lời ngỏ
Nếu tôi không lầm, năm 1985, lần đầu tiên, tôi cầm được tập đánh máy kịch bản mang tên “Cuốn Phúc Âm Thứ Năm”. Tôi háo hức mở ra đọc-bằng-mắt ngay lập tức. Tôi xin lập lại: đọc-bằng-mắt, bởi vì chỉ sau một vài trang, tôi đã bị cuốn hút vào tuyến kịch đến mức đọc-to-lên-bằng-miệng ! Vâng, tôi đã nhập vai lúc nào không biết...
Chiều hôm ấy, được mời giảng Thánh lễ cho giới trẻ tại một giáo xứ khá lớn tại Sài-gòn, tôi quyết định gác lại bài giảng đã soạn nghiêm túc, để thay vào đó là đọc kịch bản “Cuốn Phúc Âm Thứ Năm”.
Dĩ nhiên, trên tòa giảng chỉ có mình tôi độc diễn hơn một chục vai của Phần I. Cử tọa gần 1.000 người gồm đủ mọi giới, kể cả trẻ em, đã phải ngồi nghe suốt gần một giờ đồng hồ. Ấy vậy mà tôi nhận ra mình đã đánh động không ít những tâm hồn lâu nay xem ra ơ hờ với Lời Chúa. Tôi càng xác tín hiệu quả của hình thức hoàn toàn mới lạ này so với truyền thống một bài giảng ( homélie ) trong Thánh Lễ.
Một thời gian dài sau đó, tôi tiếp tục vận dụng phương cách này trong nhiều dịp, nhất là với giới trẻ, suốt từ Nam chí Bắc, ở thành thị lẫn thôn quê, trong một nhóm nhỏ hay trước một cộng đoàn đông đảo. Tôi cũng cải tiến đôi chút bằng cách kéo theo số bạn trẻ lúc bấy giờ như anh Phạm Kim, thầy Hoàng Phúc, thầy Quang Uy, chị Anh Hiền, chị Tố Ngọc, chị Lê Thúy... và cả chính tác giả, anh Trần Duy Nhiên, nếu gặp lúc anh từ Đà-lạt về.
Cho đến một ngày, tại lớp giáo lý trung cấp nhà thờ chính tòa Sài-gòn, một em học viên xin ý kiến tôi chọn diễn một vở kịch nào đó trong lễ bế giảng sắp tới.
Tôi đề nghị một số bạn trong lớp cùng đến với tác giả lúc bấy giờ đã về Sài-gòn, để tập vở kịch độc đáo này. Thế là một nhóm trẻ mang tên Ráp-bô-ni chào đời từ đấy để rồi gắn liền sinh hoạt của mình với “Cuốn Phúc Âm Thứ Năm”, không chỉ Phần I mà cả Phần II: Ra điTrở về, Đón nhậnRao giảng... Tôi chia sẻ cảm nhận mình với các bạn ấy là: với “Cuốn Phúc Âm Thứ Năm” không chỉ nên đọc-bằng-mắt, đọc-bằng-miệng, mà còn phải đọc-bằng-cả-tâm-hồn. Khi ấy, kịch bản sẽ không còn là kịch bản, sân khấu sẽ chính là cuộc đời, diễn viên hóa thân thành nhân vật Tân Ước để hòa nhập với khán giả và nội dung thì không gì khác hơn Lời Chúa cho hôm nay và của hôm nay.
Thật vậy, “Cuốn Phúc-Âm Thứ Năm” không hề nằm trong quy điển Thánh Kinh, lại cũng chẳng là một ngụy thư nào đó, mà là chính mỗi người chúng ta, bởi “Thiên Chúa đã dùng Thánh Linh viết trên tim của những người tín hữu chân thành, và Ngài đã không chỉ viết một cuốn mà thôi, nhưng hàng chục triệu cuốn...” ( Trích đoạn cuối Phần I )
Lời cuối cùng tôi muốn ngỏ là “Tạ ơn Chúa”, bởi một cách nào đó, Ngài đã tặng cho chúng ta một món quà dễ thương qua ngòi bút của anh Trần Duy Nhiên, người bạn gần gũi của tôi và chắc là của các bạn nữa, vì các bạn cũng là những cuốn Phúc-Âm sống động của ngày hôm nay.
Bây giờ thì xin mời các bạn hãy cùng tôi nhập cuộc.
Nhân kỷ niệm tháng 8 năm 1995
Nhóm Ráp-bô-ni được 3 tuổi.
YUSE TIẾN LỘC, DCCT