Love Telling ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN và Quý Khách: BQT-TCVN xin cáo lỗi cùng ACE vì trục trặc kỹ thuật 2 ngày vừa rồi. Trân trọng! Loan Pham nhắn với Gia Đình TCVN: Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý anh chị em một Giáng Sinh ấm áp bên gia đình, người thân và tràn đầy ơn lành từ Chúa Hài Đồng. ThanhCaVN nhắn với TCVN: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 16 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. Edit LM Loan Pham nhắn với TCVN: Kính Chúc Cà Nhà Một Tam Nhật Thánh và Một Mùa Phục Sinh Tràn Đầy Thánh Đức ... Loan Pham nhắn với TCVN: Chúc mừng năm mới đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý anh chị em tron gia đình TCVN thân yêu... Xin Chúa xuân ban nhiều hồng ân đến mọi người. Amen ThanhCaVN nhắn với ÔB & ACE: Kính chúc Năm Mới Quý Mão: Luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN: Kính chúc Giáng Sinh & Năm Mới 2023: An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa. bethichconlua nhắn với Gia Đình ThanhCaVietNam: Chúc mừng sinh nhật thứ 15 website ThanhCaVietNam. Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa. Amen ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 15 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. phale nhắn với cecilialmr: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với thiên thần bóng tối: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với teenvnlabido: Ngày mai (1/6) sinh nhật của bạn teen / chúc mọi điều tốt lành trong tuổi mới. phale nhắn với tất cả: Xin Chúa cho dịch bệnh sớm qua đi và ban bình an cho những người thành tâm cầu xin Ngài. ThanhCaVN nhắn với ACE: Kính chúc ACE: Giáng Sinh & Năm Mới 2021 - An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Chủ đề: Hôn Nhân và Bí Tích

  1. #1
    AugustineTuanBao's Avatar

    Tuổi: 26
    Tham gia ngày: Aug 2009
    Tên Thánh: Augustine
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Bất cứ nơi đâu...
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 2,015
    Cám ơn
    3,086
    Được cám ơn 10,436 lần trong 1,881 bài viết

    Default Hôn Nhân và Bí Tích

    Hôn Nhân và Bí Tích
    Hôn nhân là hình thức chung sống suốt đời giữa một người nam và một người nữ trên căn bản tình yêu. Cả hai chấp nhận hình thức này, để dễ dàng cho đi và nhận lãnh tình yêu, giúp nhau vui sống trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Trong hôn nhân, cả hai cùng cộng tác tích cực vào sứ mạng sáng tạo của Tạo Hóa trong việc sinh sản con cái là kết quả của tình yêu hai người, đồng thời giúp nhau chu toàn trách nhiệm quốc gia và Giáo Hội (GH) trao phó trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái.
    Có thể nói, hôn nhân là thể chế cổ kính nhất trong nền văn hóa nhân loại.
    Xưa như trái đất nhưng vẫn mới như mặt trời. Mới mỗi ngày. Hôn nhân không phải là "sản phẩm" của riêng Kitô giáo mà là di sản của toàn thể nhân loại! Trong cuốn Giáo Lý Công Giáo (GLCG) ban hành ngày 11. 10. 1992, GH đã khẳng định: Hôn nhân nằm ngay trong bản tính tự nhiên của con người (1603).
    Kinh Thánh cũng bắt đầu bằng việc sáng tạo một người nam và một người nữ (St 1) và kết thúc bằng một tiệc cưới Chiên Con (Kh 19, 7. 9). Như thế có thể nói, từ trang đầu tới trang cuối, Kinh Thánh vừa đề cập tới hôn nhân
    và con người vừa đề cập tới mầu nhiệm tình yêu và hạnh phúc của loài người.
    1. Hôn nhân thời Cựu ước
    Những trang đầu Kinh Thánh đã ghi lại 2 bài tường thuật về sự sáng tạo con người (St 1, 1 - 2, 4 và 2, 4b - 3, 24). Tuy bài thứ hai (2, 4b - 3, 24) cổ kính hơn bài thứ nhất (1, 1 - 2, 4) nhưng cả hai đều tường thuật một chi tiết giống nhau: Ban đầu Thiên Chúa đã sáng tạo loài người không gồm hai người nam hoặc hai người nữ, mà gồm một người nam và một người nữ. Ðể làm gì? Thưa, để họ chung sống với nhau mà cộng tác với Thiên Chúa trong việc sáng tạo liên tục của Ngài (St 1, 27t; 2, 18-24; xx. thêm: Tb 8, 5-9). Như thế, hôn nhân đã nằm ngay trong ý định sáng tạo nguyên sơ của Thiên Chúa.
    Ðối với người Do Thái, hôn nhân không phải là chuyện riêng tư của hai người nhưng là việc chung của cả giòng họ. Vì thế, quyền xếp đặt việc hôn nhân thường dành cho gia trưởng (Xh 22, 15t; Ðnl 7, 3). Cha chàng rể chỉ cần nói chuyện với cha nàng dâu (St 24, 2-61; 34, 1-24; 38, 6; Tl 14, 2t), nhưng cũng có những trường hợp chàng rể đã tự quyết định lấy (St 26, 34t; 28, 8t; 29, 14-30; 38, 1-5; Hc 26, 19t) hoặc nàng dâu đã dành quyền quyết định tối hậu trong việc này (St 24, 5. 8. 58). Sau khi nhà trai nộp tiền cheo (mohar), nàng dâu mới chính thức trở thành người vợ trước pháp luật. Số tiền này không thể coi là giá cả mua bán nàng dâu, nhưng đúng ra là bảo chứng trước pháp luật khi thành hôn, đồng thời có thể coi là quỹ "bảo hiểm" cho nàng, nếu không may về sau nàng bị góa chồng quá sớm. Ðám cưới của người Do Thái xưa được cử hành suốt 7 hoặc 14 ngày liền (xx. St 29, 27; Tl 14, 12; Tb 8, 18t) với con số thực khách rất đông (St 29, 22).
    Dù sách Tobia có nhắc tới một thứ hôn ước chính thức, được ghi trên giấy
    trắng mực đen (7, 14), nhưng trong Cựu ước chưa thấy có một nghi thức rõ
    ràng nào để chứng hôn. Hôn nhân thời đó chưa thể coi là Bí tích được,
    dù Cựu ước cũng đã công nhận tính cách thánh thiện của hôn nhân. Hôn ước thời đó chỉ có tính cách dân luật, nhằm bảo vệ giềng mối gia đình.
    2. Hôn nhân thời Giáo Hội sơ khai
    Ngay từ thời GH sơ khai, các tín hữu đã xác tín rằng: Hôn nhân là việc thánh thiện, cần phải được cử hành trước mặt Chúa và GH. Trong GH cũng bắt đầu manh nha những hình thức chứng hôn tại địa phương. GH yêu cầu các tín hữu khi thành hôn, "xin thông báo cho Giám Mục biết", để "làm theo thánh ý Chúa" và "làm vinh danh Ngài" (Ignatios, Epistula ad Smyrnaeos 8, 1 và Epistula ad Polycarpum 5, 2; xem thêm: Tertullian, Ad ux. 2, 9; Ambrosius, Ep. 19, 7). Các Giáo Phụ thường hiểu việc Chúa Giêsu đến dự tiệc cưới tại thành Cana như là việc Ngài công khai "hợp thức hóa" hôn nhân loài người. Trong GH Tây Phương hồi thế kỷ thứ 5, đôi tân hôn có thể mời Giám Mục tới thẳng phòng tiệc cưới, để chúc lành cho hôn ước của mình. Còn bên GH Ðông Phương, việc này đã được thực hành sau thời Hoàng Ðế Constantinô, nghiã là sớm hơn một thế kỷ. Sau này, đối với những quốc gia tại Ðông Phương đã nhận Kitô giáo làm quốc giáo, nghi thức Linh mục đội triều thiên cho đôi tân hôn trở thành không thể thiếu trong việc kết hôn. Ai kết hôn không có nghi thức này, hôn phối của họ sẽ bị coi là bất thành phép trước mặt GH.
    Tới thế kỷ thứ 8, GH Tây Phương còn thực hành thêm việc khảo hạch trước khi cử hành Bí tích Hôn Phối cho đôi tân hôn. Vào thế kỷ 15, sau khi hai người công bố việc ưng thuận kết hôn, Linh mục còn chính thức xác nhận hôn ước đó bằng việc đọc thêm công thức: "Ego coniungo vos in matri- monium. In nomine Patris..." (Tôi kết hợp anh chị trong hôn nhân.
    Nhân danh Cha...) (Martène R II 367t: Ordo VII matr.). Sau này, nghi thức
    đó còn được công nhận và in lại trong sách nghi lễ Roma (Rituale Romanum).
    Nhưng khoa Thần Học và Giáo Luật thời thế kỷ thứ 11 chủ trương rằng: Ðể hôn phối thành phép, chỉ cần sự ưng thuận (solus consensus) kết hôn của hai người là đủ. Hậu quả của học thuyết này là việc coi thường các nghi thức kết hôn, bên đời cũng như bên đạo. Ðể ngăn ngừa nguy hiểm đó, Công đồng Trento đã ra sắc lệnh "Tametsi" ngày 11. 11. 1563 nhằm canh tân hôn phối, bằng các biện pháp cụ thể sau đây: (1) Rao hôn phối 3 lần liên tiếp trong các ngày lễ lớn, (2) hôn phối phải cử hành theo nghi thức cố định và công khai trước mặt một Linh mục và 2, 3 nhân chứng. Những hôn phối nào không cử hành theo thể thức này, đều bị coi là bất hợp pháp và bất thành phép (DZ 1814-1816). Nghi thức hôn phối lúc đó đã gồm 3 yếu tố căn bản như ngày nay:
    (1) Hai người công bố sự ưng thuận kết hôn với nhau trước mặt vị đại diện
    GH và các nhân chứng.
    (2) Vị đại diện xác nhận sự ưng thuận của hai người.
    (3) Vị đại diện chúc lành cho hôn ước đó.
    3. Hôn nhân là một công ích
    Có người vẫn thắc mắc: Hôn nhân là "chuyện riêng tư" của hai người, tại
    sao GH phải "xía" vô? Thưa, hôn nhân không phải là chuyện riêng tư giữa loài người, mà là chuyện liên quan đến cả Thiên Chúa. Hôn nhân nằm trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa ngay từ khi tạo thành vũ trụ. Như thế, GH lưu tâm tới hôn nhân như là lưu tâm tới chương trình của Thiên Chúa. Hôn nhân cũng không phải là chuyện riêng tư giữa hai người, mà là chuyện liên quan đến nhiều người: cả giòng họ, cả xã hội và GH. Hôn nhân có liên quan tới nhiều người, vì hôn nhân không phải chỉ liên quan tới hạnh phúc của hai người, mà còn liên quan tới hạnh phúc của cả xã hội và GH. Công đồng Vatican II đã minh định: "Hạnh phúc của một người, cũng như hạnh phúc của xã hội và GH, có liên quan mật thiết với hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân và đời sống gia đình" (Gaudium et Spes 47, 2). Như thế, GH chăm sóc hạnh phúc hôn nhân như là chăm sóc hạnh phúc xã hội cũng như hạnh phúc của chính GH.
    Có lẽ chính trong ý nghiã đó, mà GLCG đã xếp Bí tích Hôn Phối (1601- 1666) vào loại "những Bí tích phục vụ đời sống chung" (les sacrements du service de la communion) cùng một loại với Bí tích Truyền Chức (1536-1600)! Tóm lại, hôn nhân là một công ích, không phải chỉ có ích cho hai người và vì thế cũng không thể "dàn xếp âm thầm" giữa hai người yêu nhau.
    4. Hôn nhân là một mầu nhiệm
    Hầu hết các dân tộc đều tin rằng: Thần Thánh "nhúng tay" vào việc hôn nhân của loài người hoặc coi hôn nhân là việc thiên duyên tiền định. Người Việt xưa cũng tin, vợ chồng nên duyên được là nhờ "ông Tơ bà Nguyệt". Niềm tin đó dựa trên điển tích "Nguyệt hạ lão nhân" (ông già ngồi dưới bóng trăng, thường được gọi là ông Tơ, vị tiên chuyên lo xe duyên cho loài người). Ðiển tích ấy kể rằng: Vi Cố, vào một đêm đi chơi, chàng gặp một cụ già ngồi dưới bóng trăng trong, trong tay cụ có một cuốn sổ và một bó chỉ hồng. Vi Cố gạn hỏi, cụ mới tiết lộ: "Ta là Nguyệt Lão, cuốn sổ này để ghi tên những cặp trai gái sẽ lấy nhau, còn chỉ hồng này dùng để cột chân họ lại, để nên duyên vợ chồng." Nghe thế, Vi Cố tò mò cũng muốn biết xem sau này mình sẽ lấy ai. Nguyệt Lão chiều lòng cho biết, sau này chàng sẽ lấy cô nàng ăn xin trước chợ. Vi Cố tin lời, sợ mất danh giá về sau. Ðể trừ hậu họa, một ngày kia chàng xách dao ra chợ, "hỏi thăm sức khoẻ" cô nàng. Vừa tới nơi, chàng chém vội một cú. Thấy máu chảy đầm đìa, hoảng sợ chàng chạy trốn. May phước, nhờ thế nàng thoát nạn. Sau này, Vi Cố cưới được một tiểu thư, con của vị quan trong miền, chàng yên trí. Nhưng khi thấy vết sẹo trên đầu vợ, chàng hỏi ra mới biết tiểu thư ngày nay chính là cô nàng ăn xin ngày trước. Nàng đã được quan ông trong miền nhận về làm con nuôi.
    Như thế, hôn nhân không phải là việc phàm tục giữa hai người yêu nhau,
    nhưng là việc linh thiêng giữa Thần Linh và loài người. Ngài yêu họ nên
    "mai mối" cho họ và dàn xếp cho họ tìm được hạnh phúc bên nhau.
    Trong Kinh Thánh, bài tường thuật thứ 2 về sự sáng tạo cũng cho thấy, Thiên Chúa đã can thiệp trực tiếp vào việc này bằng cách cho Adam ngủ say, rồi lấy xương sườn của chàng mà dựng nên Evà (St 2, 21). Chữ "ngủ say" trong nguyên ngữ Do Thái "tardemáh" có ý diễn tả "mầu nhiệm không hiểu nổi" này đối với nhân loại.
    Thư Thánh Phaolô cũng coi sự kết hợp giữa người nam và người nữ như một "mầu nhiệm" [mystérion] (Ep 5, 32) vì hôn nhân của loài người là hình ảnh của sự kết hợp giữa Chúa Kitô và GH (Ep 5, 23-27. 29-32).
    H. Rahner còn gọi hôn nhân là "mầu nhiệm triệt cùng" (mysterium radicale) của nhiệm thể Chúa Kitô, vì khi sinh ra bởi một cuộc hôn nhân nào đó, con người cũng có "họ hàng máu mủ" với Thiên Chúa qua Ðức Kitô, là Ðấng đã xuống thế làm người và ở giữa loài người.
    5. Hôn nhân là một Bí tích
    Trong các nền văn hóa khác nhau, hôn nhân luôn được coi là việc thánh thiện. Vì thế, trước khi về chung sống với nhau, cô dâu chú rể thường xin Thần Linh của mình chứng giám cho tình yêu và phù hộ cho cuộc sống chung giữa hai người qua một nghi lễ công khai và long trọng. Trong hầu hết các tôn giáo, hôn nhân cũng được coi là hình thức sống chung hợp với ý Thượng Ðế. Trong Cựu ước, giao ước giữa Thiên Chúa với dân Ngài thường được ví như một cuộc hôn nhân giữa hai người (Hs 1-3; Is 54; 62; Gr 2-3; 31; Ed 16; 23). Còn trong Tân ước, hôn nhân được coi là hình ảnh sự kết hợp giữa Chúa Kitô và GH (Ep 5, 22-33). Chúa Kitô được ví như chàng rể của giao ước mới (Mc 2, 19). Còn GH được ví như nàng dâu, đã được Chúa Kitô yêu thương đến hy sinh mạng sống (Ep 5, 25). Chính Chúa Giêsu cũng minh định công khai: Hôn nhân hợp với thánh ý Thiên Chúa (Mt 19, 6).
    Ðối với GH, hôn nhân không phải chỉ là một khế ước giữa người với người mà còn là một Bí tích (Sakrament/ sacrement) giữa Thiên Chúa và loài người. Thánh Gioan Kim Khẩu cho rằng: "Hôn nhân là Bí tích tình yêu... Khi vợ chồng nên một trong hôn nhân, cả hai không còn là hình ảnh dưới trần nữa, mà là hình ảnh của Chúa trên trời."
    Nhưng, Bí tích là gì? - Thưa, Bí tích là dấu thánh (heiliges Zeichen) bề ngoài do Chúa Giêsu đã lập, để thông truyền ơn phúc bên trong.
    Dấu thánh bề ngoài trong Bí tích Hôn Phối là: (1) sự ưng thuận thành hôn của hai người và (2) việc công khai hóa sự ưng thuận đó trước mặt đại diện GH và các chứng nhân. Bí tích này do Chúa Giêsu đã lập, khi Ngài thiết lập Giao ước mới như là dấu chỉ muôn đời của ân sủng. Ngoài ra, tự bản chất không một Bí tích nào có liên hệ với thực tại tự nhiên cho bằng Bí tích Hôn Phối.
    Có thể nói, Thiên Chúa đã thiết lập khế ước hôn nhân ngay trong vườn địa
    đàng, giữa người nam và người nữ đầu tiên. Nhưng Chúa Giêsu mới nâng hôn ước đó lên hàng Bí tích.
    Ngay trong trật tự sáng tạo, Thiên Chúa đã sáng tạo người nam và người nữ
    theo hình ảnh Ngài (St 1, 27), mà Ngài là tình yêu (1 Ga 4, 8. 16). Cho nên,
    loài người được sáng tạo theo mẫu mực của tình yêu. Ngài đã chúc lành cho họ và cầu mong họ sinh sản thêm nhiều con cái, để tiếp tục cộng tác trực tiếp trong việc sáng tạo mà Ngài đã khởi đầu (St 1, 28). Chính Thiên Chúa đã kết luận: "Ðó là việc rất tốt" (St 1, 31).
    Còn đối với Chúa Giêsu, ngay khi bắt đầu đời sống công khai, Ngài đã có mặtb trong một tiệc cưới tại Cana. Ngài làm dấu lạ đầu tiên biến nước thành rượu để giúp hai họ nối tiếp cuộc vui (Ga 2, 1-11). GH luôn hiểu sự hiện diện này như là một chứng thực của Chúa Kitô đối với giá trị hôn nhân, đồng thời cũng tiên báo sự hiện diện thường xuyên của Ngài trong đời sống hôn nhân (GLCG, 1613).
    Dù sống độc thân, nhưng Chúa Giêsu cũng dạy rằng: Hôn nhân là một cuộc sống chung giữa người nam và người nữ, được Thiên Chúa thiết lập ngay từ khi tạo dựng vũ trụ. Ngài còn tranh đấu quyết liệt, để trả lại cho hôn nhân ý nghiã nguyên thủy mà Thiên Chúa đã minh định từ đầu, đó là sự hợp nhất bất khả phân ly giữa người nam và người nữ (Mc 10, 6-9; Mt 19, 4tt).
    Ngay từ thời GH sơ khai, Thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu là hãy cưới nhau "trong Chúa" (1 Cr 7, 39).
    Giáo lý Bí tích của hôn phối được xây dựng trên nền tảng Kinh Thánh, nhưng phần cô đọng nhất phải kể đến đoạn 5, 22-33 thuộc thư gởi tín hữu Ephêsô. Trong phần này, tác giả đã so sánh sự kết hợp giữa vợ chồng với sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Như thế, sự kết hợp trong đời sống hôn nhân là hình ảnh của sự kết hợp với Thiên Chúa, và sự hiến thân toàn vẹn cũng được coi là mục tiêu và nền tảng của đời sống hôn nhân. Sự hy sinh của vợ chồng dành cho nhau là hình ảnh sự hy sinh của Chúa dành cho GH. Tình yêu của vợ chồng dành cho nhau cũng là hình ảnh tình yêu của Chúa dành cho GH. Rõ ràng nhất là khi tác giả xác tín: "Mầu nhiệm (Mysterium, Sacramentum) đó thật vĩ đại. Tôi có ý ám chỉ Chúa Kitô và GH Ngài" (5, 32).
    Giáo huấn này được hình thành dần dần trong những thế kỷ 11 - 13, rồi
    được phán quyết bởi nhiều Công đồng và tái khẳng định qua nhiều thời đại Giáo hoàng khác nhau. Công đồng Lateran II (1139) đã xếp Bí tích Hôn Phối chung với các Bí tích Thánh Thể, Thánh Tẩy và Truyền Chức (D 367). Ðến thời Công nghị Verona (1184), hôn nhân chính thức được gọi là Bí tích (D 406, 424, 465, 702). Rồi trong sắc lệnh "Exultate Deo" (22. 11. 1439), Công đồng Firenze đã gọi Bí tích này là Bí tích thứ bẩy của GH. (DZ 1327; NR 730). Công đồng Trento, trong khóa họp ngày 11. 11. 1563 xác tín thêm rằng: Chính Chúa Giêsu đã thiết lập và hoàn thành Bí tích này (DZ 1799; NR 733). Sau này, trong các thông điệp "Arcanum divinae sapientiae" (10. 02. 1880) của ÐGH Lêo XII và "Casti connubii" (31. 12. 1930) của ÐGH Piô XI, giáo huấn này còn được tái khẳng định thêm một lần nữa (DZ 3142; NR 747; DZ 3700; NR 751). Công đồng Vatincan II đi xa hơn, khi xác quyết: "Trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái, vợ chồng sẽ giúp nhau nên thánh (!) (Lumen Gentium, số 11). Như thế, hôn nhân vừa là một Bí tích vừa là một ơn gọi để nên thánh.
    "Hôn nhân là một Bí tích" thường được hiểu theo 2 nghiã sau đây: (1) Khi
    hai người yêu nhau muốn được Thiên Chúa chúc phúc cho họ, thì Bí tích
    hai người ban cho nhau, cũng sẽ đem lại cho họ ân sủng và phúc lành của
    Chúa. (2) Ðối với người Công Giáo, hôn nhân còn là môi trường giúp cho họ cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho họ một cách cụ thể qua tình yêu của người yêu. Nói cách khác, trong tình yêu hôn nhân họ cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho họ một cách cụ thể: Họ dễ dàng xác tín rằng Thiên Chúa yêu thương họ tha thiết trong vòng tay của người yêu. Tình yêu trong hôn nhân như thế chính là hình ảnh tình yêu của Chúa dành cho con người. Công đồng Vatican II cũng xác quyết: "Tình yêu chân chính của hai người được thông phần vào tình yêu của Thiên Chúa" (Gaudium et Spes, số 48, 2).
    Bí tích đó không phải chỉ được cử hành một lần trong Phụng vụ, mà cần phải được cử hành mỗi ngày một cách cụ thể trong đời sống thường ngày bằng cách tận hiến cho Chúa và hy sinh cho nhau. Như thế, Bí tích Hôn Phối là một phần thuộc thực tại cứu độ bao la của Thiên Chúa dành cho loài người qua sự tử nạn và phục sinh của Ðức Kitô, Con yêu dấu của Ngài.
    Nên biết, hôn phối chỉ có giá trị là Bí tích đối với hai người đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy (Rửa Tội) theo nghi thức Kitô giáo (mà không nhất thiết phải là nghi thức Công giáo) trước khi lãnh nhận Bí tích Hôn phối. Nếu
    một trong hai người, cho tới khi lãnh nhận Bí tích Hôn Phối vẫn chưa lãnh
    nhận Bí tích Thánh Tẩy, hôn phối họ lãnh nhận chỉ là hôn phối tự nhiên
    (Naturehe) - (xx. LThK VIII, cột 1206). Vì trong Bí tích Hôn Phối, khi đã
    thành phép thì cũng thành phép cho cả hai người, mà không có chuyện một người thành phép, một người không. Cũng thế, khi đã có giá trị Bí tích thì cũng có giá trị cho cả hai người. Không có chuyện chỉ giá trị với người này mà không có giá trị với người kia. Bí tích Thánh Tẩy chính là điều kiện căn bản để lãnh nhận các Bí tích khác được thành phép.
    Tuy nhiên, nếu sau này người thứ hai xin lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, thì Hôn Phối mà hai người đã lãnh nhận trước sẽ đương nhiên trở thành Hôn Phối có Bí tích. Ðiều này cũng có giá trị đối với các hôn phối tự nhiên khác, khi hai người đều lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy sau khi cưới.
    Ðối với GH Công Giáo và Chính Thống, hôn nhân là một Bí tích. Trái lại,
    đối với GH Anh giáo và GH Tin Lành, hôn nhân không phải là một Bí tích. Martin Luther coi hôn nhân chỉ là "việc đời" mà thôi (nguyên văn: ein
    aeusserlich-weltlich Ding). Các nhà cải cách khác như Melanchthon, Zwingli, Calvin, Brenz, Bucer, Bugenhagen cũng cùng một lập trường với Luther.
    6. Nghi thức kết hôn trong Giáo Hội
    Những nghi thức kết hôn trong GH từ trước tới nay thực ra đều là những hình thức đã có sẵn trong dân luật, trong các nền văn hóa cổ xưa và trong các tôn giáo khác nhau. Hình thức nào thích hợp đều được GH "rửa tội" lại và biến thành nghi thức Phụng vụ của mình. Ðó là một tiến trình lâu dài. Mãi tới thời Trung cổ, GH mới có những nghi thức nhất định và công khai trong việc này.
    Hình thức chính thức để cử hành Hôn phối (Forma celebrationis matrimonii: Formpflicht) cách thành phép và hợp pháp trong GH Công giáo là hai người phải kết hôn trước mặt Giám mục hoặc Cha sở địa phương, hoặc một Linh mục, một Phó tế nào đó đã được ủy nhiệm (hoặc một giáo dân được ủy nhiệm trong trường hợp thiếu những vị nói trên, xin xem: CIC 1112) cùng với hai nhân chứng.
    GH công khai hóa Bí tích Hôn Phối như trên, vì những lý do sau đây:
    a) Bí tích Hôn Phối là một nghi thức Phụng vụ của GH.
    b) Sau khi lãnh nhận Bí tích Hôn Phối, hai người đều có bổn phận và quyền lợi đối với nhau, cũng như đối với con cái sẽ sinh ra.
    c) Sau khi thành hôn, quyền lợi và bổn phận đó cần được bảo đảm lâu dài, nên cần có thêm sự hiện diện của hai nhân chứng.
    d) Khi đã chấp nhận công khai hóa như thế, hai người sẽ dễ dàng trung
    thành với nhau hơn.
    Ðó là nghi thức công khai và chính thức được áp dụng trong các trường hợp chung. Trong những trường hợp riêng (CIC 1116; 1127, 2-3), dĩ nhiên GH có thể chuẩn chước hình thức kết hôn này. Ngoài ra, Công đồng Vatican II còn cho phép GH địa phương được nghiên cứu và thí nghiệm những nghi thức đặc thù, hợp với tinh thần, phong tục, văn hóa địa phương. Ðiều cần duy trì trong các nghi thức địa phương này là Linh mục phải chủ tọa lễ nghi Hôn Phối đó (De Sacra Liturgia, số 77).
    Vì mọi Bí tích đều liên quan trực tiếp tới Bí tích Thánh Thể, nên Bí tích
    Hôn Phối cũng thường được cử hành chung với Bí tích Thánh Thể trong khuôn khổ của một Thánh Lễ. GH ấn định phải cử hành Bí tích này sau bài Phúc Âm, bài giảng và trước phần Lời nguyện giáo dân trong Thánh Lễ (Sacrosanctum Concilium, số 61 và 78). Hiến chế này cũng tiên liệu những trường hợp có thể cử hành Bí tích Hôn Phối ngoài Thánh Lễ, dưới hình thức một buổi Phụng vụ Lời Chúa, nhất là trong những trường hợp hôn phối (tạm dịch là) dị tín (mariage mixte, konfessionsverschiedene Ehe) hoặc dị giáo (disparité de culte, religionsverschiedene Ehe). Hôn nhân được gọi là dị tín, khi một người Công giáo lấy một người đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy trong GH của họ, nhưng không phải là Công giáo, thí dụ: một người Tin lành, một người Chính thống (orthodoxe)... Hôn nhân được gọi là dị giáo, khi một người Công giáo lấy một người chưa lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, thí dụ: một người Do thái giáo, một người Hồi giáo, một người Ấn độ giáo, một người Phật giáo... Trong trường hợp dị tín, nếu muốn cử hành Bí tích Hôn Phối trong khuôn khổ một Thánh lễ, cần có phép của Giám mục (xx. Ordo celebrandi matrimonium). Trong trường hợp dị giáo, thường không được phép cử hành Hôn phối trong một Thánh lễ, tuy nhiên còn tùy luật riêng của từng Giáo phận địa phương.
    Khi thấy cần cử hành Hôn Phối ngoài khuôn khổ của một Thánh Lễ, xin đừng coi đó là "Hôn Phối hạng hai" hoặc chỉ là "Phép giao" như nhiều người lầm tưởng. Trước khi cử hành Hôn Phối, hai người và họ hàng nên bàn hỏi với Linh mục hữu trách, để cùng quyết định chọn một hình thức sao cho hợp tình hợp lý với cả hai bên, nhất là trong trường hợp hôn phối với người khác đạo. Bí tích Hôn Phối là một nghi thức Phụng vụ, đòi hỏi sự xác tín và chân thành bề trong, không phải là một hình thức "phong tục" cần có, để làm tăng thêm vẻ long trọng bề ngoài hoặc chỉ cần "dàn cảnh" sao cho đẹp, nhằm ghi lại những lưu ảnh của một ngày vui.

    Chữ ký của AugustineTuanBao
    Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. (Gioan 14,6)

  2. Có 2 người cám ơn AugustineTuanBao vì bài này:


  3. #2
    AugustineTuanBao's Avatar

    Tuổi: 26
    Tham gia ngày: Aug 2009
    Tên Thánh: Augustine
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Bất cứ nơi đâu...
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 2,015
    Cám ơn
    3,086
    Được cám ơn 10,436 lần trong 1,881 bài viết

    Default

    7. Thừa tác viên của Bí tích Hôn Phối
    Trong Cựu ước, người cha trong gia đình thường đứng ra để chúc hôn cho hai con trong ngày họ thành hôn (Tb 7, 12t). Còn trong Bí tích Hôn Phối, ai là người đứng ra để ban Bí tích cho họ? - Thưa, là chính đương sự, là chính hai người đó! Họ là người chính thức có quyền ban Bí tích đó cho nhau, mà không phải là một vị đại diện GH như Giám mục, Linh mục hay Phó tế. Nói cách khác, họ là Thừa tác viên của Bí tích mà họ sẽ cùng nhau lãnh nhận trước mặt Chúa và trước mặt GH (GLCG, 1623). Ðó là điểm đặc biệt của Bí tích Hôn Phối, khác hẳn với các Bí tích khác. Ðó cũng là điểm khác biệt giữa GH Tây Phương và GH Ðông Phương. Ðối với GH Ðông Phương, Giám Mục và Linh mục mới là Thừa tác viên chính thức của Bí tích này.
    Ðối với GH Công giáo, vị đại diện không phải là Thừa tác viên của Bí tích này nhưng chỉ đại diện cho 3 "pháp nhân" cùng một lúc: đại diện Chúa để chúc lành cho hôn ước; đại diện GH để chúc mừng đôi tân hôn; đại diện xã hội để làm chứng nhân cho hôn ước đã được ký kết giữa hai người. Ngoài ra, sự hiện diện của vị này cùng với hai nhân chứng còn nhằm diễn tả 3 ý nghiã sau đây: (1) Hôn nhân không phải là chuyện riêng tư của hai họ, nhưng là nghi thức Phụng vụ chung của GH; (2) Hôn nhân không phải là chuyện riêng tư của hai người, nhưng là dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa dành cho họ; (3) Nói lên sự lưu tâm của GH đối với hạnh phúc của hai người. Tóm lại, GH muốn đóng vai trò chứng nhân, để công nhận hôn ước, bảo vệ hạnh phúc và nâng đỡ hai người trên đường đời.
    8. Ân sủng của Bí tích Hôn Phối
    Ðời sống hôn nhân có thể coi là ơn thiên triệu, vì trong hôn nhân hai người đều được Chúa kêu gọi cộng tác trực tiếp vào chương trình sáng tạo và cứu độ nhân loại. Vì thế, trong Bí tích dẫn vào đời sống hôn nhân, Chúa làø nguồn gốc mọi ân sủng, sẽ thông ban cho hai người những ơn cần thiết để
    họ chu toàn sứ mệnh Ngài trao phó. Ngoài những ơn thánh hóa, giúp họ sống xứng đáng là con cái Chúa trong đời sống hôn nhân và trợ giúp họ "san sẻ gánh nặng cho nhau" (Gl 6, 2), nghiã là giúp họ chia sẻ vui buồn, hạnh phúc cũng như đau khổ, thành công cũng như thất bại, hy vọng cũng như thất vọng, an vui cũng như lo lắng... trong đời sống chung, Chúa còn ban cho họ một ơn cao trọng khác: Ðó là ơn được tham dự cách đặc biệt vào sự hiệp thông giữa Chúa Kitô và GH Ngài (Ep 5, 21-33). Trong sự hiệp thông này, tình yêu của họ không còn là tình yêu giữa hai người, mà là tình yêu giữa ba người: Chúa hiện diện giữa họ. Tình yêu của họ không phải chỉ là tình tự nhiên mà còn là tình siêu nhiên: Yêu nhau như Chúa Kitô đã yêu GH (Ep 5, 25). Nghiã là qua Bí tích Hôn Phối, Chúa đã thánh hóa tình yêu của hai người dưới ba khiá cạnh sau đây:
    (1) Tình yêu và lòng trung thành của họ là hình ảnh tình yêu và lòng trung thành của Chúa đối với dân Ngài. Tình yêu của họ được hiệp thông với tình yêu Thiên Chúa.
    (2) Tình yêu đó giúp họ nên thánh trong đời sống hôn nhân và chu toàn sứ
    mệnh dưỡng dục con cái.
    (3) Tình yêu đó là hình ảnh của tiệc cưới Chiên Con, là hình ảnh hạnh phúc,
    là hình ảnh an vui, là hình ảnh của tất cả các thực tại hoàn hảo nơi tình yêu
    Thiên Chúa.
    Như thế, chắc chắn hạnh phúc của họ sẽ được bảo đảm, tương lai con cháu họ sẽ được bảo đảm, không do một hãng bảo hiểm nhưng là do chính Thiên Chúa. Vì lúc nào Chúa cũng bên họ: "Thầy sẽ ở lại với các con, mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28, 20).
    9. Những điều kiện để lãnh nhận Bí tích Hôn Phối
    Ðể lãnh nhận Bí tích Hôn Phối cách thành phép (gueltig: valide), hai người
    cần hội đủ ba điều kiện căn bản sau đây:
    (1) Cả hai đều có khả năng về thể lý và tâm lý, để sống đời hôn nhân.
    (2) Họ phải công khai hóa sự ưng thuận lấy nhau làm vợ làm chồng (causa efficiens).
    (3) Họ đã cử hành Bí tích Hôn Phối theo nghi thức của GH.
    Nếu thiếu một trong ba điều kiện trên đây, Bí tích Hôn Phối dù đã lãnh nhận vẫn bị GH coi là bất thành phép (ungueltig: invalide). Trong ba
    điều kiện nêu trên, điều kiện thứ nhất khá phức tạp, xin mạn phép giải thích thêm như sau:
    a) Hai người đó phải gồm 1 người nam và 1 người nữ. Cả hai đều là người Công giáo. Ðó là trường hợp bình thường. Trường hợp ngoại thường, cần xin phép (Erlaubnis: permission) nếu là hôn nhân dị tín hoặc xin chuẩn (Dispens: dispense) nếu là hôn nhân dị giáo (xx. thêm số 11: Hôn nhân khác đạo).
    b) Hai người phải hoàn toàn tự do: Tự do được hiểu theo hai nghiã sau đây:
    (1) Không bị ép buộc bởi bất cứ ai, hoặc bởi bất cứ điều gì (thí dụ: sợ hãi);
    (2) Không bị cản trở bởi Giáo luật hoặc luật tự nhiên.
    c) Hai người phải có ý hướng kết hôn thật tình: Nghiã là, họ thực lòng muốn lấy nhau làm vợ làm chồng, muốn chung sống với nhau, để hưởng quyền lợi cũng như giúp nhau chu toàn bổn phận trong đời sống hôn nhân. Y¨ hướng đó cần phải được công khai hóa qua lời hôn ước: "Tôi là... nhận em/ anh... làm vợ/ chồng..." Ðây là yếu tố nền tảng để xây dựng hôn nhân và cũng là yếu tố nền tảng để lãnh nhận Bí tích Hôn Phối. Vì thế, nếu thiếu ý hướng này, Bí tích Hôn Phối không thể thành phép được.
    Dựa trên yếu tố nền tảng trên, những trường hợp sau đây có thể coi là thiếu ý hướng kết hôn thật lòng:
    (1) Những người mắc tâm bệnh, không còn sử dụng được lý trí của mình nữa.
    (2) Những người thiếu khả năng suy nghĩ và phán đoán, không còn biết đến quyền lợi cũng như trách nhiệm của hôn nhân.
    (3) Những người bất lực về tâm lý để sống đời hôn nhân. Thí dụ: đồng tình
    luyến ái hoặc cự tuyệt mọi chuyện liên quan tới tính dục...
    (4) Do lầm lẫn: Lấy lầm người (personne) muốn lấy; kể cả khi lầm lẫn về phẩm chất (qualité) của người đó, nếu phẩm chất này được coi là yếu tố quyết định để thành hôn.
    (5) Do gian lận: Chính đương sự hoặc người thứ ba đã gian lận hoặc che giấu sự thật để đạt mục đích kết hôn.
    (6) Ðóng kịch. Thí dụ: Thực tình không muốn thành vợ chồng, nhưng vẫn cưới, để hưởng quyền cư trú, di dân... hợp pháp do hôn thú đem lại; hoặc khi đương sự không chấp nhận hoàn toàn những yếu tính của hôn nhân (bất khả phân ly...)
    (7) Ðặt điều kiện rồi mới kết hôn. Thí dụ: đặt điều kiện chỉ lấy, nếu người
    đó là người dị tình luyến ái (hétérosexuel). Nhưng sau khi cưới, mới biết
    được họ là người đồng tình luyến ái (homosexuel).
    (8) Bị áp lực hoặc do sợ hãi mà kết hôn.
    Ai rơi vào một trong những trường hợp nêu trên, sẽ không thể lãnh nhận Bí tích Hôn Phối thành phép được. Mà dù có lãnh nhận, Bí tích đó vẫn vô hiệu và bất thành phép. Trong trường hợp này, ai đã lãnh nhận Bí tích Hôn Phối với người đó có thể xin tiêu hôn, để lãnh nhận Bí tích Hôn Phối thành
    phép với một người khác.
    10. Những ngăn trở không thể lãnh nhận Bí tích Hôn Phối
    Bí tích Hôn Phối không thể thành phép trong những trường hợp sau đây
    (CIC 1083-1094), nếu trước đó đương sự chưa được chuẩn chước (nhưng không luôn luôn có thể!). Ðó thường là những ngăn trở theo luật Chúa cũng như luật tự nhiên:
    (1) Dưới tuổi tối thiểu: trai 16, gái 14. - Có thể chuẩn, với điều kiện tâm sinh lý đã đủ để kết hôn. Tuy nhiên, Hội đồng Giám Mục địa phương có thể ấn định một mức tuổi cao hơn.
    (2) Thiếu vĩnh viễn khả năng tình dục (impotentia coeundi). - Không thể chuẩn!
    (3) Khi Bí tích Hôn Phối lãnh nhận trước đó vẫn còn hiệu lực. - Không thể
    chuẩn!
    (4) Hai người theo hai tôn giáo khác nhau (disparitas cultus: dị giáo).
    - Toà Giám mục có thể chuẩn.
    (5) Chức thánh (từ Phó tế trở lên, kể cả Phó tế vĩnh viễn, sau khi người vợ qua đời, ông cũng bị ngăn trở tái hôn). - Ðức Thánh Cha có thể chuẩn cho chức Linh mục; Giám mục và Cha sở... có thể chuẩn cho chức Phó tế trong trường hợp nguy tử.
    (6) Ðã khấn trọn đời (vĩnh thệ) trong một dòng tu. - Tòa Thánh có thể chuẩn.
    (7) Bắt cóc hoặc làm áp lực để cưỡng hôn.
    (8) Khi một hoặc cả hai người trực tiếp hay gián tiếp âm mưu thủ tiêu chồng hoặc vợ của mình hoặc của người mình yêu, để rảnh rang kết hôn với họ.
    (9) Họ máu: (a) Theo hàng dọc: Ngăn trở không giới hạn: ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt..., dù là do ngoại hôn. - Không thể chuẩn! (b) Theo hàng ngang: Ngăn trở trong vòng 4 đời theo giáo luật mới (1983). Nên biết: 4 đời theo giáo luật mới chỉ bằng 2 đời (Cousin - Cousine) theo giáo luật cũ (1917). Có sự khác biệt này, vì Giáo luật mới căn cứ theo cách tính của Roma và luật dân sự hiện hành, nghiã là kể cả họ hàng hai bên. Còn Giáo luật cũ lại theo cách tính của luật Nhật nhĩ man (germanisch- rechtlich). Ðó cũng là cách tính thông thường trong gia phả Việt Nam. - Hai đời hàng ngang (anh chị em ruột) không thể chuẩn! Nhưng xa hơn, có thể chuẩn.
    (10) Họ kết bạn: Họ kết bạn chỉ được tính giữa người chồng với người họ máu bên vợ; cũng như giữa người vợ với người họ máu bên chồng. Nếu vợ hoặc chồng của đương sự có họ với người đó bao nhiêu đời, thì đương sự cũng có họ với người ấy bấy nhiêu đời. Tuy nhiên, ngăn trở hôn phối này chỉ được tính theo hàng dọc. Thí dụ, khi bố chồng lấy nàng dâu, bố ghẻ lấy con ghẻ mới bị ngăn trở hôn phối - Có thể xin chuẩn.
    (11) Vì thanh danh: Ngăn trở giữa đương sự với người có họ máu bên vợ hoặc bên chồng, mà đương sự đã cưới không thành phép. Thí dụ: Một ông Công giáo góa vợ, có một con trai. Nếu ông về chung sống với một bà Công giáo ly dị, thì dù cả hai mới cưới nhau theo luật dân sự (dĩ nhiên không có Hôn Phối đạo!), nhưng giữa bà và cậu con trai của ông vẫn mắc ngăn trở hôn phối, nếu họ muốn lấy nhau theo phép đạo. Ngăn trở 1 đời hàng dọc. - Có thể xin chuẩn.
    (12) Họ con nuôi: Bị ngăn trở theo hàng dọc và 2 đời theo hàng ngang. Thí dụ: Khi lấy người mà đương sự đã nhận làm con nuôi (họ hàng dọc) hoặc khi lấy anh chị em do cha mẹ của đương sự đã nhận về làm con nuôi (2 đời hàng ngang). - Có thể xin chuẩn.
    Trong các thứ ngăn trở nêu trên, có thứ ngăn trở thường gặp - nhất là trong hoàn cảnh hiện nay - đó là ngăn trở thứ 4: ngăn trở dị giáo. Vì thế, xin mạn phép nói thêm trong phần dưới đây:
    11. Hôn phối giữa những người không cùng một niềm tin
    Giáo luật phân biệt: Hôn phối dị tín (konfessionsverschiedene Ehe) hay còn gọi là hôn phối hỗn hợp (mixta religio: mariage mixte) và hôn phối dị giáo (disparitas cultus: disparité de culte: religionsverschiedene Ehe). Hôn phối dị tín là hôn phối giữa một người Công giáo và một người không Công giáo, nhưng đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy (entre catholique et baptisé non catholique). Thí dụ: giữa một người Công giáo và một người Tin Lành hay Chính Thống... Còn hôn phối dị giáo là hôn phối giữa một người Công giáo và một người chưa được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy (entre catholique et non-baptisé). Thí dụ: giữa một người Công giáo và một người Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn độ giáo, Phật giáo...
    Giáo luật ngày xưa còn phân biệt: Hôn phối Kitô giáo (matrimonium christianum) và hôn phối bán Kitô giáo (matrimonium semichristianum).
    Như thế, sự phân biệt trên đây lấy Bí tích Thánh Tẩy làm nền tảng. Khi hai
    người đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, hôn phối của họ là hôn phối Kitô giáo, có Bí tích (sakramentale Ehe). Còn khi một trong hai người chưa lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, hôn phối của họ là hôn phối bán Kitô giáo, không có Bí tích (nichtsakramentale Ehe).
    Cần phân biệt rõ ràng, để tránh những những hiểu lầm đáng tiếc trong thực tế.
    Muốn cử hành hôn phối dị giáo, cần có phép chuẩn (Dispens: dispense) của Tòa Giám mục. Nếu không, Giáo luật (CIC 1086) sẽ coi hôn phối đó là bất thành phép (ungueltig: invalide). Ngày xưa, còn bị "rút phép thông công" (exkommuniziert: excommunié). Trong khi đó, muốn cử hành hôn phối dị tín, chỉ cần xin phép (Erlaubnis: permission) Tòa Giám mục. Nếu không, Giáo luật (CIC 1124) chỉ coi đó là hôn phối bất hợp pháp (unerlaubt: illicite) mà thôi. Như thế, hôn nhân dị giáo vẫn còn là một ngăn trở; trong khi đó hôn nhân dị tín không còn là một ngăn trở như trước nữa.
    Khi có đơn xin của Linh mục hữu trách, Tòa Giám mục sẽ chuẩn, để hai người có thể cử hành hôn phối dị giáo với nhau. Phép chuẩn thường đi đôi với điều kiện: Phiá Công giáo hứa sẽ tiếp tục giữ đạo và luôn ý thức trách nhiệm lo cho con cái sau này được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và giáo dục chúng theo đường lối của GH. Dĩ nhiên, phiá không Công giáo cũng cần biết trước về những nghiã vụ của người Công giáo mà họ muốn kết hôn.
    Dù chuẩn chước như thế, nhưng cả hai GH Tin Lành cũng như Công giáo đều khuyên các tín hữu nên khôn ngoan, vì một cuộc hôn nhân như vậy có thể gây nguy hại cho Ðức tin của mình và cho hạnh phúc của gia đình mình, nhất là đối với hôn nhân dị giáo. Dĩ nhiên có những trường hợp đặc biệt, khi cả hai cùng sống đạo sốt sắng, họ trở thành "gạch nối" sống động giữa những người Công giáo và những người không Công giáo. Tuy nhiên, cũng không thiếu những trường hợp cả hai sẽ dần dần "nguội lạnh". Chẳng ai còn tha thiết tới vấn đề tôn giáo và dửng dưng với cả vấn đề giáo dục con cái trong lãnh vực Ðức tin. Ðó là điều nguy hiểm. Khi lớn lên, con cái họ có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm linh, vì khó xác định được căn tính đạo giáo của mình, và vì thế dễ biến thành "vô thần" trong thực hành... Ðứng trước khó khăn thực tế đó, GH có bổn phận khuyên phía Công giáo hãy cố gắng lo cho con cái mình được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và giáo dục chúng theo đường lối GH, để chúng sớm có một "tổ ấm" yên vui về mặt tâm lý cũng như tâm linh (GH Chính Thống cũng khuyên như thế, khi chuẩn chước việc cử hành hôn phối với người ngoài Chính thống). Trường hợp đã cố gắng hết sức mà không thành, người Công giáo vẫn có bổn phận đồng hành với con cái trong đời sống tôn giáo và cầu nguyện cho chúng, bằng chính đời sống và gương mẫu của mình.
    Ngày nay, khi chuẩn bị hôn phối cho những cặp không cùng một tôn giáo, người ta có dịp nghe lại một nhận xét quen thuộc: "Ðạo nào cũng là đạo". Nhận xét đó thường đi liền với kết luận: "Ðạo ai người đó giữ". Kết luận này không nên hiểu theo nghiã tiêu cực là "thả lỏng" cho người kia giữ đạo, mà còn cần được hiểu theo nghiã tích cực là cả hai cùng khuyến khích và nâng đỡ nhau sống đạo của mình nữa. Ngoài ra, để bảo vệ và xây dựng hạnh phúc chung, hai người cần biết thêm về những điểm tương đồng cũng như dị biệt trong niềm tin của nhau, để kính trọng nhau bằng cách tôn trọng niềm tin đó suốt đời.
    Ðứng trước một cuộc hôn nhân như thế, nếu có đặt vấn đề giáo dục con cái trong tương lai, người ta cũng thường nghe: "Cứ để lớn lên, rồi chúng chọn". Ðó là một quyết định đẹp trong lý thuyết, nhưng rất tiếc không đẹp trong thực hành. Lý do dễ hiểu, là nếu con cái sau này lớn lên trong một bầu khí "phi tôn giáo" như thế, chúng sẽ biết gì để mà chọn. Muốn chọn lựa chín chắn, cần phải biết rõ về những cái mình sẽ chọn. "Paris không được kiến thiết trong một ngày", kiến thức cũng không rộng trong vòng một buổi. Ðó là chưa nói tới tâm tình tôn giáo cần phải được nuôi dưỡng lâu dài, hoặc trường hợp ngoài ý muốn của mọi người là chúng sẽ "chọn" cái không chọn gì hết!
    Dĩ nhiên, khi yêu nhau người ta sẵn sàng chấp nhận vượt qua mọi biên giới. Nhưng khi vượt được biên giới, cũng có nghiã là bắt đầu sống tha hương. Trong thực tế, mấy ai tha hương mà hạnh phúc: hạnh phúc đích thực? Hơn nữa, khi yêu "tình sẽ mạnh hơn sự chết". Ðó là tình lý tưởng. Pha một chút lãng mạn. Nhưng khi sống, cần thực tế, hôn nhân mới hạnh phúc. Ðể xây dựng hạnh phúc, cần con tim và cần cả lý trí. "Hai trái tim vàng" thôi chưa đủ, cần hai bộ óc sáng suốt nữa. Chút men lãng mạn sẽ làm cho người ta say, nhưng luồng gió thực tế sẽ làm cho người ta tỉnh. Chỉ tiếc, khi tỉnh mộng trên con đường một chiều cũng là lúc người ta bắt đầu sống thực với ác mộng dài lâu. Trong thực tế, đã có nhiều người sống với ác mộng như thế. Vì theo các nhà nghiên cứu về hôn nhân và gia đình như Bumpass, Sweet, Diekmann, Heaton, Kuenzel và Teachman, các cuộc hôn nhân giữa những người không cùng một niền tin thường dễ đưa đến đổ vỡ hơn là những trường hợp bình thường khác.


    Sưu tầm
    Chữ ký của AugustineTuanBao
    Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. (Gioan 14,6)

  4. Có 3 người cám ơn AugustineTuanBao vì bài này:


+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com