Thánh Phaolô: Con sư tử vĩ đại của Chúa

Nói về Thánh Phaolô, Thánh Augustine có một hình ảnh thật hùng: “Ngài quả là con sư tử, con sư tử đỏ, con sư tử vĩ đại của Chúa”. (Janet) Taylor Caldwell đã mượn hình ảnh ấy làm tựa đề cho một trong những tác phẩm hư cấu nổi tiếng của bà về vị Tông Đồ Vĩ Đại này.

Taylor Caldwell sinh tại Manchester, Anh Quốc, năm 1900 và cùng gia đình di cư qua Mỹ năm 1907. Năm lên tám, Janet đã bắt đầu viết truyện và, năm 12 tuổi, viết cuốn tiểu thuyết đầu tay The Romance of Atlantis (mãi năm 1975 mới cho xuất bản). Sau năm 1931, là năm bà tốt nghiệp Đại Học Buffalo, bà cùng người chồng thứ hai viết nhiều tiểu thuyết thuộc loại bán chạy nhất, trong đó có cuốn Dynasty of Death (1934). Kể từ đó cho đến ngày bà qua đời tại Greenwich, Connecticut ngày 30 tháng Tám năm 1985, bà viết và xuất bản trên dưới 50 tác phẩm, với tổng số hơn 30 triệu cuốn được bán trên thị trường. Phần lớn các tác phẩm này dựa vào lịch sử và nói tới những nhân vật nổi tiếng như Cicero (A Pillar of Iron, 1965), Genghis Khan (The Earth is the Lord’s, 1940), Thánh Luca (Dear and Glorious Physician, 1958), Aspasia, người tình của Pericles (Glory and the Lightning, 1974), Judas Iscariot (I, Judas, 1977) và Thánh Phaolô (The Great Lion of God, 1970. Nhà Fontana Books xuất bản năm 1973).

Ở lời nói đầu cuốn cuối cùng vừa nhắc ở trên, Caldwell mô tả Thánh Phaolô như vị Tông Đồ say mê nhất, thông minh nhất, lịch thiệp nhất và nhiệt thành nhất trong các Tông Đồ thời sơ khai Kitô Giáo. Và bà dành cho Ngài một tước hiệu thật dài: Phaolô thành Tarsus, nhà Biệt Phái trí thức, nhà luật sĩ và thần học, và, sau cùng, vị Tông Đồ Dân Ngoại. Bà cho hay không nhân vật nào đã khiến bà dành nhiều năm tháng để nghiên cứu cho bằng vị Tông Đồ này, trước khi bà có thể ngồi xuống để “hư cấu” về Ngài.

Điều ấy cũng đáng vì vị thánh này gây nhiều ảnh hưởng đối với thế giới Tây Phương và thế giới Kitô Giáo hơn chúng ta tưởng. Bởi lẽ Kitô Giáo có tính Do Thái (Judeo-Christianity), tôn giáo mà ngài cần cù siêng năng truyền bá khắp thế giới, quả là nền tảng vững như đá của luật học, luân lý học và triết học tân thời tại Phương Tây và là một tôn giáo, nhờ sức mạnh tâm linh và tâm trí, kỹ nghệ và công lý, trong suốt hai ngàn năm qua đã thực sự tạo ra một xã hội mới và thăng tiến chính nghĩa tự do. Chính Mô-sen từng lớn tiếng hô hào: “Hãy công bố tự do trên khắp lãnh thổ”. Đấy là lần đầu trong lịch sử nhân loại, một hô hào như thế đã được gióng lên và Thánh Phao lô đã nhắc lại lời hô hào ấy cách mới mẻ và mạnh mẽ. Tự do quả là một lý tưởng sâu sắc nhất của Do Thái Giáo và Kitô Giáo, tự do trong tâm trí, trong linh hồn và trong thân xác, một quan niệm hết sức mới đối với con người. Không lạ gì kẻ thù của tự do luôn tấn công tôn giáo trước hết, bởi tôn giáo đã giải phóng nhân loại.

Đối với Caldwell, con người thực sự không thay đổi, và các vấn đề trong thế giới của Thánh Phaolô vẫn là các vấn đề ngày nay ta đang phải đương đầu. Việc ấy vừa làm ta vui vừa làm ta buồn. Vui vì dù sao con người cũng có phương cách dũng mãnh sống thoát các chính phủ, các nhà độc tài của họ và vượt qua tất cả các chướng ngại vật ấy. Nhưng buồn, vì không bao giờ họ học được kinh nghiệm của chính mình. Như Aristotle từng nói trước Chúa Giêsu khá lâu: một dân tộc không biết học hỏi từ lịch sử thường sẽ lặp lại lịch sử ấy. Hiển nhiên ngày nay, chúng ta đang lặp lại nó.

Vua Salômôn từng nói: “Không có gì mới lạ dưới ánh mặt trời”. Thời Thánh Phaolô, Đế Quốc La Mã đang suy thoái, giống như ngày nay, Nước Mỹ đang suy thoái vậy, và suy thoái do cùng một lý do: buông thả trong xã hội, vô luân, Quốc Gia Bố Thí (Welfare State), chiến tranh bất tận, thuế má cắt cổ, coi thường khinh bỉ các nhân đức và nguyên tắc cũng như đạo đức học nhân bản đã được thiết dựng, mưu cầu thịnh vượng duy vật, từ bỏ tôn giáo, các chính khách dễ mua chuộc, sẵn sàng nịnh bợ đám đông để kiếm phiếu, lạm phát, suy thoái hệ thống tiền tệ, hối lộ, sẵn sàng phạm tội, bạo loạn, chủ nghĩa kích động, biểu tình ngoài phố, thả tội phạm vào công chúng nhằm gây hỗn loạn và khủng bố, dẫn tới thứ độc tài ‘nhân danh tình trạng khẩn trương’, đánh mất sự cường tráng nam tính và đàn bà hóa toàn dân, gương mù trong đời sống công, biển thủ công qũy, nợ nần, thái độ ‘bất cứ điều gì cũng phải qua đi’, khoan nhượng bất công và áp bức, nạn bàn giấy và các nhân viên bàn giấy ban hành các ‘quy định’ đầy tội ác hầu như hàng tuần, trung ương tập quyền, công khai khinh miệt sự thiện và người thiện và trên hết, cái thứ triết lý “Chúa đã chết” và con người thành chúa tể rồi.

Caldwell cho rằng tất cả những điều trên, Thánh Phaolô đều đã giáp mặt trong thế giới của ngài, cái thế giới người ta rất trân qúy chữ “hiện đại”. Người ta vẫn lầm tưởng cho rằng Giáo Hội sơ khai là một Giáo hội thuần nhất, đầy yêu thương, sốt sắng, tận tụy và không tranh chấp hay tranh cãi, hiệp nhất và nhiệt thành. Hình như không đúng như thế! Chúa Kitô phục sinh chưa quá hai năm, thì tranh cãi, phản đối và bất đồng đã gần như đẩy Giáo Hội vào lãng quên. Như chính Thánh Phaolô từng nói: “Không một giám mục hay thầy sáu vô danh nào trong một thị trấn gió bụi lại không có lối giải thích riêng”. Khổ một nỗi, những người vô danh ấy lại có cả hàng trăm hàng ngàn người theo. Những người theo này sẵn sàng bất đồng và đấu tranh với các Kitô hữu khác, trong một đắng cay cao độ. Giữa hai Thánh Phêrô và Phaolô, nỗi đắng cay kia không hẳn là không gay gắt trong nhiều năm. Việc các ngài nhờ đâu mà hòa giải được quả là điều kỳ diệu, nhưng thực sự các ngài có lúc không thương yêu gì nhau! Nói cho cùng, các ngài vẫn là những con người yếu đuối, chúng ta dễ dàng hiểu các ngài. Và vì nhân loại tự nhận ra mình đáng yêu thế nào, ta cũng nhận thấy hai con người tranh chấp nhau dữ dội và quyết tâm này đáng yêu như vậy.

Theo Caldwell, cũng còn một lầm tưởng khác nữa, cho rằng mọi Kitô hữu đều là ‘những vị tử đạo thánh thiện’ giữa một thế giới hư đốn, những con người trong trắng và chịu đựng nhiều đau khổ như bầy chiên. Hình như không hẳn như thế! Đôi khi họ tỏ ra hết nhịn được, hết khoan dung được cái thế giới bao quanh, và cố tình khiêu khích ‘dân ngoại’, tự làm cho mình đáng ghét một cách tổng quát. Họ không bị bách hại ‘vì đức tin’ như người ta tưởng xưa nay, vì thế giới La Mã vốn rất khoan dung đối với mọi tôn giáo và không hề thiên vị một tôn giáo nào. Trái lại, các Kitô hữu tiên khởi đã, một cách nguy hiểm, làm cho các nhà cai trị ở Rome và ở Israel chú ý tới mình qua các chống đối to tiếng và công khai của họ, hầu như đối với mọi chuyện, kể cả các đền thờ ‘ngoại giáo’. Họ từng bị kết án về tội đã xâm nhập các ngôi đền kia đang lúc người ta cử hành nghi lễ, la ó, và lật nhào các tượng ảnh tại đó, còn tố cáo các nhà cai trị và xã hội nói chung.

Đàng khác, Đức Tin được thăng tiến chắc chắn không do những nhà tranh đấu luôn mong chờ Chúa Chúng Ta trở lại nay mai để đặt họ lên tòa vinh quang, làm vua thống trị thế giới, nhưng là nhờ những người thầm lặng, thành tâm, thông minh và chuộng hòa bình, luôn làm việc trong yên tĩnh và cầu nguyện. Những Kitô hữu ưa tranh đấu kia, những người hầu như muốn phá nát Giáo Hội non yếu lúc ban đầu bằng bất đồng, phản kháng và khiêu khích kia, đã quyên khuấy lời Chúa Giêsu dạy: “Nước Ta không thuộc thế gian này” và “Hãy trả cho Xêda những gì thuộc về Xêda, và hãy trả cho Chúa những gì thuộc về Chúa”. Đáng tiếc thay, giống hàng triệu người trong chúng ta hiện sống ngày nay, những người trên tin rằng việc thiết lập ra Nước Thiên Chúa sẽ mang đến sự giầu có vật chất và quyền hành cho họ. Điều đáng để ý là người đấu tranh họa hiếm lắm mới là người tâm linh, họ chỉ quan tâm cách vị kỉ đến những điều đem lại ưu thế ở trên đời và ‘hình phạt’ cho kẻ đối nghịch.

Caldwell cho rằng có một ý niệm đáng vui sau đây: Giáo Hội đã sống thoát cả kẻ ngoại thù, vốn ít quan trọng nhất, và kẻ nội thù, vốn nguy hại và mạnh mẽ nhất của mình. Bởi thế, Giáo hội ngày nay đang bị xâu xé bởi những ‘nhà canh tân’ mạnh miệng cũng như những nhà bất đồng và ‘tân đại’ khiến các tín hữu chân chính lo lắng và đôi khi chán nản thế nào, thì ngày xưa cũng thế, Giáo Hội đã bị xâu xé bởi kẻ nội thù hơn là kẻ ngoại thù như vậy. Và cũng như Giáo Hội lúc ấy đã sống thoát thế nào, thì Giáo Hội ngày nay cũng sẽ sống thoát như thế, loại bỏ được hết những kẻ bất đồng, vốn chưa bao giờ ý thức được Đức Tin của mình và trong tâm khảm chưa bao giờ chấp nhận Đức Tin ấy.

Điều buồn dĩ nhiên là ta chưa học được bài học của quá khứ. Theo Caldwell, Do Thái Giáo và Kitô Giáo hiện đang đối diện với một cuộc thử thách lớn nhất trong lịch sử, vì phần lớn nó đã trở thành thế tục và đang rao giảng thứ ‘Phúc Âm Xã Hội’ hơn là Phúc Âm Chúa Kitô. Chúa Kitô này đâu có quan tâm tới cái thế giới hiện đang chiếm hết quan tâm của những kẻ vỗ ngực tự nhận là môn đệ Người. Người từng nhắc đi nhắc lại rằng Người sẽ ‘tạo ra một thế giới mới’. Người, bạn nên nhớ rõ, chứ không phải chúng ta. Người không quá bận tâm với ‘các vấn đề xã hội’ hay bất công. Người luôn rao giảng rằng công lý và xót thương phát xuất từ một trái tim và một tình yêu đổi mới, chứ không từ các luật lệ và quy định của con người.

Bản chất con người không thay đổi nhờ bất cứ yếu tố nào, ngoại trừ nhờ sức mạnh của Chúa và tôn giáo. Mọi ‘giáo dục’ trong các định chế nhân bản và trong mọi huấn đạo thế tục đều không khi nào thành công trong việc văn minh hóa con người. Như Chúa Kitô từng nói: “Có ai, đã nhờ suy nghĩ, mà thêm được một tấc nào vào tầm cỡ của mình chưa?”. Dĩ nhiên là chưa.

Chính vì thế, trong cuốn “The Great Lion of God”, Caldwell không mô tả chi tiết điều Thánh Phaolô làm và đạt được trong đời và trong các hành trình truyền giáo của ngài. Bà quan tâm đến việc ngài là ai, một con người như chúng ta với đủ cả thất tình hỉ nộ ai cụ ái ố dục, chán chường, hoài nghi, xao xuyến, giận dữ và bất khoan dung, cả ‘ham mê xác thịt’ nữa. Nhiều sách chỉ quan tâm đến Vị Tông Đồ, Caldwell quan tâm đến con người, hữu thể nhân bản, cũng như vị thánh chưa bao giờ biết nản lòng. Bà cũng quan tâm đến các ảnh hưởng đối với thời thơ ấu và trai tráng trong tư cách công dân La Mã, luật gia La Mã cũng như người Do Thái ngoan đạo theo phe Biệt Phái, học rộng, hiểu biết cao và đức tin bền vững của ngài. Đó là lý do tại sao, bà kết thúc câu truyện ở lúc từ giã quê hương Israel lần chót của ngài. Mọi người trong chúng ta hẳn biết: sau đó, ngài còn thực hiện nhiều hành trình khác và sau cùng tử đạo tại Rome, nhưng theo Caldwell, dùng việc ngài lần cuối nhìn thấy quê hương để kết thúc cuốn truyện làm cho cuốn truyện cảm kích hơn. Cái chết không làm con người cảm kích bằng được nhìn mảnh đất chôn nhau cắt rốn lần chót, cái mảnh đất mãi mãi để lại đàng sau, và người dân của nó.

Bà hy vọng rằng dù chỉ có mười người, nhờ đọc truyện này, mà chịu theo lời khuyên của Chúa Chúng Ta để ‘học hỏi Sách Thánh’, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, thì bà đã mãn nguyện lắm rồi.


Vũ Văn An (VietCatholic)