Lm Nguyễn Văn Thanh

Để tìm hiểu về Tông Huấn CATECHESI TRADENDAE, hai đề tài liên quan đến giáo lý đã được trình bày một cách khái quát: ĐỨC KITÔ, Thầy của giáo lý viên và GIÁO LÝ VIÊN, môn đệ của ĐỨC KITÔ.
Hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu xem: Công việc của GIÁO LÝ VIÊN là gì ?
Trong Tông Huấn này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói rõ, đó là phải thông truyền giáo lý của Đức Kitô (CT 6), giảng dạy bằng tất cả đời sống mình (CT 9), canh tân liên tục và quân bình. (CT 17)

1. Thế nào là thông truyền giáo lý của Đức Kitô?

Thông: nối liền với nhau mà không bị cản trở, ngăn cách. Truyền: làm lan rộng ra cho nhiều người, nhiều nơi biết. Người thông truyền làm nhiệm vụ của một phát ngôn viên, đó là trình bày ý kiến hoặc quan điểm của một nhân vật hay của một tổ chức.

Cũng thế, giáo lý viên là phát ngôn viên của Chúa, có nhiệm vụ trình bày giáo lý và đời sống của Chúa một cách trung thực, luôn qui chiếu việc giảng dạy và thái độ của mình về Đức Kitô (Christocentrisme), đồng thời phải tránh tất cả những gì làm cho Lời Chúa bị ngăn cản, không đến được với nhiều người.
1.1. Khi thông truyền giáo lý của Đức Kitô, giáo lý viên phải tránh những gì?

- Trước hết, không được trình bày ý kiến riêng của mình hay của một thầy nào khác ngược lại với giáo huấn của Đức Kitô.
- Tiếp đến, không được tìm cách hướng sự chú ý của những người học giáo lý về chính mình; nhất là không được tìm cách ghi tạc vào lòng học viên các ý kiến và cảm nghĩ cá nhân của mình khiến cho họ hiểu lầm hoặc quên đi Đức Kitô. Mỗi giáo lý viên phải tâm niệm lời của Chúa Giêsu: “Đạo lý Ta dạy không phải là của Ta, mà là của Đấng đã sai Ta” (Gio 7,16 ; 8,28 ; 12,49-50 ;14,24).
- Sau hết, Thánh Phêrô cũng nhắc nhở chúng ta: “Anh chị em hãy nhớ: không ai được theo ý riêng mà giải thích các lời ngôn sứ trong Sách Thánh, vì lời tiên tri không phát xuất bởi ý muốn của người phàm, song đã được tuyên bố nhân Danh Thiên Chúa, bởi những bậc Thánh được Chúa Thánh Thần soi sáng” (2 Pr 1,20-21).
1.2. Làm sao để trung thành với giáo huấn của Đức Kitô?

Phải chuyên cần học hỏi Lời Chúa theo sự hướng dẫn của Hội Thánh, phải kết thân sâu xa với Đức Kitô và với Chúa Cha. Đồng thời, phải có tinh thần cầu nguyện và từ bỏ bản thân mình, để chỉ một lòng một ý vì Chúa Kitô, như thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi (Gl 2,20).

2. Ngoài việc thông truyền giáo lý của Đức Kitô, giáo lý viên còn phải làm gì?

Giáo lý viên còn phải giảng dạy bằng tất cả đời sống mình. Vì Chúa đã nói: “Anh em là ánh sáng cho trần gian. Sự sáng của anh em phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,14.16) .
2.1. Giảng dạy bằng tất cả đời sống mình như thế nào ?

Đó là theo gương Chúa Giêsu, biến cuộc đời của mình thành một bài giảng liên tục, làm chứng cho những giá trị nhân bản, sự thật, tình yêu và niềm hy vọng, vì như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Ngày nay, người ta đang cần đặc biệt các hình thức chứng tá đích thực của Kitô Giáo”. Ngài nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Phaolô VI: “Con người hôm nay tin tưởng các chứng nhân hơn là thầy dạy, tin vào kinh nghiệm hơn là bài vở, tin vào cuộc sống và hành động hơn là lý thuyết” (EA 42).
2.2. Thế nào là làm chứng cho những giá trị nhân bản?

Thánh Gioan đã viết:“Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta.”(Ga. 1,14). Chúa Giêsu đã thực sự sống thân phận con người. Ngài “càng thêm tuổi thì càng thêm khôn ngoan và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến” (Lc 2,52). Chính vì thế, làm chứng cho những giá trị nhân bản là siêng năng đọc Thánh Kinh, suy gẫm cuộc đời của Chúa và nhất là thực hành đúng những điều Chúa dạy, vì cuộc đời của Chúa là một bài học nhân bản lớn mà Chúa muốn chúng ta phải học. Luôn nhớ điều này: Là người nhưng chưa chắc đã nên người. Muốn nên người thì phải học tập làm người. Có nên người mới hy vọng nên thánh.
2.3. Thế nào là làm chứng cho sự thật?

Trong cuộc xét xử, Chúa Giêsu đã trả lời cho quan Philatô rằng: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”(Ga. 18,37) Các Thánh Tử đạo Việt Nam đã đổ máu ra để làm chứng cho sự thật. Thánh Phaolô cũng đã theo gương Chúa Giêsu để làm chứng rằng: “Tôi đã chịu đóng đinh vào thập giá làm một với Đức Kitô. Hiện nay, tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,19-20).
Là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta cũng phải dám sống chết cho sự thật. Sự thật ở đây chính là niềm tin vào Đức Kitô Giêsu, một niềm tin không lay chuyển. Nếu như hai thánh Phêrô và các thánh Tông Đồ đã mạnh dạn tuyên xưng Đức Kitô đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng phải can đảm “loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”. (Lời tung hô sau truyền phép)
2.4. Thế nào là làm chứng cho tình yêu?

Khi trao cho các Tông Đồ một giới răn mới, Chúa đã nói: “Cứ dấu này mà người ta nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga. 13,34). Yêu thương nhau như thế nào? Đó là yêu thương hết mọi người: người ruột thịt thân thiết, người thù ghét, nguyền rủa, vu khống ta, người nghèo khó, bệnh nạn và tật nguyền…; yêu luôn luôn mà không so đo, tính toán; yêu như Chúa đã truyền; yêu như Hội Thánh đã dạy; yêu như các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã nêu gương: khoan dung và tha thứ cho kẻ giết mình. Yêu không phải chỉ trên đầu môi chóp lưỡi, nhưng yêu bằng việc làm cụ thể trong hy sinh và âm thầm. Đó là sự thể hiện của niềm tin sống động, vì một đức tin không có việc làm là đức tin chết (Gc 2,17), mà việc làm của đức tin chính là đức bác ái.
2.5. Thế nào là làm chứng cho niềm hy vọng?

- Đó là sự vui vẻ, dễ tính trong cuộc sống, đến từ nguồn mạch thiêng liêng cao quí là Chúa Thánh Thần như Thánh Phaolô đã nói: “Hoa quả của Thánh Thần là bác ái, bình an và vui vẻ” (Gl 5,22). Những phẩm tính này là một công cụ tốt cho việc đối thoại, phục vụ công lý hoà bình và hoà giải.
- Đó là sự tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh và sự quan phòng của Chúa: “Hãy can đảm, Thầy đã thắng thế gian” (Ga. 16,33) , “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy sẽ đến cùng anh em” (Ga. 14,18).
- Đó là luôn sống tốt giây phút hiện tại, liên lỉ cầu nguyện, yêu mến Thánh Thể và luôn hướng về Mẹ Maria là nguồn cậy trông (Đức Hồng Y FX. Nguyễn văn Thuận).
- Đó là niềm hy vọng luôn hướng về một “Trời mới, Đất mới” (Kh 21,1), là “Quê hương” vĩnh cửu (Pl 4,20). Nơi đó, “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt, sẽ không còn sự chết, chẳng còn tang tóc kêu than và đau khổ nữa vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4).
Ngoài việc thông truyền giáo lý của Đức Kitô và phải giảng dạy bằng tất cả đời sống mình như làm chứng cho những giá trị nhân bản, cho niềm tin, yêu và hy vọng, giáo lý viên còn phải canh tân việc dạy giáo lý một cách liên tục và quân bình.

3. Tại sao việc dạy giáo lý phải được canh tân liên tục và quân bình?

Vì các Nghị phụ của Thượng Hội Đồng về huấn giáo đã nhìn nhận trong thực tế rằng có những giới hạn và có cả những thiếu sót trong việc dạy giáo lý. Những giới hạn này đặc biệt trầm trọng vì nó có thể làm phương hại cho sự toàn vẹn của nội dung.

3.1. Đâu là những thiếu sót và giới hạn gây phương hại cho nội dung giáo lý?

- Đó là sự lặp đi lặp lại trở thành thói quen, đối lập với mọi sự thay đổi. Mặt khác, cách làm việc của giáo lý viên là tuỳ hứng, thiếu suy nghĩ, đề cập đến các vấn đề một cách nhẹ dạ. Thói quen này đưa đến sự trì trệ, uể oải, và cuối cùng đưa đến tê liệt. Cách làm việc tuỳ hứng của giáo lý viên còn gây ra sự lộn xộn nơi các người học giáo lý và phụ huynh của họ, đặc biệt trong trường hợp các trẻ nhỏ, gây ra mọi thứ lệch lạc, rạn nứt và cuối cùng sụp đổ hoàn toàn tính thống nhất. (CT 17)
- Đó là sự khủng hoảng ngôn ngữ giáo lý và sứ điệp của nó. Một tài liệu của châu Mỹ Latinh nói rằng Hội Thánh bị tước đi hết vì cách loan truyền Tin Mừng thì nghèo nàn và phẩm chất tồi tệ đến nỗi người ta có cảm tưởng rằng nói một thứ ngôn ngữ mà không ai hiểu nổi, gửi đến quảng đại quần chúng mà không có thực, mang đến những câu trả lời cho những vấn đề mà không ai đặt ra và đề nghị những giải pháp mà không ai thực hành. Nó không truyền đạt một sứ điệp mà những người của thời đại chúng ta có thể hiểu được và đem lại ý nghĩa cho họ. (Les Fondamentaux de la Catechese, Lumen Vitae, Bruxelles, 2006, pp. 21-26)

3.2. Vậy phải canh tân việc dạy giáo lý như thế nào?

Hội Thánh phải tỏ ra khôn ngoan, can đảm và trung thành với Tin Mừng trong việc tìm kiếm cũng như vận dụng các đường lối và phối cảnh phù hợp cho việc dạy giáo lý, đồng thời đổi mới về mọi phương diện, nhất là đa dạng hoá các phương pháp (CT 51), tìm kiếm một ngôn ngữ thích hợp và vận dụng các phương tiện mới mẻ để truyền thông sứ điệp (CT 17). Đương nhiên, việc canh tân này phải được thực hiện liên tục và quân bình.
3.2.1. Thế nào là đa dạng hoá các phương pháp dạy giáo lý?

Trong việc truyền đạt đức tin, Hội Thánh không có phương pháp riêng, cũng không có một phương pháp duy nhất nào. Dưới ánh sáng sư phạm của Thiên Chúa, Hội Thánh chọn lựa những phương pháp hiện hành, theo tinh thần rất tự do, Hội Thánh chỉ giữ lại «tất cả những gì là chân thật, cao quí, chính xác, tinh tuyền, đáng mến, cao thượng và đáng ca tụng». (Ph 4,8); nói cách khác, tất cả những yếu tố không nghịch lại với Tin Mừng đều được sử dụng (Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý, số 148).
- Một số phương pháp đáng được quan tâm: phương pháp tiếp cận Thánh Kinh, phương pháp sư phạm văn kiện – đặc biệt như kinh Tin Kính, bởi vì «việc dạy giáo lý là truyền đạt những văn kiện đức tin», phương pháp những dấu chỉ phụng vụ và Hội Thánh, phương pháp dành riêng cho truyền thông xã hội (HDTQ, 149).
- Mặt khác, Chúa Giêsu là bậc thầy của giáo lý viên, đã cho chúng ta những phương pháp giảng dạy thật đa dạng: cụ thể, qui nạp, diễn dịch, chủ động, cảm nghiệm, tiệm tiến, vận dụng trí nhớ… (xin xem lại tài liệu huấn luyện giáo lý viên, năm 2008).
3.2.2. Làm thế nào để tìm kiếm một ngôn ngữ giáo lý thích hợp trong bối cảnh xã hội Việt nam hôm nay?

Khoa dạy giáo lý có bổn phận thiết yếu là phải tìm ngôn ngữ thích hợp với trẻ nhỏ và thanh niên của thời đại ta nói chung và cho rất nhiều lớp người khác: ngôn ngữ của sinh viên, của người trí thức, của nhà khoa học; ngôn ngữ của người không biết chữ hoặc người có văn hoá thấp, ngôn ngữ của người bất túc .v.v… Trong việc dạy giáo lý cũng như trong thần học, vấn đề ngôn ngữ chắc chắn là vấn đề cốt yếu. (CT 59). Tại Việt nam, người công giáo chỉ chiếm 7%. Giáo lý công giáo xem ra còn rất xa lạ với 93% số nguời còn lại. Ngôn ngữ trong giáo lý rất khó hiểu đối với những người muốn tìm hiểu đạo, nhất là các dự tòng, khi họ không được giải thích đúng đắn và đầy đủ. Việc việt hoá ngôn ngữ nhà đạo và việc các giáo lý viên cần phải hiểu chính xác để cắt nghĩa những từ ngữ khó là điều cấp thiết. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là khoa dạy giáo lý không thể chấp nhận một ngôn ngữ, bất luận vì duyên cớ gì, dù nói là khoa học, có kết quả làm biến chất nội dung đức tin. Chính vì thế, hiện nay đang có một tổ biên soạn từ vị công giáo Việt Nam trong Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin toàn quốc nhằm nghiên cứu và định nghĩa các từ ngữ khó này.
3.2.3. Phải vận dụng các phương tiện mới mẻ để truyền thông sứ điệp như thế nào ?

Các phương tiện này rất đa dạng:Truyền hình, truyền thanh, báo chí, thư từ, băng đĩa ghi âm, ghi hình, dĩa lưu trữ dữ liệu (CDRom), mọi lãnh vực nghe nhìn. (Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý, số 160 – 162) (CT 46). Vào ngày 25 tháng 11 năm 2008 vừa qua, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng đã tuyên bố trong một sứ điệp gửi đến Đức Ông Gianfranco RAVASI, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá vào dịp hội nghị lần thứ 13 hằng năm của Hàn lâm viện Giáo Hoàng rằng: “Người Kitô hữu phải biết thông truyền đức tin của họ qua ngôn ngữ của những hình ảnh và biểu tượng”. Phải công nhận rằng có nhiều nơi tại Việt Nam hiện nay, việc tổ chức các lớp giáo lý còn rất sơ sài như thiếu nhân sự, không có phòng học, bảng viết, tài liệu, hình ảnh, âm thanh, phim truyện giáo dục, vi tính, máy phóng chiếu, các dụng cụ để minh hoạ. Từ những thiếu thốn trên, cộng thêm bầu khí ồn ào chung quanh lớp học và khả năng yếu kém nhiều mặt của giáo lý viên, đã dẫn đến sự buồn tẻ, chán ngán nơi các học viên trong sinh hoạt giáo lý và những hệ quả tiêu cực về chất lượng học tập cũng như tinh thần sống đạo. Nói tóm lại, công việc của giáo lý viên là rất quan trọng và nặng nề. Chính vì thế, họ cần phải được đào tạo đúng mức và được nâng đỡ tinh thần để chu toàn trọng trách mà Hội Thánh trao phó. Về phần mình, giáo xứ, gia đình, các hội đoàn và các thành phần khác có thể làm được gì để hỗ trợ cho các giáo lý viên? Đó là nội dung mà chúng ta sẽ tiếp tục bàn tới.

(Sưu Tầm)