LỊCH SỬ KINH MÔI KHÔI

1. Ai Là Người Sáng Kiến Ra Kinh Môi Khôi?

Thông thường, người ta vẫn coi Thánh Ða Minh, vị sáng lập dòng Thuyết Giáo, hay còn gọi là dòng Ða Minh, là người đã sáng kiến ra kinh Môi Khôi.
Ý nghĩ đó không phải là không có cơ sở. Từ ngày thành lập, lịch sử dòng Ða Minh vẫn gắn liền với lịch sử kinh Môi Khôi, hay nói chính xác hơn, với tình mẫu tử hết sức đặc biệt giữa Thánh Ða Minh và các con cái của người với Ðức Thánh Mẫu Chúa Ki-tô, Nữ Vương Môi Khôi chí thánh.
Trong giai đoạn sơ khai của dòng, Ðức Mẹ đã phù hộ gia đình con cái Thánh Ða Minh bằng nhiều nghĩa cử âu yếm của Hiền Mẫu: Bộ áo dòng các tu sĩ Ða Minh đang mặc hiện nay là do Ðức Mẹ đích thân thiết kế mẫu, trao cho Thánh Rê-gi-nan-đô, một trong những môn đệ trực tiếp của Thánh Ða minh, vào khoảng năm 1217 ; cũng chính Ðức Mẹ truyền cho Thánh Ða Minh cổ động việc cầu nguyện bằng kinh Môi Khôi trong các tín hữu công giáo, để xin ơn chiến thắng những người lạc giáo An-bi-giên-xê, và xin ơn hòa bình, hòa giải giữa những vua chúa công giáo thù nghịch nhau, đang gây nên nội chiến nồi da xáo thịt. Nhờ Nữ Vương Môi Khôi can thiệp, người công giáo, dưới quyền chỉ huy của Bá tước De Montfort, đã chém được thống soái của giặc là vua Phê-rô xứ Arragon, đánh bại đối phương, hàng chục lần mạnh hơn, tại trận chiến Muret, miền nam nước Pháp, vào năm 1213.
Ðến thế kỷ 16, dưới thời Ðức thánh giáo hoàng Pi-ô đệ ngũ, là tu sĩ dòng Ða Minh, quân đội Hồi giáo của người Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi đánh hạ hầu hết các chiến lũy kiên cố nhứt của Châu Âu, tiến về phía thủ đô Rô-ma như vũ bão. Lực lượng công giáo rút vào thế phòng ngự một cách tuyệt vọng. Trong khi đó, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo vào vùng vịnh Lepanto, một yếu điểm quân sự , hễ bên nào chiếm được sẽ làm chủ hoàn toàn tình hình chiến trận. Một lần nữa, Vị thủ lãnh tinh thần của thế giới Ki-tô giáo, chạy đến Hiền Mẫu Ma-ri-a, Nữ Vương Môi Khôi, đặt tất cả vận mạng Dân Chúa dưới sự bảo trợ của Người. Ðức thánh cha truyền cho toàn thể Hội Thánh sốt sắng cầu nguyện kinh Môi Khôi, xin ơn che chở của Mẹ. Một lần nữa, lời kinh Xin Hãy Nhớ lại được chứng minh là trăm phần trăm chính xác: "Lạy Ðức Nữ Ðồng Trinh Ma-ri-a là Mẹ rất nhơn từ! Xin hãy nhớ: xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Ðức Mẹ, xin bàu chữa cứu giúp mà Ðức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời." Ngày 07.10.1571, hải quân công giáo, dầu thua kém quân Hồi giáo về quân số, đã dũng cảm chiến đấu, chiếm được soái kỳ của viên đô đốc chỉ huy đoàn tàu chiến đối phương. Hải quân Hồi giáo tan vỡ, tháo chạy. Ðể Hội Thánh muôn đời ghi nhớ công ơn của Nữ Vương Môi Khôi đã giải cứu Châu Âu Ki-tô giáo nói chung và nước Tòa Thánh nói riêng, thoát khỏi cuộc xâm lăng của người Hồi giáo, Ðức Thánh giáo hoàng Pi-ô đệ ngũ đã lập nên lễ kính Ðức Mẹ Môi Khôi, cử hành ngày 07.10 hàng năm. Xin nhắc lại truyền thống Phụng vụ Hội Thánh vẫn dành 2 tháng trong một năm : tháng năm gọi là Tháng Hoa, và tháng mười gọi là Tháng Môi Khôi, và ngày thứ bảy trong tuần, để tôn kính Ðức Mẹ.
Riêng với các con cái Thánh Ða Minh, lòng tri ân dành cho Thánh Mẫu Môi Khôi được biểu lộ nơi tràng chuỗi 150 kinh Kính Mừng họ luôn mang bên thắt lưng, như một vũ khí tinh thần, nhứt là như gia tài vô giá của Mẹ Hiền trao tặng cho Thánh Tổ Phụ, cho dòng Thuyết Giáo, nơi vô số tu viện, tỉnh dòng, trường học, giáo xứ, trung tâm hành hương của dòng trên khắp thế giới, dâng kính cho thánh hiệu Nữ Vương Môi Khôi, đặc biệt, qua các hoạt động không mệt mỏi, để nghiên cứu, giảng thuyết, biên soạn sách vở, sáng tác thơ, nhạc, nhắm truyền bá cách cầu nguyện bằng tràng hạt Môi Khôi.
Nhưng theo nghiên cứu của cha Ennio Staid, thần học gia dòng Ða Minh và là chuyên gia về kinh Môi Khôi, thì cách cầu nguyện với tràng chuỗi kinh Kính Mừng đã có trước thời Thánh Ða Minh, còn Thánh nhân cùng với các tu sĩ dòng của người, đúng ra, chỉ là những cổ động viên hăng say và hữu hiệu nhứt.

2. Kinh Môi Khôi Ðã Phát Triển Như Thế Nào?

Vẫn theo cha Staid, giai đoạn chính yếu của quá trình phát triển kinh Môi Khôi là vào khoảng giữa thế kỷ 12 và 15. Vào đầu thế kỷ 12, bên phương Tây đã thấy phổ biến cách cầu nguyện với kinh Lạy Cha và 150 kính Kính Mừng, được gọi là tập "Thánh Vịnh Ðức Mẹ Ma-ri-a". Dụng ý của "Tập Thánh Vịnh Ðức Mẹ Ma-ri-a" là hình thức cầu nguyện dành cho những tín hữu chất phác ngoài đời, không có chữ nghĩa, không có thời giờ, không thể cầu nguyện bằng tập 150 Thánh Vịnh trong kinh nhựt tụng của các linh mục, tu sĩ trong đan viện.
Tính cho tới thế kỷ thứ 7, lời truyền tin của thiên sứ cho Ðức Mẹ, như Tin Mừng ghi lại, được dùng làm kinh Ca Dâng Lễ trong chúa nhựt thứ 4 Mùa Vọng, một ngày chúa nhựt đầy âm sắc đặc biệt dành cho Ðức Ma-ri-a.
Lúc bấy giờ, kinh Kính Mừng chỉ gồm có lời thiên sứ truyền tin: "Kính mừng Ma-ri-a, Ðầy Ơn Phước, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà", và lời chào mừng của bà Y-xa-vê: "Bà có phước lạ hơn mọi người nữ, và Con lòng Bà gồm phước lạ". Mãi tới khoảng năm 1483, Thánh Danh Chúa Giê-su và phần thứ hai, tức lời cầu nguyện "Thánh Ma-ri-a", mới được thêm vào: "Và Giê-su Con lòng Bà gồm phước lạ. Thánh Ma-ri-a, Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. A-men", như bản kinh Kính Mừng chúng ta đang đọc hiện nay.
Cũng vào thời kỳ đầu, người ta đã có thói quen dùng những xâu chuỗi bàng đá, hoặc hột cứng, để đếm cho đủ số kinh phải đọc. Tràng hạt dùng để đếm kinh này cũng được thực hành nơi các tín đồ Phật giáo và Hồi giáo.
Thủa ban đầu , việc đọc kinh Kính Mừng không hàm ý suy niệm các mầu nhiệm về cuộc đời của Chúa Ki-tô.
Trong khoảng các năm 1410 và 1439, tu sĩ Ða Minh xứ Prussia, thuộc dòng Thánh Bruno tại Cô-lô-nha, nước Ðức, đề xướng một mẫu "Thánh Vịnh Ðức Mẹ Ma-ri-a" chỉ gồm có 50 kinh Kính Mừng, nhưng sau mỗi kinh, lại có kèm theo một trích đoạn từ sách Tin Mừng.
Sáng kiến của vị tu sĩ dòng Thánh Bruno được hưởng ứng mạnh mẽ và thành công rất lớn, đến nỗi vào thế kỷ 15, các mẫu "Thánh Vịnh Ðức Mẹ Ma-ri-a" được nhân lên rất nhiều, đồng thời, các lời trích dẫn Tin Mừng thêm vào cuối kinh Kính Mừng tăng lên tới 300 đoạn, do những nhu cầu và thói quen mộ đạo của các địa phương khác nhau.
Cũng trong thế kỷ 15, tu sĩ A-la-nô Rô-cô, thuộc dòng Ða Minh, là người đóng góp phần quan trọng cho việc cổ động "Thánh Vịnh Ðức Mẹ Ma-ri-a", lúc bấy giờ đã được cải danh là "Tràng Hoa Hồng Kính Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a", nhờ những bài giảng thuyết của cha , và những hội đoàn huynh đệ tôn kính Ðức Mẹ do cha sáng lập.
Vào năm 1521, kinh "Tràng Hoa Hồng Kính Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a" được cha Alberto da Castello, thuộc dòng Ða Minh, sửa lại cho đơn giản hơn, có thêm một lời nguyện ngắn vào cuối kinh Kính Mừng.
Xin lưu ý là danh hiệu kinh Môi Khôi, hay Mân Côi, hoặc Mai Khôi, là những cách phiên dịch Việt ngữ của từ La tinh "Rosarium", có nghĩa là "Tràng hoa hồng", ngụ ý ví chuỗi hạt kết bằng những kinh Kính Mừng tựa như một tràng hoa hồng xinh đẹp dâng kính Ðức Thánh Mẫu Thiên Chúa.
Vào thế kỷ 16, Ðức Thánh Giáo Hoàng Pi-ô đệ ngũ, thuộc dòng Ða Minh, người có công lớn cải tổ phụng vụ Hội Thánh, với sắc lịnh "Consueverunt Romani Pontifices?Truyền Thống Các Vị Giáo Hoàng Rô-ma", đã ấn định tính chất chính yếu và hình thức cho kinh Môi Khôi như hiện hành.
Mới đây nhứt, hôm 16.10 vừa qua, Ðức Thánh cha Gio-an Phao-lô II, nhân dịp kỷ niệm năm thứ 24 triều giáo hoàng của người, đã ký tông thư "Rosarium Virginis Mariae?Chuỗi Môi Khôi Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a", đưa ra những chỉ dẫn cập nhựt cho hình thức cầu nguyện rất được yêu mến trong truyền thống Ki-tô giáo này. Theo đó, ngoài 15 Mầu nhiệm Vui, Thương, và Mừng quen thuộc, có 5 Mầu nhiệm liên quan đến cuộc đời công khai của Chúa Ki-tô, gọi là 5 mầu nhiệm Ánh Sáng, được thêm vào Chuỗi Kinh Môi Khôi.
Theo lời dạy của Ðức thánh cha Gio-an Phao-lô II, kinh Môi Khôi vẫn có giá trị đặc biệt trong truyền thống cầu nguyện của Ki-tô giáo. Kinh Môi Khôi đúng là một quyển Phụ lục của sách Tin Mừng, hay một cuốn Phúc Âm rút gọn, vì khi đọc kinh Môi Khôi, chúng ta suy ngắm cuộc đời và lời giáo huấn của Chúa Ki-tô dưới ánh mắt của Mẹ Ma-ri-a, Ðấng "luôn ghi nhớ và suy niệm trong lòng"(Lc 2, 51), những biến cố của cuộc đời Chúa Giê-su, Con yêu dấu của Người.
Tuy nhiên, hình thức cũ với 15 Mầu nhiệm của kinh Môi Khôi còn thiếu điểm nhấn đến sứ vụ của Chúa Ki-tô là Ánh Sáng Thiên Chúa Cha gởi đến soi đường cho nhân loại nhận biết Chân Lý cứu độ, như phần mở đầu Tin Mừng Thánh Gio-an viết: "Ngôi Lời là Ánh Sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người" (Ga 1, 9), như chúng tuyên xưng trong kinh Tin Kính: "Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật", và như Phụng vụ đêm Vọng Phục Sinh tung hô "Lumen Christi?Ánh Sáng Chúa Ki-tô", chào mừng cây nến Phục Sinh, tượng trưng Chúa Ki-tô là Ánh Sáng đẫn đường cho Dân Giao Ước Mới vượt qua biển trần gian tội lỗi, đi đến bến bờ cứu độ, như xưa kia Cột Mây Lửa đã dẫn đưa Dân Giao Ước Cũ vượt qua Biển Ðỏ vào tới Ðất Hứa.
Năm Mầu nhiệm Sự Sáng gồm:
  1. Chúa chịu phép rửa trên sông Giô-đan
  2. Chúa tỏ mình ra trong phép lạ biến nước thành rượu tại tiệc cưới Ca-na
  3. Chúa công bố Nước Trời và kêu gọi con người hoán cải
  4. Chúa hiển dung trên núi Ta-bo-rê
  5. Chúa lập bí tích Thánh Thể
Ngoài ra, Ðức thánh cha cũng đề nghị sắp xếp lại thời gian trong tuần để đọc kinh Môi Khôi theo hình thức mới như sau:
  1. Thứ hai và thứ bảy dành cho 5 Mầu nhiệm Vui
  2. Thứ ba và thứ sáu dành cho 5 Mầu nhiệm Thương
  3. Thứ tư và chúa nhựt dành cho 5 Mầu nhiệm Mừng
  4. Thứ năm dành cho 5 Mầu nhiệm Sáng
3. Sức Mạnh Của Kinh Môi Khôi

Sức mạnh của kinh Môi Khôi là sức mạnh chuyển núi dời non như lời Chúa Ki-tô đã hứa cho những ai có lòng tin, dầu chỉ bằng hột cải (Xc Mt 17, 20), là sức mạnh của cộng đoàn tín hữu họp nhau cầu nguyện nhân Danh Người (Xc Mt 18, 19- 20). Ðặc biệt, sức mạnh ấy lại đặt vào uy tín của Thánh Mẫu Chúa Ki-tô, Ðấng đã từng can thiệp hữu hiệu vào lịch sử cứu độ, từ biến cố Nhập Thể của Con Thiên Chúa bằng lời "Fiat?Xin Vâng" khiêm nhu ( Lc 1, 38), cho tới sự chấp thuận trong thinh lặng vâng phục lời Chúa Ki-tô gởi gắm toàn thể nhân loại cho Mẹ: "Thưa Bà, đây là con của Bà" ( Ga 19, 26). Sự can thiệp đầy uy quyền của Thánh Mẫu Chúa Ki-tô vẫn tiếp diễn từ phép lạ Chúa biến nước thành rượu ở tiệc cưới làng Ca-na (Xc Ga 2, 1- 12), qua biết bao lần Mẹ xuất hiện để tiếp cứu đoàn con của Mẹ trong nhưng cơn nguy khốn: La Salette, Lộ Ðức (Pháp), Fatima (Bồ Ðào Nha), Guadalupe (Mê-hi-cô) , Manaoag, La Naval de Manila (Phi-líp-pin), Majorgore (Nam Tư), Trà Kiệu, La Vang (Việt Nam). Gần như là hễ bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu Hội Thánh lâm nguy, con cái Chúa kêu khóc, cầu cứu, thì lập tức có Mẹ xuất hiện, dang đôi tay Từ Mẫu binh vực, chở che.
Trong thế kỷ 20 này, chúng ta đã tận mắt chứng kiến sự can thiệp đầy uy lực của Từ Mẫu Nữ Vương Môi Khôi Chí Thánh, khi Mẹ hiện ra tại Fatima, ngày 13.10.1917: nếu con cái Mẹ trung thành thực hiện 3 lịnh truyền của Mẹ: thống hối và hoán cải đời sống, tôn kính Thánh Tâm Vô Nhiễm của Mẹ, và chuyên cần cầu nguyện kinh Môi Khôi, thì Mẹ sẽ ban cho nước Nga cộng sản vô thần trở lại với đức tin Ki-tô giáo, và cho thế giới được hòa bình.
Năm 1992, nước Nga chính thức từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, thay thế lá cờ đỏ hình búa liềm bằng lá cờ truyền thống 3 màu trắng xanh đỏ, tục gọi là cờ của Thánh Giọc-giơ, vị anh hùng đã chém đầu con rồng dữ bảy đầu.

4. Kinh Môi Khôi Với Người Công Giáo Việt Nam

Lịch sử Truyền giáo tại Việt Nam, do Thánh Ý Quan Phòng của Chúa, đã gắn liền với kinh Môi Khôi của Hiền Mẫu Ma-ri-a. Thật vậy, trong số những vị thừa sai đầu tiên đặt chân lên mảnh đất hình chữ S thân yêu của chúng ta có các tu sĩ dòng Ða Minh. Năm 1550, một đoàn truyền giáo Ða Minh do cha Gaspar da Cruz dẫn đầu cập bến Hà Tiên. Suốt 3 thế kỷ sau đó, có 240 vị thừa sai Ða Minh được gởi tới giúp đặt nền móng cho Hội Thánh tương lai. Từ năm 1756, 5 giáo phận phía Bắc được trao cho các con cái Thánh Ða Minh coi sóc, đó là các giáo phận: Hải Phòng, Bùi Chu, Thái Bình, Lạng Sơn, và Bắc Ninh. Công cuộc truyền giáo của dòng Ða Minh thường chọn khu vực dân nghèo ở nông thôn làm khởi điểm. Với những người bình dân, chất phác này, bài giáo lý vỡ lòng dễ hiểu, đễ thuộc về cuộc đời và lời dạy của Chúa Ki-tô, về cách thức cầu nguyện, đặc biệt về lòng tôn sùng Thánh Mẫu Ma-ri-a, không gì bằng kinh Môi Khôi, "ngón gia truyền" của các tu sĩ dòng Thánh Ða Minh.
Trong những năm Hội Thánh bị khủng bố, sát hạt, từ các thời Tây Sơn, Nguyễn Gia Long, Văn Thân, cho tới thời Việt Minh cộng sản, một trong những phương thế giúp người công giáo giữ vững tinh thần, giữ vững đức tin, để có thể vượt qua bao cơn giông bão dữ dội của đàn áp, tù tội, giết hại, đó là cầu nguyện với tràng hạt Môi Khôi. Lòi kinh Kính Mừng liên tục vang lên trong ngôi thánh đường lỗ chỗ bom đạn, trong mái nhà tranh xiêu vẹo, trong trại tù khổ sai, trên chốn rừng thiêng nước độc, trên chiếc ghe lênh đênh trôi dạt giữa biển khơi. Con cái Mẹ ngước mắt lên trời, tha thiết kêu cầu, phó thác tất cả đường đời nhọc nhằn, nguy hiểm, tất cả hy vọng trong tận đáy tuyệt vọng khổ đau, chẳng những trong khoảnh khắc hiện tại, mà còn cả vào giây phút cuối cùng cuộc đời nữa: "Thánh Ma-ri-a Ðức Mẹ Chúa Trời! Cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. A-men."
Radio Veritas Asia, 22.10.2002
Kỷ Niệm Cung Nghinh Tượng Ðức Mẹ La Vang
Lm. P.X. Nguyễn Văn Nhứt