên soạn báo chí cũng như trên các kỹ thuật mới. Trái lại Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mời gọi chúng ta tiếp nhận thách đố dùng lý trí và theo con đường ngược dòng đời kiếm tìm và phục vụ sự thật, chứ không kiếm tìm và phục vụ lợi nhuận kinh tế.

(Avvenire 4-5-2008)

Linh Tiến Khải (VietCatholic)