Love Telling ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN và Quý Khách: BQT-TCVN xin cáo lỗi cùng ACE vì trục trặc kỹ thuật 2 ngày vừa rồi. Trân trọng! Loan Pham nhắn với Gia Đình TCVN: Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý anh chị em một Giáng Sinh ấm áp bên gia đình, người thân và tràn đầy ơn lành từ Chúa Hài Đồng. ThanhCaVN nhắn với TCVN: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 16 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. Edit LM Loan Pham nhắn với TCVN: Kính Chúc Cà Nhà Một Tam Nhật Thánh và Một Mùa Phục Sinh Tràn Đầy Thánh Đức ... Loan Pham nhắn với TCVN: Chúc mừng năm mới đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý anh chị em tron gia đình TCVN thân yêu... Xin Chúa xuân ban nhiều hồng ân đến mọi người. Amen ThanhCaVN nhắn với ÔB & ACE: Kính chúc Năm Mới Quý Mão: Luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN: Kính chúc Giáng Sinh & Năm Mới 2023: An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa. bethichconlua nhắn với Gia Đình ThanhCaVietNam: Chúc mừng sinh nhật thứ 15 website ThanhCaVietNam. Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa. Amen ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 15 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. phale nhắn với cecilialmr: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với thiên thần bóng tối: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với teenvnlabido: Ngày mai (1/6) sinh nhật của bạn teen / chúc mọi điều tốt lành trong tuổi mới. phale nhắn với tất cả: Xin Chúa cho dịch bệnh sớm qua đi và ban bình an cho những người thành tâm cầu xin Ngài. ThanhCaVN nhắn với ACE: Kính chúc ACE: Giáng Sinh & Năm Mới 2021 - An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 6 trên 6

Chủ đề: NGÔN NGỮ CỦA THẬP GIÁ TRONG CÁC THƯ CỦA THÁNH PHAOLÔ

  1. #1
    caoduc's Avatar

    Tham gia ngày: May 2008
    Tên Thánh: GIUSE
    Giới tính: Nam
    Đến từ: HỒ CHÍ MINH
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 691
    Cám ơn
    308
    Được cám ơn 1,462 lần trong 527 bài viết

    Default NGÔN NGỮ CỦA THẬP GIÁ TRONG CÁC THƯ CỦA THÁNH PHAOLÔ

    NGÔN NGỮ CỦA THẬP GIÁ TRONG CÁC THƯ CỦA THÁNH PHAOLÔ


    (LE LANGAGE DE LA CROIX DANS LES ÉCRITS PAULINIENS par Chantal Reynier)

    -----------Chúng ta có thể khám phá khuôn mặt nào của Thiên Chúa và khuôn mặt nào của con người trong "ngôn ngữ của thập giá" mà Phaolô nói tới? Hay nói một cách trực tiếp hơn: đau khổ và sự chết có ý nghĩa gì đối với kitô hữu? Chantal Reynier mời chúng ta đi sâu hơn vào tư tưởng của Phaolô.
    Lm. Gioan Boscô Cao Tấn Phúc

    -----------Có bằng tiến sĩ thần học, Chantal Reynier dạy môn chú giải Tân ước tại Centre Sèvres ở Paris. Bà đã xuất bản: Evangile et mystère. Les enjeux théologiques de l’Epitre aux Ephésiens (Paris, Cerf, 1992) và l’Evangile du Ressuscité. Une lecture de Paul (Paris, Cerf 1995).
    ............

    -----------Kiểu nói "ngôn ngữ của Thập Giá" chỉ xuất hiện trong các thư Phaolô và xem ra đó là cả một cương lĩnh (quasiment programmatique). Nói như thế có phải là cho rằng mọi công bố Tin Mừng đều chỉ qui về mỗi một việc là công bố thập giá hay không? Thập giá mà người ta rất thường biểu dương nhằm khích lệ các kẻ tin, cũng như rất thường loại bỏ do việc nó đề cao sự đau khổ. Trong trường hợp này, các thư Phaolô không đầy dẫy những mâu thuẩn đó hay sao? Thực vậy, Phaolô khẳng định ngài "đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Ðức Giêsu Kitô chịu đóng đinh" (1 Cr 2,2) và đồng thời, ngài công bố là vô ích một đức tin muốn chối bỏ việc Phục Sinh. Trong thư gởi tín hữu Roma, trong khi công bố lòng thương xót dạt dào của Thiên Chúa, Phaolô nói đến Ðấng đã treo Con của Người trên thập giá làm nơi xá tội (x. Rm 3,25).

    -----------Gương mặt nào của Thiên Chúa được trình bày trong câu nói đó? Và gương mặt nào của con người? Có phải là gương mặt của một vị Thiên Chúa, vì muốn xoa dịu cơn giận do tội lỗi loài người gây ra, đã đi tới chỗ bỏ mặc Con mình trên một cây thập giá? Có phải là gương mặt của một vị Thiên Chúa cho rằng mình đã được phục hồi quyền lợi bởi lẽ một người vô tội đã trả nợ thay cho nhân loại tội lỗi? Có phải là gương mặt của một vị Thiên Chúa bắt con người bước vào chỗ của tội nhân được cứu chuộc? Như thế làm Kitô hữu có phải hệ tại tìm kiếm cách vô vọng để được đúng luật với một vị Thiên Chúa chỉ thấy sự khốn cực của con người? Ðó là những hệ luận do kiểu nói "ngôn ngữ của thập giá" của vị Tông đồ đặt ra. Nhưng ngài đã thật sự nói gì về thập giá?

    Thập giá của Ðức Giêsu Kitô, Ðức Chúa vinh hiển

    -----------Muốn hiểu bản chất và vai trò của thập giá như được biểu lộ trong các bản văn, trước hết cần phải thu thập từ ngữ liên quan đến thập giá là một đồ vật gồm một cọc đứng và một đà ngang. Ðó là những tiếng: thập giá, giá treo cổ, và những động từ: đóng đinh vào thập giá, đóng đinh, treo lên. Tuy nhiên những từ này lại vắng bóng trong những thư đầu tiên của Phaolô (1 và 2 Tx), là những bức thư còn rất gần với biến cố đóng đinh thập giá, cũng như vắng bóng trong những thư cuối cùng, những thư mục vụ. Nhất là những từ vựng này vắng bóng trong những công thức công bố Tin Mừng (formules kérigmatiques) quan trọng (1 Tx 4,14; 1 Cr 15,3; Rm 8,34); trong những công thức ấy, sự chết chỉ được được nhắc tới như thực tại song đối với sự phục sinh. Sau cùng, những từ đó không xuất hiện trong lãnh vực khuyến thiện, đang khi chủ đề thập giá sẽ được đề cập nhiều trên bình diện luân lý và tu đức.

    -----------Những qui chiếu về thập giá thực ra không nhiều - tổng cộng 23 lần, nếu người ta căn cứ theo ngữ vựng chính xác -; Phaolô không khác gì lắm với các tác giả tin mừng là những người nhắc tới thập giá với nhiều dè dặt. Một nhận xét như thế có cho phép ta qui kết rằng diễn từ của Phaolô về thập giá, được thu gọn trong một vài qui chiếu, đã được phóng đại do những lần đọc lại khác nhau đã được thực hiện theo dòng thời gian?

    -----------Thập giá nói ở đây chỉ liên quan đến Ðức Giêsu Kitô. Thập giá chỉ đáng quan tâm trong mức độ nó là thập giá của Ðức Chúa vinh hiển. Ngay cả trong trường hợp liên quan đến kitô hữu, thập giá này luôn qui chiếu về thập giá của Ðức Giêsu Kitô. Như thế, các bản văn gợi lên hai phương diện, một phương diện kitô học và một phương diện nhân loại học; hai phương diện này, nếu đúng như vậy, sẽ cho phép loại bỏ một số hàm hồ.

    Một biến cố, chướng kỳ và điên rồ

    -----------Khi Phaolô nói tới thập giá, thì trước tiên và trên hết ngài nhắm tới một biến cố cụ thể mà các sách tin mừng nhất trí ấn định tại một nơi có tên là Golgotha, và vào một thời điểm, áp ngày sabát, ngày chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua, mặc dầu vị Tông Ðồ không bao giờ ám chỉ tới thời điểm ấy hay tới nơi chốn ấy. Ðó là một biến cố lịch sử, nên ta phải quan tâm tới sự đánh giá của các nền văn hoá đồng thời với nó.

    -----------Cây gỗ trên đó Ðức Giêsu bị treo là một vật gia hình tàn ác và ô nhục. Ðối với người Rôma, hình phạt ấy bất xứng ngay cả với công dân đáng khinh bỉ nhất của họ; nó dành cho những tên nô lệ. Người ta có thể hiểu dễ dàng tại sao kẻ bị treo trên thập giá dầu thế nào đi nữa cũng không thể là một vị thần, cũng không thể là một trong những vị thần ẩn tàng thỉnh thoảng ghé thăm trái đất, càng không thể là một vị anh hùng biết cách biến hình đổi dạng. Dám coi kẻ chịu đóng đinh thập giá là một vị thần, đó thật là một sự điên rồ. Ðối với người Do Thái, kẻ bị treo là một người bị Thiên Chúa chúc dữ theo khẳng định của Ðnl 21,22: chướng kỳ này được nhân đôi nếu kẻ bị treo nầy tự xưng là đấng Mêsia muôn dân trông đợi. Ðối với những kẻ này, ngôn ngữ của thập giá là điên rồ, một sự vô nghĩa tuyệt đối, một sự phi lý; đối với những kẻ khác, đó là một chướng kỳ, một cớ vấp phạm (1 Cr 1,23). Như thế, thập giá là cái lật đổ các nền văn hoá ngay chính tại điểm các nền văn hoá ấy đang trông chờ (trông chờ sự khôn ngoan hay trông chờ đấng Mêsia).

    -----------Bởi vì thập giá luôn là thập giá của Ðức Giêsu Kitô, Ðức Chúa vinh hiển, nên thập giá qui chiếu về Phục Sinh. Thập giá với tư cách là thập giá không thay đổi gì cho dòng lịch sử. Ðức Giêsu với tư cách kẻ chịu đóng đinh thập giá ở vào số tất cả những kẻ chịu đóng đinh thập giá mà không ai nhớ đến tên họ. Hãy nghĩ tới hai ngàn người Do Thái bị đóng đinh thập giá dưới triều vua Áckêlaô hay là tới vô số kẻ trộm cướp bị treo trên thập giá thời quan Phêlíc, tổng trấn xứ Giuđê.

    -----------Thập giá chỉ có ý nghĩa dưới ánh sáng của phục sinh. Bởi vì đấng bị đóng đinh thập giá là đấng phục sinh, nên lịch sử thay đổi chiều hướng. Bởi đó, do tính cách đặc biệt của đấng bị đóng đinh vào đó, thập giá hạ bệ tất cả những đường lối khôn ngoan. Không ý thức hệ nào, không nền văn hoá nào có thể giam hãm thập giá và đồng thời, các ý thức hệ và các nền văn hoá có thể hoàn toàn bị thập giá khống chế do quyền năng của sự phục sinh. Bởi vì Thiên Chúa ở đó hành động cho mọi người, lịch sử không những thay đổi chiều hướng, mà nhân loại còn khám phá ra gương mặt của Thiên Chúa mình cũng như gương mặt của chính mình.

  2. Có 2 người cám ơn caoduc vì bài này:


  3. #2
    Rocky's Avatar

    Tham gia ngày: Apr 2008
    Tên Thánh: Phêrô
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Nơi tôi ờ là nhà
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 1,446
    Cám ơn
    630
    Được cám ơn 6,180 lần trong 1,245 bài viết

    Default

    Và cái Ông Giêsu đó.. .vẫn kêu gọi nhiều nhiều con người theo gương ông đi vào con đường thập giá... sống sự điên rồ, hiệp thông với sự điên rồ đó mỗi ngày, từng giây phút.. .với những chọn lựa... bị coi là khờ, là điên dại...

    có những lúc thầm hỏi ông mà lòng pha chút ngậm ngùi trách cứ : Con là chi mà Chúa cứ chọn con, chọn con giao cho con những việc mà nghĩ đến con đã rùng mình, sởn tóc gáy... nhưng Chúa cứ tặng con những món quà, món quà mà ít người muốn nhận... Sao vậy Chúa???"

    Khi con hỏi, Chúa không trả lời... mà lại tiếp tục tặng ban... nhưng món quá như thế, món quà tình yêu... và con phải yêu Chúa thật lòng, và hết mức thì con mới dám nhận... Vậy đó, vậy đó... mỗi ngày, từng giờ... làm cho con... ngày mỗi mạnh mẽ, can cường hơn... Amen.
    Chữ ký của Rocky


    Trong lòng bàn tay Cha, con bình an.... yên nghỉ

    Thắp lên hy vọng ngay cả khi tưởng chừng đụng đến cực điểm của tuyệt vọng




  4. #3
    theresa_hien1807
    Khách viếng
    theresa_hien1807's Avatar

    Default

    Theresa rất thích bài này. CÁm ơn nhiều nha.

  5. #4
    Rocky's Avatar

    Tham gia ngày: Apr 2008
    Tên Thánh: Phêrô
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Nơi tôi ờ là nhà
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 1,446
    Cám ơn
    630
    Được cám ơn 6,180 lần trong 1,245 bài viết

    Default

    Có một người hỏi pethoang rằng : Nếu cho anh quyền chọn lựa... tôi vẫn cứ nói rằng tôi chọn Tình Yêu...

    Và thực sự, nếu theo ý tôi, thì Chúa ơi, con chọn một tình yêu khác kia... nhẹ nhàng, thanh tao... mà mọi người dễ gần, nhiều người thích... đủ thứ... vì con là con người mà... Ai không thích có những tiện nghi, điều kiện.... dù chỉ để phục vụ...

    Nhưng Chúa lại thường muốn... con chọn thánh ý Chúa... Tình Yêu của sự dâng hiến, chia sẻ, hy sinh...

    Cho nên, thay vì ở nơi trung tâm, nhà 3 mặt tiền, phòng ốc có đủ... giờ giấc công việc đều đặn, mình chỉ làm phần việc của mình... là đủ... Chúa rũ con theo Chúa xuống nơi gầm cầu, về chỗ xa... thiếu hết mọi tiện nghi... và phải lo lắng đủ mọi điều...ở đó, ở đó.. .thế thôi... trong thinh lặng, trong yên tỉnh... nhưng đủ thứ việc, đủ thứ khổ ải, đủ thứ muộn phiền của nhân thế tràn về... ở đó lặng thầm con chia sẻ, con ủi an, con chăm chút cho họ từng miếng cơm, miếng cháo, viên thuốc...
    Chữ ký của Rocky


    Trong lòng bàn tay Cha, con bình an.... yên nghỉ

    Thắp lên hy vọng ngay cả khi tưởng chừng đụng đến cực điểm của tuyệt vọng




  6. #5
    caoduc's Avatar

    Tham gia ngày: May 2008
    Tên Thánh: GIUSE
    Giới tính: Nam
    Đến từ: HỒ CHÍ MINH
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 691
    Cám ơn
    308
    Được cám ơn 1,462 lần trong 527 bài viết

    Default NGÔN NGỮ CỦA THẬP GIÁ TRONG CÁC THƯ CỦA THÁNH PHAOLÔ(tt)

    Dâng hiến cho đến tận cùng (?)

    -----------Bởi vì đấng chịu đóng đinh thập giá là đấng phục sinh, Người mặc khải cho chúng ta một điều gì thuộc căn tính đặc biệt của Người ngay trong phong cách (modalité) chết của Người. Người là kẻ "vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã trở nên giống phàm nhân" (Pl 2,6) và chấp nhận lãnh cái chết của mình từ tay con người. Trong sự chấp nhận bị đóng đinh này, người ta thấy để lộ ra nội tâm (intériorité) của kẻ chịu đóng đinh. Người không coi việc từ bỏ địa vị thần linh của mình là đủ (tức là khước từ tất cả những gì trong việc mặc khải thần tính có thể là một ngăn trở để kết hiệp với nhân tính), Người không cho việc mặc lấy điều kiện nhân loại đến nỗi chấp nhận sự kết thúc cuối cùng bằng cái chết là đủ, nhưng Người, Ðức Chúa vinh hiển (1 Cr 2,8) sẽ để mình bị đóng đinh vào thập giá như một kẻ rốt hết trong các nô lệ chịu án tử.

    -----------Khi nhấn mạnh đến phong cách chết "và chết trên thập giá", (Pl 2, 8) nêu lên tính cách đặc thù của cái chết đó; cái chết này là một cái chết ô nhục người Con nhận lãnh vì tình yêu đối với Cha của Người và đối với chúng ta. Như vậy cái chết đó là cái chết hiến dâng (mort doblativité) nhờ đó tỏ bày tình yêu của Con đối với Cha và đối với chúng ta. Ðức Giêsu chấp nhận làm một người bị chúc dữ (trước mắt những người Do Thái), làm một kẻ ngu dại (trước mắt những người Rôma), đang khi Người là kẻ được Thiên Chúa chúc phúc, là đấng Mêsia, là người Con, kẻ cho ta hưởng muôn vàn ân phúc (Ep 1,3). Khi dùng cái chết trên thập giá để mặc khải một sự dâng hiến đi tới chỗ tột cùng của nhục nhã và đau khổ, Người lật đổ mọi tiên thức (précompréhension) về Thiên Chúa và về con người.

    -----------Hơn nữa, qua nội tâm của Người hoàn toàn phó dâng, Người hoà giải mỗi người và mọi người không trừ ai với Thiên Chúa và với nhau. Người cũng hoà giải các hữu thể trên trái đất và trên trời. Ðấng đã hoà giải tất cả là Ðấng đã dựng nên tất cả: lịch sử gởi trả chúng ta về nguồn cội, về cuộc sáng tạo. Biến cố thập giá có một tầm mức vũ trụ: tất cả tạo thành đều được hành động của Ðức Kitô trên thập giá đụng chạm đến. Như vậy không chỉ có một sự đi xuống của Thiên Chúa với nhân loại, nhưng cũng có một sự đi lên trong đó Ðức Kitô cho chúng ta tham dự từ bên trong vào cuộc đi lên của Người với Cha.


    Tình yêu của Cha được tỏ bày

    -----------Gương mặt của Thiên Chúa cũng được mặc khải nơi đấng bị đóng đinh. Thực vậy, vị Thiên Chúa tỏ mình ra không phải là Thiên Chúa của giận dữ, nhưng là Ðấng dấn thân trong thân phận con người đến nỗi chấp nhận cái chết, chết trong người Con của Người. Thiên Chúa đã chọn đi qua con đường thập giá và lệ thuộc vào lịch sử thế giới để tỏ mình ra (1 Cr 1,21). Thập giá được trồng rất cụ thể và vững chắc trên mặt đất. Ðó là một nơi tỏ bày sự dâng hiến của Con mà cũng là của Cha. Do đó thập giá là một cuộc thần hiển (théophanie) thực sự với tất cả mức độ Con làm hiển thị tình yêu của Cha,tình yêu được tỏ bày nhờ hy tế Cha thực hiện nơi Con.

    -----------Ðặc tính lạ lùng này trong ý định của Thiên Chúa chỉ có thể hiểu được trong biến cố thập giá nhờ ánh sáng phục sinh. Không những thập giá nói lên sự hoàn tất của Kinh Thánh mà còn mặc khải ý nghĩa của Kinh Thánh. Thập giá chẳng là chữ "tau" đó hay sao, mà chữ "tau" là chữ cuối cùng trong bảng chữ cái Do thái và như vậy cũng là kết thúc của nó? Tất cả đã được nói ra, tất cả mọi lời tiên tri về lòng thương xót của Thiên Chúa đã được ứng nghiệm. Chắc chắn, sự ứng nghiệm được thực hiện cách bất ngờ. Nhưng khía cạnh này rất thường bị xem nhẹ và những khẳng định liên quan đến sự giận dữ, món nợ, sự công chính hoá đã trở nên quan trọng đến mức chúng đã che khuất mất ý định lạ lùng của Thiên Chúa, cho dù Phaolô đã nói rõ điều này bằng cách sử dụng từ ngữ "mầu nhiệm". Ngôn ngữ của thập giá mặc khải cách độc đáo và đặc biệt sự hy sinh của Con và của Cha. Mọi kitô hữu đều được mời gọi thể hiện hai sắc thái này trong cuộc sống của mình.


    Loan báo đấng chịu đóng đinh

    -----------Người tín hữu là người tiếp nhận lời loan báo về đấng chịu đóng đinh, chấp nhận và làm chứng cho sự việc này. Phaolô tuyên bố ngài "không muốn biết gì khác ngoài Ðức Giêsu Kitô bị đóng đinh" và ngài lãnh trách nhiệm đi loan báo trước cả việc ban phép rửa tội (1 Cr 1,17). Một sự loan báo như thế phải không ngừng được đổi mới bởi vì nó có nguy cơ bị lãng quên, có khi bị loại bỏ nữa. Tín hữu Corintô không chia rẽ sao khi công bố mình thuộc về người này hay người khác trong số các thủ lãnh của mình (1 Cr 1,10-16) và tín hữu Galát đã chẳng chạy theo một Tin Mừng thứ hai sao, cho dù họ "thấy hình ảnh Ðức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá phơi bày ra trước mắt" (Gl 1,6; 3,1)?

    -----------Ðiều thập giá nhắc nhở thì thuộc phạm vi kinh nghiệm chứ không thuộc trật tự suy tư hay ý thức hệ. Niềm tin vào Ðức Kitô đi ngang qua việc chấp nhận cuộc Vượt Qua của Người và sẽ luôn là chướng kỳ và điên rồ cho tất cả các nền văn hoá cũng như niềm tin ấy đã là chướng kỳ và điên rồ cho thế giới Hy Lạp vì một nền tảng như thế thật bất lực và phi lý. Khía cạnh gai chướng của ý định Thiên Chúa là yếu tố cơ bản trong việc đưa thập giá vào lịch sử. Nếu thập giá chỉ có ý nghĩa bởi vì đấng chịu đóng đinh thập giá là đấng đã sống lại, - vì không có sự sống lại Ðức Giêsu chỉ là một kẻ chết treo được ghi vào danh sách hàng ngàn người đã bị đóng đinh trong thời Cổ đại -, thì theo sự khôn ngoan của thế gian, thập giá vẫn là khổ hình mà một Thiên Chúa thánh thiện không thể nào phải chịu. Khía cạnh này của lời loan báo là tuyệt đối đến mức tạo thành động lực cho mọi việc truyền giáo: "Ðức Kitô đãchẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng" (1 Cr 17). Nội dung của việc truyền giáo nằm nơi ngôn ngữ của thập giá; ngôn ngữ này hoàn toàn tùy thuộc vào Ðức Giêsu Kitô trong khía cạnh khách quan và ý nghĩa của việc Người mặc khải.

  7. #6
    caoduc's Avatar

    Tham gia ngày: May 2008
    Tên Thánh: GIUSE
    Giới tính: Nam
    Đến từ: HỒ CHÍ MINH
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 691
    Cám ơn
    308
    Được cám ơn 1,462 lần trong 527 bài viết

    Default

    Biết Người

    -----------Việc loan báo đấng chịu đóng đinh được liên kết với một sự hiểu biết không theo kiểu khai tâm hay ma thuật. Nó lật đổ những con đường đi tới Thiên Chúa mà từ nay được mở ra cho mọi người. Sự hiểu biết không còn là sở hữu mà lần hồi những người Do Thái và Hy Lạp tự tạo ra cho họ (1 Cr 1,21-25), như vậy là bắt Thiên Chúa phải đi qua các lối đường của họ. Thập giá có một nhiệm vụ mặc khải bởi vì thập giá mở ra một sự hiểu biết mới về Thiên Chúa. Bằng cách làm nổ tung những nền văn hoá khi chúng mưu đồ nắm chắc sự hiểu biết của mình và áp đặt nó, thập giá giới thiệu một ngôn ngữ mới, nghịch với mọi hệ thống và mọi khôn ngoan.

    -----------Bởi đó cho nên làm chứng về thập giá không phải là cười nhạo các nền văn hoá, nhưng đó là vượt qua chúng trên cây gỗ thập giá: cây gỗ này được trồng xuống đất nhưng sự cao cả của nó sẽ vươn cao hơn chúng. Sự làm chứng đạt được mức độ của nó trong biến cố Ðức Giêsu Kitô bị đóng đinh thập giá chứ không phải trong kinh nghiệm của thế gian, bởi vì kinh nghiệm của thế gian, do đã chất đầy ý nghĩa, chỉ có giá trị qua kinh nghiệm của thập giá. Thiên Chúa có khinh chê các nền văn hoá không? Chắc chắn là không, bởi Thiên Chúa đáp ứng sự tìm kiếm của chúng, nhưng một cách bất ngờ. Ðối với những người Do Thái tìm kiếm những dấu chỉ, thì họ được thấy một kẻ bị treo. Ðối với những người Hy Lạp quan niệm sự khôn ngoan theo hình ảnh của một lý trí xơ cứng, Thiên Chúa sẽ tỏ mình ra, nơi thế giới này, trong sự nghịch thường của siêu việt tính của Người.


    Chịu đóng đinh với Ðức Kitô

    -----------Trong Rm 6,6, Phaolô công bố rằng "con người cũ đã bị đóng đinh thập giá với" Ðức Kitô. Thập giá là một điều khó hiểu đến nỗi phải có sự táo bạo của ngôn ngữ để diễn tả. Phaolô luôn mô tả đời sống kitô hữu bằng những từ ngữ sự sống, ân ban, ân sủng, sự dồi dào, sự kết hợp với Ðức Kitô (Rm 5-8) hơn là bằng những từ ngữ phán xét mà người ta đã gán cho một tầm quan trọng quá lớn khi tách những từ ngữ ấy ra khỏi bối cảnh của sự nhưng không và của sự sống, trong bối cảnh này chúng như thể là bị chìm ngập. Người kitô hữu là kẻ nhận lãnh ân huệ được ban cho họ trong sự chết của Ðức Kitô, một lần cho tất cả và mãi mãi.

    -----------Như vậy người Kitô hữu nhận ra căn tính cá nhân (identité personnelle) của mình trong Ðức Kitô, bởi vì với tư cách là con người mà Người là Con. "Bị đóng đinh thập giá với" không có nghĩa là hành hạ thân xác để đạt tới một lý tưởng - bởi trong trường hợp này, người ta trở lại với lề luật - nhưng đây là sống trong một tương quan kết hiệp với đấng chịu đóng đinh, bởi vì đấng chịu đóng đinh "đã hủy diệt thân xác tội lỗi" (Rm 6,6) một lần cho tất cả. Những từ ngữ này không diễn tả cái gì khác hơn là tình yêu được Ðức Chúa bày tỏ trên thập giá mà người tín hữu được mời đáp trả trong cùng một đà yêu thương và dâng hiến.


    Vác thánh giá của mình hay
    "mang những thương tích của Ðức Giêsu"?


    -----------Không có văn bản nào của Phaolô đòi hỏi người kitô hữu phải vác thập giá mình như những lời của Ðức Giêsu được các sách Tin Mừng thuật lại (Mc 8,34; Mt 10,38). Ngược lại, Phaolô mời các tín hữu "đóng đinh vào thập giá xác thịt và những ham muốn xác thịt của mình" (Gl 5,24), "mang những thương tích của Ðức Giêsu" (Gl 6,17). Phải chăng điều đó có nghĩa là xác thịt tự nó là xấu xa phải quăng đi để cứu vớt tinh thần? Thực ra, tình yêu đối với Ðức Kitô phải in sâu trong xác thịt (chair), trong xác thể tính (corporéité), nếu không đó là thứ tình yêu ý thức hệ và mất đi sự qui chiếu về ngôn ngữ của thập giá. Có một cách loan báo Tin Mừng và sống Tin Mừng biến thập giá của Ðức Kitô thành hư vô (1 Cr 1,17); đó là cách tách riêng lời nói và hành động. Bởi đó cho nên sự qui chiếu về xác thịt là chủ yếu.

    -----------Trong khi ngày trước phép cắt bì là dấu giao ước thì ngày nay toàn bộ xác thịt được kêu gọi nhận lãnh "dấu" của Ðức Chúa để bày tỏ Người. Trong Ðức Kitô, có sự mặc khải về Thiên Chúa mà tình yêu là vô cùng, trong người kitô hữu, có sự hiển linh (épiphanie) của Ðức Kitô: "Tôi bị đóng đinh vào thập giá, không phải tôi sống, chính Ðức Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20). Và đó không phải là những từ ngữ: Phaolô trình bày cho các kitô hữu bắt chước, không phải do kiêu căng, nhưng bởi vì ngài cảm thấy cần thiết phải loan báo Tin Mừng và một sự loan báo như thế chỉ mặc lấy đầy đủ chiều kích rộng lớn mà nó phải có trong sự mạch lạc (cohérence) giữa một lời được định hình bởi dấu thập giá của Ðức Kitô với một sự sống được đánh dấu bởi tính nghịch thường của Ðức Kitô đấng là sự sống qua cái chết. (x. 1 và 2 Cr).

    -----------Người Kitô hữu chiếm hữu một sự tự do đích thực đối với thế gian. Tuy vẫn ở trong thế gian, người kitô hữu làm cho thế gian đi vào trong chuyển động dâng hiến (mouvement doblativité) của Ðức Kitô. Do đó, đối với Phaolô, người kitô hữu có thể nói rằng những gian nan thử thách Ðức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức (Cl 1,24). Không còn thiếu gì trong cuộc thương khó của Ðức Kitô và tất cả các bản văn của vị Tông đồ đều minh chứng điều này. Nhưng trong người tín hữu, tất cả không phải là sự trong sáng tinh ròng của tình yêu mà họ được yêu. Chính sự ao ước cho hoàn thành này thúc đẩy Phaolô nói rằng những thử thách liên kết với thân phận làm người - kể cả thử thách lớn nhất là sự chết - cho phép ngài ghi trong xác thịt mình sự sống của Ðức Kitô.


    Giáo Hội

    -----------Ðiều gì đúng cho trường hợp cá nhân thì cũng đúng cho trường hợp cộng đoàn. Thập giá có một vai trò giáo hội bởi vì thập giá hoà giải những nhóm đối nghịch, Do Thái và Lương Dân, thành một khối duy nhất, triệt để mới mẻ, đó là Giáo Hội (Ep 2,16). Muốn làm điều này, cần phải hủy diệt hận thù là bức tường chia rẽ. Ðó cũng là công trình của Ðức Kitô trên thập giá bởi vì thập giá hủy diệt tham vọng của lề luật hay của sự khôn ngoan là đối chọi người Do Thái và Hy Lạp trong một ngoại giới tính (bình đẳng trước mặt Thiên Chúa. Cộng đoàn những kẻ tin là một cộng đoàn những người được kêu gọi (église= ek kalein=kêu gọi), theo hình ảnh của đấng kêu gọi (1 Cr 1,26). Cũng như cá nhân, cộng đoàn phải phản chiếu sứ điệp mà cộng đoàn có trách nhiệm loan báo; nếu không, diễn từ của mình sẽ thành vô ích và bất nhất.


    Ngôn ngữ của thập giá

    -----------Ngôn ngữ của thập giá là ngôn ngữ của Thánh Thần về nội dung cũng như về các phương cách. Ngôn ngữ này phê bình tất cả mọi nền văn hoá đi tìm kiếm một sự khôn ngoan chủ trương không cần đến Thiên Chúa. Với tư cách là ngôn ngữ của Thánh Thần, ngôn ngữ của thập giá chỉ có thể diễn tả qua những nghịch lý, như những nghịch lý của sức mạnh và yếu đuối hay là qua những cách diễn tả có thể xem ra đối nghịch nhau.

    -----------Ngôn ngữ của thập giá là một ngôn ngữ mặc khải, vừa của Con vừa của Cha, bởi vì thập giá là nội tại đối với biến cố phục sinh và là thập giá của Đức Chúa vinh hiển. Thập giá có tính thần hiển (théophanique) đối với Cha, có tính hiện sinh (existentielle) đối với Con và có tính tâm linh (spirituelle) đối với kitô hữu. Phaolô không có ý định đề cao cái chết hay sống trong ảo tưởng nhưng chỉ muốn rút ra những hệ lụy của biến cố phục sinh trong lịch sử, trong lịch sử của mỗi người, những hệ lụy đi ngang qua cuộc Vượt Qua một cách tất yếu. Ðó là sức mạnh trọng yếu và sinh động của ngôn ngữ thập giá được hiểu dưới ánh sáng của cuộc phục sinh, ngoài nó ra thì ngôn ngữ của thập giá không có nghĩa gì cả.

    Chantal Reynier

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com