Một số nhận định của Đức Hồng y Walter Kasper, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Hiệp nhất các Tín hữu Kitô, về cuộc đối thoại với Anh giáo

Trong các ngày từ 16 tháng 7 đến 3-8-2008, Hội nghị Lambeth của Anh giáo đã tiến hành tại Luân Đôn với sự tham dự của 650 Giám mục Anh giáo toàn thế giới. Các Giám mục Anh giáo đã mời 75 vị lãnh đạo các tôn giáo khác đến giúp ý kiến, trong đó có Đức Hồng y Walter Kasper, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Hiệp nhất các Tín hữu Kitô.

Phát biểu trước Hội nghị ngày 30-7-2008, Đức Hồng y Kasper đã trình bày lập trường của Giáo hội Công giáo liên quan tới việc truyền chức Giám mục cho phụ nữ và những người đồng tính luyến ái.

Đức Hồng y Kasper nói Giáo Hội xác tín rằng giáo huấn của mình có nền tảng sâu xa trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước cũng như trong Truyền Thống của Kitô giáo, theo đó những hoạt động đồng tính luyến ái là tội lỗi. Mặt khác, các vị Giáo hoàng cũng đã nói rõ với các vị lãnh đạo Anh giáo rằng Giáo hội Công giáo xác tín rằng vì Chúa Giêsu đã chỉ chọn các người nam làm tông đồ của Ngài, nên Giáo Hội không có quyền truyền chức linh mục cho phụ nữ. Giáo hội Công giáo phải tuân theo ý muốn của Chúa Giêsu và không cảm thấy được tự do thiết lập một truyền thống mới xa lạ với Truyền Thống của Giáo Hội qua mọi thời đại. Đức Hồng y Kasper kêu gọi các Giám mục Anh giáo ý thức rằng những quyết định của họ về những vấn đề vừa nói có ảnh hưởng tới quan hệ giữa Công giáo và Anh giáo.

Tuy cuộc đối thoại giữa 2 bên đã đưa tới sự đồng thuận quan trọng về thừa tác vụ, nhưng việc truyền chức giám mục cho phụ nữ trong thực tế đã ngăn chặn viễn tượng Giáo hội Công giáo có thể nhìn nhận các thánh chức trong Giáo hội Anh giáo. Dường như sự hiệp thông hữu hình trọn vẹn, vốn là mục đích cuộc đối thoại giữa Công giáo và Anh giáo, ngày càng xa vời hơn.

Từ nhiều năm nay, vấn đề truyền chức linh mục cho nữ giới, rồi việc tấn phong giám mục cho các mục sư đồng tính luyến ái và giờ đây tấn phong giám mục cho phụ nữ, cũng như làm đám cưới cho các cặp đồng tính đã khiến cho Anh giáo rơi vào tình trạng khủng hoảng, rạn nứt và chia rẽ trầm trọng không có lối thoát. Một trong các lý do là vì Anh giáo không có quyền bính trung ương và luật lệ chung giúp giải quyết các bất đồng trong lòng Giáo Hội.

Trong hội nghị chuẩn bị cho Hội nghị Lambeth nhóm tại York trong các ngày từ 4 đến 8-7-2008, 467 giám mục, mục sư và giáo dân của Giáo hội Anh giáo tại Anh quốc đã bỏ phiếu chấp nhận quyết định tấn phong giám mục cho nữ giới và nam giới đồng tính luyến ái.

Ngày 8-7-2008, Hội đồng Toà Thánh Hiệp nhất các Tín hữu Kitô đã công bố thông cáo khẳng định rằng quyết định này là một "xé rách truyền thống tông đồ đã được tất cả mọi Giáo Hội của ngàn năm đầu tiên duy trì, và vì thế sẽ là một chướng ngại đối với việc hoà giải giữa Công giáo và Anh giáo”.

Thông cáo cho biết lập trường của Giáo hội Công giáo về vấn đề này đã được Đức Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trình bày rõ ràng. Và như Đức Hồng y Walter Kasper đã giải thích rõ ràng khi được Đức Tổng Giám mục Canterbury mời nói chuyện với tất cả các Giám mục Anh giáo ngày 5-6-2006, quyết định này sẽ có các hậu quả đối với cuộc đối thoại, cho tới nay đã đem lại nhiều kết quả tốt.

Trong Hội nghị Lambeth vừa qua, uỷ ban gọi là "Windsor Continuation Group", đặc trách nghiên cứu một giải pháp "kỹ thuật" cho sự đụng độ nội bộ liên quan tới sự hợp pháp hay không hợp pháp của thói quen đồng tính luyến ái dưới ánh sáng của Kinh Thánh, đã đề nghị cấm không cho các giáo phận của các giáo tỉnh khác, đặc biệt là các giáo tỉnh Phi châu lan rộng sang bên kia Đại Tây Dương, nhằm gia nhập các người hay các giáo xứ muốn tách rời khỏi Giáo hội Episcopal Hoa Kỳ hay Canađa. Ngoài ra, cũng cần phải thành lập một diễn đàn các giám mục, do Đức Tổng Giám mục Cantebury chỉ định, để giải quyết các xung khắc nội bộ của Anh giáo.

Trong khi đó, phong trào gọi là “Gafcon”, quy tụ hơn một phần ba các Giám mục Anh giáo toàn thế giới, mạnh mẽ tố cáo trào lưu tục hoá lệch lạc của Hàng Giám mục Anh giáo Canađa và Hoa Kỳ, và một cách ít hơn của Hàng Giám mục Anh giáo tại Australia và Anh quốc.

Vào năm 1992, đã có hàng trăm mục sư xin theo Công giáo vì Hội nghị Anh giáo quyết định truyền chức linh mục cho phụ nữ. Và ngày 1-7-2008, 1.300 linh mục đã đe doạ ra khỏi Giáo hội Anh giáo, nếu Giáo Hội để cho phụ nữ làm giám mục.

Trong bức thư ngỏ gửi Đức cha Rowan Williams, Tổng Giám mục Cantebury và York, được báo chí Anh đăng tải ngày 1-7-2008, các linh mục Anh giáo nói trên cũng cho biết nếu giáo phận của các vị do một nữ giám mục trông coi, thì các vị xin được chuyển sang một giáo phận khác có giám mục là nam giới.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng y Walter Kasper, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Hiệp nhất các Tín hữu Kitô về cuộc đối thoại với Giáo hội Anh giáo. Đức Hồng Y cũng vừa tham dự Hội nghị Lambeth về.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y đã nhắc tới cuộc gặp gỡ đại kết hồi năm 2000 giữa các tín hữu Công giáo và Anh giáo tại Missisauga, Canađa, và đã đnh nghĩa đó là cuộc gặp gỡ tốt đẹp nhất mà Đức Hồng Y đã tham dự. Nhưng ch 8 năm sau, tương quan đại kết giữa 2 bên một phần lại bị lung lay, tại sao vậy, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Trong cuộc đối thoại đại kết kéo dài từ 40 năm qua giữa các tín hữu Công giáo và Anh giáo chắc chắn đã có tiến bộ và có nhiều hoa trái tốt, mà không ai muốn đánh mất. Nhưng đàng khác, giờ đây chúng tôi đứng trước một tình trạng mới, bắt đầu với việc truyền chức linh mục cho phụ nữ, và hiện nay với việc truyền chức giám mục cho nữ giới. Đúng là Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã quyết định không thừa nhận các chức thừa tác của Anh giáo. Ngay từ đầu đã có vấn đề này, nhưng cũng đã có sự thảo luận nghiêm chỉnh liên quan tới việc tái xét quyết định này. Hiện nay thì mọi sự đều bị bế tắc. Dĩ nhiên là chúng tôi muốn tiếp tục cuộc đối thoại, nhưng nó sẽ có sắc thái khác, vì nếu ban đầu mục tiêu nhắm tới là sự hiệp thông trọn vẹn, thì giờ đây với các giám mục phụ nữ, không thể có sự hiệp thông trọn vẹn nữa.

Thế rồi còn nảy sinh ra một vấn đề khác nữa: đó là trong tương lai ai sẽ là đối tác của chúng tôi trong cuộc đối thoại, ai sẽ là người thực sự thuộc Liên hiệp Anh giáo? Tất cả đều là các vấn đề phải minh giải và đương đầu dưới các điều kiện mới.

Hỏi: Trong tương quan với Giáo hội Công giáo, có thể nói rằng Liên hiệp Anh giáo trở nên giống các anh em Tin lành khác hay không, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Các tín hữu Anh giáo đã đi một bước khiến cho họ giống các cộng đoàn Tin lành hơn, nhưng không được quên đi yếu tố linh hứng Công giáo vẫn tồn tại nơi họ. Trong Hội nghị Lambeth, tôi đã nghe được nhiều tiếng nói theo chiều hướng xích lại gần Giáo hội Công giáo hơn. Đó cũng chính là lý do khiến cho tôi ước mong nơi anh chị em Anh giáo nảy sinh ra một phong trào như phong trào Oxford, với việc tái khám phá ra nền thần học của các giáo phụ. Chúng ta phải giúp họ trong mức độ có thể.

Hỏi: Cả phong trào "Gafcon" là phong trào phản đối "sự thối nát thần học và thối nát luân lý" của Hàng Giám mục Bắc Mỹ, cũng là một thực tại nhằm canh tân Anh giáo từ bên trong, dưới ánh sáng của Kinh Thánh. Nó có thể là một phong trào Oxford mới hay không, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Hiện nay, Gafcon là một thực tại rất mạnh mẽ liên quan tới các vấn đề luân lý, nhưng tôi không chắc nó có mạnh mẽ trên bình diện giáo lý theo quan điểm Công giáo hay không. Cần phải chờ đợi rồi mới có thể biết được. Lý do là vì phong trào Gafcon có sắc thái Tin lành. Cũng phải xem họ hiệp nhất với nhau tới mức độ nào, vì hiện nay, họ hiệp nhất để chống lại một vài khuynh hướng của Tây phương và bên trong nội bộ Anh giáo.

Hỏi: Nhóm "Hiệp thông Anh giáo truyền thống Traditinal Anglican Communion" là một thực thể tách rời khỏi Liên hiệp Anh giáo, và cho rằng họ quy tụ 400.000 tín hữu trên thế giới. Từ nhiều năm nay, nhóm này đã gõ cửa Giáo hội Công giáo để xin gia nhập. Giờ đây, chuyện gì sẽ xảy ra, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vâng, họ có ý muốn hiệp nhất với Giáo hội Công giáo Roma. Nhưng trước hết, cần phải hiểu nhóm "Hiệp thông Anh giáo Truyền thống" này là cái gì đã, vì lãnh tụ của nó là một cựu linh mục Công giáo. Đối với tôi, nhóm này vẫn chưa rõ ràng họ là ai. Vì thế, cần phải chú ý nghiên cứu và xem xét bản chất của nó.

Hỏi: Đức Hồng Y nhận định gì về đ tài đồng tính luyến ái dưi ánh sáng Kinh Thánh đang gây chia rẽ, xâu xé giữa lòng Giáo hội Anh giáo? Đức Hồng Y nghĩ gì về các lời đề nghị của nhóm "Windsor Continuation Group" là uỷ ban do Đức Tổng Giám mục Cantebury Rowan Williams cho thành lập nhằm giúp Anh giáo ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay?

Đáp: Hiện nay, tôi ghi nhận các lập trường khác nhau xem ra không thể dung hoà được. Ngày 31-7 vừa qua, tôi đã tham dự trong một trong các nhóm làm việc gọi là "indaba groups", và tôi thấy trong tức thời không biết phải làm sao để giải quyết vài lập trường trái ngược nhau.

Nhưng việc thảo luận đề nghị đã được đưa ra cho việc truyền chức giám mục cho các mục sư đồng tính luyến ái sẽ tiếp tục sau Hội nghị Lambeth. Điểm quan trọng nhất cần đương đầu, theo tôi, đó là cứu xét xem nền văn hoá phải giải thích Kinh Thánh hay Phúc Âm phải giải thích và biến đổi nền văn hoá.

Liên quan tới các rạn nứt, chia rẽ có thể xảy ra trong tương lai giữa lòng Giáo hội Anh giáo, tôi xin lặp lại là chúng tôi không thích trông thấy một sự chia rẽ mới của Giáo hội Anh giáo. Nếu chúng ta đã dấn thân cho sự hiệp nhất của Giáo Hội, thì cũng phải dấn thân cho sự hiệp nhất của các đối tác khác.:laughs:


Linh Tiến Khải